Trái tim luôn muốn được trải nghiệm, muốn được chạm nhiều điểm chạm nhất. Nhưng trái tim cũng thật yếu đuối, trái tim bị chịu ảnh hưởng của tâm trí, tâm trí có rất nhiều lý lẽ để chi phối trái tim.
Đầu nặng trịu về tình hình kinh doanh không tốt, một áp lực không hề dễ chịu. Nhưng tôi biết tình trạng đó không kéo dài, nó xảy ra bởi nguyên nhân khách quan, là tình hình chung của toàn xã hội.
Nó không kéo dài, nó sẽ qua đi. Nhưng nó vẫn có một quãng thời gian tồn tại và gây ảnh hưởng. Để tồn tại, tôi phải sống qua thời gian tồn tại và gây ảnh hưởng của nó.
Vậy thời gian tồn tại của nó là bao lâu? Chẳng có câu trả lời chính xác. Có thể nó tồn tại mãi, tôi thích nghi được với nó thì cũng coi như nó đã qua đi. Hoặc có thể nó "biến mất" và mọi thứ trở lại như cũ. Trong bất cứ trường hợp nào tôi cũng cần phải tồn tại và tốt hơn.
Một kế hoạch để tồn tại trong nó và một kế hoạch để phát triển sau nó là một sự chuẩn bị cần thiết và bắt buộc.
Mọi thứ đều bắt đầu bằng điểm chạm. Để hiểu, để có cách ứng phó ta cần chạm đến đối tượng đó. Chẳng có một cách nào khác cả. Ta phải chạm, phải tiếp xúc nhiều nhất, sâu nhất có thể. Ta phải dùng tất cả mọi giác quan của chính ta để cảm nhận.
Các giác quan bên ngoài như xúc giác, thính giác, vị giác, thị giác, khứu giác đều cần được chạm tới đối tượng. Các giác quan bên ngoài đó đóng vai trò thu thập dữ liệu để đưa vào các giác quan bên trong.
Các giác quan bên trong đóng vai trò xử lý, phân tính, cảm nhận và ra quyết định. Các giác quan bên trong ta chính là trái tim và tâm trí.
Tâm trí gồm kinh nghiệm, trí tuệ, tâm trí là tấm gương soi chiếu. Các dữ liệu mà các giác quan bên ngoài đưa vào được tâm trí mổ xẻ, phân tích, quan sát dưới mọi góc độ.
Trái tim sẽ đóng vai trò nhận định, cảm nhận và đưa ra quyết định dựa vào sự cố vấn của tâm trí.
Trong mọi trường hợp, việc tao ra được nhiều điểm chạm rất quan trọng. Tuy nhiên, tâm trí rất lười biếng. Tâm trí luôn muốn nghỉ ngơi, luôn muốn tiết kiệm sức lực. Và tâm trí đã ngụy trang sự lười biếng của mình bằng cái gọi là trí thông minh. Tâm trí bảo hãy chọn những điểm chạm cốt yếu mà thôi, hãy chọn ra điểm chạm quan trọng nhất với ít giác quan sử dụng nhất. Không đủ thời gian, không đủ nguồn lực để tiếp cận nhiều điểm chạm đến thế đâu. Tâm trí bảo rằng hãy thông minh.
Trái tim thì khác. Trái tim làm việc chăm chỉ, và gần như không nghỉ ngơi. Trái tim muốn cảm nhận mọi thứ, trái tim luôn muốn đưa ra quyết định đúng. Trái tim luôn muốn được trải nghiệm, muốn được chạm nhiều điểm chạm nhất. Nhưng trái tim cũng thật yếu đuối, trái tim bị chịu ảnh hưởng của tâm trí, tâm trí có rất nhiều lý lẽ để chi phối trái tim.
Tâm trí không xấu xa. Tâm trí làm vậy để bảo vệ ta khỏi sự nguy hiểm và rủi ro. Nhưng không phải thế giới chỉ toàn rủi ro và nguy hiểm. Thế giới còn có rất nhiều điều tốt và cơ hội.
Ta chỉ cần cho tâm trí hiểu rằng: để tồn tại và phát triển thì tâm trí phải đối diện và vượt qua hiểm nguy và rủi ro. Chính hiểm nguy và rủi ro mới giúp tâm trí phát triển. Tâm trí có sức mạnh lớn lao và sức mạnh lớn lao đó có vai trò hỗ trợ trái tim, đồng lòng cùng với trái tim.
Tâm trí là đôi chân, trái tim là đôi mắt. Khi đôi chân đi theo sự chỉ dẫn của đôi mắt thì ta sẽ có hành trình trải nghiệm tuyệt vời.