Điểm cân bằng
Tới giờ mình mới nhận ra được một điều rằng điểm cân bằng là thứ nằm ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống....
Tới giờ mình mới nhận ra được một điều rằng điểm cân bằng là thứ nằm ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Có thể bạn đã từng nghe tới việc cân bằng giữa công việc và gia đình, giữa tình yêu và sự nghiệp,...
Nhưng tại sao cái điểm cân bằng đấy thường không dễ để đạt được. Hoặc nếu có cũng phải cần rất nhiều điều kiện mới hình thành.
Lý do là bởi vị trí cân bằng đấy sẽ chỉ xảy ra khi mỗi vế đã được cân bằng, chứ không phải 2 vế cân bằng nhau.
Nó không phải công thức 50 công việc và 50 gia đình. Mà nó là 100 công việc và 100 gia đình.
Chỉ riêng nói tới khía cạnh công việc đã có danh sách trải dài các điểm cần cân bằng như sếp và đồng nghiệp, hiệu suất và sự yêu quý, độc lập và đội nhóm,...
Tức là nếu chúng ta hướng tới điểm cân bằng cuối cùng là công việc và gia đình thì rất dễ bị áp lực, căng thẳng, rối loạn cảm xúc.
Bởi vì chúng ta đang gom tất cả lại thành 1 vấn đề trong khi nó có tới xx vấn đề cần giải quyết trước khi đi tới bước cuối đó. Đấy là mình chưa kể vế phía gia đình.
Nhưng có lẽ vấn đề này chưa bao giờ được nói ra bởi vì chúng ta nghĩ rằng là có mỗi 1 vấn đề không giải quyết được thì làm gì được.
Ai hiểu cho ta?
Những người ở trên công ty, những người ở gia đình họ cũng đều xem điểm cân bằng cuối cùng đó là 1 vấn đề. Thành ra rất dễ cho rằng người kia họ không dành thời gian, không quan tâm, không cống hiến cho mình.
Ai cũng có gánh nặng và xem rằng vấn đề của mình sẽ được giải quyết khi người kia họ thay đổi. Và ai cũng đều nghĩ như vậy.
Ai sai?
Với mình thì không ai sai cả, chỉ là xã hội này quá bận rộn, việc gì cũng cần hoàn thành nhanh chóng. Chúng ta không còn đủ kiên nhẫn để ngồi lại trò chuyện hiểu rõ được cốt lõi vấn đề nằm ở đâu.
Có lẽ đã tạo nên một nơi ai không chịu được thì đi về :))
Vấn đề trước hết mà mình có thể làm đó là chia sẻ thẳng thắn với những người mà mình tiếp xúc. Ví dụ mình đang gặp những vấn đề như vậy, mình đang không đủ thời gian vì vậy, mình cần sự giúp đỡ từ người kia,...
Cởi mở là một vấn đề cực kỳ khó bởi vì cần hạ cái tôi, cần thừa nhận bản thân mình chưa đủ giỏi, cần thể hiện điểm yếu của mình,...
Ở một diễn biến tốt thì người kia cũng sẽ chia sẻ những khó khăn của họ rồi cả 2 cùng tìm ra giải pháp chung thay đổi cải thiện dần dần.
Nhưng có thể dẫn đến trường hợp người kia không đủ kiên nhẫn, không muốn lắng nghe, muốn đổ lỗi, không muốn cùng tìm giải pháp,... thì vẫn không sao nha.
Thứ nhất là mình đã dũng cảm nói ra, thì cũng đã phần nào bớt được nhiều suy nghĩ. Thứ hai là mình cũng hiểu được là chưa cần ưu tiên tìm điểm cân bằng với người kia tại thời điểm hiện tại vì nỗ lực từ một phía không dễ. Không phải là từ bỏ nha, mà mình sẽ ưu tiên các điểm cân bằng khác trước sau rồi quay lại với họ sau.
Ok. Giờ làm thế nào để tìm được điểm cân bằng ở các vấn đề?
Có một điều mà mình nhận ra được khi đọc cuốn “Hiểu về trái tim” của thầy Minh Niệm là tất cả các vấn đề đều có 2 mặt, nhưng 2 mặt đó đều luôn xuất hiện cùng lúc chứ không có tốt hay xấu, đúng hay sai.
Chọn một công việc ổn định hay thử thách - Câu trả lời là đều cần cả 2 và không cần phải chọn vì công việc nào cũng có ổn định và thử thách miễn là mình muốn.
Tính thử thách giúp bản thân phát triển, phát huy khả năng sáng tạo. Đồng thời cũng cần tính ổn định để được nghỉ ngơi, bình ổn cảm xúc.
Chọn cuộc sống bình yên hay theo đuổi giá trị xã hội - Vẫn là đều cần cả 2.
Chúng ta bảo thích cuộc sống bình yên, nhưng khi bảo chỉ ăn cơm canh đạm bạc qua bữa thì không dễ gì chịu. Khi chúng ta đã từng tiếp xúc với những thứ tốt hơn thì dù mong cầu ít thì cũng cần một cuộc sống dễ chịu, thoải mái.
Chọn đi chữa lành hay chịu đựng để vượt qua khó khăn - Vẫn vậy.
Tất cả 2 mặt đều cần thiết để chúng ta học, để phát triển, để biết đâu là điểm cân bằng riêng có của mỗi người.
Có một câu mà mình nhớ trong 1 cuốn sách là: “Sẽ có lúc chúng ta trở thành phiên bản từng không muốn”
Chưa cần bao xa, chỉ cần nhìn lại mình 3-4 năm trước thì đã từng có những suy nghĩ, những quan điểm, những hành động mà không nghĩ đó là mình.
Như chuyện sau này sẽ chỉ trồng rau hữu cơ ăn qua ngày thì giờ cái đấy không còn trong đầu nữa chứ đừng nói là suy nghĩ :))
Chúng ta thường đánh giá thấp khả năng thay đổi của bản thân theo thời gian.
“Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” - Thực sự đây cũng chỉ là niềm tin và quan điểm chứ không phải là sự thật. Đôi khi những điều chúng ta tin nó sẽ hình thành suy nghĩ và hành động, rồi những thứ đó lại quay ngược lại củng cố niềm tin.
“Mặt trời chiếu sáng trái đất, mặt trăng quay quanh mặt trời” - Đây mới là sự thật. Còn lại những gì chúng ta đang nghĩ về xã hội, về tương tác giữa người với người đều chỉ mang yếu tố cá nhân và văn hóa.
Điều nghịch lý là khi chúng ta quá yêu thích một điều gì đó như sự bình yên, hạnh phúc, ổn định, niềm vui. Thì cũng là lúc chúng ta đang nghiêng hẳn về 1 phía, thành ra không còn điểm cân bằng vốn có nữa.
Khi không nằm điểm cân bằng đó thì dù chúng ta có đang bình yên thì cảm xúc rất dễ nổi giận, cáu gắt, mong cầu sự hoàn hảo từ xung quanh,...
Đấy có lẽ là điểm mù của khái niệm cân bằng. Cân bằng không phải về tới điểm đó chúng ta sẽ vui sướng, thỏa mãn.
Mà là ở điểm cân bằng đó chúng ta đã học được cách ôm lấy cả những nỗi buồn, niềm vui, cả những khó khăn, sự thuận lợi. Không đánh giá, không phán xét mà chỉ đơn giản là quan sát những gì đang xảy ra và học hỏi.
Hoặc có lẽ chúng ta không cần đi tìm điều gì nữa vì mọi thứ đã cân bằng rồi.
Hy vọng bạn có được điểm cân bằng riêng mình.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.
Bạn đọc thêm bài viết khác của mình ở đây nha:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất