Điểm Một trong cuộc đời
Thất bại trong học tập thì dễ đo lường bằng điểm số, vậy thất bại trong cuộc đời thì sao? Bạn thích nhận điểm 5,...
Thất bại trong học tập thì dễ đo lường bằng điểm số, vậy thất bại trong cuộc đời thì sao? Bạn thích nhận điểm 5, 6 mãi không?
Con ngoan trò giỏi
Từ nhỏ đến lớn, sinh trưởng trong một gia đình ở nông thôn (nói là nông thôn nhưng điện nước đầy đủ cả) vùng đồng bằng Bắc Bộ, mình là con út, có nhiều điều kiện học tập và cũng có vẻ là có thành tích học tập sáng nhất trong số mấy chị em, lúc nào cũng trong top đầu của lớp, cho đến cuối những năm cấp 2.
Cuối lớp 9, mình thi đỗ vào trường chuyên Khoa học tự nhiên, vì lịch thi ở Hà Nội sớm hơn lịch thi ở tỉnh mình, nên mình có kết quả sớm và ... đỗ. Cuộc sống cho đến thời điểm này thì đều tốt đẹp, mọi chuyện đều xoay quanh việc học hành của mình, mình luôn là con ngoan trò giỏi, lớp trưởng gương mẫu, hiếm khi phải để cho bố mẹ lo lắng điều gì.
Sau khi có kết quả đỗ chuyên ở Hà Nội, vì mình có 2 điểm 9 môn toán (bài thi chung và bài thi chuyên), thầy giáo chủ nhiệm bộ môn toán (sau này là thầy chủ nhiệm 3 năm cấp 3 của mình) đã gọi điện thoại cho bố và muốn bố sắp xếp cho mình đi học trước, với lý do là “nhà trường muốn ôn luyện cho các em có thành tích đầu vào tốt để sớm phát triển cho các đội tuyển sau này”. Không chỉ có gia đình mình nhận được cuộc gọi, mà có lẽ tầm 30 đứa khác cũng được thông báo vậy. Bố, vốn là một người có tính sĩ diện cao và luôn thích khoe, đã kể về điểm thi cũng như cuộc gọi này của thầy giáo cho tất cả mọi người quen, từ cô dì, chú bác đến tất cả hàng xóm. Và cũng vì đã quen với điều này từ bé đến lớn, trong đầu mình lúc nào cũng suy nghĩ rằng bản thân là một người đặc biệt, mình không hề kiêu căng nhưng mình chỉ nghĩ thế thôi. Mình không trách móc bố về điều này, nhưng thực sự các chị em trong nhà đều không thích tính cách khoe khoang của bố chút nào. Mình nghĩ, tính cách này cũng ảnh hưởng đến mình nhiều.
Vốn là một người đầy trách nhiệm với con cái (chí ít là với mình, đứa con trai duy nhất của bố), bố đã không quản ngại chạy xe máy 45km đưa mình đến trường học sớm, đợi mình học xong 4-5h đồng hồ rồi 2 bố con lại đi về. Mình vẫn còn nhớ khoảnh khắc bước ra khỏi cổng trường và bố thì ngồi đó đợi, buổi trưa trời nắng, 2 bố con lại lên xe đi về nhà cách đó 45km. Lý do khiến mình nhớ mãi khoảnh khắc đó là bởi vì, mình chẳng thu được một tí kiến thức nào từ buổi học vừa rồi, mình không hiểu bài. Do đó, mình cảm thấy có lỗi với bố, làm mất công chờ đợi của bố. Một thời gian ngắn sau đó, mình ở nhờ nhà chú ruột và cuộc sống tại Hà Nội bắt đầu từ đây.
Điểm 1 ở trường học
Là một con ngoan trò giỏi không quá khó đối với mình. Nhưng mình chỉ dừng lại ở đó, chỉ làm được các bài toán trong sách nâng cao sau khi đã xem lời giải và hiểu được khuôn mẫu để giải được các bài toán tương tự. Nhưng ở môi trường mới này, vậy thôi là chưa đủ. Năng lực không đi bắt kịp với kỳ vọng quả là khổ. Mình vẫn còn nhớ các bài toán hình học mà chỉ có thể tìm ra lời giải bằng cách kẻ thêm hình, chúng nó đã làm mình vất vả và hoang mang ra sao. Nhưng những học sinh ở Hà Nội lại có thể bắt kịp nhanh với những bài toán như thế và giải chúng rất ngon lành. Sau này mình mới phát hiện ra rằng, trước khi thi vào chuyên, những “thần đồng” đó đều đã học thêm, qua tay các giáo viên trong chính trường chuyên này. Khi các thầy gặp và đào tạo chúng nó từ năm lớp 8, lớp 9; thì các thầy chỉ nhớ tên mình khi đã lên lớp 11 vì đã đi photo tài liệu cho lớp quá nhiều lần.
Trở lại với quãng thời gian “học” đội tuyển, mỗi lần cầm tiền triệu đi đóng học cho từng tháng là mình đều thấy tiếc đứt ruột, tiếc cho công lao bỏ ra của bố mẹ mà mình thì chẳng thể thấm vào đầu những kiến thức đó. Mình nghĩ mình là một học sinh gương mẫu bị nhầm thành một học sinh giỏi.
Tất cả chỉ kết thúc khi kỳ thi khảo sát đội tuyển bắt đầu, từng là một học sinh có khả năng cạnh tranh tốt ở đội tuyển huyện nhà, đến khi ra thành phố lớn thì mình tịt ngóm. Kết quả, mình được điểm 1. Ở thời điểm hiện tại suy nghĩ lại, mình thấy không có lý do gì mà mình nên buồn cả, nhưng lúc ấy, có rất nhiều lý do để mình buồn. Kỳ vọng từ gia đình, kỳ vọng huyễn hoặc từ bản thân, sống xa nhà mà nhận “nỗi shock quá lớn”. Tối hôm đó, mình gọi điện cho bố, đứng ngoài ban công ký túc xá, mình đã khóc. Đây là một kỷ niệm mình không thể quên vì nó là 1 trong 3 lần mình khóc mà mình nhớ nhất. (Lần đầu là do phải rửa quá nhiều bát mà mình khóc - năm lớp 7; lần còn lại là mình chia tay mối tình đầu tiên - năm 2 đại học, đây cũng là một câu chuyện hay, mình sẽ kể sau).
Cuộc sống quá an toàn
Sau điểm 1 đầu đời ấy, mình thôi học đội tuyển. Cũng chính mùa hè năm lớp 10 ấy, mình bắt tay vào học IELTS và tìm ra một chân trời mới, đó là tiếng Anh. Trong cái rủi có cái may, nhờ sớm nhận ra mình không đủ mạnh để theo đội tuyển nên đã sớm từ bỏ, từ đó có cơ hội tập trung hơn vào môn tiếng Anh.
Đến thời điểm này, vì vẫn là tuýp người sống quá an toàn nên kĩ năng né “thất bại” của mình đã trở thành thần sầu. Mình không thể kể được một thất bại lớn nào cả, vì đã luôn chủ động lảng tránh chúng. Không có thất bại, đối với mình, có nghĩa là đã thành công trong việc sống một cuộc đời thường thường, không có gì nổi bật và đồng nghĩa với không có thành tựu. Đúng vậy đấy, sau tất cả thì trong quá trình lớn lên, mình đã luôn tin vào bản thân là “không được bình thường”, tự xỉ vả mình thì chính là “bình thường là tầm thường”. Không có thất bại cũng đồng nghĩa với việc không làm gì cả.
Nếu điểm 1 trong trường học là thước đo cho thất bại của thời học sinh, thì thất bại đối với cách sống ưa an toàn khó đo lường hơn nhiều. Để qua các môn trên đại học thì chỉ cần học trước kỳ thi 3 ngày thì sẽ có thể được điểm B, C để qua môn, nếu muốn điểm A thì dùng “kĩ nghệ xã hội” để cùng team với các cao nhân. Ở môi trường công sở (business world), thì chỉ cần lễ phép với sếp, chào xã giao với đồng nghiệp là có thể tồn tại. Hàng ngày mình vẫn nhận những điểm 5 điểm 6 từ cuộc đời như thế. Nhưng bình thường nghĩa là tầm thường, có thể mình phần nào bị các phương tiện truyền thông tiêm nhiễm vào đầu hình ảnh bóng loáng của thành công, của start-up, của các bạn trẻ đi 5 châu 4 bể. Nhưng trong thâm tâm của mình, cũng đã có mục tiêu của cuộc đời, đó là “Giúp đỡ và mang lại niềm vui cho những người mình yêu thương và quan tâm”.
Đến lúc này, khi đã có một chút lớn lên trong tư duy, mình muốn nói với cuộc sống: Cuộc sống ơi, hãy nhanh cho tôi điểm 1 để tôi biết rằng mình đang đi sai và sớm bắt đầu lại.
Background
Người viết: Jason
Tuổi: 23
Nghề nghiệp: Kỹ sư cầu nối (đại khái là liên quan đến gia công phần mềm)
Tạm trú: Tokyo, Nhật Bản
Tính cách: Thích đọc sách, sợ cô đơn (dù đang hàng ngày làm mọi thứ một mình), thích học hỏi và thích ... tiền.
Và đây là chia sẻ đầu tiên của mình trên Spiderum
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất