Sao tôi có thể sống tiếp mà không có anh ấy? Không có cô ấy, tôi là ai? Liệu chúng ta có cơ hội cứu vớt cuộc tình này? Làm thế nào để tôi quên hết mọi thứ về con người đấy?
Đây có lẽ chính là chuỗi câu hỏi đóng chiếm tâm trí những kẻ-thất-tình, những kẻ từng hạnh phúc với một người vốn dĩ xa lạ, những kẻ từng vẽ mọi viễn cảnh đẹp đẽ nhất có thể xảy ra với tình yêu mà họ đã sở hữu. Hậu đổ vỡ, tất cả những gì tôi, bạn hay bất cứ ai có thể cảm nhận là đau đớn và thống khổ. Cái khổ trong tâm, cái khổ tự thân, cái khổ mà càng vùng vẫy ta lại càng bị trói chặt. Phim ảnh đã khắc họa vô vàn chân dung của những kẻ thất tình lang thang trong các cửa hàng tiện lợi lúc nửa đêm, vạ vật ở những quán rượu vắng vẻ, ngồi bó gối thút thít trong một xó xỉnh tăm tối nào đó giữa đô thị rộng lớn. Tất cả đều là cách thể hiện về mặt hình ảnh của trạng thái tâm lý khổ đau.
Sự chia ly đau đớn đẩy chúng ta đến một mong cầu bản năng: Xóa ký ức. Nếu không thể ở bên, không có tương lai thì thà rằng đừng gặp gỡ, đừng quen biết. Nếu bất hạnh đến thế thì thà rằng đừng hạnh phúc. Tôi đã không còn xa lạ gì với cảnh tượng những người bạn của mình, hay đôi khi là chính tôi, nốc đến cạn những chai rượu nồng mùi cồn. Thứ chất lỏng ấy đối với những kẻ thất tình chẳng có tác dụng gì ngoài việc kiến tạo sự mất trí nhớ tạm thời. Một đêm say khướt là một đêm không phải nhớ, không phải nghĩ ngợi về cái sự tình vốn chẳng thể cứu vãn. Tàn phá lá gan để cứu chữa trái tim vốn là việc mà những người trẻ lỡ biết yêu thường làm. 
Những kẻ thất tình đến mất trí đôi khi cũng có vài phút giây vừa đủ tỉnh táo để hiểu sự cấp thiết của việc hiện thực hóa suy nghĩ “phải quên”. Thế là những bức ảnh tràn đầy niềm hạnh phúc được gom góp lại để rồi tan biến như làn khói chỉ bởi một mồi lửa châm thuốc. Tình yêu đã cháy hết hay chưa? Cả chiếc áo đôi còn vương mùi da thịt, đôi giày mòn gót, vài ba thỏi son màu máu, tất cả những biểu hiện vật chất của kỉ niệm vô hình vô ảnh đều được vận chuyển trực tiếp vào nhà kho hay một tiệm đồ cũ nào đó nếu chủ nhân của chúng cần vài đồng bạc lẻ cho ly rượu đêm đó. 
Những kẻ quyết tâm quên, nỗ lực để quên hóa ra lại là những kẻ yếu đuối. Vì không mang nổi nỗi đau nên mới tìm mọi cách cắt bỏ. Phim điện ảnh Eternal Sunshine Of Spotless Mind có lẽ là bộ phim về tình yêu ám ảnh nhất tôi từng xem. Tôi từng tự hỏi sao đạo diễn lại nhồi nhét vào vỏn vẹn 2 tiếng chiếu phim quá nhiều tầng bậc thương đau ái tình đến thế. Nữ chính Clementine được khắc họa là một cô nàng trẻ dại, nghịch ngợm, bồng bột và dễ kích động. Sau khi chia tay Joel, Clementine đã tìm đến một phòng khám tâm lý với mục đích sử dụng dịch vụ xóa ký ức có chọn lọc. Cô gái có sở thích nhuộm tóc theo màu tâm trạng lựa chọn ký vào giấy cam kết thực hiện liệu trình xóa toàn bộ tệp lưu trữ ký ức liên quan đến người yêu. Một phương pháp y khoa tác động lên cơ thể sẽ đem đến những tác dụng phụ tất yếu. Nhưng khi nỗi đau tinh thần đã quá lớn thì nỗi đau thể xác có chăng lại là một cách ve vuốt, an ủi. Cách nhanh nhất để vượt qua đổ vỡ là giả vờ như chưa từng xây đắp một thứ gì lành lặn. “Nếu có dịch vụ xóa ký ức này ngoài đời thực, có lẽ em cũng sẽ chọn lựa như Clementine”. Tôi đã từng nói như vậy khi xem xong bộ phim. Và ở thời điểm hiện tại, có lẽ tôi vẫn nghĩ như vậy. Vì cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa tìm được phương thức nào tốt hơn để bước qua một cuộc chia ly. 
Thuộc tính của con người là tự vệ, là bảo vệ bản thân khỏi đói khát, rét mướt, đau đớn. Đó là lý do cơ thể sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập của những vi khuẩn có hại, tay chân sẽ tự thu duỗi khi có ngoại lực tác động để tránh thương tổn và nước mắt tự trào ra để tâm hồn thôi khốn khổ. Không may thay, sự tan nát hậu chia tay cũng là một trong những nguyên do buộc con người phải giương giễu hàng rào tự vệ. Cách tự vệ nhanh chóng và cực đoan nhất chính là cưỡng ép bản thân phải quên. Nhưng quá trình lãng quên một cách tự nhiên không hề dễ dàng, nó đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian. Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry từng nói thế này: “Growing up is not the problem. Forgetting is”. Càng lớn, người ta càng có nhiều điều phải nhớ. Và càng nhớ nhiều, người ta càng khổ sở. Ký ức về những cuộc đổ vỡ cứ thế chất đống trong chiếc balo đè nặng trên lưng khiến mỗi bước đi đều nặng nề và khó nhọc. Vì thế, tôi nghĩ nếu dịch vụ xóa ký ức có thật ngoài đời chắc hẳn phải đắt hàng lắm. Người ta sẽ không ngần ngại chi trả để được quên. 
Tuy nhiên, phim điện ảnh Eternal Sunshine Of Spotless Mind lại kết thúc khi Clementine và Joel có cơ hội gặp gỡ và yêu lại từ đầu sau khi cả hai đã cùng sử dụng dịch vụ xóa ký ức. Hóa ra y học dù hiện đại đến đâu cũng chỉ có khả năng phân tích não bộ và xóa bộ nhớ trong các tế bào não. Nhưng con người khác với máy móc chính ở giữa lồng ngực trái. Trong cuốn “Sáu tỷ đường đến hạnh phúc”, tác giả từng thể hiện một quan điểm: Trái tim cũng có trí nhớ. Nó ghi nhớ bằng cảm xúc. Kể cả khi người ta mất đi trí nhớ, những cảm giác đã từng trải qua và được trái tim ghi chép cũng vẫn sẽ ở đó. Có lẽ, dịch vụ xóa ký ức mà tôi tưởng hữu hiệu lại không hiệu quả đến thế. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn chuyên chở những khối ký ức lớn nhỏ suốt cả cuộc đời. Hay nhớ mới chính là cách để quên?