Hồi năm nhất đại học, tôi đã từng đi gia sư và được tiếp xúc với rất nhiều học sinh. Đến với gia đình đầu tiên, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì mình được học sinh yêu quý. Sau mỗi bài kiểm tra trên lớp, cô bé ấy thường nhắn tin cho tôi: “Nhờ có chị mà hôm nay em được điểm cao. Em cảm ơn chị nhiều!”. Và mỗi khi nhận tin nhắn được sao chép đó, không hiểu sao tôi vẫn mỉm cười. Chắc vì lúc này tôi đơn thuần chỉ là một cô sinh viên thích được truyền dạy kiến thức, cảm thấy vui vì học sinh được điểm cao mà thôi.
Thế nhưng đến với gia đình thứ hai thì tôi thực sự lúng túng. Cậu anh lúc đó học lớp bảy còn cậu em học lớp ba, cả hai đều bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Những ngày đầu đi dạy đối với tôi như là cực hình, mỗi buổi kéo dài bốn tiếng đồng hồ đằng đẵng. Cậu anh chỉ tập trung học được năm mười phút, sau đó là chơi lego, rubik, kiến thức có nói bao nhiêu lần cậu ấy cũng không để tâm. Cậu em đang học thì đòi ăn tối, muốn ra ngồi chơi với anh, bò ra bàn, chạy ra bếp ôm lấy mẹ,…Nếu bạn học sinh đầu tiên tôi cảm thấy vui vẻ bao nhiêu thì đến hai bạn này tôi lại cảm thấy cáu bẳn bấy nhiêu. Và khi không thể chịu đựng được nữa, tôi đã nhiều lần gắt lên, thậm chí còn dọa nếu không học tử tế thì sẽ phạt cho nhớ. Bao trùm buổi học là không khí nặng nề, thậm chí cậu anh còn vùng lên nói không muốn học với tôi nữa.
Nguồn ảnh: bloganchoi
Nguồn ảnh: bloganchoi
Sau hôm đó, phụ huynh có trao đổi với tôi và tôi quyết tâm sẽ tìm ra giải pháp. Tôi hỏi về tình hình của hai em, tìm sách để đọc, lên mạng,… và bắt đầu vỡ lẽ. Thì ra, tôi đã sai…Tôi cứ nghĩ rằng đã học là phải nỗ lực để có được điểm cao, tôi luôn cho rằng phải nghiêm khắc thì trò mới tiến bộ, nhưng tôi không nhận ra điều quan trọng là mình chưa hiểu gì về hai em ấy. Từ hôm đó, khi dạy, tôi luôn nhìn vào ánh mắt của hai anh em để biết khi nào hai đứa tập trung, khi nào xao nhãng, nhìn vào cách viết để đoán biết lúc này mình có nên đặt câu hỏi để thay đổi bầu không khí hay không? Tôi thay đổi dần dần, tôi khen hai bạn ấy nhiều hơn, động viên khi các em cố gắng, hẹn trao thưởng nếu các em tiến bộ. Tôi thường mở đầu buổi dạy bằng những câu hỏi rất giản đơn: Hôm nay hai anh em ở lớp có việc gì vui không?, và kết thúc bằng câu hỏi: “Các em cảm thấy thế nào?”. Và thế là các bạn ấy ngày càng mong chờ đến buổi tôi dạy, tích cực hơn khi học bài.
Lắng nghe, quan sát từng biểu cảm của học sinh có lẽ là bài học về “dịch thuật” đầu tiên trên con đường giảng dạy của tôi. Bây giờ, khi đã là một giáo viên đứng lớp, tôi vẫn luôn nhìn vào ánh mắt của học sinh để đoán xem liệu chúng có hiểu bài, vẫn luôn tìm kiếm những cánh tay rụt rè để mời học sinh thể hiện quan điểm, tôi đoán biết đâu đó sau những ngày đi học muộn của chúng là biết bao tổn thương dai dẳng,..Quát mắng, gắt gỏng và sát phạt với người khác là điều ai cũng có thể bộc lộ khi nóng giận, nhưng để kiên trì lắng nghe, nhìn vào ánh mắt của học sinh và thấy ở chúng cả một bầu trời xanh trong là điều mà giáo viên nào cũng cần cố gắng. Có lẽ, đây không phải là bài học trong công việc, mà còn là bài học lớn trong cuộc đời của mỗi chúng ta..