[Dịch nháp] Emil Cioran - Niềm đam mê cái Phi Lý
Chẳng cần phải bàn cãi. Liệu có bất kỳ ai đã chạm đến giới hạn còn bận tâm đến những tranh luận, những nguyên nhân, kết quả, hay suy...
Chẳng cần phải bàn cãi. Liệu có bất kỳ ai đã chạm đến giới hạn còn bận tâm đến những tranh luận, những nguyên nhân, kết quả, hay suy xét đạo đức v.v.? Tất nhiên là không. Đối với một người như thế, lẽ sống của họ chính là không có lẽ sống. Trên tột cùng của tuyệt vọng, niềm đam mê cái phi lý là thứ duy nhất soi rọi thứ ánh sáng của quỷ dữ trong hỗn loạn. Khi tất cả những lý lẽ hiện thời – đạo đức, mỹ học, tôn giáo, hay xã hội v.v. – không thể dẫn lối cho cuộc đời của một con người, liệu anh ta có thể sống tiếp mà không quỳ gối trước hư vô? Chỉ bằng mối liên hệ với cái phi lý, bằng tình yêu với thứ hoàn toàn vô dụng, yêu một thứ không thực chất mà chính nó lại mô phỏng thứ ảo ảnh về cuộc đời này.
Tôi sống vì những ngọn núi không cười và những con sâu không hát. Niềm đam mê cái phi lí chỉ có thể nhen nhóm trong một kẻ đã hoàn toàn kiệt quệ nhưng vẫn có khả năng trải qua những cuộc biến đổi phi thường. Đối với một kẻ đã mất tất cả, anh ta chẳng còn gì trong cuộc đời ngoài niềm đam mê cái phi lý. Liệu còn gì trong cuộc sống có thể khiến một người như vậy rung động hay không? Liệu còn thứ gì quyến rũ nổi anh ta không? Có người nói: hi sinh thân mình vì nhân loại, vì lợi ích chung, vì lòng tôn thờ cái đẹp v.v. Tôi chỉ thích những kẻ không màng đến những thứ ấy – ngay cả chỉ trong một thời gian ngắn. Chỉ có họ mới sống với một thái độ tuyệt đối. Chỉ có họ mới có quyền nói về cuộc đời. Anh có thể tìm lại tình yêu hay lòng thanh thản. Nhưng đó là khi anh tìm lại nó bằng dũng khí chứ không phải bằng sự ngu dốt. Tồn tại mà không ẩn trong mình cái điên rồ ghê gớm là một sự tồn tại vô giá trị. Liệu đó có khác gì sự tồn tại của một cục đá, một mẩu gỗ, hay một thứ mục ruỗng nào đó? Nhưng tôi muốn nói rằng: anh phải che giấu cái điên rồ ghê gớm để mong muốn trở thành gỗ đá hay mục nát. Chỉ khi anh nếm đủ mọi vị ngọt của thứ thuốc độc từ niềm phi lý anh mới hoàn toàn được thanh tẩy, vì chỉ khi đó anh mới đẩy biểu cảm cự tuyệt lên đến tận cùng. Và chẳng phải tận cùng của mọi biểu cảm điều phi lý đó sao?
CÓ NHỮNG NGƯỜI mà số phận đã định sẵn chỉ có thể nếm trải thứ thuốc độc trong vạn vật, đối với họ mọi bất ngờ đều là một bất ngờ đau đớn và mọi trải nghiệm đều là nguyên cớ cho nỗi giày vò. Nếu ai đó bảo tôi rằng nỗi khổ ấy mang trong mình những lý do chủ quan, liên quan đến bản chất cụ thể của mỗi cá nhân, tôi sẽ hỏi rằng; Liệu có một chuẩn mực khách quan nào để đánh giá nỗi đau chăng? Liệu có ai có thể nói chính xác rằng hàng xóm của tôi đau khổ hơn tôi hay Jesus đau khổ hơn tất cả chúng ta? Chẳng có một chuẩn mực khách quan nào vì chúng ta không thể đo đếm nỗi đau dựa trên kích thích bên ngoài hay khó chịu cục bộ của cơ thể, mà chỉ có thể dựa trên cách nó được cảm nhận và phản chiếu trong ý thức. Hỡi ôi, từ quan điểm này, chuyện phân chia cấp độ là điều bất khả. Mỗi người đều ôm ấp nỗi đau của chính hắn, thứ hắn tin là tuyệt đối và vô tận. Liệu chúng ta có thể khiến nỗi đau của mình vơi đi bao nhiêu phần nếu chúng ta so sánh nó với mọi nỗi đau trên đời, với những nỗi thống khổ kinh hoàng nhất và những nỗi giày vò phức tạp nhất, với những cái chết thảm khốc nhất và những sự phản bội đau đớn nhất, với tất cả những kẻ phong cùi, những kẻ bị thiêu sống hay bỏ đói đến chết? Chẳng ai có thể thấy được an ủi trong nỗi đau của hắn bằng suy nghĩ chúng ta đều là người trần mắt thịt, hay chẳng ai đang đau khổ có thể thực sự tìm niềm an ủi trong nỗi đau của hiện tại và quá khứ cửa kẻ khác. Vì trong thế giới vốn đã thiếu thốn và rời rạc này, cá nhân phải sống trọn vẹn, mong muốn biến sự tồn tại của mình thành điều tuyệt đối. Mỗi hiện hữu chủ quan đều tuyệt đối với chính nó. Vì lý do này mỗi người sống như thể anh ta là trung tâm của vũ trụ hoặc trung tâm của lịch sử. Vậy sao nỗi đau của anh ta không thể là tuyệt đối? Tôi không thể hiểu nỗi đau của kẻ khác để vơi bớt nỗi đau của mình. So sánh trong những trường hợp này là không thoả đáng, vì nỗi đau là một trạng thái nội tâm mà ngoại giới không thể giúp gì.
Tuy nhiên có một lợi thế rất lớn trong sự cô độc của nỗi đau. Liệu điều gì sẽ xảy ra nếu khuôn mặt một người có thể lột tả trọn vẹn nỗi đau của anh ta, nếu toàn bộ nỗi thống khổ nội tâm của anh ta được cụ thể hoá trên từng nét mặt? Liệu chúng ta còn giao tiếp nổi nữa không? Rồi chúng ta sẽ vừa che mặt vừa nói chuyện chăng? Cuộc sống sẽ khó khăn biết nhường nào nếu những xúc cảm vô tận chúng ta giữ trong mình được lột tả toàn bộ trên từng đường nét khuôn mặt chúng ta.
Chẳng ai sẽ dám nhìn bản thân mình trong gương, vì một hình dung gớm ghiếc, thảm hại hoà trộn trong những đường nét khuôn mặt của hắn với những vết nhơ và những vệt máu, những vết thương không thể lành và những dòng nước mắt không thể ngừng trôi. Và tôi sẽ cảm thấy một nỗi kính sợ đầy khoái lạc nếu tôi có thể nhìn thấy ngọn núi lửa phun trào dòng máu đỏ như ngọn lửa và thiêu đốt như nỗi tuyệt vọng, phụt lên giữa những ấm êm và hoà hợp giả tạo giữa đời thường, hoặc giả như tôi có thể nhìn thấy mọi vết thương giấu kín của chúng ta chợt mở ra, biến chúng ta thành dòng máu phun trào mãi mãi. Chỉ khi đó chúng ta mới thực sự hiểu và trân trọng lợi thế của cô độc, thứ đưa những khổ đau của chúng ta vào im lặng và khiến nó trở thành thứ không thể chạm tới. Thứ nọc độc lấy ra từ nỗi đau của chúng ta đủ để đầu độc cả thế giới này trong một dòng máu phun trào, phụt lên từ ngọn núi lửa hiện hữu của chúng ta. Có thật nhiều nọc độc, thật nhiều thuốc độc trong nỗi đau!
CÔ ĐỘC ĐÍCH THỰC là cảm giác bị cô lập tuyệt đối giữa đất trời. Chẳng gì có thể khiến anh ngoảnh mặt trước hiện tượng cô lập tuyệt đối: trực giác tỉnh táo đầy ghê rợn sẽ vén màn toàn bộ tấn kịch về bản chất hữu hạn của con người trước cái trống rỗng vô hạn của thế giới. Độc bước - một trải nghiệm đầy phong phú mà cũng vô cùng nguy hiểm với đời sống nội tâm - phải diễn ra theo cái cách mà không gì có thể ngăn cản niềm suy tưởng trong đơn độc về sự cô lập của con người trên đời này. Độc bước tạo điều kiện cho quá trình nội tâm hoá mãnh liệt đặc biệt là vào buổi tối, khi chẳng cám dỗ thường ngày nào có thể phân tán tư tưởng của anh. Và những thấu tỏ về thế giới xuất phát từ góc thẳm sâu nhất của tâm hồn, từ nơi tâm hồn tách rời bản thân nó khỏi cuộc đời, từ vết thương của cuộc sống. Để đạt đến trạng thái cao nhất của tâm hồn, anh phải rất cô đơn. Không thể kể xiết những kẻ sống không bằng chết và những ngọn lửa thiêu đốt nội tâm! Nỗi cô đơn phủ định cuộc sống tới mức việc tâm hồn nảy nở sai chỗ ở những nơi trọng yếu khiến anh không thể chịu nổi. Chẳng phải dễ thấy rằng những người có tâm hồn quá nhạy cảm, những người biết vết thương sâu hoắm mà tâm hồn gây ra cho cuộc sống vào thời khắc nó sinh ra, là những người đứng lên chống lại nó? Những kẻ béo tốt khoẻ mạnh không có thứ trực giác giản đơn nhất để hiểu tâm hồn là gì, những kẻ chưa từng nếm trải sự giày vò của cuộc đời và cái mâu thuẫn đau đớn ở bản chất của tồn tại, là những kẻ đứng lên biện hộ cho tâm hồn. Những người thực sự hiểu nó hoặc kiêu hãnh chịu đựng nó, hoặc xem nó như một thứ tai ương. Chẳng ai có thể thực tâm hài lòng với tâm hồn, một thứ gây nhiều tổn hại đến cuộc sống. Sao một người có thể hài lòng với cuộc sống mà thiếu đi vẻ quyến rũ, thơ ngây và tự tại của nó? Sự hiện hữu của tâm hồn là biểu hiện của sự níu giữ cuộc sống, của cái cô độc ghê gớm và của nỗi đau kéo dài. Liệu có ai dám nói đến chuyện cứu rỗi nhờ tâm hồn? Không có chuyện cuộc sống trên cõi nội tại tạo ra nỗi lo âu mà từ đó con người có thể tìm được lối thoát nhờ tâm hồn. Trái lại, đúng hơn hết là do tâm hồn, con người rơi vào trạng thái mất cân bằng, lô âu, cũng như ảo vọng. Liệu anh có thể mong đợi những kẻ không ý thức được hiểm nguy của cuộc sống nhận ra sự nguy hiểm của tâm hồn? Biện hộ cho tâm hồn là dấu hiệu của ngu xuẩn vô cùng, cũng như việc biện hộ cho cuộc sống là dấu hiệu của mất cân bằng trầm trọng. Đối với người bình thường, cuộc sống là hiện thực không thể phủ nhận; chỉ những kẻ ốm yếu mới say mê cuộc sống, ca ngợi nó để hắn không gục ngã. Còn kẻ không thể ngợi ca cuộc sống hay tâm hồn thì sao?
(Nguyễn Văn A dịch từ bản dịch tiếng Anh On the Heights of Despair của Ilinca Zarifopol-Johnston)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất