Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 9 (3)

32. Ta có thể loại bỏ hầu hết những thứ tạp niệm làm rối loạn tâm trí - những thứ chỉ tồn tại ở trong tâm trí mà thôi - và dọn quang không gian cho chính bản thân mình:
... bằng cách hiểu về sự rộng lớn thực sự của cả thế giới
... bằng cách suy ngẫm về sự vô hạn của thời gian
... bằng cách nghĩ về tốc độ mà mọi thứ biến đổi - mỗi phần trong chúng; khoảng thời gian nhỏ bé giữa sự ra đời và cái chết của chúng ta trong số kiếp con người; sự vô hạn của quá khứ trước đó; và sự vĩnh cửu của tương lai sau này.
33. Mọi thứ mà ta thấy rồi sẽ sớm tan biến, và những ai nhìn thấy chúng tan biến cũng sẽ sớm tan biến, và thực ra những người có thể hưởng tuổi già thì cũng chẳng được lợi gì hơn những người chết trẻ cả (Lời người dịch: mình hiểu ý Marcus ở đây là theo nghĩa tương đối khi xem xét sự chênh lệch của tuổi già – chết trẻ với sự vô hạn của thời gian).
34. Tâm trí họ thế nào. Họ làm những việc gì. Thứ gì khơi gợi tình yêu và sự ngưỡng mộ trong họ.
Tưởng tượng việc tâm hồn họ bị lột trần. Và cả tính tự phụ của họ. Liệu ta có còn nghĩ rằng sự khinh bỉ của họ có thể làm tổn thương người khác - hay những lời ngợi ca của họ có ích gì cho người khác.
35. Phân huỷ thực ra chính là tái tạo lại.
Đó là điều tự nhiên vẫn luôn thực hiện. Tự nhiên - thông qua nó mà mọi thứ xảy ra như chúng đáng phải xảy ra, và vẫn mãi xảy ra trong dòng chảy ấy, sẽ tiếp tục, theo dạng này hay dạng khác, chẳng bao giờ ngừng.
Rằng mọi thứ xảy ra đều tồi tệ, và sẽ luôn như thế, rằng thần linh không có quyền điều vận tất cả, và thế giới bị kết án sẽ mãi chìm trong cái ác, tội lỗi - làm sao ta có thể thốt ra những lời như thế cơ chứ?
36. Sự mục rữa, tầm thường của những thành phần tạo nên mọi thứ: chất lỏng, đất bùn, xương, rác rưởi. Hay đá cẩm thạch, thứ tạo nên bởi đất cứng, vàng và bạc là phần cặn bã, quần áo bằng lông, áo choàng tía nhuộm bởi máu sò huyết. Và tất cả những thứ khác.
Và tương tự với hơi thở, thứ tạo nên sự sống của ta - chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác.
37. Đủ rồi, cái đời sống thảm hại, than vãn, đầy ngờ nghệch chẳng khác lũ khỉ lũ vượn này.
Điều gì là vấn đề ở đây? Liệu có gì thực sự mới mẻ? Thứ gì có thể khiến ta thực sự ngạc nhiên khi bắt gặp.
Mục đích của nó? Hãy xem xét điều ấy.
Vật chất tạo ra nó? Nhìn vào đó.
Tất cả chỉ có vậy.
Hướng tới các vị thần linh? Được thôi, ta có thể thử cố gắng để trở nên đơn giản hơn, hoà nhã hơn. Ngay chính lúc này.
Trăm năm hay chỉ ba năm ... Đâu có gì khác biệt.
38. Nếu họ làm điều gì sai trái có hại cho ta, thì thực ra chính họ mới là người phải chịu đựng từ hành động sai trái ấy của mình.
Nhưng ta có chắc là họ thực sự đã làm điều gì sai trái hay không?
39. Hoặc là mọi thứ đều phát sinh từ cùng một nguồn trí tuệ và hình thành một cơ thể duy nhất (và các phần cần phải chấp nhận những vận động của cả cơ thể) hoặc là chỉ toàn những nguyên tử, cứ không ngừng tụ lại và tán ra mãi mãi, chẳng gì khác.
Vậy thì sao phải lo lắng?
Hãy nói với tâm trí mình: Ngươi đã chết? Hay bị tổn thương? Hay đã trở nên hung ác, bất lương?
Ngươi có phải là một cá nhân trong cộng đồng? Và ngươi có ăn uống như cách một cá nhân trong cộng đồng nên ăn uống?
40. Hoặc là thần linh có quyền năng hoặc không có. Nếu họ không, tại sao ta phải cầu nguyện? Nhưng nếu họ có, tại sao không cầu nguyện cho thứ gì khác thay vì cầu nguyện cho thứ này thứ kia xảy đến hay đừng xảy đến? Hãy cầu nguyện rằng mình sẽ không cảm thấy sợ hãi. Hay ham muốn, hay đau khổ tiếc thương. Nếu thần linh có thể làm một điều gì, thì họ chắc chắn có thể đáp ứng những lời nguyện cầu ấy cho ta. 
Nhưng những thứ đó thần linh đã giao phó cho ta tự quyết.
Vậy thì chẳng phải sẽ tốt hơn là làm thứ mà ta có thể tự quyết hay sao - như một con người tự do - thay vì thụ động chịu sự kiểm soát của thứ không nằm trong quyền tự quyết của mình, như một kẻ nô lệ, hay một kẻ ăn xin? Và điều gì khiến ta nghĩ rằng thần linh không quan tâm đến những thứ mà họ đã trao cho ta quyền tự quyết?
Bắt đầu cầu nguyện như thế và ta sẽ thấy.

Không phải "cách nào đó để ngủ với cô ả" - mà là cách nào để chấm dứt dục vọng của mình.

Không phải "cách nào đó để tống khứ được hắn" - mà là cách nào để không cố làm thế.

Không phải "cách nào đó để cứu được con của ta" - mà là cách nào để thôi không sợ hãi trước bất hạnh đó.

Hãy thử định hướng lại mọi lời cầu nguyện như thế, và xem xem điều gì xảy ra.
41. Epicurus nói: "Trong thời gian ta ốm, ta cũng không hướng những cuộc trò chuyện của mình đến tình trạng sức khoẻ; ta đã không phí thời gian của những người tới thăm mình với chủ đề ấy, mà thay vào đó tiếp tục bàn luận về triết, và tập trung vào một điểm cụ thể: làm cách nào tâm trí có thể vẫn cảm nhận được (chịu ảnh hưởng của) những cảm giác của cơ thể trong khi duy trì được sự thanh thản, và tập trung vào sức khoẻ của chính nó. Ta cũng không để các thầy thuốc đi khệnh khạng xung quanh như những ông lớn quan trọng. Ta tiếp tục sống cuộc đời mình theo cách nó nên được sống"
Như thế. Trong bệnh tật - hay trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Không từ bỏ triết, dù cho có chuyện gì xảy ra; không chuyện phiếm với những kẻ ngờ nghệch hay vô học - những nguyên tắc tốt mà tất cả các trường phái triết đều áp dụng.
Tập trung vào thứ ta đang làm, và những công cụ giúp ta làm nó.
42. Khi ta gặp phải thói vô liêm sỉ của kẻ khác, hãy tự hỏi mình: liệu có thể có một thế giới mà không có sự vô liêm sỉ hay không? Câu trả lời rõ ràng là không.
Vậy thì đừng đòi hỏi thứ gì không thể có. Chắc chắn phải có những kẻ vô liêm sỉ trên thế gian. Và ở đây ta có một trong số chúng.
Làm tương tự với những kẻ xấu xa, không đáng tin cậy, hay có bất kỳ thói xấu nào khác. Việc ghi nhớ rằng dạng người như thế phải tồn tại sẽ khiến ta có thể dễ dàng chịu đựng một cá nhân cụ thể của dạng người ấy.
Một điểm có ích nữa là hãy tâm niệm: Phẩm cách nào tự nhiên đã ban cho ta để có thể chống lại thói xấu ấy? Như cách mà tự nhiên đã ban cho ta sự tốt bụng như một phương thuốc để chống lại sự ác tâm. Và những phẩm cách khác để đối lại với những thói xấu khác.
Và khi những người khác đi chệch đường, ta luôn có thể cố gắng chỉnh đốn họ, vì anh ta đang làm sai một thứ gì đó - làm thứ gì đó theo một cách sai trái.
Mà làm thế nào mà điều đó có thể làm ta tổn thương? Nếu xem xét ta sẽ thấy rằng không một kẻ nào khiến ta phiền lòng lại có thể làm thứ gì đó thực sự gây tổn thương cho tâm trí ta. Nhưng đó là tất cả những gì mang nghĩa là "có hại" hay "tổn thương" cho ta. Đúng, những kẻ thô lỗ làm những việc thô lỗ. Có gì lạ hay chưa từng được nghe nói đến trong điều ấy? Chẳng phải ta nên tự trách chính mình - vì không lường trước rằng họ sẽ hành động theo cách đó? Lý trí cho ta phương tiện để có thể nhìn thấy trước điều ấy - rằng một kẻ thuộc dạng thế nào thì nhất định sẽ hành động theo mô típ nhất định của dạng ấy - nhưng ta đã chẳng để tâm đến khả năng ấy của mình. Và giờ ta ngạc nhiên rằng hắn đã làm điều ấy với mình. Vì thế, khi ta gọi ai đó là "không đáng tin cậy" hay "vô ơn", hãy hướng những trách móc vào chính bản thân mình. Người làm sai thực ra chính là ta. Bằng cách cho rằng một người với những đặc điểm như thế là xứng đáng với lòng tin của mình. Hoặc bằng cách gia ơn cho họ rồi hy vọng sẽ được trả ơn, thay vì coi chính việc gia ơn ấy - chính nó là phần thưởng cho mình. Còn thứ gì mà ta trông đợi từ việc giúp đỡ người khác nữa? Chẳng phải việc ta làm những thứ tự nhiên yêu cầu ở ta đã là đủ rồi hay sao? Ta còn muốn một khoản thù lao cho nó nữa ư? Như thể đôi mắt ta trông đợi phần thưởng cho việc nhìn, hay chân ta cho việc bước. Đó là nhiệm vụ mà chúng được tạo ra để thực hiện. Bằng cách làm những thứ chúng được tạo ra để làm, chúng thi hành chức năng riêng biệt của chúng. Trong khi con người được tạo ra để giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Và khi ta thực sự giúp ai đó - hay hỗ trợ họ làm điều gì đó - ta đang làm nhiệm vụ mà mình được tạo ra để làm. Ta thực hiện chức năng của chính mình.   

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)