Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 9 (2)

12. Làm việc:
Không phải để khơi gợi sự thương hại, hay giành được sự đồng cảm và ngưỡng mộ. Thay vào đó, hãy chỉ vì điều này:
Hoạt động (Lời người dịch: theo nghĩa con người sinh ra để hoạt động, làm việc).
Sự bình thản, tĩnh lặng bên trong.
Như cái lý trí toàn thể - logos - yêu cầu.
13. Ngày hôm nay ta đã thoát được khỏi lo toan. Ồ không, đúng hơn phải là ta loại bỏ được nó, vì nó từ bên trong ta, trong nhận thức của ta - chứ không phải từ bên ngoài.
14. Tất cả mọi thứ đều đã được biết đến qua kinh nghiệm (của những người, những thế hệ đi trước), tất cả đều là phù du qua thời gian, hay tầm thường, vì chỉ toàn là quan tâm vật chất. Mọi thứ lúc này thì cũng giống như chúng đã từng, trong thời kỳ của những người mà chúng ta đã chôn cất từ lâu.
15. Những thứ chờ đợi ta ở bên ngoài, "lảng vảng quanh cửa". Chúng đơn độc, không liên kết. Hỏi chúng là ai/gì thì chúng không biết, và không thể tự mô tả bản thân chúng.
Vậy thứ gì cho ta mô tả về chúng?
Tâm trí ta.
16. Không phải trong sự bị động mà là trong sự chủ động làm việc hay thực hiện các hành động, ta sẽ thấy nguồn gốc của cả cái tốt lẫn cái xấu ở những sinh vật lý trí mang tính cộng đồng, cũng giống như những phẩm cách và thói xấu không bao giờ nằm trong sự bị động, mà luôn trong sự chủ động.

17. Một hòn đá được ném lên không. Nó chẳng mất gì khi rơi xuống, và cũng chẳng được gì khi bay lên.

18. Hãy thử đi vào tâm trí họ, và ta sẽ thấy quan toà mà ta xiết bao sợ hãi - và họ sáng suốt thế nào khi đánh giá chính bản thân họ.
19. Mọi thứ đều trong cùng một dòng chảy (luôn biến đổi không ngừng). Cả chính ta nữa, cũng sẽ thay đổi trong dòng xoáy ấy, và biến mất; và thực ra là cả thế giới này nữa.
20. Những sai lầm của người khác: hãy cứ kệ chúng ở đấy.
(Lời người dịch: ý Marcus là hãy giữ sự tập trung vào những việc quan trọng mà ta cần phải làm, đừng để bản thân bị sao nhãng vì những sai lầm của người khác ấy. Nhưng, như trong một vài đoạn khác trong sách, nếu việc ta cần phải làm liên quan đến họ, thì Marcus cũng sẽ cố gắng chỉ cho họ thấy đâu là đúng đắn. Nhưng sẽ không để họ làm ngài buồn phiền hay cản bước ngài).
21. Khi ta ngừng hành động, hay đi theo một suy nghĩ đến kết luận cuối cùng, thì đó là một dạng của cái chết. Và nó không làm hại ta.
Nghĩ về cuộc đời: thời thơ ấu, rồi tuổi trẻ, rồi thanh niên, rồi tuổi già. Mỗi lần biến đổi là một dạng của cái chết (cho thời trước đó). Vậy, có gì quá tồi tệ trong những lần biến đổi ấy hay không?
Nghĩ về cuộc đời của ông ta, mẹ ta, và cha nuôi ta. Hãy xem xem bao nhiêu cái chết và lần biến đổi và kết thúc đã trải qua, và tự hỏi mình: Liệu có gì tồi tệ trong đó hay không?
Nếu không, thì cũng sẽ chẳng có gì tồi tệ trong cái kết thúc cuộc đời chính ta - cả kết thúc và những biến đổi trong nó.
22. Hãy tìm thẳng đến trí tuệ (Lời người dịch: ý ở đây là bỏ qua tất cả những xét đoán về vật chất bên ngoài) - trí tuệ của chính ta, của thế giới, và của người hàng xóm của ta (mình nghĩ 'người hàng xóm' ở đây có thể mở rộng là thế nhân/thiên hạ được).
(Trí tuệ) của chính ta - hãy căn cứ nó vào công lý.
Của thế giới - tự nhắc mình về cái tổng thể mà ta là một phần trong đó
Của người hàng xóm (thiên hạ) - để nhận biết họ hành động một cách ngờ nghệch hay theo lý trí. Và để hiểu trí tuệ của họ, về bản chất, cũng giống như của ta.
23. Ta tham gia vào cộng đồng bằng chính sự tồn tại của mình. Rồi tham gia vào sự sống/sự vận hành của nó bằng hành động của mình - tất cả hành động. Mỗi hành động mà không hướng đến cái lợi ích chung (trực tiếp hoặc gián tiếp) thì đều là một sự nhiễu loạn cho cuộc sống của ta, một trở ngại đối với cái toàn thể, và là nguồn gốc của sự chia rẽ. Như một người trong Hội đồng mà có tư tưởng bè phái thì luôn bước lạc nhịp với số đông, với toàn thể.
24. Sự hờn dỗi trẻ con, những trò chơi của trẻ con, "những linh hồn mang theo cái vỏ thân xác đầy khiếm khuyết"; "Odysseus ở Âm phủ" còn thấy cuộc sống thật hơn.
25. Xác định mục đích của nó - điều gì khiến nó là nó - và xem xét kiểm tra điều đó (bỏ qua hình thức cụ thể của nó). Rồi tính toán độ dài thời gian mà một thứ như thế có thể tồn tại.
26. Sự đau khổ kéo dài bất tận - tất cả chỉ vì không cho phép tâm trí thực hiện nhiệm vụ của nó. Quá đủ rồi.
27. Khi phải đối mặt với sự nhục mạ của người khác, hay sự căm ghét, hay bất cứ thứ gì tương tự ... hãy nhìn sâu vào tâm hồn người đó. Đi vào trong anh ta. Xem xem anh ta là loại người thế nào. Ta sẽ thấy ta chẳng cần gì phải dốc sức lấy lòng anh ta.
Nhưng ta vẫn cần phải mong cho anh ta những điều tốt đẹp. Vì anh ta là người thân gần nhất của ta (kiểu đồng loại - con người với con người). Thần linh phù hộ cho anh ta cũng như cách họ phù hộ cho ta - bằng những dấu hiệu và giấc mơ và những cách khác - để đạt được những thứ mà anh ta mong muốn.
28. Vòng luân hồi của thế giới chẳng bao giờ thay đổi - cứ lên rồi xuống, từ thời đại này sang thời đại khác.
Hoặc là cái trí tuệ của thế giới điều vận từng thứ (nếu vậy, hãy chấp nhận ý muốn của nó), hay nó thực hiện ý định một lần - một lần duy nhất cho tất cả - và tất cả mọi thứ theo sau là kết quả (và nếu vậy, tại sao phải lo lắng?)
Cách này hay cách khác: các nguyên tử hay cái toàn thể hợp nhất. Nếu đó là Chúa/Thượng đế, tất cả đều sẽ tốt đẹp. Nếu là sự ngẫu nhiên, đừng bắt chước nó.
Đất rồi sẽ lại bao bọc tất cả chúng ta, và rồi biến chuyển khi đến lượt, và cả điều đó cũng thay đổi, mãi mãi. Và cả sự thay đổi cũng sẽ thay đổi, mãi mãi.
Nghĩ đến chúng: những con sóng của sự biến đổi và thay thế, cứ không ngừng vỡ tung ra. Và nhìn nhận sự sống hữu hạn của ta theo đúng bản chất của nó. 
29. Bản thiết kế của thế giới giống như một cơn lũ, cuốn trôi mọi thứ trước đó. Sự ngờ nghệch của họ - những con người nhỏ bé tất bật với công việc của chính quyền nhà nước, với triết - hay thứ họ nghĩ là triết. Chẳng là gì khác ngoài sự ngớ ngẩn ngốc nghếch.  
Cứ cho là thế. Vậy thì sao?

Hãy làm những điều tự nhiên yêu cầu. Tiếp tục tiến bước - nếu nó nằm trong khả năng quyết định của ta - và đừng lo ngại liệu có ai trân trọng ta vì những việc đó. Cũng đừng hy vọng vào nền cộng hoà của Plato, mà hãy hài lòng với những tiến bộ dù là nhỏ bé nhất, và vững lòng để có thể coi nhẹ những kết quả thu được bất kể chúng là gì.

Ai có thể thay đổi tâm trí họ? Và nếu không có sự thay đổi ấy, thì còn gì khác ngoài những than vãn rên rỉ, nô lệ, và sự giả vờ tuân phục? Hãy cứ tiếp tục trích dẫn về Alexander, Philip, Demetrius của Phalerum nếu muốn. Liệu họ có biết về ý chí của tự nhiên và để mình làm học trò của nó, là điều chỉ có họ mới có thể nói. Và nếu họ ưa thích việc đóng vai vua chúa hơn? Được thôi, chẳng ai có thể bắt ta phải làm theo họ.

Tôn chỉ của triết là khiêm tốn giản dị và thẳng thắn. Đừng lôi kéo ta trở nên tự cao.

30. Khi nhìn mọi thứ từ trên cao: hàng ngàn bầy đàn động vật, những cuộc hành lễ, những hải trình khi biển lặng hay bão tố, những cách khác nhau để chúng ta đến với thế giới, chia sẻ cuộc sống với nhau, và rời bỏ nó. Xem xét cả những cuộc đời đã từng được sống, từ rất lâu trước đây, và những cuộc đời sẽ được sống sau thời của ta, và cả những cuộc đời đang được sống ngay lúc này, nhưng ở những vùng đất xa lạ với ta. Bao nhiêu người thậm chí chẳng cả biết đến tên ta. Bao nhiêu người sẽ sớm quên nó. Bao nhiêu ca ngợi ta lúc này - nhưng ngày mai, có lẽ, sẽ khinh bỉ ta.

Để thấy việc được tưởng nhớ đâu có mấy giá trị. Giống như danh tiếng. Như mọi thứ khác vậy.

31. Có thái độ không khác biệt với những thứ, những sự kiện bên ngoài.
Và tập trung vào sự công bình trong chính những hành động của ta.
Có nghĩa là: suy nghĩ và hành động hướng đến lợi ích của cộng đồng.
Điều mà ta được sinh ra để thực hiện.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)