Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 9 (1)

1. Làm điều gì đó bất công, bất chính là một sự vô lễ, báng bổ (với thần thánh). Tự nhiên tạo ra những sinh linh lý trí vì nhau: không phải để hại nhau mà để giúp đỡ nhau, vì chúng ta đáng được đối xử như thế. Vậy thì việc vi phạm ý chí của tự nhiên, của tạo hoá cũng chính là báng bổ những thần linh cổ xưa nhất vậy.
Và dối trá, nói sai sự thật cũng vậy. Bởi vì "tự nhiên toàn thể" chính là cội gốc của tất cả. Cái tự nhiên toàn thể ấy gắn rất sát với bản chất của những thứ sinh ra từ nó, và vì vậy mà tự nhiên toàn thể cũng chính là Chân lý/sự thật - nguồn gốc của mọi thứ đúng đắn. Việc cố tình dối trá, nói sai sự thật là báng bổ - kẻ nói dối phạm tội lừa gạt, và như thế tức là làm điều bất công, bất chính. Và ngay cả việc nói dối mà không nhận ra là mình nói dối cũng vậy. Vì kẻ nói dối dù vô ý cũng đã phá vỡ sự hài hoà của tự nhiên, tính trật tự của nó. Hắn tạo ra xung đột với cái cách mà thế giới được sắp đặt, hệ thống. Bất cứ ai bị định hướng đến những thứ ngược lại sự thật cũng thế - dù họ làm thế trái với ý muốn của họ. Tự nhiên cung cấp cho mỗi người khả năng phân biệt đúng sai. Nhưng họ đã phớt lờ chúng, và giờ thì chẳng thể nhận ra đâu là sự khác biệt nữa rồi.
Và cả việc coi theo đuổi khoái lạc là điều tốt, cũng như chạy trốn đau khổ như thứ gì xấu xa - cả điều đó cũng là báng bổ. Ai làm vậy thì chắc chắn sẽ thấy mình cứ luôn oán trách tự nhiên - than phiền rằng nó không đối xử với người tốt kẻ xấu như họ đáng được đối xử, mà lại thường để kẻ xấu hưởng khoái lạc hay có được những thứ tạo ra khoái lạc, và khiến người tốt phải chịu khổ đau, hay gặp phải những thứ gây nên đau đớn. Và hơn thế nữa, ai sợ đau đớn sẽ có lúc sợ thứ chắc chắn sẽ phải xảy đến nơi thế gian này - và điều đó cũng là báng bổ. Đồng thời, trong khi theo đuổi khoái lạc, ta sẽ khó tránh khỏi những việc sai trái - và đó chính là khi sự báng bổ thể hiện rõ.
Giờ, với những thứ mà tự nhiên coi như không khác biệt; nếu nó thực sự ưa chuộng thứ gì hơn trong số chúng thì nó đã không tạo ra cả hai. Và nếu ta muốn có thể thực sự tuân theo tự nhiên, nhất trí với nó, ta cần phải hiểu và chia sẻ được cái quan niệm không khác biệtindifference - ấy. Ưa chuộng vui vẻ khoái lạc hơn đau đớn khổ sở; sự sống hơn cái chết, sự nổi tiếng hơn vô danh; rõ ràng là sự báng bổ. Tự nhiên chắc chắn không kén chọn như thế.
Và khi ta nói rằng tự nhiên coi chúng là không khác biệt, ý ta là chúng xảy đến một cách không khác biệt (ý là ngẫu nhiên, cho bất cứ ai), chỉ khác nhau về thời điểm, với những đối tượng tồn tại và những đối tượng sẽ xuất hiện trong sự tồn tại tiếp sau nữa, qua một sắc lệnh cổ xưa của Thượng đế - sắc lệnh cho thấy từ thời điểm ban đầu Thượng đế bắt tay vào sáng tạo thế giới mà ta biết, bằng cách đặt ra những nguyên tắc về những gì sẽ xuất hiện và quyết định cái nguồn sức mạnh tạo ra sự tồn tại và thay đổi, và các giai đoạn nối tiếp nhau của chúng.
2. Vận may thật sự là đến khi ta phải rời bỏ cuộc sống mà vẫn không gặp phải bất cứ sự gian dối, đạo đức giả, sa đoạ hay kiêu căng nào. Nhưng "hành trình tốt đẹp thứ hai - chỉ sau cái mỹ mãn ấy" là có thể rời bỏ sự sống khi ta đã trải nghiệm và có đủ. Hay ta định để mình chìm xuống với cái ác? Chẳng phải kinh nghiệm đã dạy ta rằng – cần phải tránh nó như tránh bệnh dịch hay sao? Vì nó chính là một dạng bệnh dịch – một khối ung thư của tâm trí - tồi tệ hơn bất cứ thứ gì là kết quả của không khí ô nhiễm hay khí hậu độc hại. Những căn bệnh như thế thì chỉ có thể đe doạ sự sống của chính ta, còn để mình chìm xuống với cái ác thì sẽ huỷ hoại cả tính người của ta.
3. Đừng coi thường cái chết, mà hãy chào đón nó. Vì cái chết cũng là một thứ thuận theo tự nhiên. Như tuổi trẻ và tuổi già. Như sự phát triển và trưởng thành. Như việc đến tuổi thì hàm răng cũ sẽ rụng và hàm răng mới mọc lên, hay bộ râu, hay những sợi tóc chớm bạc. Như ái ân và thai nghén và sinh nở. Như tất cả những thay đổi về cơ thể khác tại mỗi giai đoạn của cuộc đời, thì sự phân hủy của cơ thể ta cũng chẳng có gì khác biệt.
Vậy nên đây là cách mà một người suy nghĩ thấu đáo nên chờ đợi cái chết: không phải với thái độ hờ hững không quan tâm, không phải với sự thiếu kiên nhẫn, không phải với sự khinh thường, mà chỉ đơn giản là coi nó như một trong những thứ sẽ xảy đến mà thôi. Cũng như cách ta đoán trước sự xuất hiện của đứa trẻ từ bụng mẹ nó đang thai nghén; đó cũng là cách ta nên chờ đợi giờ cuối của đời mình, khi linh hồn ta sẽ thoát ra khỏi cái vỏ bọc của nó.
Hay có lẽ ta cần một câu cách ngôn nho nhỏ để làm đồ dự phòng lúc tâm trí mình cần được hỗ trợ. Được thôi, hãy xem xét hai thứ có thể dung hoà ta với cái chết: bản chất của những thứ ta bỏ lại sau lưng khi ra đi, và những dạng người ta sẽ không còn phải tiếp xúc, sống chung với họ nữa. Không cần thiết phải cảm thấy bực bội với họ - thực ra, ta nên tìm cách làm họ hạnh phúc, và khoan dung nhẹ nhàng với họ - nhưng ghi nhớ trong tâm trí rằng mọi thứ ta tin tưởng đều vô nghĩa với những kẻ mà ta bỏ lại khi qua đời. Vì đó là toàn bộ những thứ có thể níu kéo ta (nếu bất cứ thứ gì thực sự có thể làm điều đó) - thứ duy nhất khiến ta muốn được ở lại: cơ hội để sống với những người có cùng chung hiểu biết, cách nhìn nhận với mình. Nhưng ngay lúc này đây - hãy xem xem việc sống giữa đám người ấy mệt mỏi đến thế nào - cái đám lộn xộn mà ta phải sống chung này? Đủ để khiến ta muốn nói với cái chết: "Đến sớm hơn đi. Trước khi ta bắt đầu quên mất chính mình, như bọn họ".
4. Làm việc xấu tức là làm hại chính mình. Làm việc bất công tức là tự bất công với chính mình - vì nó làm mất phẩm giá của ta (như một con người).
5. Và cũng cần phải nhớ rằng ta có thể phạm phải sự bất công bằng cách không làm gì cả.
6. Đánh giá khách quan mọi thứ, ngay lúc này, tại chính thời điểm này.
Hành động không vị kỷ, ngay lúc này, tại chính thời điểm này
Sẵn lòng chấp nhận - ngay lúc này, tại chính thời điểm này - mọi thứ, mọi sự kiện bện ngoài
Đó là tất cả những gì ta cần.
7. Hãy xoá sạch mọi tưởng tượng. Biến dục vọng thành đá. Dập tắt mọi ham muốn khao khát. Để tâm trí ta có thể tập trung vào chính nó mà thôi.
8. Những loài động vật không có lý trí thì được ban cho một dạng linh hồn tương tự nhau, cũng như những loài có lý trí thì cùng chia sẻ một linh hồn - một linh hồn có lý trí. Cũng giống như mọi loài trên thế giới chia sẻ cùng cái thế giới này vậy. Cũng giống như tất cả chúng ta đều nhìn thấy cùng một thứ ánh sáng, và thở chung trong một bầu không khí - tất cả chúng ta, những sinh vật có thị giác và hô hấp.
9. Mọi thứ đều bị thu hút bởi những thứ giống chúng, nếu thứ như thế tồn tại. Mọi thứ vật chất đều cảm nhận được lực hút của mặt đất. Mọi chất lỏng đều có thể trôi đi cùng nhau. Và những thứ trên không cũng vậy, thế nên chúng thậm chí còn phải tự ngăn để không trộn lẫn vào nhau. Lửa, một cách tự nhiên, được cuốn lên trên bởi ngọn lửa cao hơn, nhưng cũng sẵn sàng để bắt vào, dù chỉ với một sự tiếp xúc nhỏ nhất, những ngọn lửa dưới đất. Vậy nên bất cứ thứ gì khô hanh hơn bình thường đều có thể trở thành nguyên liệu của nó, vì có ít những thứ cản trở tính bắt lửa trộn lẫn trong chúng.
Và những thứ có chung bản chất trí tuệ cũng dễ được khích lệ tìm kiếm những thứ giống chúng. Nếu không phải là cao hơn nữa. Vì ưu thế của chúng so với mọi loài, mọi cá thể khác được kết hợp bởi thái độ sẵn sàng hoà trộn và với những thứ tương đồng với chúng.
Ngay cả với những sinh vật không lý trí ta cũng thấy những bầy đàn, hay tổ, và tình cảm giống loài không khác của chúng ta. Vì chắc chắn là chúng có linh hồn, và bản năng kết nối trong cùng giống loài thể hiện tính ưu việt, vượt trội của nó – thứ ta sẽ chẳng bao giờ có thể thấy ở hoa màu, những hòn đá, hay cây cối. Và những sinh vật lý trí thì còn phát triển cao hơn, với tổ chức nhà nước, bạn bè, gia đình, hội nhóm, các hoà ước, hiệp ước. Và trong những loài phát triển hơn ấy có một dạng hợp nhất ngay cả giữa những thứ tách biệt, dạng mà ta thấy ở những vì sao. Một mức độ phát triển cao có thể tạo ra sự đồng cảm giữa những thứ có vẻ hoàn toàn khác biệt.

Nhưng hãy nhìn lại mọi thứ ngay lúc này. Chính giống loài lý trí (con người) lại là giống loài duy nhất để mất đi cái xu hướng cộng đồng và gắn kết - của sự hội tụ. Chỉ ở con người ta mới không thấy sự phối hợp hài hòa với nhau. Nhưng bất kể chúng ta có cố lờ nó đi thế nào, thì cũng không thể mất hẳn được cái đặc tính ấy. Sức mạnh của tự nhiên lớn lao hơn rất nhiều. Ta có thể thấy điều đó, nếu ta nhìn nhận thật kỹ càng.

Những vật đặc, nặng có thể được kéo lên khỏi mặt đất dễ hơn rất nhiều so với việc con người muốn tách ra khỏi cộng đồng/nhân loại. 

Những vật đặc, nặng có thể được kéo lên khỏi mặt đất dễ hơn rất nhiều so với việc con người muốn tách ra khỏi cộng đồng/nhân loại. 
10. Nhân loại, thần linh, và thế giới: tất cả đều ra hoa kết quả. Mỗi dạng có hoa trái vào mùa của mình. Thông thường ta giới hạn từ ngữ như hoa quả cho cây nho hay những loài rau màu khác. Không nhất thiết. Hoa trái của cái lý trí toàn thể - logos, thì dung dưỡng cả chúng ta và chính nó. Và những thứ khác sinh ra, xuất hiện từ nó nữa – tất cả đều thuộc cùng một dạng như bản thân cái lý trí toàn thể ấy.
11. Hãy thuyết phục họ đừng làm thế.
Nếu ta có thể.
Nhưng nếu không, hãy nhớ rằng: khả năng nhẫn nại được ban cho ta là có mục đích. Thần linh cũng kiên nhẫn với họ, và thậm chí giúp họ có những thứ cụ thể: như sức khoẻ, tiền bạc, danh vọng ... Đó chính là lòng bao dung vô bờ bến của thần linh.
Và ta, cũng có thể, nếu ta thực sự muốn vậy. Có gì có thể ngăn cản ta cơ chứ?

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)