Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 8 (2)

17. Nếu nó (việc có thực hiện một hành động xấu hay không) nằm trong tầm kiếm soát của ta, tại sao ta lại chọn thực hiện nó? Nếu trong tầm kiểm soát của kẻ khác, thì ta sẽ đổ lỗi cho ai đây: Nguyên tử? Hay thần linh? Cả hai cách đều ngờ nghệch mà thôi.
Đừng bao giờ đổ lỗi cho bất cứ ai hay thứ gì khác bên ngoài. Đồng ý, đôi khi ta có thể chỉnh đốn người khác. Nhưng nếu không, hãy chỉ tập trung vào việc cố gắng sửa lại những thiệt hại họ gây ra. Giờ giả sử ngay cả điều đó ta cũng không thể làm. Vậy thì việc đổ lỗi sẽ dẫn ta đến đâu?
Đừng làm những điều vô ích.
18. Mọi thứ chết đi sẽ không tan biết. Chúng ở lại trong thế giới này, rồi chuyển hoá, phân rã thành những phần nhỏ hơn riêng biệt, những phần là thành tố của thế giới này, và của chính ta. Những thứ ấy cứ lần lượt biến chuyển theo vòng luân hồi - mà chẳng bao giờ oán than. 

19. Mọi thứ ở đây đều là vì một mục đích nào đó, từ những chú ngựa đến những cây nho. Có gì đáng ngạc nhiên trong sự thực ấy? Ngay cả mặt trời cũng sẽ nói với ta rằng: "Ta có một mục đích", và những vị thần linh khác cũng vậy.

Vậy tại sao ta được sinh ra? Để hưởng khoái lạc? Liệu câu trả lời ấy có bao giờ đứng vững được trước sự suy xét một cách nghiêm túc hay không?

20. Tự nhiên giống như một người ném trái bóng lên không, định trước quỹ đạo và độ cao của nó - và nó sẽ rơi xuống đâu. Vậy trái bóng thu được gì khi nó bay lên cao? Hay mất gì khi nó rơi xuống đất?
Hay những cái bong bóng, chúng thu được gì trong sự tồn tại của chúng? Hay mất gì khi vỡ ra.
Và tương tự với ngọn nến.
(Lời người dịch: mỗi lần đọc đoạn này mình không thể không liên tưởng đến Trang Tử, đến Đạo, và cái tư tưởng sống và chết thực ra cũng chỉ là một mà thôi. Và đọc xong trong lòng luôn cảm thấy một cảm giác bỉnh thản đến lạ!).
21. Hãy xem xét từ trong ra ngoài cái cơ thể con người này: Nó như nào? Nó sẽ như nào lúc về già? Hay đau ốm? Hay khi nó bị rao bán trên đường phố? (ý chỉ những người nô lệ)
Tất cả rồi sẽ sớm ra đi - cả những kẻ tán dương và những người nhận được sự tán dương ấy, cả những kẻ ghi nhớ và những người để lại “tiếng thơm muôn đời”. Để lại ở cái góc nhỏ xíu mà họ đã cư ngụ. Và thậm chí ngay ở đó cũng không phải tất cả đều đồng thuận với nhau (hay thậm chí với chính những người mang tiếng thơm ấy).
Và thực ra cả trái đất cũng chỉ là một điểm trong vũ trụ mà thôi.
22. Chú tâm, dán mình vào những thứ trước mắt ta: ý nghĩ, hành động, lời nói.
22a. Đây là thứ ta xứng đáng nhận được. Ta có thể là một con người tốt đẹp ngay hôm nay. Nhưng thay vào đó ta lại chọn ngày mai.
23. Thứ gì ta làm được? Ta gắn nó với lợi ích cộng đồng.
Thứ gì vận mệnh hay thần may mắn làm với cuộc đời ta? Ta chấp nhận nó - và quy nó cho thần linh, và cái cội nguồn mà từ đó mọi thứ xuất hiện và phát triển.
24. Giống như những cái bồn tắm - dầu, mồ hôi, bụi bẩn, nước xám đục, và tất cả những thứ ghê tởm khác.
Toàn bộ cuộc đời, toàn bộ cái thế giới hữu hình này.
25. Verus, bỏ lại Lucilla phía sau, rồi đến chính Lucilla. Maximus, bỏ lại Secunda; và rồi chính Secunda. Diotimus, bỏ lại Epitynchanus. Rồi đến lượt Epitynchanus. Faustina, bỏ lại Antoninus. Rồi đến lượt Antoninus.
Một kết cục, với tất cả bọn họ.
Hadrian, bỏ lại Celer. Và rồi đến lượt Celer.
Họ đã đi đâu rồi, những con người tuyệt vời, sáng suốt, đáng tự hào? Tuyệt vời như Charax và Demetrius phái Plato và Eudaemon và những người khác nữa. Những sinh linh với cuộc sống ngắn ngủi, khi cái chết đã đến với họ từ lâu trước đây. Một vài trong số họ còn chẳng được nhớ tới, một vài thì trở thành huyền thoại, và một vài người khác cũng biến mất dù đã từng là huyền thoại.
Vậy nên, hãy đừng bao giờ quên rằng: những bộ phận trên cái cơ thể con người này của ta rồi cũng sẽ phân rã, và sự sống trong ta sẽ tắt, hay nhận lệnh và đi nơi khác.
26. Hạnh phúc của một người nằm trong hành động của anh ta.
Hành động của một con người: lòng tốt với người khác; khinh thường những khích động mạnh và nhất thời của cảm xúc; chất vấn diện mạo, vẻ bề ngoài; quan sát tự nhiên và những sự kiện của tự nhiên.
27. Ba mối quan hệ:
i. Với cơ thể ta cư ngụ; ii. với đấng linh thiêng, và cái cội nguồn mà mọi thứ từ đó sinh ra; iii. với những con người xung quanh ta.
28. Hoặc là đau đớn ảnh hưởng đến cơ thể (tức là vấn đề của cơ thể) hoặc nó ảnh hưởng đến linh hồn. Nhưng linh hồn có quyền lựa chọn việc không bị ảnh hưởng, duy trì sự thanh thản, sự yên bình của chính nó. Tất cả quyết định của ta, những mong mỏi, ham muốn, và những thứ ta ghét bỏ, đều từ đó mà ra. Không một thế lực xấu nào có thể chạm vào nó (quyền lựa chọn của linh hồn ta).
29. Để có thể loại bỏ những nhận thức sai lầm, hãy tự nhủ: "Ta có sức mạnh bên trong mình để có thể giữ linh hồn mình khỏi những điều xấu xa, dục vọng và mê lầm. Để nhìn mọi thứ đúng với bản chất của chúng và đối xử với chúng như chúng xứng đáng. Đừng bao giờ đánh giá thấp, hay không tận dụng khả năng bẩm sinh ấy".
30. Nói với Nghị viện - hay bất cứ ai khác - bằng giọng điệu đúng đắn, mà không áp chế họ. Và cẩn trọng trong việc lựa chọn đúng từ ngữ để nói.
31. Cung điện của Augustus: phu nhân, con gái của ông, cháu trai, con nuôi, em gái, Agrippa, họ hàng, người phục vụ, bạn bè, Areius, Maecenas, ngự y, thầy tế lễ ... tất cả bọn họ, đều đã chết.
Và xem xét cả những trường hợp khác ... không chỉ cái chết của những cá nhân (giống như gia đình của Pompey).
Dòng chữ họ viết lên bia mộ - "hậu duệ cuối cùng của dòng họ". Hãy xem tổ tiên của họ đã lo lắng thế nào về việc nhất định phải có người nối dõi. Nhưng một ai đó cần phải là người cuối cùng. Và khi đến lượt người đó, sẽ là dấu chấm hết cho toàn bộ dòng họ.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)