Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương
Quyển 7 (2)
18. Sợ thay đổi ư? Nhưng có thứ gì tồn tại mà không thay đổi hay không? Có thứ gì gần với bản chất của tự nhiên hơn thế? Liệu ta có thể tắm nước nóng và cứ để nguyên củi như thế (không đun lên) hay không? Hay ăn thức ăn mà không chuyển hoá chúng (trong cơ thể mình)? Hay có bất cứ một tiến trình quan trọng nào có thể diễn ra mà không có thứ gì bị thay đổi hay không?
Chẳng lẽ ta không nhận thấy? Điều đó đúng với chính ta - và cũng quan trọng như thế với tự nhiên.
19. Sự tồn tại trong cuộc đời này như trong một dòng sông chảy xiết. Mọi thân thể - những thứ xuất hiện từ tự nhiên và hoà trộn, đan cài trong nó thành một thể thống nhất, như cách tay chân ta kết hợp với nhau. Thời gian đã nuốt trôi Chrysippus, Socrates, và Epictetus, rất nhiều lần.
Vì cái tên "Epictetus" ở đây có thể hiểu là bất cứ ai, bất cứ thứ gì.
20. Nỗi sợ duy nhất của ta là thực hiện điều gì đó trái với bản chất tự nhiên của một con người - một hành động sai lầm, hay theo một cách thức sai lầm, hay tại một thời điểm sai lầm.
21. Sớm thôi - việc ta sẽ quên hết tất cả; sớm thôi - việc chính mình bị lãng quên.
22. Khả năng quan tâm yêu thương người khác ngay cả khi họ phạm lỗi lầm là duy nhất có ở con người. Ta có thể làm thế, nếu ta đơn giản là nhận ra rằng: họ cũng là con người, rằng họ hành động mù quáng trong vô minh, rằng đó không thực sự là ý muốn của họ, và rằng cả hai ta sẽ sớm phải rời bỏ cuộc đời này. Và, trên tất cả, rằng họ không thực sự làm hại ta. Họ không thể ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn/ra quyết định của ta.
23. Tự nhiên dùng vật chất và tạo ra con ngựa. Như cách nghệ nhân làm với sáp. Và rồi nung chảy nó và dùng chính nguyên liệu ấy để tạo ra một cái cây. Rồi một con người. Rồi một thứ gì đó khác. Mỗi sự tồn tại đều rất ngắn ngủi mà thôi.
Việc hợp lại, hay bị tan ra, chẳng có gì hại hết.
24. Tức giận ra mặt là phi tự nhiên ... hay đến cuối cùng vì tốt hơn mà nó bị dập tắt, để không ai có thể nhen nhóm lại được nữa. Hãy cố kết thúc sự phi tự nhiên ấy của nó từ đó (nếu ngay cả việc nhận thức được ta đang hành động sai lầm cũng mất đi, thì còn gì đáng sống?)
Lời người dịch: những đoạn mà bản gốc không thể phục hồi được như thế này rất khó để diễn giải và nắm bắt được ý của Marcus. Mình nghĩ ở đây chỉ có thể học được cái ý trong đoạn trong ngoặc cuối cùng mà thôi.
25. Sớm thôi, tự nhiên, quyền năng kiểm soát tất cả, sẽ thay đổi mọi thứ ta nhìn thấy và dùng chúng như nguyên liệu cho những thứ khác - vòng luân hồi ấy cứ lặp đi lặp lại mãi thôi. Nhờ thế mà thế gian có thể luôn được đổi mới.
26. Khi người khác làm hại ta, hãy tự hỏi điều tốt hay xấu nào họ nghĩ sẽ đến như kết quả của hành động ấy. Nếu ta hiểu động cơ của họ, ta sẽ dễ đồng cảm với họ thay vì oán giận họ. Nhận thức của ta về tốt xấu có thể giống với họ, hay ít nhất là không quá khác biệt, và trong trường hợp đó ta sẽ thấy mình cần tha thứ cho họ. Hoặc nếu nhận thức về tốt xấu của ta khác họ. Trường hợp ấy họ lạc lối và đáng nhận được sự cảm thông từ ta. Liệu điều đó có thực sự khó đến vậy?
27. Đừng nghĩ quá nhiều đến những thứ ta không có, mà hãy chú tâm nhiều hơn đến những thứ ta sở hữu. Nhìn vào những thứ ta có, những thứ ta coi trọng nhất, và nghĩ xem ta sẽ thèm muốn chúng thế nào nếu không sở hữu chúng. Nhưng hãy cẩn thận. Đừng để cảm giác thoả mãn ấy khiến ta bắt đầu quan trọng hoá chúng quá mức - để rồi nó sẽ khiến ta buồn phiền nếu mất chúng.
28. Hãy tập trung vào bên trong: những đòi hỏi của tâm trí sẽ được thoả mãn bằng việc làm những thứ ta nên làm, và bởi sự bình thản nó mang lại cho ta.
29. Hãy loại bỏ những nhận thức sai lầm
Dừng việc bị giật dây như một con rối
An trú trong hiện tại
Hiểu biết về những gì xảy đến - cho ta, cho người khác
Nghiên cứu những thứ tồn tại, đến tận cốt lõi: vật chất (dùng để tạo ra chúng) và nguồn gốc của chúng
Nghĩ trước về giờ khắc cuối cùng của đời mình
Lỗi lầm của kẻ khác? Để chúng cho vị thần tạo ra họ.
30. Hướng suy nghĩ của ta đến thứ được nói ra. Tập trung tâm trí vào điều xảy đến và thứ gì khiến nó xảy đến.
31. Thanh tẩy bản thân mình thật sạch sẽ. Với sự giản dị, với khiêm nhường, với sự không khác biệt của mọi thứ bên ngoài, ngoại trừ đúng đắn hay sai lầm trong thâm tâm.
Quan tâm đến những người xung quanh, những đồng loại của ta. Và tuân theo Chúa.
31a. " ... tất cả đều liên đới", điều đó đã được nói, "và thực tế chỉ toàn là những nguyên tử". Chỉ cần nhớ vế đầu là đủ rồi. "tất cả đều liên đới". [...]
32. [Về cái chết]: nếu là nguyên tử, sẽ tan rã. Nếu là cái một - cái hợp thể duy nhất - sẽ bị dập tắt, trở nên nguội lạnh, hoặc biến đổi
33. [Về đau đớn] những nỗi đau không thể chịu đựng nổi sẽ tự nó mang đến kết thúc. Còn những cơn đau kéo dài, mãn tính thì luôn là có thể chịu đựng: trí tuệ vẫn có thể duy trì trạng thái bình thản của nó bằng cách tách biệt nó khỏi cái cơ thể yếu ớt này, và tâm trí sẽ không thể bị tác động suy chuyển. Và phần mà cơn đau hoành hành - hãy để nó tự lên tiếng nếu có thể.
34. [Về tham vọng] Cách tâm trí của họ vận hành, những thứ họ mong cầu hay sợ hãi. Chuỗi sự kiện trong đời thì giống như đụn cát, cứ trôi đi rồi lại dầy lên - lần trước sớm bị che lấp bởi lần sau
35. Nếu tâm trí một người được lấp đầy bởi sự cao quý, thấu hiểu mọi thời đại, mọi sự tồn tại, liệu bạn có nghĩ rằng cuộc đời con người chúng ta sẽ mang ý nghĩa nhiều với ông ấy hay không?
Làm sao có thể? - ông ấy nói
Hay (ông ấy có nghĩ rằng) cái chết rất đáng sợ
"Không, dù chỉ một chút"
(Lời người dịch: #35 này được trích từ tác phẩm của Plato nhé)
36. Từ Antisthenes: chính vua chúa, hoàng gia là những người làm việc tốt nhưng lại mang tiếng xấu
37. Ô nhục: là việc tâm trí có thể kiểm soát, tạo hình, đúc nặn sắc mặt (vẻ bề ngoài) như cách nó muốn, nhưng lại không thể tạo hình hay đúc nặn chính nó.
Bản tiếng Anh
Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất