Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 6 (3)

33. Việc cảm thấy đau đớn ở tay chân là bình thường, nếu ta dùng tay để thực hiện những nhiệm vụ của đôi tay con người, và dùng chân để thực hiện những nhiệm vụ của đôi chân con người. Và đối với một con người thì việc đôi lúc bị căng thẳng cũng là điều bình thường - nếu anh ta sống một cuộc đời bình thường của con người.
Và nếu những điều đó là bình thường, thì làm sao chúng có thể là điều xấu được cơ chứ?
34. Trộm cướp, kẻ đồi truỵ, kẻ giết người thân, những tên độc tài: những dạng khoái lạc mà chúng tận hưởng.

35. Chẳng lẽ ta không nhận ra rằng những người chuyên nghiệp, đạt đến trình độ cao trong nghề, lúc nào đó trước đây đã vượt qua những người kém cỏi hơn, nhưng họ vẫn không bao giờ thôi tuân thủ những quy tắc, hay tinh tuý của nghề của họ? Vậy không lẽ chúng ta, con người, những sinh vật lý trí, lại tuân thủ cái lý trí của mình, thứ ta chia sẻ cùng thần linh, ít hơn là những người thợ xây hay bác sĩ tuân thủ những quy tắc tối cao trong nghề của họ hay sao?

36. Châu Á và châu Âu: những góc nhỏ tách biệt của thế giới
Đại dương: chỉ như một giọt nước trong cái toàn thể
Núi Athos: một đụn đất
Hiện tại: một giây khắc tách ra từ cái vĩnh hằng
Nhỏ xíu, nhất thời, vô nghĩa (Lời người dịch: Lưu ý vô nghĩa ở đâu là vô nghĩa trong cái vĩnh cửu của thời gian không gian nhé. Cách suy nghĩ này rất hay, vì nó đưa thái độ trở về với sự cân bằng và bình thản, thay vì để mình bị cuốn theo bất cứ thứ gì đang chi phối tâm trí cảm xúc của ta).
36a. Mọi thứ đều xuất phát từ nó - cái tâm trí vũ trụ ấy - hoặc là kết quả, hoặc là hậu quả. Hàm sư tử, chất độc, và mọi thứ nguy hại khác - từ bụi gai đến bùn lầy ... cũng đều là sản phẩm phụ của cái tốt và cái đẹp. Vậy nên đừng nhìn chúng như thể chúng xa lạ với những thứ ta quý trọng, mà tập trung vào cái cội nguồn mà từ đó mọi thứ được sinh tạo ra.
37. Nếu ta có thể thực sự cảm nghiệm được hiện tại, thì ta đã nhìn thấy tất cả - như tất cả mọi thứ từ thuở hồng hoang, và sẽ mãi là như thế. Cùng những vật chất ấy, cùng những hình dạng như thế. Tất cả.
38. Hãy thường xuyên tự nhắc mình nhớ đến cái cách mà mọi thứ liên kết với nhau, mối tương quan giữa chúng. Tất cả đều đan cài vào nhau, và vì thế mà cảm thông với nhau. Những sự kiện cứ nối tiếp nhau, là kết quả của nhau. Mọi thứ cứ kéo rồi lại đẩy nhau, cùng tồn tại, và là một.

39. Những thứ được sắp đặt cho ta - hãy luyện cho mình có thể hoà hợp làm một với chúng. Và những người cùng trải nghiệm chúng với ta - hãy đối xử với họ bằng tình yêu thương.

Một tình yêu thương chân thành.

40. Những đồ đạc, dụng cụ, trang bị. Nếu chúng có thể hoàn thành nhiệm vụ chúng được thiết kế/tạo ra để thực hiện, thì chúng là hữu dụng. Ngay cả nếu người tạo ra chúng có ở xa hàng nhiều dặm.
Nhưng với những thứ xảy đến một cách tự nhiên, cái sức mạnh tạo ra chúng thì ở ngay trong chúng và vẫn luôn ở đó. Đó là lý do tại sao chúng ta cần dành cho nó một lòng tôn kính đặc biệt, với nhận thức rằng nếu ta sống và hành động theo sự điều khiển của nó, thì mọi thứ trong ta sẽ luôn được sắp đặt một cách thông suốt. Cũng giống như mọi thứ trong thế giới này.
41. Ta xem xét những thứ ta không thể kiểm soát và vẫn cứ muốn tự mình phân loai chúng là "tốt" hay "xấu". Chính vì vậy mà khi thứ gì đó "xấu" xảy đến, hay cái "tốt" không xảy đến, ta oán trách thần linh, cảm thấy căm ghét những người chịu trách nhiệm - hay những người ta cho là phải chịu trách nhiệm. Hầu hết những hành xử sai lầm của ta đều xuất phát từ việc cố gắng áp cho sự vật sự việc tiêu chí ấy. Nhưng nếu ta có thể giới hạn "tốt" và "xấu" trong những hành động của mình, ta sẽ không oán trách thần linh, và sẽ không đối xử với người khác như kẻ thù. 
42. Tất cả chúng ta đang thực hiện cùng một dự án. Một số có ý thức về việc đó, và nắm bắt được; một số chẳng hề biết (ta nghĩ đây là điều Heraclitus ám chỉ khi ông nói rằng "những kẻ đang ngủ thực ra cũng đang làm việc chăm chỉ" - rằng họ cũng phối hợp trong những thứ xảy đến). Một số trong chúng ta làm việc theo cách này, và một số theo cách khác. Và những kẻ than phiền và cố cản trở hay phá ngang - họ cũng giúp nhiều như bất cứ ai khác. Thế giới cũng cần cả họ nữa.
Vậy nên hãy xác định trong tâm trí ai là người ta sẽ chọn làm việc cùng. Nguồn sức mạnh điều vận mọi thứ sẽ tận dụng ta bất kể thế nào - sẽ đặt ta vào danh sách trả công của nó và khiến ta làm việc. Nhưng hãy đảm bảo rằng đó không phải công việc Chrysippus nhắc đến: những dòng vô nghĩa trong vở kịch, chỉ được đặt vào để mang lại tiếng cười mà thôi.
43. Mặt trời có cố làm công việc của mưa hay không? Hay Asclepius có cố làm công việc của Demeter? Và những vì sao - khác biệt, nhưng cùng trong một hệ thống?
44. Nếu thần linh đã ra quyết định về ta và những thứ xảy đến với ta, thì đó là những quyết định tốt đẹp (khó có thể hình dung thần linh lại có một quyết định xấu hay sai lầm). Và tại sao họ phải tốn năng lượng để làm hại ta cơ chứ? Họ được gì khi làm thế - hay thế giới được gì, thứ họ quan tâm trước nhất?
Và nếu họ không đưa ra những quyết định về ta như một cá thể, họ chắc sẽ làm thế vì lợi ích cộng đồng. Và bất cứ thứ gì theo đó đều là thứ ta sẽ hân hoan chấp nhận và trân trọng.
Và nếu họ không đưa ra quyết định, về bất cứ thứ gì - và nghĩ như thế thì thật báng bổ (vì nếu thế, thì hãy chấm dứt hy sinh, cầu nguyện, thề thốt, và làm mọi thứ ta làm, với niềm tin rằng thần linh đang ở đây bên ta) - nếu họ không có quyết định gì về cuộc đời chúng ta ... được, chính ta sẽ tự quyết định đời mình. Sẽ tự cân nhắc thứ gì “có lợi” cho ta để làm. Và thứ thực sự có lợi cho một người là thứ bản chất tự nhiên của anh ta đòi hỏi. Và bản chất tự nhiên của ta là sinh vật lý trí. Lý trí và là một công dân trong cộng đồng.
Thành phố của ta, nhà nước của ta là La Mã - như Antoninus. Nhưng như một con người? Đó là cả thế giới. Vậy nên với ta, "tốt đẹp" chỉ có thể mang nghĩa thứ tốt cho cả hai cộng đồng ấy mà thôi.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)