[Dịch] - Nhật ký triết học của Marcus Aurelius - Quyển 6 (1)
Lời tựa : Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới...
Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương
Quyển 6 (1)
1. Tự nhiên luôn vô cùng linh hoạt, với những vật chất luôn dễ biến đổi và tuân phục (lý trí toàn thể - logos). Và cái lý trí toàn thể ấy, thứ điều vận tất cả, sẽ chẳng có lý do gì để làm điều xấu. Nó không biết đến cái xấu, không làm điều gì xấu, và cũng chẳng khiến ai hay đối tượng nào bị hại cả. Nó chỉ đơn thuần là đề ra những khởi đầu và kết thúc cho mọi thứ.
2. Chỉ cần ta làm điều đúng đắn. Mọi thứ khác đều không quan trọng.
Lạnh hay nóng.
Mệt mỏi hay thư giãn
Bị khinh thường hay được ngợi ca
Đang chết dần ... hay bận rộn với những nhiệm vụ khác.
Vì cái chết cũng chính là một trong những nghĩa vụ của cuộc đời. Và với cả cái chết, ta vẫn phải tuân thủ: "làm thứ cần phải làm".
3. Hãy luôn tập trung vào bên trong. Đừng để bản chất hay giá trị thật của bất cứ thứ gì trượt khỏi nhận thức của ta.
4. Sớm thôi mọi thứ đang tồn tại cũng sẽ biến đổi, sẽ bay lên như khói (giả định rằng mọi thứ biến thành một), hay phân rã thành những phần tách biệt.
5. Lý trí - logos - biết vị trí của nó, và thứ nó cần phải thực hiện, và đối tượng, hay những thứ mà nó cần phải xử lý.
6. Cách trả thù tốt nhất là không giống như kẻ gây nên hằn thù ấy (hay không làm những hành động xấu như kẻ đã làm điều ấy với ta).
7. Cứ cần mẫn chuyển từ một hành động tốt đẹp, không vị kỷ này sang một hành động khác tương tự, với Thượng Đế/Chúa trong tâm trí.
Hãy chỉ tìm kiếm niềm vui và sự bình thản trong việc ấy mà thôi.
8. Tâm trí là thứ có thể tự thức tỉnh và định hướng cho chính nó. Nó có đủ năng lực để trở thành bất cứ điều gì nó lựa chọn. Và nó cũng có thể chọn cách nhìn nhận những thứ xảy đến với nó.
9. Mọi thứ được mang đến bởi tự nhiên, chứ không phải cái gì ở ngoài tự nhiên, hay trong tự nhiên, hay tách rời với tự nhiên.
10. (i) Hỗn loạn, đan cài, rải rác; hay (ii) Thống nhất, trật tự, hữu ý
Giả sử là (i): tại sao ta muốn sống trong sự hỗn loạn, thiếu trật tự ấy? Tại sao ta phải quan tâm đến thứ gì trừ cái kết cục "cát bụi lại trở về với cát bụi"? Tại sao ta phải lo âu? Đằng nào thì mọi thứ cũng chắc chắn sẽ phân rã, bất kể ta có làm gì, có cố gắng đến đâu đi chăng nữa.
Nhưng giả sử là (ii): Tôn kính. Bình thản. Có niềm tin vào cái lý trí toàn thể - logos, thứ quyền lực chịu trách nhiệm cho tất cả.
11. Khi những hoàn cảnh mà ta chẳng thể tránh khỏi khiến ta bực bội, chấn động, hãy cố hướng tâm trí mình vào bên trong, và đừng để mất sự nhịp nhàng chừng nào ta còn giữ được. Nếu có thể ghi nhớ để hướng vào trong như thế, thì chắc chắn ta sẽ sớm lấy lại được sự bình thản của mình.
12. Nếu ta có một người mẹ kế và một mẹ đẻ, ta sẽ kính trọng người mẹ kế, đúng ... nhưng ta sẽ luôn trở về với mẹ ruột của mình.
Triều đình ... và triết: hãy luôn tìm về với "người mẹ ruột" đó, để có thể nghỉ ngơi trong sự chăm sóc ấy. Chính triết sẽ khiến cả triều đình - lẫn chính bản thân ta - trở nên có thể chịu đựng được.
13. Giống như việc nhìn thấy món (cá) nướng và các món ăn khác được phục vụ trước mặt và ta chợt nhận ra rằng: đây là xác một con cá. Hay một con chim. Hay một phần của con lợn. Hay loại rượu thượng hạng này thực ra cũng chỉ là nho mà thành, và cái áo choàng tía sang trọng này là từ lông cừu nhuộm với sò huyết. Hay việc ái ân - đơn thuần chỉ là một thứ bên ngoài chà sát lên bộ phận ấy của ta, một cơn sướng ngắn ngủi, và một chút chất lỏng đục màu.
Những nhận thức như thế - áp lên sự vật sự việc và cho ta cái nhìn xuyên thấu chúng, để ta có thể nhận ra thực sự chúng là gì. Đó là thứ ta cần phải thực hiện luôn luôn - trong cả cuộc đời mình khi mọi thứ đòi hỏi ở ta lòng tin tưởng - để có thể khiến chúng trở nên trần trụi và từ đó hiểu được chúng vô nghĩa đến thế nào, để có thể bóc hết những lớp vỏ ngoài, những lời đồn đại - những huyền thoại bao phủ quanh chúng.
Vì vẻ ngoài là bậc thầy lừa dối: khi ta nghĩ rằng ta đang bận rộn với những việc quan trọng, đó là khi vẻ bề ngoài, những nhận thức bề mặt đang làm lu mờ khả năng suy xét của ta.
(So sánh với đoạn Crates viết về Xenocrates)
14. Những thứ khiến người bình thường ấn tượng có thể nằm trong các loại được kết nối với nhau bởi quan hệ vật lý đơn giản (giống như gỗ hay đá), hoặc bởi sự tăng trưởng tự nhiên (những quả vả, nho, ôliu ...) Những thứ khiến người hiểu biết hơn ấn tượng được kết nối với nhau bởi linh hồn sống động (bầy cừu, đàn bò). Những người tinh tế hơn nữa thì ấn tượng với thứ được dẫn dắt bởi lý trí - không phải là cái lý trí phổ thông, mà là lý trí được tôn kính bởi hiểu biết hay những kỹ năng khác của nó - hoặc chỉ do tình cờ sở hữu rất nhiều nô lệ.
Nhưng những người tôn kính thứ lý trí khác - thứ chúng ta cùng chia sẻ, như một con người, hay như một người công dân - sẽ không ấn tượng với bất cứ thứ gì khác. Vì họ chỉ tập trung vào duy nhất một thứ - trạng thái của chính tâm trí họ - để tránh mọi sự vị kỷ và phi logic, và hành động, làm việc cùng người khác để đạt đến mục tiêu đó.
15. Một vài thứ đang gấp rút lao vào sự sống, vài thứ khác lại lao ra khỏi nó. Một vài thứ từng tồn tại giờ đã biến mất. Những thay đổi, và dòng chảy luôn biến chuyển cứ thế tái tạo thế giới, giống như dòng chảy không ngừng của thời gian tạo nên vĩnh hằng.
Chúng ta thấy mình trên một dòng sông. Có thứ gì xung quanh thực sự có giá trị với ta, khi chúng thậm chí còn chẳng thể đứng yên lại một chỗ một cách vững vàng?
Giống như sự vương vấn một chú chim sẻ: ta chỉ vừa thoáng thấy mà nó đã bay đi rồi.
Và cả cuộc đời cũng vậy: như sự bay hơi của máu (Lời người dịch: cái này được nhắc đến vài ba lần trong cả cuốn sách, khi thời ấy họ tin rằng linh hồn là do máu bay hơi tạo thành), hay sự hô hấp. Ta trả lại cái quyền năng hô hấp mà ta nhận được khi sinh ra (mới chỉ hôm qua hay ngày trước đó), trả nó, đẩy nó ra như không khí ta hít thở mỗi giây phút vậy.
16. Thứ gì trong ta đáng để ta tự hào?
Không phải khả năng thoát mồ hôi (cây cối cũng có thể thoát hơi nước như thế)
Hay hô hấp (ngay cả những con quái thú hay động vật hoang dã cũng thở)
Hay bị ấn tượng bởi những suy nghĩ vụt qua
Hay bị điều khiển bởi những xung động, cơn bốc đồng của chính ta như con rối bị điều khiển bởi sợi dây nối
Hay di chuyển theo bầy đàn
Hay nạp vào, rồi lại thải ra sau đó
Vậy thứ gì đáng để ta tự hào?
Khán giả vỗ tay tán dương? Không. Không nhiều hơn tiếng tặc lưỡi của họ. Sự tán dương của đám đông thực ra đâu có khác biệt - chỉ là tiếng tặc của rất nhiều cái lưỡi mà thôi.
Vậy nên ta bỏ ngoài tai những thừa nhận của đám đông. Và thế thì còn điều gì để ta đáng tự hào?
Ta nghĩ là điều này: làm những thứ ta được tạo ra để làm, và không làm những thứ trái với chúng. Đó là mục đích của mọi trao đổi buôn bán, mọi nghệ thuật, và những hành động đó nhắm đến điều gì: rằng những thứ chúng tạo ra sẽ thực hiện nhiệm vụ chúng được thiết kế để thực hiện. Người trông vườn chăm cho những chùm nho, kẻ huấn luyện ngựa, người gây giống chó - đó là điều họ nhắm tới. Và việc dạy học, hay giáo dục - còn gì khác họ cố gắng đạt tới?
Vậy nên đó là thứ đáng để ta tự hào. Hãy luôn ghi nhớ điều đó, và ta sẽ không thể bị cám dỗ để nhắm tới bất cứ thứ gì khác.
Và nếu ta chẳng thể dừng đặt giá trị vào những thứ khác? Thì ta sẽ chẳng bao giờ có được tự do - tự do, độc lập, khả năng điềm tĩnh không nao núng. Vì ta sẽ luôn thấy mình ganh ghét, ghen tị, sợ rằng người khác sẽ đến và cướp chúng khỏi ta. Hay mưu toan chống lại những kẻ đang có chúng - những thứ ta cho rằng có giá trị. Những kẻ thấy mình cần chúng thì sẽ chắc chắn phải cảm thấy rối loạn - và nhất định sẽ trút những giận dữ của mình lên các vị thần linh. Trong khi việc tôn trọng tâm trí, và đặt nó lên trước nhất - sẽ khiến ta có được cảm giác thoả mãn từ bên trong, hoà hợp với cộng đồng xung quanh và chia sẻ cùng trạng thái bình thản với thần linh - tôn kính thứ họ ban cho ta, và thứ họ sắp đặt.
Bản tiếng Anh
Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất