Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 5 (3)

24. Hãy ghi nhớ:
Vật chất: phần của ta trong nó nhỏ bé thế nào.
Thời gian: phần được ban cho ta ngắn ngủi và chóng vánh thế nào.
Vận mệnh: vai trò của ta nhỏ bé đến đâu trong nó.
25. Vậy, ta tin rằng những kẻ khác đang làm hại ta? Đó thực ra là vấn đề của họ. Tính cách và hành động của họ không phải thứ ta có thể kiểm soát. Hành động của họ với ta, là do tự nhiên sắp đặt. Nhưng những thứ ta làm là do ta, ta có thể kiểm soát chúng.
26. Tâm trí có thể kiểm soát, thậm chí cai quản linh hồn. Nó cần duy trì được sự bình thản trước những khích động của cơ thể - dù là nhẹ nhàng hay dữ dội. Không gắn mình với cơ thể, mà có thể tự ngăn cách và đặt những cảm nhận ấy vào đúng vị trí của chúng. Khi ta cảm thấy chúng đang tác động đến suy nghĩ của mình, qua sự liên kết giữa tâm trí và cơ thể, đừng cố kháng cự lại cái cảm nhận ấy. Vì cảm nhận ấy đến là thuận theo tự nhiên. Nhưng đừng để tâm trí bắt đầu những đánh giá của nó, coi thứ này là tốt, thứ kia là xấu.
27. "Hãy sống với thần linh (Lời người dịch: theo kiểu để thần linh luôn hiện hữu trong tâm trí)". Và làm thế tức là cho họ thấy linh hồn ta chấp nhận thứ nó nhận được và tuân theo điều mà tinh thần yêu cầu - phần tinh thần mà Thượng Đế/Chúa ban cho mỗi chúng ta để định hướng và dẫn dắt ta. Đó chính là tâm trí, hay Đạo/lý trí (logos) của chúng ta.
28. Đừng để mình bực dọc với mùi cơ thể hay mùi hôi miệng của kẻ khác. Điều đó mang lại lợi ích gì? Với cái mồm, hay nách như thế, họ sẽ buộc phải sinh ra những mùi ấy.
Nhưng họ có não! Vậy tại sao họ không thể nhận ra vấn đề?
Vậy, ta có não hay không? Nếu có, tốt cho ta. Hãy dùng lời lẽ thuyết phục để sửa đổi người đó. Chỉ cho anh ta. Khiến anh ta nhận ra. Nếu anh ta nghe theo, ta đã giải quyết được vấn đề. Mà đâu cần phải giận dữ.
28a. Không phải là kẻ đóng vai vua, cũng không phải gái điếm
(Lời người dịch: ý này bó tay. Trong bản dịch mới của James Harris cho người đọc đương đại mình thấy bỏ hẳn ý này. Ở đây mình chỉ đoán có lẽ Marcus đang tự nhắc bản thân về việc hành động, làm thực, chứ không phải chỉ như vai diễn, hay như một ả gái bao phô trương để mọi người thấy và chú ý)
29. Ta có thể sống ở đây như cách mà ta mong đợi sẽ được sống nếu ta ở đó (Lời người dịch: mình đoán ý ngài khi nói "ở đó" chính là thiên đường, nơi linh hồn có lý trí của con người trở về hội tụ với nhau và chia sẻ với thần linh).
Và nếu họ không để ta làm thế, ta có thể rời bỏ cuộc đời ngay lúc này, mà chẳng thiệt thòi gì cả. Nếu khói khiến ta ho, ta sẽ rời đi. Có gì quá khó khăn trong việc ấy? (Lời người dịch: nếu khói khiến ta ho ... là một trích đoạn trong The discourse của Epictetus, cuốn sách là nguồn cảm hứng cho Marcus đi theo Stoicism)
Cho đến khi nào mà hoàn cảnh chưa đến ngưỡng ấy, ta hoàn toàn tự do. Không ai có thể ngăn ta làm thứ ta muốn làm. Và ta muốn thứ đúng đắn với một sinh vật lý trí, sống trong cộng đồng.
30. Tâm trí vũ trụ chắc chắn không ích kỷ.
Nó tạo ra những thứ ở tầng thấp hơn vì những thứ ở tầng cao hơn, và khiến những thứ ở tầng cao hơn hoà hợp với nhau. Hãy xem nó làm cho tất cả phụ thuộc, liên kết thế nào với nhau, ban cho mỗi đối tượng thứ chúng đáng được nhận, và khiến những thứ tốt đẹp hơn được đứng cùng hàng.
31. Ta đã cư xử như thế nào với thần linh, cha mẹ, anh chị em, vợ, con cái, thầy dạy, vú nuôi, bạn bè, người thân, và nô lệ của mình? Ta có chắc họ chưa từng nhận được thứ gì từ ta mà "sai trái, không đáng phải nhận, từ cả hành động lẫn lời nói của ta" (Lời người dịch: đoạn trong ngoặc kép là Marcus trích trong Odysses của Homer)
Xem xét mọi thứ ta đã trải qua, sống sót qua. Và nếu câu chuyện cuộc đời ta đã hoàn tất, và những nhiệm vụ được giao ta đã hoàn thành. Sẽ có bao nhiêu thứ tốt đẹp ta đã được nhìn thấy? Bao nhiêu đau khổ hay hưởng thụ ta đã có thể đối mặt và kiểm soát? Bao nhiêu vinh quang ta đã từ chối? Bao nhiêu kẻ xấu ta đã có thể khoan dung mà đối xử tốt với chúng?
32. Làm thế nào mà những linh hồn - không có phẩm chất bẩm sinh, không được rèn luyện - lại có thể làm xáo động một linh hồn đã được rèn luyện và có sự hiểu biết đúng đắn?
Và linh hồn đó (đã được rèn luyện và có sự hiểu biết đúng đắn) là như thế nào?
Một linh hồn biết về khởi đầu và kết thúc, và hiểu rằng lý trí toàn thể - logos - xuyên suốt mọi thứ, điều vận, sắp đặt mọi thứ, mỗi thứ một nơi chốn, một khoảng thời gian, trong cái dòng chảy vĩnh cửu của cuộc đời.
33. Sớm thôi, ta sẽ trở thành tàn tro hay xương khô. Nhiều nhất cũng chỉ còn lại một cái tên - và ngay cả nó cũng chỉ trong giây khắc, một tiếng vọng mà thôi. Những thứ mà chúng ta khao khát trong cuộc sống thì thật ra đều trống rỗng, tầm thường và nhạt nhẽo. Chẳng khác nào hình ảnh những chú chó cứ mãi hằm hè nhau. Hay trẻ con cự cãi tị nạnh - mới cười đấy mà rồi khóc ngay được. Niềm tin, sự nhún nhường, sự công bằng, chân lý - "biến khỏi mặt đất và chỉ có thể được tìm thấy nơi thiên đường"
Vậy tại sao ta vẫn ở đây? Những cảm giác của ta thì luôn thay đổi và không chắc chắn; giác quan của ta thì mập mờ và dễ bị lừa; ngay cả chính linh hồn cũng chỉ là làn hơi từ máu bốc lên; và danh tiếng trong thế giới này đâu có chút giá trị.
Vậy thì sao?
Hãy kiên nhẫn chờ đợi nó (cái chết) - hoặc là sự huỷ diệt, hoặc là biến hoá sang trạng thái khác.

Thế còn từ giờ đến lúc đó?

Hãy tôn kính và thờ phụng thần linh, đối xử với con người theo cách họ xứng đáng được nhận, khoan dung với người khác và nghiêm khắc với chính bản thân mình. Hãy nhớ rằng, không gì thực sự thuộc về ta ngoài chính máu thịt của cái cơ thể này, và không gì khác đặt dưới sự kiểm soát của ta.

34. Một cuộc đời yên ổn là điều ta có thể đạt đến, nếu ta tiếp tục cố gắng để suy nghĩ và hành động của mình có hệ thống.
Thần linh và con người có chung hai đặc tính (và mọi sinh vật lý trí khác)
i. Không để những kẻ khác hạn chế, hay ảnh hưởng đến ta
ii. Luôn hướng tới sự đúng đắn trong hành động và suy nghĩ, và chỉ giới hạn ham muốn của mình trong việc đó mà thôi.
35. Nếu:
việc xấu ấy không phải do ta thực hiện
hay là kết quả của một hành động của ta
và cộng đồng không bị làm hại, hay chịu ảnh hưởng xấu, thì tại sao ta phải phiền lòng vì nó?
Đâu mới là mối nguy cho cộng đồng?
36. Đừng để bị ám ảnh bởi những tưởng tượng trong đầu mình, mà hãy chỉ đơn giản là làm những thứ ta có thể và nên làm. Và nếu <…> (họ) tự bắt bản thân họ chịu đựng những thứ không cần thiết, đừng coi nó như một mối hại (một thói quen xấu). 
Như ông già hỏi xin lại món đồ chơi của đứa trẻ mồ côi trên đường rời đi - dù ổng hiểu rõ nó chỉ là một món đồ chơi mà thôi. Và những sự chịu đựng ấy thực ra, về bản chất, cũng như vậy mà thôi. (Lời người dịch: "Như ông già hỏi xin lại món đồ chơi của đứa trẻ mồ côi trên đường rời đi ..." - có lẽ ngài đang trích từ 1 vở nhạc kịch nào đó không rõ nguồn)
36a. Trên ngai vàng
Phải chăng ta đã quên nó thực sự là gì sao?
- Ta biết, nhưng nó quan trọng với họ
Vì vậy mà ta cũng phải là một kẻ ngốc hay sao?
37. Ta từng là một kẻ may mắn, nhưng rồi vận may đã rời bỏ ta.

Nhưng vận may thực sự là thứ chính ta tạo ra cho mình. Vận may thực sự: phẩm cách, mục đích đúng đắn, và những hành động ngay thẳng tốt đẹp.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)