Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 4 (4)

39. Không điều gì diễn ra trong tâm trí người khác lại có thể làm hại ta. Hay những biến chuyển, đổi thay trong thế giới xung quanh ta cũng vậy.
Vậy đâu là thứ có thể hại ta?
Trong chính khả năng đánh giá của ta, khi ta cho rằng thứ gì đó đang hại mình. Nếu ta có thể chấm dứt những đánh giá ấy, mọi thứ sẽ ổn. Hãy để phần trong ta tạo ra cái đánh giá ấy giữ im lặng, ngay cả nếu cơ thể này bị đâm chém hay bị thiêu cháy, hay chịu mưng mủ hôi hám, hay bị ung nhọt tàn phá. Nói cách khác: nó cần phải hiểu được rằng những thứ xảy đến với tất cả mọi người - cả người tốt lẫn kẻ xấu - thì không tốt cũng chẳng xấu. Rằng những thứ xảy đến với mọi cuộc đời - dù là cuộc đời sống thuận theo tự nhiên hay cuộc đời sống trái với tự nhiên - thì cũng chẳng thuận tự nhiên hay không thuận tự nhiên.
40. Cả thế giới này là một thực thể sống - một bản chất, một tâm hồn. Hãy ghi nhớ điều đó. Và làm cách nào mọi thứ đóng góp vào cái tồn tại duy nhất ấy, dịch chuyển trong cùng một trạng thái. Và làm cách nào mọi thứ giúp sinh ra những thứ khác. Xoay vần và đan quyện vào nhau.
41. "Một mảnh linh hồn mang theo cái xác bên ngoài này" - Epictetus
42. Chẳng có gì xấu trong việc trải qua những biến đổi - hay tốt trong việc sinh ra từ những biến đổi.
43. Thời gian như một dòng sông, dòng chảy mãnh liệt của những sự kiện, thoáng lướt qua và đã vượt qua ta, và dòng khác đang đến và sẽ lại ra đi.
44. Mọi thứ xảy đến thì đều đơn giản và thân thuộc như những bông hồng của mùa xuân, hay trái chín mùa hạ: bệnh tật, cái chết, lời báng bổ, mưu đồ ... tất cả những thứ đó, những thứ khiến những kẻ ngu ngốc điên rồ cảm thấy hạnh phúc hay tức giận.
45. Thứ theo sau ăn nhập với thứ đi trước. Không giống như một bản danh mục ngẫu nhiên - thứ mà sự sắp đặt là tuỳ tiện, mà là gắn kết với nhau một cách logic. Và cũng giống như những thứ đang tồn tại thì trật tự và hài hoà, những thứ mới xuất hiện cũng tuân theo một trật tự. Không phải chỉ là sự nối tiếp đơn thuần, mà phù hợp một cách đáng kinh ngạc.
46. Hãy luôn ghi nhớ lời Heraclitus: "Khi đất chết, nó biến thành nước; nước, thành khí; khí, thành lửa; và quay trở lại ban đầu"
"Những kẻ đã vô tình quên mất con đường đời đang dẫn họ đến đâu"
"Họ lạc lõng, trở nên xa lạ với những thứ xung quanh" - cái lý trí toàn thể (logos) - chi phối, điều vận tất cả. Và " Họ cảm thấy xa lạ với những thứ họ gặp hàng ngày"
"Lời nói và hành động của ta đừng nên như những kẻ ngủ mơ" (vì ta vẫn có thể nói và hành động khi đang ngủ) "hay giống lũ trẻ đang bắt chước cha mẹ chúng" - chỉ làm và nói những gì người ta bảo.
47. Giả sử một vị thần thông báo rằng ta sẽ chết ngày mai hay ngày kia. Nếu không phải một kẻ hèn nhát yếu đuối, ta sẽ chẳng phản đối ra mặt về ngày nào điều đó sẽ xảy đến - vì ngày cụ thể nào đâu có gì thực sự khác biệt. Vậy nên, cũng đừng nghĩ quá to tát về việc sẽ chết sau nhiều năm nữa hay chỉ mai hay ngày kia, vì chúng cũng đâu có khác biệt.
48. Đừng quên bao nhiêu thầy thuốc đã chết, sau khi cau mày, nhăn trán trước vô số giường bệnh những người đã không may qua đời. Bao nhiêu nhà chiêm tinh (đã chết), sau khi đã dự đoán kết cục của rất nhiều người khác. Bao nhiêu triết gia, sau những bản luận dài dòng về cái chết và sự bất tử. Bao nhiêu chiến binh, sau khi bắt hàng ngàn kẻ khác phải chết dưới vũ khí của họ. Bao nhiêu tên bạo chúa, sau khi lạm dụng quyền sinh sát một cách vô tội vạ, như thể họ thì bất tử vậy.
Cả bao nhiêu thành phố đã đối mặt với cái kết thúc cuối cùng: Helike, Pompeii, Herculaneum, và vô số cái tên khác.
Và tất cả những tên tuổi khác mà chính ta biết, cứ lần lượt ra đi. Một người đặt người khác xuống mộ, và rồi đến lượt chính anh ta, và rồi người đặt anh ta xuống - tất cả trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như nhau.
Tóm lại, hãy nhớ điều này: đời người thì ngắn ngủi và tầm thường. Ngày hôm qua là “một giọt của sự sống", ngày mai là đống tro tàn hay xương khô.
Vậy nên hãy sống cuộc đời mình theo cách mà tự nhiên yêu cầu. Và chuẩn bị cho mình để có thể từ bỏ nó mà không than phiền.
Như quả oliu chín mọng rồi rụng xuống.
Ngợi ca mẹ tự nhiên, và biết ơn cái cây đã tạo ra nó.

49. Hãy giống như hòn đá ngoài biển khơi, với những ngọn sóng cứ không ngừng dập vào nó dữ dội. Nó vẫn đứng đó không suy chuyển, và cơn giận dữ của biển cả cũng sẽ chìm xuống xung quanh nó mà thôi. 

49a. Thật không may khi điều đó xảy ra.
Không. Phải là thật may khi điều đó xảy ra và ta vẫn bình thản như thể chưa bao giờ bị ảnh hưởng bởi nó - không bị làm hại trong hiện tại, và không hoảng sợ về tương lai. Nó có thể xảy đến cho bất cứ ai. Nhưng không phải ai cũng có thể giữ được sự bình thản bên trong mình. Tại sao lại coi một thứ là bất hạnh, và thứ khác là may mắn? Liệu ta có thể thực sự coi một thứ là bất hạnh khi nó không đi ngược lại bất cứ đặc tính tự nhiên nào hay không? Hay ta nghĩ rằng một thứ không đi ngược lại với bất cứ đặc tính tự nhiên nào lại là trái với ý chí của tự nhiên? Nhưng ta biết ý chí tự nhiên là gì. Liệu thứ xảy ra cho ta ấy, có khiến ta không thể hành động theo những phẩm cách: công bằng, độ lượng, có tự chủ, đúng mực, cẩn trọng, trung thực, khiêm nhường, thẳng thắn, và tất cả các đức tính khác, những thứ khiến chúng ta mang tính người hay không?
Vậy hãy ghi nhớ nguyên tắc này, khi một thứ nào đó đe doạ làm đau ta: chính thứ đó thì không thể là bất hạnh được; vì việc có thể chịu đựng nó và chiến thắng số mệnh là một may mắn.
50. Một cách tiếp cận quen thuộc nhưng hiệu quả trước nỗi sợ chết: nghĩ đến danh sách những người sống lâu đến nỗi những người khác phải cầu cho họ biến mất khỏi cuộc sống. Họ thu được gì trong việc sống dai như thế? Cuối cùng, tất cả đều nằm dưới 6 tấc đất mà thôi - Caedicianus, Fabius, Julian, Lepidus, và những người khác. Họ chôn cất những người cùng thời, rồi cũng đến lượt họ. Cuộc đời chúng ta luôn rất ngắn ngủi. Và phải sống trong những hoàn cảnh này, với những con người như thế, và với cái cơ thể đầy khiếm khuyết này? Không gì đáng để ta vui mừng cả. Hãy nghĩ đến vực thẳm thời gian đã qua, và tương lai bất định. Ba ngày trong đời hay ba thế hệ: cũng đâu có gì khác biệt nhau.
51. Hãy chọn con đường ngắn nhất, con đường mà Tự nhiên đã vạch ra cho ta - nói và hành động theo cách có lý trí nhất. Hãy tuân thủ điều đó, và giải thoát bản thân khỏi mọi đau đớn mệt mỏi, hay toan tính và kỳ vọng.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)