Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 4 (3)

25. Rồi sau đó có thể ta sẽ nhận ra cuộc sống của một người tốt là thế nào - một người có thể hài lòng với những gì tự nhiên giao phó cho anh ta, và hài lòng với việc luôn sống một cách công bằng và tốt bụng tử tế.
26. Có phải ta đã thấy điều đó trước đây? Giờ hãy xem thứ này. (Lời người dịch: câu này mình phải đoán ý, và có vẻ Marcus đang ám chỉ thói thích tìm tòi cái mới, của lạ của những bậc vua chúa quý tộc xưa. Vậy nên mới dẫn đến vế sau khi ông nhắc mình không nên để bị sao nhãng).
Đừng để bị sao nhãng. Đừng tự làm phức tạp hoá vấn đề.
Ai đó đã làm điều sai trái ... cho chính anh ta.
Điều đó xảy đến với ta. Tốt thôi. Nó được tự nhiên giao/ban cho ta, chính là tự nhiên - thứ đan kết tất cả thành một hệ thống kể từ thời điểm ban đầu.
Cuộc đời rất ngắn. Đó là tất cả những gì ta cần phải nói (với chính mình, để có thể bình thản đón nhận những thứ tự nhiên giao/ban cho ấy). Hãy thực hiện thứ ta có thể trong hiện tại - một cách cẩn trọng, và công bình.
Và biết điều độ tiết chế trong việc nghỉ ngơi.
27. Một thế giới trật tự hay một mớ hỗn độn. Nhưng vẫn là một thế giới. Nhưng liệu ta có thể thực sự tin rằng có sự sắp xếp bên trong ta mà lại không có sự sắp xếp ở những thứ bên ngoài? Ở những thứ rất khác biệt, phân tán, mà lại đan xen với nhau?
28. Tính cách: tăm tối, ẻo lả, cứng nhắc. Sói, cừu, trẻ con, những con người ngờ nghệch, bọn lừa đảo, kẻ pha trò, người bán hàng, bạo chúa.
(Lời người dịch: câu này chắc như một cách để ngài nhớ về những thứ vẫn tồn tại trên thế gian bao đời nay. Có thể liên kết lại với #1 Quyển 2 khi ngài tự nhủ mỗi sáng sớm về những loại người có thể gặp trong ngày).
29. Kẻ xa lạ: một kẻ không biết thế giới bao hàm những gì. Hay cách nó vận hành.
Kẻ trốn chạy: một kẻ thoái thác, trốn tránh những nghĩa vụ của mình với cộng đồng
Mù (tính từ): một kẻ cứ nhắm chặt đôi mắt của tâm trí.
Nghèo (tính từ): đòi hỏi những thứ bên ngoài; không nghĩ rằng mình đã có đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống.
Kẻ chống đối (danh từ): một kẻ nổi loạn, tự tách mình khỏi cái toàn thể Tự nhiên vì hắn căm hận sự vận hành của nó (nó đã sinh ra hắn, giờ lại tạo ra điều này)
Kẻ có khuynh hướng ly giáo (danh từ): kẻ tách tâm hồn mình khỏi những người khác trong cái toàn thể. Trong khi chúng phải là một.
(Lời người dịch: đoạn này khá hay, và là một bài luyện rất hữu ích của triết thực hành - tự mình kiểm tra lại định nghĩa của từ ngữ, chứ không để suy nghĩ thông thường của người đời áp đặt. Ví dụ như cách Seneca từng định nghĩa lại nghèo không phải là có ít của cải, mà là cứ mong muốn nhiều hơn vậy).
30. Một triết gia không có phục trang và không một cuốn sách. "Ta không có gì để ăn", ông ta nói, khi đang đứng đó gần như trần trụi, "nhưng ta tồn tại trong cái toàn thể" (Lời người dịch: ý ở đây hơi khó hiểu một chút, và các bản dịch khá khác nhau. Mình đoán Marcus đang ám chỉ ngay cả triết gia cũng không thể chỉ "ăn" kiến thức và sự thông tuệ được. Từ đó dẫn lại về sự tồn tại phụ thuộc của mỗi người trong cái tổng thể đan xen của Tự nhiên, và vì vậy mà cần phải biết trân trọng nó). Và không có gì để đọc, ta vẫn sẽ tồn tai trong nó.
31. Hãy trân trọng cái kiến thức và quy tắc ứng xử mà ta nắm được, và để nó hỗ trợ ta. Sẵn lòng giao phó mọi thứ cho thần linh, và rồi sống tiếp đời mình - không phải là chủ nô của ai, cũng chẳng phải nô lệ của ai.
32. Ví dụ, thời đại của Vespasian. Con người cũng làm chính xác những thứ ấy: cưới xin, sinh thành nuôi nấng con cái, đau ốm, chết, gây ra chiến tranh, tiệc tùng, thực hiện công việc kinh doanh, trồng trọt, nịnh hót, khoe khoang, ngờ vực, mưu toan, mong kẻ này kẻ nọ chết đi, than vãn về cuộc đời của họ, bị trúng mũi tên của thần tình yêu, phung phí tiền bạc, khao khát những vị trí cao và quyền lực.
Và cuộc đời của họ chẳng còn chút gì tồn tại đến giờ.
Hay thời đại của Trajan. Cũng những thứ tương tự. Và thời của họ cũng đã qua.
Hãy tìm hiểu lịch sử các thời đại. Và xem có biết bao người đã sống hết mình và sớm ra đi và phân rã thành những thành tố đã tạo nên chính họ.
Nhưng trên tất cả, hãy nhớ về những người mà chính ta biết đến. Những người chỉ toàn làm việc vô bổ, không làm những việc nên làm - những thứ đã được giao cho họ bởi cái lý trí toàn thể - logos, mà họ nên kiên tâm với chúng và nên tìm kiếm sự hài lòng chỉ trong việc thực hiện chúng mà thôi.
Và một điểm then chốt cần ghi nhớ trong tâm trí: giá trị của sự chú tâm phụ thuộc vào đối tượng của nó. Tốt nhất đừng nên phí công sức vào những thứ nhỏ nhặt, vô giá trị, dành cho chúng nhiều thời gian hơn chúng xứng đáng.
33. Những từ ngữ một thời phổ biến giờ trở nên cổ xưa, lạ lẫm. Và những cái tên nổi tiếng nữa: Camillus, Caeso, Volesus, Dentatus ... Scipio và Cato ... Augustus ... Hadrian và Antonius, và ...
Mọi thứ đều phai mờ rất nhanh, trở thành giai thoại, rồi cũng sớm bị trôi vào quên lãng.
Mà đó là những người đã đã vang bóng một thời. Phần còn lại - "không ai biết, chẳng ai hỏi đến" chỉ giây phút sau khi qua đời. Vậy thì thanh danh muôn đời là gì? Ngoài một sự trống rỗng hư vô.
Vậy chúng ta phải cố gắng làm việc vì điều gì?
Chỉ điều này: có được hiểu biết đúng đắn (về bản thân và thế giới); hành động một cách vô tư không ích kỷ; và nói năng trung thực. Một ý chí quyết tâm để có thể chấp nhận mọi thứ xảy đến như thể chúng là cần thiết và không có gì mới lạ bất ngờ, thuận theo như nước chảy từ cùng một nguồn, một con suối.
34. Hãy trao bản thân cho Clotho (một trong những vị thần nắm vận mệnh) một cách tự nguyện, và để nàng quay tròn số phận của ta và biến nó thành bất cứ thứ gì nàng muốn.
35. Mọi thứ đều mang tính nhất thời, cả người biết và thứ/người được biết đến.
36. Luôn tâm niệm về việc mọi thứ đều sinh ra từ sự thay đổi. Hiểu biết rằng tự nhiên không yêu gì hơn việc thay đổi những thứ đang tồn tại và tạo ra những thứ mới. Tất cả mọi thứ có sự tồn tại thì đều là hạt mầm của những thứ sẽ sinh ra từ chúng. Không lẽ ta cho rằng chỉ có những thứ tạo ra cây cối hay trẻ con là hạt mầm. Hãy nhìn sâu hơn thế đi.
37. Bên bờ vực cái chết mà vẫn còn nặng lòng, còn xáo trộn không yên, còn tin rằng những thứ bên ngoài có thể hại ta, vẫn lỗ mãng với người khác, vẫn không thừa nhận chân lý: rằng sự thông tuệ thể hiện trong chính các hành động ngay thẳng, công bình.
38. Hãy nhìn sâu vào tâm trí của cả những người thông thái, để biết họ sẽ làm gì, hay sẽ không làm gì.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)