Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 10 (2)

11. Cách mà mọi thứ cứ luôn biến đổi, từ dạng này sang dạng khác, từ hình thái này sang hình thái khác - hãy học cách để có thể nhìn nhận điều ấy. Áp dụng nó thường xuyên; và dùng nó để rèn luyện chính bản thân mình. Khó có gì tốt hơn khả năng ấy cho sự dày dạn, trưởng thành của tâm trí ta.
11a. Một người đã thoát được khỏi sự ràng buộc của thân xác mình - và nhận ra rằng một lúc nào đó sớm thôi sẽ phải rời bỏ cuộc sống, bỏ lại mọi thứ sau lưng - quyết định dành toàn bộ tâm sức mình để phục vụ công lý trong mọi hành động, và hoàn toàn chấp nhận mọi sự sắp đặt của tự nhiên xảy đến cho anh ta. Người khác nói hay nghĩ gì về anh ta, họ đối xử với anh ta như thế nào, chẳng phải thứ khiến anh ta bận tâm. Mà chỉ có hai câu hỏi: liệu việc anh ta đang làm ngay lúc này có phải việc đúng đắn để làm? Và liệu anh ta có thể chấp nhận và thậm chí là hân hoan đón nhận mọi thứ được ban/giao cho anh ta? Anh ta đã thoát khỏi mọi công việc, mọi nghĩa vụ khác. Và chỉ mong có thể tiếp tục đi con đường thẳng ấy – đến với Chúa/Thượng đế, theo những quy luật.
12. Tại sao ta lại để mình bận tâm vì những phỏng đoán, những nỗi ngờ vực vô cớ như thế? Chẳng phải ta có khả năng nhận định thứ gì cần phải làm hay sao. Nếu ta nhìn thấy con đường, đi theo nó. Một cách vui vẻ hân hoan, mà không quay đầu lại. Còn nếu không, hãy dừng lại và tìm cho mình lời khuyên tốt nhất. Nếu có bất cứ thứ gì chắn ngang, hãy cứ dấn bước, tận dụng tất cả những gì ta có trong tay, và bám chắc vào thứ mà ta cho là đúng đắn (vì đó là thứ tốt nhất mà ta có thể cố đạt đến, và ngay cả nếu ta thất bại, thì ít nhất ta cũng đã nỗ lực đạt đến nó).
12a. Ai có thể tuân theo lý trí trong mọi hoàn cảnh thì sẽ có được cả sự bình thản và linh hoạt, đầy sức sống, đồng thời luôn giữ được vẻ hân hoan và bình tĩnh.
13. Khi ta thức dậy, hãy tự hỏi bản thân mình:

Liệu có gì khác biệt không, nếu người khác trách móc ta vì một thứ đúng đắn mà ta đã làm?

Ta sẽ thấy điều ấy chẳng mang lại bất cứ sự khác biệt nào.

Phải chăng ta đã quên rằng những người cứ nồng nhiệt ca ngợi hay trách móc người khác, là những kẻ như thế nào, sống cuộc đời của chính họ như thế nào, cách họ ăn uống, ngủ nghỉ?
Quên rằng cách cư xử của họ, những nỗi sợ hãi, ham muốn của họ, những trộm cắp cướp phá của họ - không phải về vật chất, mà những lỗi thuộc về cái phần đáng ra là cao quý nhất trong họ? Cái phần đáng ra có thể khiến họ kiên định, nếu nó chọn, với lòng trung thành, sự khiêm nhường, chân lý, trật tự, hạnh phúc.
14. Tạo hoá ban cho và tạo hoá lấy đi. Bất cứ ai hiểu biết và khiêm nhường đều sẽ nói với Ngài rằng: "Hãy cứ ban và lấy đi như Ngài muốn", không phải một cách thách thức, mà trong sự chấp thuận và thiện ý.
15. Khoảng thời gian còn lại ngắn lắm. Hãy sống như thể ta chỉ có một mình - giữa thiên nhiên hoang dã. Không có gì khác biệt giữa 'ở đây' và 'ở đó': thành phố mà ta đang sống đây thực ra là cả thế giới.
Hãy để mọi người xung quanh nhìn thấy một người sống thuận theo tự nhiên, và hiểu được điều đó là thế nào. Hãy cứ để họ giết ta, nếu họ chẳng thể chịu đựng được khi nhìn thấy người khác sống cách sống ấy (còn tốt hơn là sống thế này).

16. Hãy thôi nói hay bàn luận về thế nào mới là một con người tốt đẹp. Mà hãy sống, hãy là một con người tốt đẹp như thế.

17. Luôn giữ ý niệm về thời gian và không gian, và xem xét về kích thước và tuổi thọ của những thứ xung quanh ta - về kích thước, chỉ như một hạt nho trong không gian bao la; và về tuổi thọ - chỉ như một nửa vòng xoay của cái vặn nút chai so với vĩnh cửu. (Lời người dịch: cái ví von 'chỉ như một nửa vòng xoay của cái vặn nút chai' này dịch ra tiếng Việt hơi thô. Mình đoán có lẽ là một hình tượng so sánh hay được dùng ở La Mã ngày ấy. Nhưng chuyển về tiếng Việt chắc có thể thay bằng 'một cái chớp mắt' nhé).
18. Hãy nhớ rằng mọi thứ đang tồn tại thì thực ra đều đã 'xây xước', đang trong quá trình chuyển hoá, và sẽ sớm bị vỡ vụn và mục rữa.
Hoặc là mọi thứ được sinh ra thì đều sẽ chết đi.
19. Họ hành xử như thế nào trong những việc thường ngày, như ăn, ngủ, giao phối, bài tiết, và những thứ khác. Rồi khi họ hống hách ra lệnh và hả hê vì điều đó, hay thịnh nộ và lớn tiếng quát tháo từ trên cao (Lời người dịch: trên cao ở đây hiểu theo nghĩa vị trí có chức có quyền nhé). Thế nhưng, hãy xem có bao người mà họ đã ngoan ngoãn phục tùng chỉ mới đây thôi, và lý do cho điều đó - và những người mà họ sẽ lại ngoan ngoãn phục tùng chẳng bao lâu nữa.

20. Mỗi người trong chúng ta đều cần thứ tự nhiên ban cho, vào đúng thời điểm tự nhiên ban nó cho ta.

21. "Mặt đất mong mưa, bầu trời mong ..." Và thế giới mong tạo ra những thứ sẽ phải ra đời. Và ta nói: "Ta chia sẻ những mong muốn ấy"
(Vì chẳng phải đó là điều ta hướng tới khi nói "có xu hướng xảy ra" đó sao?)
22. Những khả năng có thể xảy ra:
i. Có thể tiếp tục cuộc sống (ta đã quen với điều ấy)
ii. Kết thúc nó (đó là lựa chọn của ta, sau tất cả)
iii. Chết (khi đã hoàn thành bổn phận)
Đó là toàn bộ những khả năng. Một lý do để lạc quan.
23. Hãy luôn nhận định một cách đơn giản và khách quan, rằng ở đây cũng chẳng khác gì một nơi nào đó hoang sơ trống trải khác, và mọi thứ nơi đây thì cũng giống như trên những đỉnh núi, hay ngoài bãi biển, hay ở bất cứ đâu khác. Plato đã đi vào cốt lõi khi nói: "rào một chuồng cừu trên những ngọn núi, và vắt sữa dê hay cừu"
(Lời người dịch: lời của Plato đại ý là về nhà triết học khi chọn góc nhìn từ trên cao nhìn xuống một ông vua, thì lại thấy như thể ông này thực ra chẳng khác gì một người 'chăn cừu' tầm thường nhỏ bé)
24. Tâm trí ta. Nó là gì? Nó giúp ta tạo ra điều gì? Ta đang dùng nó làm gì?
Có phải nó đang trống rỗng về hiểu biết, tư tưởng?
Tách biệt và lỏng lẻo trong kết nối với mọi thứ xung quanh?
Tan chảy cùng xác thịt và hoà trộn với nó, để cho những khích động của xác thịt làm chủ cả nó nữa?
25. Khi một kẻ nô lệ chạy trốn khỏi chủ của hắn, chúng ta gọi hắn là kẻ nô lệ bỏ trốn. Nhưng những quy luật tự nhiên cũng là một người chủ, và khi phá bỏ những quy luật ấy, ta đã tự biến mình thành một kẻ nô lệ bỏ trốn.
Để mình cảm thấy đau buồn, giận dữ, hay sợ hãi tức là cũng đang cố thoát khỏi một thứ định ra bởi sức mạnh điều vận tất cả, cả ở hiện tại, quá khứ và tương lai. Và sức mạnh ấy chính là luật, thứ quyết định mọi thứ xảy đến cho mỗi chúng ta. Vậy nên việc để mình cảm thấy đau buồn, giận dữ, hay sợ hãi thực ra cũng là đang bỏ trốn - bỏ trốn khỏi công lý.
26. Người đàn ông để lại một giọt sự sống, rồi rời bỏ. Và rồi một thế lực khác chẳng phải anh ta nhận lấy nó rồi tiến hành công việc, tạo ra một đứa trẻ.
Cái này ... từ cái đó?
Hoặc:
Một người đưa thức ăn vào cơ thể qua thực quản. Và rồi một thế lực khác chẳng phải anh ta nhận lấy nó và tạo ra những cảm giác, ham muốn, sự sống hàng ngày, sức khoẻ thể chất, và rất nhiều thứ khác.
Xem xét những thứ ấy diễn ra trong im lặng và cố nhìn ra cái thế lực thúc đẩy chúng. Và ta sẽ thấy cái thế lực đưa đẩy mọi thứ trong đời. Không phải bằng mắt thường, nhưng cũng rõ hệt như vậy.
27. Luôn ghi nhớ rằng những điều này đều đã xảy ra trước đây. Và sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai - cũng một kịch bản từ đầu đến cuối, trên cùng một sân khấu (thế gian). Vẽ chúng ra trong đầu ta, như cách ta biết chúng từ kinh nghiệm hay từ lịch sử: triều đại của Hadrian, của Antoninus. Triều đại của Philip, Alexander, Croesus. Tất cả đều giống nhau. Chỉ có những con người sống trong đó là khác mà thôi.
28. Những người cảm thấy đau đớn và oán hận: hình dung họ như những chú lợn bị chọc tiết, đá loạn xạ và kêu ré lên.
Như một người đơn độc ở trên giường, im lặng khóc than về những sợi dây ràng buộc chúng ta vào nhau.

Rằng tất cả đều phải tuân thủ. Nhưng chỉ có những người lý trí mới có thể làm điều đó một cách tự nguyện mà thôi.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)