Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 10 (1)

1. Hỡi linh hồn ta:
Liệu có bao giờ ngươi sẽ đạt được đến cái chuẩn mực tốt đẹp thực sự? Liệu có bao giờ ngươi có thể giản dị, toàn vẹn, và trần trụi - thực như chính cái cơ thể mà ngươi đang cư ngụ trong đó? Biết thế nào là một tấm lòng trìu mến yêu thương thực thụ? Có bao giờ ngươi đạt đến cái hiểu về sự đủ đầy, chấm dứt được tất cả mọi ham muốn - dục vọng và mong cầu về mọi người và những thứ xung quanh theo đúng ý mình? Hoặc mong cầu có thể có nhiều thời gian hơn để tận hưởng tất cả những thứ ấy? Hoặc những nơi khác, nước khác - với khí hậu ôn hoà hơn? Hoặc với những người dễ dàng hơn để sống cùng nhau? Thay vì hài lòng với những thứ ngươi đang có, và chấp nhận thực tại - mọi thứ trong đó. Và có thể tự thuyết phục bản thân mình rằng mọi thứ đều là quà của thần linh, rằng mọi thứ đều tốt đẹp và sẽ luôn luôn như thế, bất kể họ có quyết định điều gì hay thai nghén điều gì cho cái thực thể hoàn hảo ấy (trái đất) - sự tốt đẹp, công bình, và đẹp đẽ, tạo ra mọi thứ, kết nối và nâng niu trân trọng chúng, và thu thập những mảnh vụn rời rạc để có thể tạo ra thêm nhiều những thực thể như chúng.

Liệu có bao giờ ngươi sẽ chấp nhận chỗ đứng như một cá thể giữa thần linh và những con người khác, không oán trách ai, và không làm gì đáng để bị ai chê trách?

2. Tập trung vào những thứ mà tự nhiên yêu cầu, như thể ta chỉ nghe lệnh của duy nhất nó mà thôi. Rồi làm những nhiệm vụ ấy, chấp nhận chúng, trừ khi bản chất tự nhiên của ta bị hạ thấp.
Rồi tập trung vào thứ mà bản chất của ta đòi hỏi, và chấp nhận cũng như sẵn sàng thực hiện chúng - trừ khi bản chất ấy của ta bị hạ thấp.
Và, tất nhiên, "lý trí" cũng hàm chứa tính cộng đồng trong nó.
Ta cần tuân theo những chỉ dẫn ấy và đừng để mình tốn thời gian vào bất cứ thứ gì khác.
3. Mọi thứ xảy đến thì đều hoặc là có thể chịu đựng được hoặc là không. Nếu nó là có thể chịu đựng được, thì hãy can đảm chịu đựng nó. Ngừng việc than phiền về nó.
Còn nếu điều gì là không thể chịu đựng được ... thì cũng hãy ngừng việc than phiền. Vì việc ta chết đi cũng sẽ là kết thúc của nó.
Chỉ cần nhớ: ta có thể chịu đựng bất cứ điều gì mà tâm trí ta cho là có thể chịu đựng, bằng cách coi chính việc chịu đựng ấy là mục tiêu để ta chú tâm vào.
Hướng sự chú tâm của ta đến nó, hay coi nó như nhiệm vụ mà bản chất tự nhiên của ta đòi hỏi.
Chỉ cần nhớ: ta có thể chịu đựng bất cứ điều gì mà tâm trí ta cho là có thể chịu đựng, bằng cách coi chính việc chịu đựng ấy là mục tiêu để ta chú tâm vào.
4. Nếu họ phạm sai lầm, hãy ân cần sửa đổi họ và chỉ cho họ thấy họ đã sai. Nếu ta không thể làm thế, thì chính ta mới là người đáng trách. Hoặc là không ai cả.
5. Bất cứ thứ gì xảy đến với ta thì cũng đã đợi để xảy đến từ khởi thuỷ thời gian. Những sợi dây quanh co uốn lượn của số phận đã bện hai thứ đó lại với nhau: sự tồn tại của ta và thứ xảy đến với ta đó.
6. Cho dù là những nguyên tử hay cái tự nhiên toàn thể (Lời người dịch: hai lý thuyết về cội nguồn của tất cả: hoặc tất cả tạo nên bởi nguyên tử, hoặc tất cả được tạo nên bởi cái tự nhiên toàn thể), điều đầu tiên cần phải nói là: Ta là một phần của thế giới được điều vận bởi tự nhiên. Điều thứ hai: rằng ta có mối liên kết với những người khác, những phần giống như ta trong thế giới ấy. Và với những điều đó trong tâm trí, ta không có quyền, như một phần, than phiền về những thứ được ban cho ta bởi cái toàn thể. Vì thứ có lợi cho cái toàn thể thì không thể làm hại những phần nhỏ hơn của nó, và cái tự nhiên toàn thể sẽ chẳng làm gì mà không có lợi cho nó cả. Đó là một đặc điểm có trong mọi thứ đến từ tự nhiên, nhưng cái bản chất của thế giới thì được định nghĩa bởi cái tính chất thứ hai nữa: không một sức mạnh bên ngoài nào có thể buộc nó phải gây hại cho chính nó.
Vậy nên bằng việc lưu tâm về cái toàn thể mà ta là một phần trong đó, ta sẽ có thể chấp nhận bất cứ thứ gì xảy đến với mình. Và vì mối liên kết giữa ta và những phần khác giống ta, ta sẽ không làm bất cứ điều gì vị kỷ, mà thay vào đó sẽ hoà hợp với họ, và hướng mọi hành động của mình đến thứ có lợi cho tất cả chúng ta và tránh những thứ không như vậy. Nếu ta làm tất cả những điều đó, thì cuộc đời ta sẽ qua đi một cách trôi chảy. Như ta có thể hy vọng cuộc đời của một người công dân sẽ trôi qua như thế nào - một người mà những hành động của anh ta phục vụ cho những người công dân khác, người mà có thể hài lòng với mọi thứ mà nhà nước chính quyền ban cho anh ta.
7. Cái toàn thể được hợp thành bởi những bộ phận riêng lẻ, thứ mà sự phân huỷ là không thể tránh khỏi (phân huỷ ở đây thực ra mang nghĩa chuyển hoá). Nếu quá trình là có hại cho các bộ phận và không thể tránh được, thì rất khó để có thể tưởng tượng làm sao mà cái toàn thể có thể vận hành trôi chảy, với những bộ phận của nó cứ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, mọi bộ phận trong nó đều được tạo thành chỉ để bị phân huỷ theo những cách khác nhau. Liệu tự nhiên toàn thể có hoạch định để gây hại cho các bộ phận của nó, và khiến chúng trở nên dễ tổn thương - thậm chí, như một điều đã định sẵn? Hay nó phớt lờ những gì đang diễn ra? Không một quan điểm nào trong hai quan điểm ấy nghe hợp lý cả.
Nhưng cứ cho rằng ta tạm bỏ qua tạo hoá, cái tự nhiên toàn thể, và diễn giải mọi thứ theo đặc tính cố hữu của chúng. Sẽ vẫn là phi lý khi nói rằng những cá thể trong thế giới vốn có xu hướng thay đổi, mà cùng lúc lại để mình bị kinh ngạc bởi điều đó và than phiền - trên cơ sở là nó xảy ra "trái với tự nhiên". Và càng khó hơn nữa khi mọi thứ đều trở lại trạng thái mà từ đó chúng sinh ra. Vì các nguyên tố tạo nên ta thì hoặc là bị phân tán, hoặc là tuân theo một lực hấp dẫn nào đó - những phần rắn bị hút về đất, và những phần khí bay lên không, cho đến khi chúng được hấp thụ vào cái lý trí toàn thể - thứ chịu những lần hoả thiêu định kỳ, hoặc cứ tự làm mới quan những biến đổi.
Và đừng tưởng tượng rằng những nguyên tố ấy - rắn hay khí - đã có trong ta từ khi sinh ra. Chúng chỉ bồi dần vào trong ta từ hôm qua, hay ngày trước đó - từ những thức ăn ta ăn, và không khí ta thở.
Và chính những thứ đó biến đổi - không phải là con người mà mẹ ta đã sinh ra.
Nhưng nếu ta gắn chặt với nó thông qua ý thức cá nhân của mình?
Điều đó cũng sẽ không làm giảm giá trị những thứ ta đang nói ở đây. 
8. Danh hiệu cho ta: ngay thẳng. Khiêm nhường. Trung thực. Sáng suốt. Hợp tác. Không vụ lợi.
Đừng bao giờ đánh đổi chúng lấy những thứ khác.
Và nếu có khi nào ta thấy mình để mất bất cứ thứ gì trong số chúng, hãy lập tức đặt ra nhiệm vụ lấy lại chúng.
Nhớ rằng "Sáng suốt" có nghĩa là hiểu biết về mọi thứ - mỗi thứ cụ thể - như chúng thực sự là. Và không bao giờ chểnh mảng trong việc đó.
Và "hợp tác" mang nghĩa chấp nhận thứ mà tự nhiên ban/giao phó cho ta - sẵn lòng chấp nhận chúng.
Và "không vụ lợi" mang nghĩa là trí tuệ của ta cần được nâng lên trên tầm của mọi cảm nhận của xác thịt, là khoái lạc hay đớn đau cũng như nhau. Vượt trên danh tiếng, cái chết, và tất cả những thứ (bên ngoài) như thế.
Nếu ta có thể giữ gìn những danh hiệu ấy của mình - mà không quan tâm liệu người khác có nghĩ về mình đúng như thể hay không - ta sẽ biến thành một con người mới, sống một cuộc đời mới. Còn nếu cứ giữ nguyên con người cũ của ta như từ trước tới giờ - cứ để bị làm cho bầm giập, nhơ bẩn bởi những thứ xung quanh trong cuộc sống mà ta đang sống - là hoàn toàn mất trí và quá ảo tưởng hão huyền về cuộc đời. Như những tên chiến binh dữ tợn khát máu trong trường đấu - thân thể bị xé nát thành từng mảnh, đầm đìa máu và những vết bầm, mà vẫn cầu xin được tiếp tục vào ngày hôm sau, để lại bị cắn xé và cào cấu thêm nữa.
Vậy nên hãy "giương buồm lên", với những danh hiệu ấy dẫn lối cho ta. Và nắm chắc tay lái về một hướng, nếu ta có thể. Như một cuộc di cư đến những hòn đảo của phúc lành. Và nếu ta cảm thấy bản thân bị chệch đường - như thể ta mất đi quyền kiểm soát của mình - thì hãy hy vọng vào sự tốt đẹp nhất có thể xảy đến, và ghé vào nơi nào đó để ta có thể tự lấy lại quyền kiểm soát cho mình. Hoặc từ bỏ hoàn toàn cuộc sống, không phải trong giận dữ, mà chỉ đơn giản là một phương án, thẳng thắn, không tự cao, trong cái hiểu biết rằng ít nhất thì ta đã làm được như thế trong cuộc đời ngắn ngủi mình.

Và khi ta cố giữ những danh hiệu ấy trong tâm trí, chúng cũng sẽ giúp ta nhớ đến các vị thần linh. Thứ họ muốn không phải là những lời ngợi ca có cánh, mà là những sinh vật có lý trí có thể hành xử như họ. Như cây vả làm thứ mà cây vả sinh ra để làm - tương tự với những chú chó, và đàn ong ... và con người.

9. Vở nhạc kịch, trận đánh, sự hỗn loạn. Tính lười biếng và tính nô lệ. Mỗi ngày chúng lại làm giảm đi sức nặng của những quy tắc thiêng liêng trong ta - những thứ mà ta vẫn để mình cứ mãi mơ mộng hão huyền chẳng suy nghĩ, và trượt theo chúng.

Hành động và nhận thức của ta cần phải nhắm đến:

việc đạt được những mục tiêu thực tế
việc rèn luyện trí óc
và việc duy trì sự tự tin trên cơ sở là sự hiểu biết. Một sự tự tin kín đáo, không phô trương - mà không thể được nhận ra bởi mắt thường.
Đến khi nào ta mới để bản thân mình thực sự đắm chìm trong sự thẳng thắn? Nghiêm túc? Hay hiểu biết về những thứ cụ thể - bản chất và thực chất của chúng, vị thế của chúng trên thế gian, tuổi thọ của chúng, kết cấu của chúng, ai có thể sở hữu chúng, ai có quyền cho hay nhận chúng?  
10. Những chú nhện cảm thấy tự hào khi bắt được ruồi, còn con người cảm thấy tự hào khi bẫy được thú hoang, hay lưới đầy cá, hay săn được lợn lòi, gấu, hay đánh thắng người Sarmatian ...
Tâm lý tội phạm.
(Lời người dịch: Câu này mình hiểu ý của Marcus là muốn hướng đến nhìn nhận những săn bắt ấy chỉ đơn giản là sự cần thiết để duy trì sự sống, và chẳng có gì hơn thế, chẳng có gì để phô trương, hay khoe mẽ hết. Và từ đó, ngài muốn tự nhắc mình về thứ đáng để một con người tự hào, đó hoàn toàn không phải là khả năng săn bắt ấy, mà là phẩm cách bên trong).

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)