Sử gia đối chất với nguồn gốc bẩn thỉu của những bộ sưu tập động thực vật quan trọng
(Theo Sam Kean, một nhà báo khoa học tại Washington D.C)

     Vào khoảng đầu thế kỉ 18, giới khoa học châu Âu có vẻ như đang sẵn sàng để chinh phục cả tự nhiên. Isaac Newton vừa mới công bố lý thuyết vạn vật hấp dẫn vĩ đại của mình. Kính thiên văn vừa mới mở ra cả một thiên đường trên cao để nghiên cứu, và kính hiển vi của Robert Hooke và Antonie van Leeuwenhoek cũng làm điều tương tự với thế giới siêu nhỏ. Các loài động vật và thực vật mới liên tục được phát hiện từ Châu Á và Châu Mỹ. Nhưng một trong những khoa học gia quan trọng nhất thời đó lại là một người mà chẳng mấy ai biết tới, một dược sĩ, một nhà tự nhiên học có tên James Petiver. James quan trọng theo cái cách mà khó ai ngờ được: ông ta có liên kết với giới buôn nô lệ.
     Mặc dù hiếm khi rời London, Petiver vẫn điều hành một mạng lưới cả tá các bác sĩ và thuyền trưởng trên nhiều con tàu để thu thập các mẫu động thực vật từ khắp các thuộc địa xa xôi. Petiver xây dựng viện bảo tàng, trung tâm nghiên cứu của mình với những mẫu vật đó, và liên hệ với các nhà khoa học (bao gồm cả Carl Lineaus cha đẻ của phân loại sinh học) để viết các và báo mà những nhà khoa học khác dựa vào. Khoảng từ một phần ba đến một phần tư những người đi thu thập mẫu vật cho Petiver có liên quan tới việc buôn nô lệ. Vì ông ta không có lựa chọn nào khác: Có rất ít tàu không buôn nô lệ đi tới những vùng quan trọng của Châu Phi và Châu Mỹ Latin. Về sau, Petiver xây dựng được bộ sưu tập các mẫu vật tự nhiên lớn nhất lịch sử,  tuy nhiên ông ta sẽ chẳng bao giờ làm được điều này nếu không nhờ tới giới buôn bán nô lệ.
Petiver không phải là người duy nhất dính vào những việc đen tối này. Khi xem lại các bài báo khoa học, những thư từ giữa giới học giả với nhau; các nhà sử học đem so sánh chúng với hồ sơ của các công ty mua bán nô lệ, đem chắp nối lại, họ phát hiện ra chúng đã từng gắn bó với nhau rất chặt chẽ. “Thật ngạc nhiên làm sao khi một bê bối lớn như vậy lại bị người ta làm ngơ trong một khoảng thời gian lâu đến thế” Kathleen Murphy, một nhà khoa học kiêm sử gia tại Đại học California Polytechnic State ở San Luis Obispo, người đã viết một cuốn sách về chủ đề này. Cô ấy nói thêm "Có một xu hướng luôn luôn nghĩ tốt về lịch sử của khoa học. Chúng ta thường quên những thứ không đi theo xu hướng này."
     James Delbourgo, một nhà sử học tại Đại học Rutgers ở New Brunswick, New Jersey, người nghiên cứu chuyên sâu về cả nô lệ và khoa học cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng niềm tin vào sự tiến bộ tự nhiên của khoa học khiến cho các sử gia lưỡng lự khi chiếu một cái nhìn chỉ trích về quá khứ của nó. “Đây quả là một khó khăn mà chúng ta phải đối mặt” ông nói. Thêm vào đó, sự chuyên môn hóa trong học thuật cũng là một trở ngại, nó khiến cho khi nhìn lại, ta có cảm giác như: “Các sử gia về buôn bán nô lệ chẳng liên quan gì tới khoa học và ngược lại”.
     Những mối liên kết đó chẳng phải là một quá khứ xa xưa. Hàng ngàn các mẫu vật thu lượm được thông qua buôn bán nô lệ, bây giờ vẫn nằm yên lành tại những nơi như Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Học (BTLSTNH) tại London, chúng vẫn được dùng cho nghiên cứu gen và phân loại sinh học. Tuy nhiên có rất ít người sử dụng biết được nguồn gốc thật sự của chúng.
     Tất cả những điều này đổ một cái bóng tối tăm lên kỷ nguyên được coi là hoàng kim của khoa học. “Chúng ta thường không nghĩ rằng không gian khốn khổ, thảm hại và vô nhân đạo của những con tàu buôn bán nô lệ lại tồn tại đồng thời với lịch sử của khoa học tự nhiên”, Murphy viết trong The William and Mary Quarterly “Tuy nhiên bảo tàng của Petiver gợi nhắc chúng ta chính xác về điều này”.
Ngoài bộ sưu tập của mình, Hans Sloane (ảnh) còn mua thêm bộ sưu tập của nhiều nhà khoa học khác, rất nhiều trong số đó đã từng dùng tàu nô lệ để đi tìm mẫu vật tại các thuộc địa. Khi Sloane mất năm 1753, các mẫu vật của ông được di chúc lại cho Bảo Tàng Anh. Sau đó chúng được chuyển tới Bảo Tàng Tự Nhiên London
     CHẾ ĐỘ NÔ LỆ ĐÃ GIÀ như nền văn minh của chúng ta vậy, nhưng việc buôn bán nô lệ chỉ thực sự bùng nổ trong khoảng những năm 1500 đến 1800. Có nhiều ước tính khác nhau, nhưng ít nhất khoảng 10 triệu người châu Phi đã bị nô lệ hóa, và khoảng một nửa trong số đó chết trên đường đi tới các cảng nô lệ hoặc chết trong lúc bị vận chuyển xuyên đại dương. Tuy nhiên chỉ số liệu không thôi thì không thể lột tả hết được sự tàn ác và bẩn thỉu trên những con tàu buôn bán nô lệ. Đàn ông và phụ nữ bị xếp thành những hàng dài trong chật chội, nóng bức, nơi mà bệnh tật hoành hành không cách nào ngăn được, cùng với sự trừng phạt khủng khiếp nếu không nghe lời. Cá mập thường bơi theo những con tàu trong suốt chuyến đi, vì chúng biết được rằng một hay hai nô lệ có thể bị ném xuống từ trên boong - hoặc là tự tử - bất cứ lúc nào.
     Tại sao các nhà khoa học lại dính dáng đến những thứ kinh khủng đến thế? Câu trả lời là "khả năng tiếp cận". Chính phủ Châu Âu thi thoảng cũng tài trợ cho những chuyến thám hiểm khoa học, nhưng hầu hết các con tàu đi đến Châu Phi và Châu Mỹ là tàu tư nhân tham gia vào một “trao đổi ba bên”. Trao đổi này mang súng và hàng hóa đến châu Phi; nô lệ tới Mỹ; thuốc nhuộm, dược phẩm, và đường trở lại châu Âu. Để có thể tiếp cận tới Châu Phi và Châu Mỹ, các nhà khoa học phải quá giang trên các con tàu nô lệ. Khi tới nơi, các nhà khoa học vẫn cần tới nô lệ để kiếm thức ăn, nơi ở, thư từ, thiết bị và phương tiện giao thông.
     Murphy nói:  Pháp, Bồ Đào Nha, và Hà Lan cũng bắt và buôn bán nô lệ. Nhưng các sử gia nghiên cứu khoa học và nô lệ chủ yếu tập trung vào nước Anh, nơi mà vào những năm 1700 tự hào với đội tàu lớn và mạnh mẽ nhất thế giới, cùng với một đội ngũ các nhà khoa học và sưu tập, phần lớn đều tham gia vào buôn bán nô lệ. Tây Ban Nha kiểm soát phần lớn Bắc và Trung Mỹ nhưng không có thuộc địa tại châu Phi và vì thế không thể trực tiếp nhập khẩu nô lệ. Nó phải khoán công việc đó cho nhiều nhóm khác nhau, gồm cả người Anh vào đầu thế kỷ 18 và mua khoảng 4800 nô lệ một năm.
     Khi các tàu nô lệ Anh cập bến châu Mỹ Latin, đoàn thủy thủ buộc phải ở lại tại cảng và không được đi lại xung quanh, chủ yếu là vì Tây Ban Nha muốn bảo vệ thế độc quyền của mình với nguồn tài nguyên thiên nhiên xung quanh. Nhưng các nhà khoa học biết rằng Tây Ban Nha không có cách nào để áp đặt quy tắc đó - lãnh thổ của họ có quá ít sự giám sát. Vì thế họ đã nhờ các thủy thủ đi thu thập mẫu vật cho mình một cách kín đáo.
     Nghiên cứu của Murphy cho thấy Petiver đã tuyển dụng những bác sĩ trên tàu, người chăm sóc cho những nô lệ trong chuyến đi xuyên đại dương. Những bác sĩ là người được giáo dục một cách khoa học. Họ có rất nhiều thời gian rảnh rỗi tại các cảng; chẳng hạn như Cartagena ở Colombia; hay Portobelo ở Panama; trong khi các thủy thủ bận buôn bán nô lệ và làm các thủ tục giấy tờ cho con tàu. Petiver cung cấp cho những người được tuyển một bộ dụng cụ bao gồm các lọ đựng côn trùng và giấy nâu để ép khô thực vật. Những người này sẽ được trả công bằng sách, thuốc men và tiền.
     Đáng chú ý, một số nhà khoa học chỉ thị những người làm việc cho mình ở nước ngoài đào tạo nô lệ thành những người thu thập. Các nô lệ thường biết những mẫu vật mà người châu Âu không biết và đi tới những nơi mà người châu Âu không đi được. Tuy vậy, họ hiếm khi được trả công cho những việc làm đó, mặc dù Petiver cũng đề nghị trả cho họ nửa crown (18$ ngày nay) cho mỗi tá côn trùng hoặc 12 pence (7$) cho mỗi tá các loại thực vật.
     Petiver chưa bao giờ vượt đại dương để đi kiếm mẫu vật, nhưng một vài khoa học gia khác thì có. Họ thường gặp phải các tình huống lưỡng nan về đạo đức. Henry Smeathman, một nhà tự nhiên học lỗi lạc người Anh dong buồm tới một thuộc địa nô lệ ở Sierra Leone vào tháng 12 năm 1771 để thu thập mẫu vật theo ý muốn của Joseph Banks, một cố vấn cho Vua George và chủ tịch của Hiệp hội Hoàng gia trong một thời gian dài. Ngoài ra, Smeathman đã nghiên cứu những gò mối khổng lồ cao tới 4 mét ở phía Tây Châu Phi. Ông trải qua một cuộc phiêu lưu thú vị khi phá vỡ và mở các tổ mối ra rồi phải chống chọi với cú cắn từ những con mối chiến giận dữ.
     Như chi tiết trong cuốn sách năm 2018 Henry Smeathman, the Flycatcher: Natural History, Slavery, and Empire in the Late Eighteenth Century, của nhà sử học Deirdre Coleman của Đại học Melbourne, Australia; Smeathman bắt đầu cuộc hành trình của mình với tư cách một kẻ thù của chế độ nô lệ, thề rằng sẽ nói sự thật về “những người ít được biết đến và ít nhiều đã bị xuyên tạc, Người da đen”. Tuy nhiên, là một nhà khoa học, ông vẫn coi mình là vượt trội hơn so với những kẻ dốt nát, những người nô lệ thô bạo mà ông gặp ở Sierra Leone. Về phần mình, những người nô lệ lại nghĩ rằng ông hơi khùng khi đến châu Phi để săn bọ và tìm cỏ dại.
     Tuy nhiên, Smeathman vẫn hoàn toàn phải phụ thuộc vào các nô lệ cho nguồn thức ăn, sự bảo vệ, và di chuyển. Ông trở nên cô đơn và bắt đầu làm bạn với họ, chơi huýt sáo, backgammon và thậm chí cả golf trên mặt đất gồ ghề. Dần dần ông bắt đầu săn dê và tiệc rượu grog-soaked trên bãi biển cùng với các nô lệ. Đến năm 1774, ông làm việc cho một công ty nô lệ có trụ sở tại Liverpool vì nó là phương tiện cho ông vận chuyển mẫu vật. Ông bắt đầu buôn bán nô lệ để phục vụ cho các chuyến du thám của mình. Từng chút, từng chút một Smeathman dần trở thành một phần của hệ thống mà trước đó ông khinh bỉ.
     Smeathman và những người khác phải dựa vào các nô lệ để vận chuyển những mẫu vật quý giá về nước Anh, đưa nô lệ lên chính những con tàu đi tới châu Phi để bắt nô lệ (Rất ít tàu dong buồm thẳng về châu Âu từ châu Phi, vì thế các mẫu vật hầu như sẽ chỉ tới được nước Anh sau khi đi qua Caribbean). Có lẽ cũng không ngạc nhiên với cách mà họ đối xử với những món hàng, các thủy thủ trên tàu đã chăm sóc rất tệ cho lũ bọ, thực vật và da động vật mỏng manh. Nếu không phải ánh nắng mặt trời, nhiệt, độ ẩm hay nước mặn phá hủy những mẫu vật thì sâu, kiến và các loài gặm nhấm trên tàu sẽ làm điều này. Các thủy thủ vô tâm cũng có thể dặm bẹp những mẫu vật do vô tình hoặc do lấy ra tiêu khiển.
    Các nghiên cứu khoa học về thuốc và thuốc nhuộm thường mở ra cơ hội mới cho những kẻ buôn bán nô lệ. Các thương gia ráo riết tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên ở nước ngoài để khai thác  và hỏi ý kiến các nhà khoa học về cách tốt nhất để săn bắt và cày xới chúng lên. Murphy lưu ý rằng: Quinine (chữa sốt rét) và các loại thuốc được thu thập từ những vùng nhiệt đới cũng giúp cho người châu Âu tồn tại ở đó. Một thuộc địa càng an toàn và nhiều khả năng sinh lợi, thương mại ở thuộc địa đó sẽ càng phát triển, bao gồm cả thương mại nô lệ, tạo thêm nhiều cầu về nô lệ. Các nghiên cứu khoa học vì thế không chỉ phụ thuộc vào chế độ nô lệ từ thuộc địa mà còn giúp nó mở rộng.
Trong "cuộc trao đổi ba bên" từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, hàng triệu nô lệ đã bị chuyển tới Mỹ, vật liệu thô chuển về Châu Âu, và hàng hóa đã qua sản suất thì chuyển tới Châu Phi. Cuộc trao đổi này cho phép những người thu thập Châu Âu có thể lấy được mẫu vật từ Châu Phi và Châu Mỹ.

     TRONG TẤT CẢ CÁC LĨNH VỰC KHOA HỌC, lịch sử tự nhiên hưởng lợi nhiều nhất từ buôn bán nô lệ, đặc biệt là thực vật học và côn trùng học. Một đệ tử của Linnaeus cho biết rằng anh ta đã thu thập được 3 loài mới đối với khoa học chỉ trong vòng 15 phút đầu tiên khi đi thám hiểm ở Sierra Leone. Sự giàu có của thực vật làm anh ta kinh ngạc.
Carolyn Roberts, một nhà nghiên cứu lịch sử khoa học và trợ lý giáo sư nghiên cứu về Mỹ gốc Phi tại trường đại học Yale, người viết một cuốn sách về trao đổi nô lệ và thuốc men cho rằng: các bác sỹ buôn bán nô lệ thậm chí còn thu thập cả hài cốt người.  “Sự trao đổi những thứ kì lạ trong tự nhiên đã lan rộng, và các bộ phận cơ thể người chắc chắn là một thứ như vậy”. "Các bác sỹ sẽ gửi mọi thứ đến Vương quốc Anh, đặc biệt là nếu như họ có thứ gì đó thú vị. Chẳng hạn một vài thứ được coi là thú vị sau đây: Khối u cắt ra từ tay của một nô lệ, một mảng da khô, một bào thai lấy ra sau khi sảy thai. Thậm chí, theo như một cuốn catalog cũ, “đá chiết xuất từ âm đạo của một người phụ nữ Châu Phi”.
     Những con bọ, thực vật và các mảnh nhỏ của cơ thể người thường kết thúc chuyến hành trình của mình trong một “căn phòng của sự tò mò” thuộc sở hữu một người đàn ông giàu có nào đó; nằm ngay cạnh một đồng xu La Mã, đá quý hay là bất cứ thứ gì thỏa mãn thị hiếu của họ. Một vài mẫu khác sẽ hạ cánh ở một trường đại học hay viện nghiên cứu nào đó.
     Một vài nhà sử học hiện nay gọi những bộ sưu tập tư nhân hay tổ chức như thế là “khoa học lớn” vào thời xưa. Các học giả nghiên cứu các kho lưu trữ tập trung đó và luân chuyển các tài khoản nghiên cứu của mình cho những nhà khoa học khác. Linnaeus dựa vào các tài khoản đó rồi ghép chúng lại với nhau trong Systema Naturae năm 1735, cuốn sách giới thiệu hệ thống đặt tên kép nổi tiếng cho hệ thực vật và động vật của ông.
     Một vài nhà vật lý cũng gánh trên lưng mình việc buôn bán nô lệ. Lao động nô lệ đã xây dựng nên đài quan sát lớn đầu tiên ở Nam bán cầu tại Cape Town, Nam Phi. Các nhà thiên văn như Edmond Halley đã quan sát Mặt Trăng và các vì sao từ những cảng nô lệ, các nhà địa chất học cũng đã thu thập đá và khoáng vật từ đây.  
     Thậm chí một lĩnh vực hiếm hoi như vật lý thiên văn cũng hưởng lợi từ chế độ nô lệ. Khi phát triển lý thuyết về trọng lực của mình, Newton đã nghiên cứu thủy triều biển, ông cho rằng sức kéo từ lực hấp dẫn của mặt trăng gây ra thủy triều. Newton cần số đo thủy triều từ khắp nơi trên thế giới, và bộ số đo chủ chốt đến từ các cảng nô lệ ở Martinique, Pháp. Delbourgo nói "Newton thực sự là hình mẫu của một thiên tài cô lập, ngồi một mình tại bàn làm việc, truy cập vào một bộ số lấy từ khắp thế giới mà ông chẳng thể nào tiếp cận nếu như không có buôn bán nô lệ ở Đại Tây Dương".
   RẤT NHIỀU MẪU VẬT LỊCH SỬ TỰ NHIÊN gắn liền với sự buôn bán nô lệ cuối cùng nằm lại trong viện bảo tàng. Khi Petiver chết năm 1718, một người bạn của ông là nhà khoa học ở London tên Hans Sloane chụp vội lấy bộ sưu tập. Sloane đã lấy mẫu tại các đồn điền ở Jamaica, ông kết hôn với một gia đình sở hữu nô lệ có tiền cho phép ông đi thu thập nhiều hơn nữa. Năm 1727, ông kế nhiệm Newton trở thành chủ tịch của Hiệp hội Hoàng gia (hội này tự nó cũng đầu tư vào các công ty nô lệ).
     Theo như Murphy: Khi Sloane mất năm 1753, ông di chúc bộ sưu tập của mình bao gồm cả các mẫu vật của Petiver cho chính phủ Anh và nó trở thành nền tảng của Bảo tàng Anh ở London. Bảo tàng này sau đó tách ra thành nhiều đơn vị. Rất nhiều mẫu vật của Sloane’s cuối cùng đi tới BTLSTNH, và nằm đó cho tới tận ngày nay. Một số khác cuối cùng được chuyển tới Đại học Oxford Herbaria, Hiệp hội Hoàng Gia, Vườn Vật Lý Chelsea, và một vài nơi khác.
     Những người đại diện của các tổ chức trên cho biết rằng rất khó để xác định đúng con số những mẫu vật của họ có dính dáng tới buôn bán nô lệ. Trong một vài trường hợp, họ chưa xem qua và số hóa hết các bộ hồ sơ, và rất nhiều mẫu vật cũ có hồ sơ rất mơ hồ và rời rạc, khiến họ không xác định được xuất xứ. Nhưng những tài liệu từ thế kỷ 18 và 19 chứng thực cho hàng ngàn mẫu vật đổ vào Châu Âu lúc đó. Chỉ riêng Smeathman đã gửi khoảng 600 loài động vật và 710 loài côn trùng về nước Anh, với khoảng vài cá thể mỗi loài. Một trong những khách hàng quen của Smeathman đã phàn nàn về việc quá nhiều bọ, Smeathman đã gửi về quá nhiều: "Nhà tôi chẳng chứa nổi một nửa số đó". Và mặc dù nhiều mẫu vật đã bị hư hỏng hoặc mất mát đi, số còn lại vẫn nằm rải rác tại khắp các tổ chức tại châu Âu cùng với lịch sử thu thập tự nhiên học vài thế kỷ trước.
     Những bộ sưu tập đó không chỉ là một loại đồ cổ để thỏa mãn trí tò mò của những người xa xưa. Các nhà khoa học ngày nay vẫn thảo luận về chúng để xây dựng hệ động thực vật và phân loại các loài. Nhiều bộ sưu tập rất đa dạng, vì thế trước hết ta có thể nghiên cứu riêng biệt từng loại, rồi đem chúng so sánh với những loài khác. Những bộ sưu tập đó rất giá trị cho việc nghiên cứu quá trình thuần hóa thực vật, lịch sử biến đổi khí hậu, và xu hướng thay đổi trong phân bố địa lý của các loài. Các nhà khoa học thậm chí còn chiết DNA từ các mẫu và nghiên cứu về cách thực vật và động vật tiến hóa qua nhiều thế kỷ.
     Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học vẫn không biết về nguồn gốc thật sự của các bộ sưu tập. Người phụ trách tại Đại học Oxford Herbaria, Stephen Harris nói: “Rất ít người nghĩ xem các mẫu vật đã được thu thập lại như thế nào, liệu rằng chúng được thu thập qua các con đường buôn bán nô lệ hay bằng cách nào khác”. Về những nơi chứa hàng hóa của Sloane thì ông nói: “Chúng đơn giản chỉ là những điểm dữ liệu”.
     Trong một email, Mark Carine, người phụ trách tại BTLSTNH lưu ý rằng các tổ chức giống như tổ chức của ông có vai trò lớn hơn nhiều so với việc chỉ bảo vệ mẫu vật. “Là một người phụ trách, tôi có trách nhiệm không chỉ để tâm tới bộ sưu tập, đảm bảo cho chúng luôn sẵn sàng cho việc nghiên cứu mà còn phải tạo điều kiện cho "một sự hiểu biết về tầm quan trọng và mức độ liên quan của chúng đối với ngày nay". Ông nói thêm rằng, bộ sưu tập của Sloane "không chỉ là một bản ghi chép sinh học, mà nó còn là nguồn học liệu để hiểu thêm về bối cảnh lịch sử, xã hội trong thời kì khoa học mới phát triển. Và chắc chắn trong tương lai chúng ta nên làm việc thêm với nhiều nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nữa để hiểu rõ hơn về vấn đề này".
     Tuy nhiên, Murphy và Delbourgo nói rằng ngay cả một số người quản lý cũng không biết gì về lịch sử các bộ sưu tập của họ. Delbourgo nhấn mạnh rằng nghiên cứu lịch sử của ông ấy “không nhằm công kích các Bảo Tàng” và ông ấy biết các nhân viên trong bảo tàng thường phải làm việc trong “thiếu thốn và áp lực”. Ông nói thêm về nguồn gốc không rõ ràng của những mẫu vật rằng: “Các bảo tàng đã từng rất xấu xa”  và “Họ đã tự đá vào chân mình”
Các nhà khoa học Châu Âu thường phải nhờ tới người da đen hoặc người bản địa giúp họ thu thập mẫu vật. Hình minh họa năm 1806, ba người Châu Ph tại Suriname đang giết và lột da một con rắn khổng lồ dưới sự chỉ đạo của một nhà khoa học Châu Âu. 
     GIỜ ĐÂY, MỐI LIÊN HỆ giữa nền khoa học thuở sơ khai và chế độ nô lệ đã rõ ràng, nhưng câu hỏi đặt ra là: Các nhà khoa học nên làm gì với chúng?
Những nhà sử học nói rằng thừa nhận chính là một cách để bắt đầu. Trong các bài báo nghiên cứu, các nhà khoa học nên đề cập tới việc các mẫu vật đã được gom lại với nhau như thế nào. Đưa nguồn gốc của các mẫu vật vào có thể làm tăng giá trị cho các bài nghiên cứu, đặc biệt là trong trường hợp số mẫu dữ liệu quá ít ỏi. Chẳng hạn như Murphy có đề cập rằng việc buôn bán nô lệ có thể giải thích được sự phân bố địa lý của một vài mẫu vật. Lấy ví dụ, các thực vật Châu Phi sẽ không thể nào được thu thập từ mọi nơi trên khắp lục địa mà chỉ ở tại một vài vùng đặc biệt nằm gần đường biển - nơi có các cảng mà thuyền buôn nô lệ lui tới. 
     Harris nói rằng “Đứng từ quan điểm của khoa học, mẫu vật của bạn là một phần trong bằng chứng của bạn”, “bạn càng biết nhiều hơn về nguồn gốc của phần bằng chứng đó, bạn càng hiểu được nhiều điều hơn… bạn càng sử dụng nó tốt hơn trong các phân tích của mình”.
     Sự kết nối giữa khoa học và buôn bán nô lệ còn có thể hữu ích cho những cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra về sự bồi thường và cả di sản lịch sử của chế độ nô lệ. Như một số tổ chức của Vương quốc Anh, các trường đại học Hoa Kỳ như Yale, Georgetown và Brown đã thừa nhận họ hưởng lợi như thế nào từ chế độ nô lệ. Murphy nói rằng phần lớn các cuộc nói chuyện đó được đóng khung trong "đô la và xu, bảng và pence". Tuy nhiên [lợi nhuận] cũng có thể được đo lường trong các mẫu vật được thu thập và các bài báo đã xuất bản”.
     Nhìn chung, cô nói rằng “ Khoa học và buôn bán nô lệ xuyên đại dương là hai nhân tố quan trọng nhất trong việc định hình thế giới như chúng ta thấy ngày nay”. Các nhà lịch sử cuối cùng cũng nhận ra rằng hai thứ này tác động qua lại lẫn nhau. Như Delbourgo nói “chúng ta đã thật sơ suất khi ghép các mảng lịch sử (khoa học và buôn bán nô lệ) lại với nhau. Chúng ta không thấy được rằng, chúng thực ra nằm trong cùng một lịch sử”.