[Dịch] Mọi người nghĩ sao về tương lai của chiến lược phát triển vùng Viễn Đông của Nga?
Viễn Đông Nga (tiếng Nga: Да́льний Восто́к) hay Transbaikalia là một thuật ngữ chỉ những vùng của Nga ở Viễn Đông, ví dụ, những vùng cực đông của Nga, giữa Hồ Baikal ở Trung Siberia, và Thái Bình Dương.
(Lưu ý: bài viết này là quan điểm của tác giả, không phải là quan điểm của người dịch và bài dịch thuộc quyền sở hữu của dịch giả)
Tác giả: 耶律萧 – Gia Luật Tiêu
Dịch giả: Đạt Nguyễn
Nguồn: Zhihu
Theo tờ *"Độc lập" của Nga đưa tin, Trung Quốc và Nga sẽ triển khai hợp tác kinh tế với quy mô lớn ở vùng Viễn Đông (Nga). Nga sẽ hoạch định một siêu đặc khu kinh tế ở vùng Viễn Đông có diện tích gần 7 triệu km2, bằng khoảng 1/4 tổng diện tích đất liền của Nga.
*Báo “Độc lập” (tiếng Nga: Независимая газета): được thành lập năm 1990, là một tờ nhật báo ở Nga. Trong những ngày đầu xuất bản, tờ báo này nổi tiếng vì đưa tin độc lập, nhưng nó dần suy tàn sau khi Liên Xô sụp đổ. Năm 1995, Boris Abramovich Berezovsky tiếp quản tờ báo, đến năm 2005 tờ báo được bán cho Konstantin Remchukov. Tờ báo giữ thái độ chỉ trích chính phủ Nga một cách ôn hòa.
Trung Quốc sẽ đầu tư vào 79 dự án trọng điểm tại Nga, với tổng vốn đầu tư lên tới 170 tỷ USD, liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng và khoáng sản, cơ sở hạ tầng, sản xuất ô tô, nông nghiệp, máy móc và thông tin điện tử. Để thu hút nguồn vốn từ Trung Quốc, Nga sẽ xây dựng các gói chính sách thuế ưu đãi, các biện pháp cụ thể sẽ được công bố và hoàn thiện tại *Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 8 tổ chức từ ngày 5 - 8/9/2023.
*Diễn đàn Kinh tế phương Đông (tiếng Nga: Восточный экономический форум): đây là một diễn đàn quốc tế được tổ chức hàng năm kể từ tháng 9 năm 2015 tại Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok (Nga), với mục đích khuyến khích đầu tư nước ngoài vào vùng Viễn Đông của Nga.
Ngay khi một số phương tiện truyền thông cá nhân thấy được tin tức này đã lập tức hót hòn họt và cho rằng đây là lần đầu tiên từ trước tới nay Trung-Nga có sự hợp tác về khía cạnh này. Đối với vấn đề này, tôi đây phải làm cụt hứng mọi người rồi.
Hiện tại, chỉ có tờ báo "Độc lập" của Nga đưa tin, còn các phương tiện truyền thông chính thống trong nước hoàn toàn không đưa tin, độ tin cậy về tính xác thực của tin tức này vẫn còn là nghi vấn. Nếu Trung Quốc và Nga thực sự hoàn tất thỏa thuận hợp tác đầu tư quy mô lớn trị giá 170 tỷ USD thì truyền thông nhà nước Trung Quốc không thể im hơi lặng tiếng được.
Mọi ngươi phải biết rằng, năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga mới chỉ là 147 tỷ USD. Điều này tương đương với việc Trung Quốc sẽ đầu tư toàn bộ tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga trong vòng một năm vào việc xây dựng kinh tế vùng Viễn Đông của Nga. Một số tiền lớn như vậy, đừng nói là đầu tư vào Viễn Đông của Nga, trực tiếp dùng số tiền đó để đầu tư cho vùng Đông Bắc (Trung Quốc) còn được hơn, kinh tế vùng Đông Bắc (Trung Quốc) có thể không cất cánh hay sao?
Năm 2021, tổng mức vốn FDI của Trung Quốc cũng chỉ là 173,4 tỷ USD. Trung Quốc là một thị trường khổng lồ với 1,4 tỷ dân và mỗi năm chỉ có thể thu hút được 173,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Tổng dân số vùng Viễn Đông của Nga chỉ có 8 triệu dân, liệu 170 tỷ USD của Trung Quốc có đáng hay không? Điều này tương đương với việc đầu tư 21.250 USD cho mỗi cư dân vùng Viễn Đông của Nga, tương đương với khoảng 148.000 nhân dân tệ (hơn 500 triệu VNĐ/người).
Có những dự án lớn nào ở vùng Viễn Đông của Nga đáng để đầu tư 148.000 nhân dân tệ cho mỗi cư dân địa phương không?
Khi đầu tư vào Trung Quốc, luôn có nhiều phương tiện truyền thông đại chúng có tiếng, nói rằng: *"Đầu tư thì không nên đến Sơn Hải Quan". Vậy thì vùng Viễn Đông của Nga ở đâu? Đó có phải là vùng *quan ngoại của quan ngoại hay không? Chẳng lẽ vùng Viễn Đông của Nga đáng để đầu tư hơn vùng Đông Bắc (Trung Quốc) à? Có nhiều tiền như vậy sao không đầu tư vào vùng Đông Bắc đi?
*"Đầu tư thì không nên đến Sơn Hải Quan": là một cách nói tương đối phổ biến về các vấn đề liên quan đến kinh tế của vùng Đông Bắc (Trung Quốc) trên Internet, phương tiện truyền thông và giới đầu tư ở Trung Quốc đại lục, cách nói này được coi là một kiểu định kiến và phân biệt vùng miền. Nó đề cập đến hiện tượng nhiều công ty cố tình né tránh khi họ nghe nói về các dự án liên quan đến vùng Đông Bắc (Trung Quốc). Sơn Hải Quan ở đây chỉ 3 tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang của Trung Quốc.
*quan ngoại: chỉ vùng đất phía đông Sơn Hải Quan hoặc vùng đất phía tây Gia Dục Quan (là 2 trong 3 cửa ải chính yếu của Vạn Lý Trường Thành).
Vùng Đông Bắc có dân số gần 100 triệu dân. Chẳng lẽ một thị trường lớn với 100 triệu dân không đáng để đầu tư hơn một thị trường nhỏ chỉ 8 triệu dân hay sao? Đây là đầu tư chứ không phải là cho tiền, đầu tư là phải chú trọng đến lợi nhuận. Mọi người đừng nghĩ rằng vùng Viễn Đông của Nga rộng lớn, nhưng thực tế nó rất nghèo nàn và giá trị phát triển của nó cũng rất thấp.
Nền nông nghiệp của Nga chủ yếu nằm ở châu Âu và dựa vào vùng đất đen gần khu vực biên giới với Ukraine và Ba Lan. Khu vực này có đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, đầy đủ ánh sáng, là vùng sản xuất lương thực chính của Nga. Còn vùng Siberia ở Viễn Đông là vùng núi cao giá rét, ít mưa, khí hậu lạnh giá, chủ yếu là băng giá vĩnh cửu, không thích hợp cho việc trồng trọt. Nếu Siberia có thể phát triển nông nghiệp thì với mối quan hệ cũ giữa EU và Nga từ trước Chiến tranh Nga-Ukraine thì các công ty nông nghiệp của Pháp và Đức đã sớm nhảy vào Siberia rồi.
Bằng cách mời Pháp và Đức phát triển vùng Viễn Đông, Nga cũng có thể tránh được các vấn đề mang tính lịch sử với Trung Quốc. Vì sao EU không phát triển vùng Viễn Đông của Nga? Lý do cơ bản là bởi vì đây là một vùng núi cao, dân cư thưa thớt, công nghệ lạc hậu, quy mô thị trường nhỏ, đầu tư lớn, lợi nhuận thấp và không có tiền để mà kiếm.
Có 5 thành phố lớn ở vùng Viễn Đông của Nga là Khabarovsk, Vladivostok, Blagoveshchensk, Yakutsk và Yuzhno-Sakhalinsk. Ngoại trừ Yakutsk, bốn thành phố còn lại đều thuộc về Trung Quốc dưới thời nhà Thanh. Trong đó, Khabarovsk bị Nga Hoàng thôn tính vào năm 1860 và là thành phố lớn nhất vùng Viễn Đông (Nga) với dân số 1,2 triệu người. Vladivostok là thành phố lớn thứ hai ở vùng Viễn Đông của Nga với dân số 1 triệu người và là trụ sở của Hạm đội Thái Bình Dương Nga.
Do các thành phố này gần với Trung Quốc, nên hơn 90% đầu tư nước ngoài là đến từ Trung Quốc và hơn 80% sản phẩm cũng đến từ Trung Quốc. Nói cách khác, thị trường vùng Viễn Đông của Nga từ lâu đã bị hàng hóa Trung Quốc chiếm lĩnh rồi. Trung Quốc tiếp tục tăng cường đầu tư vào vùng Viễn Đông của Nga, nhưng có rất ít dư địa cho việc này.
Mọi người nên biết rằng việc Nga mở cửa vùng Viễn Đông cho Trung Quốc không phải là chủ động mà là bị động. Bởi vì Nga liên tiếp thất bại trên chiến trường Ukraine, bị Liên minh châu Âu cướp hết tài sản, đá ra khỏi các định chế tài chính, nên giờ tuyệt vọng mới phải tìm đến Trung Quốc.
Thực chất trong lòng, sự kiêu ngạo của Nga đối với Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Các công ty Trung Quốc đầu tư vào Nga với tư cách là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài thì rủi ro là rất lớn. Mới ngày 26/12, theo báo cáo của hãng tin “Russia Business Consulting” (RBC), lãnh đạo 3 vùng nông nghiệp lớn của Nga đã gửi thư cho Putin, yêu cầu hạn chế đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp Nga và hạn chế tỷ trọng xuất khẩu lương thực của các doanh nghiệp nước ngoài sang Nga phải dưới 20%.
Nói cách khác, nếu bạn thành lập một công ty nông nghiệp do Trung Quốc kiểm soát, bạn không thể tùy ý sang Nga mua lương thực rồi vận chuyển về Trung Quốc được. Mà cái việc làm ăn này phải do công ty lương thực của Nga thực hiện, bạn chỉ có thể đến công ty lương thực của Nga để đặt hàng và yêu cầu họ bán hàng cho bạn mà thôi. Chính sách bảo hộ nông nghiệp này cực kỳ không thân thiện với các thương nhân nước ngoài.
Đối với đầu tư quy mô lớn vào vùng Viễn Đông của Nga, tôi chỉ lạc quan về đầu tư năng lượng và khoáng sản thôi. Nhưng loại hình kinh doanh này không phải là việc mà người bình thường có thể làm được, về cơ bản, việc kinh doanh này chỉ có thể do các công ty niêm yết lớn hoặc các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn đảm nhận thì mới bảo đảm được. Những người bình thường đến vùng Viễn Đông của Nga để kinh doanh năng lượng và khai thác khoáng sản có khả năng mất cả chì lẫn chài.
Bởi vì nước Nga tồn tại một vấn đề là tham nhũng nghiêm trọng. Chưa nói đến lĩnh vực năng lượng, chỉ riêng vấn nạn tham nhũng trong hải quan thôi là đã đủ lôi ra một mớ rồi, còn về năng suất phê duyệt các thủ tục hành chính khác, cũng như môi trường kinh doanh còn tồi tệ hơn. Không có doanh nghiệp nhà nước hùng mạnh đi đầu, các doanh nghiệp nhỏ bình thường không nên dấn thân vào vũng nước đục này, làm một số công việc kinh doanh nước ngoài với Nga sẽ an toàn hơn nhiều. Khi tham gia vào lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, nếu chính quyền địa phương chụp cho bạn cái mũ bảo vệ môi trường, thì điều đó có thể khiến vốn liếng công lao dành dụm khó nhọc của bạn tiêu tán mất hết.
Theo quan điểm của Nga, việc thành lập một siêu đặc khu kinh tế để thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc mà không thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ dễ dẫn đến tình trạng độc quyền của các công ty Trung Quốc, điều này không tốt cho Nga. Nếu bạn là người phụ trách Đặc khu kinh tế Viễn Đông của Nga, thì liệu bạn có bỏ trứng vào 1 cái giỏ Trung Quốc thôi không?
Về khía cạnh khai thác khoáng sản thì người hàng xóm Mông Cổ bên cạnh đã đồng thời thu hút nhiều vốn đầu tư quốc tế từ Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc để tạo thành sự cạnh tranh toàn diện và từ đó tối đa hóa lợi ích của Mông Cổ. Đây là hoạt động cơ bản của quốc tế. (Ý tác giả nói Mông Cổ rất khôn ngoan khi thu hút nhiều vốn đầu tư từ nhiều nước chứ không chỉ thu hút vốn đầu tư tứ 1 nước)
Là một nước lớn, Nga làm sao có thể đặt cược toàn bộ nền kinh tế Viễn Đông vào Trung Quốc được? Trừ khi, nước Nga chỉ muốn lợi dụng người khác và hoàn toàn không có ý định hợp tác đầu tư lâu dài với Trung Quốc.
Thay vì đặt cược một số tiền lớn như vậy vào vùng Viễn Đông của Nga, thì tốt hơn hết là nên đặt cược số tiền lớn đó vào vùng Đông Bắc (Trung Quốc), xây dựng vùng Đông Bắc (Trung Quốc) thành trung tâm kinh tế thương mại của Đông Bắc Á và thu hút các công ty từ Nga, Triều Tiên, Nhật Bản và Hàn Quốc đóng trụ sở ở đó. Nếu ngay cả vùng Đông Bắc (Trung Quốc) còn không phát triển được thì vùng Viễn Đông của Nga làm sao phát triển được?
Lẽ nào tiềm năng phát triển của vùng Viễn Đông (Nga) lớn hơn vùng Đông Bắc (Trung Quốc) hay sao?
Mọi người nên biết rằng đây không phải là lần đầu tiên Nga thành lập các đặc khu kinh tế. Putin bắt chước Trung Quốc cải cách mở cửa, lập 45 đặc khu kinh tế, không có cái đặc khu nào phát triển cả. Nước láng giềng Triều Tiên cũng đã thành lập hơn 20 khu phát triển kinh tế, bạn nghĩ họ đã phát triển chưa?
Đừng có bê nguyên xi sự thành công của các đặc khu kinh tế của Trung Quốc mà áp dụng cho Nga. Thành công của các đặc khu kinh tế Trung Quốc không có nghĩa là đặc khu kinh tế Viễn Đông của Nga cũng sẽ thành công. Thành công của nền kinh tế Trung Quốc không nước nào có thể bắt chước được. Đừng coi sự thành công của nền kinh tế Trung Quốc là điều hiển nhiên. Đó là kết quả của sự làm việc chăm chỉ của nhiều thế hệ. Không chỉ có những doanh nhân như *Nhậm Chính Phi, mà còn có hàng chục nghìn dân công đang âm thầm lặng lẽ đóng góp ở hậu phương
*Nhậm Chính Phi (任正非; sinh 25 tháng 10 năm 1944 tại Quý Châu, Trung Quốc): là doanh nhân người Trung Quốc, sáng lập kiêm tổng giám đốc của Tập đoàn công nghệ Huawei có trụ sở chính đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc, và là một cựu kỹ sư không quân hàm của Quân Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc
Ở vùng Viễn Đông của Nga, chỉ có các sản phẩm tài nguyên như năng lượng, khoáng sản và gỗ mới có giá trị đầu tư, còn giá trị đầu tư của các ngành khác rất thấp.
Tiền của Trung Quốc không phải từ trên trời rơi xuống mà do vô số người lao động chung tay tạo ra, đầu tư ra nước ngoài cần thận trọng, thận trọng và thận trọng hơn nữa!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất