Dù biết là đã có nhiều người dịch tác phẩm này, song mình vẫn muốn dịch lại nó theo cách hiểu (chủ quan) của bản thân. Cũng đồng nghĩa với việc trong lúc dịch mình cố gắng đặt vị thế của mình vào tác giả hoặc cố gắng biến đổi ý nghĩa lại sao cho phù hợp với cái biết của mình. Cho nên chắc chắn có sự không chính xác một chút so với bản gốc, nên cũng khuyến khích các bạn tham khảo thêm tác phẩm chính hoặc bản dịch của những người khác. Cụ thể hơn là bản dịch của bác Andy Luong, vì mình cũng tham khảo nhiều từ bản dịch của bác ấy. Hiện tại mình sẽ dịch từ Book 2 trước, vì thấy Book 1 các bản dịch khác cũng khá ổn, sau khi dịch hết thì mình sẽ quay lại dịch Book 1 sau.
1. Mỗi ngày trôi qua và thời gian của ta càng ngắn lại, và khi ta sống lâu hơn, liệu ta có chắc được rằng tâm trí ta vẫn còn đủ đáp ứng cho hiểu biết về thế giới - đủ để có thể đắm chìm trong những suy tư về Tự nhiên và con người hay không ? Dù khi tâm trí ta có sao nhãng thì ta vẫn tiếp tục thở, tiếp tục ăn uống, tưởng tượng, bị thôi thúc và rồi cứ thế. Nhưng để có thể tận dụng mọi tiềm năng bản thân, suy tính cho những trách nhiệm của mình, cân nhắc những gì mắt thấy tai nghe, hay biết được nơi đâu là điểm dừng - thì những thứ đó đòi hỏi ở ta một tâm trí khỏe mạnh vững vàng - thứ mà ta đã phai mờ bởi sự sao nhãng. Thế nên ta cần phải khẩn trương. Không chỉ vì sự già chết đang ngày càng gần, mà còn vì hiểu biết của ta - sự kết nối của ta với thế giới - có lẽ sẽ mai một trước khi ta đến thời điểm đó.
2. Hãy biết rằng những sự vô tình của Tự nhiên cũng có vẻ đẹp của riêng nó. Một ổ bánh mì nở ra trong lò nướng, với những vết nứt trên bề mặt, chúng có sự hấp dẫn theo cách nào đó, thứ khiến ta cảm thấy ngon miệng hơn mà chẳng hiểu tại sao.
Hay cách một quả sung chín bung ra.
Hoặc một quả ô liu chín mọng rụng xuống: bóng dáng của sự tàn úa cũng đem đến một vẻ đẹp kỳ lạ.
Hay những bông lúa mì cúi đầu trĩu xuống khi chín muồi. Hay những nếp nhăn nhíu mày của con sư tử. Hoặc đốm bọt nhỏ trên miệng con heo rừng.
Cũng như nhiều thứ khác, nếu ta nhìn chúng một cách tách biệt thì sẽ khó thấy được vẻ đẹp trong chúng, nhưng vì là những kiến tạo của thực tại, chúng kiện toàn cho Tự nhiên và thu hút ta. Và bất kỳ ai có xúc cảm với tự nhiên - một sự nhạy cảm sâu sắc - cũng sẽ cảm thấy cho mình sự khoan khoái. Tương tự với những cái có vẻ tầm thường, như ta có thể thấy hàm của động vật sống cũng đẹp không thua gì những tác phẩm điêu khắc. Hay vẻ đẹp của tuổi già, hoặc sự đáng yêu của trẻ thơ. Hãy để những điều đó thu hút mình - thứ mà nhiều kẻ khác thường bỏ qua. Tự nhiên và những tạo vật tuyệt vời của nó chẳng phải đâu xa mà là ngay gần bên cuộc sống hằng ngày.
3. Hippocrates chữa khỏi cho nhiều người - nhưng rồi cũng qua đời vì bệnh. Người Chaldaeans đã dự báo về kết thúc của nhiều kẻ khác, nhưng rồi cũng không qua được thời khắc của chính. Alexander, Pompey, Ceasar - đã san bằng bao thành lũy, hạ gục nhiều nhân - mã trên chiến trường, nhưng rồi họ cũng phải rời bỏ cuộc đời. Heraclitus thường nói với mọi người rằng thế giới sẽ kết thúc trong khói lửa. Nhưng ông thì lại chết bởi hơi ẩm vì nhầy nhụa trong phân bò. Democritus bị giết bởi một con sâu độc bình thường, còn Socrates bị chính con người giết chết. 
Và ?
Ta đã ra khơi và cũng sẽ đến lúc đi hết hành trình của mình. Và nếu nơi đó là một cuộc sống khác, thì các vị thần rồi cũng sẽ ở đó. Còn nếu nơi cập bến là cõi hư vô, thế thì ta chẳng còn phải chịu dày vò bởi sướng khổ, hay chẳng cần tiếp tục nhảy nhót trong vỏ bọc cơ thể hèn mọn này - thứ quá hạ tiện so với linh hồn mà nó bao bọc. Một bên là tâm trí và linh hồn, một bên là cát bụi và mục rữa.
4. Đừng phí đời mình cho việc bận tâm về người khác - trừ khi điều đó cần thiết cho lợi ích chung, bởi điều đó sẽ ngăn cản ta làm những việc hữu ích. Khi ta mải quan tâm tới việc người khác đang nghĩ gì, làm gì, hay hướng tới điều gì, thì ta sẽ bị cản trở cho việc chú tâm vào chính tâm trí mình.
Ta cần phải rèn luyện để tránh mọi suy nghĩ tùy hứng và ngẫu nhiên. Cũng như những suy nghĩ hiếu kỳ hoặc độc hại. Ta cũng phải thường xuyên chú tâm vào những suy nghĩ của mình, để nếu có ai hỏi ta đang nghĩ gì thì ta đều có thể nói một cách thành thật những suy nghĩ của mình trong mọi lúc. Và đó sẽ là một câu trả lời rõ ràng về những suy nghĩ đã cân nhắc và đứng đắn - bắt nguồn từ một người không vị kỷ, không đê mê bởi khoái lạc hay nhục dục, không hằn học, không phỉ báng hoặc ghen ghét, hoặc bất cứ gì mà ta phải xấu hổ nếu bị phát giác ra.
Một người như thế - người không chần chừ trong sự phấn đấu để trở nên tốt đẹp - giống như một thầy tu, một phụ tá của các vị thần, trong việc gìn giữ bản thân không bị ô uế bởi khoái lạc, bất khuất trước những nỗi đau, tách mình khỏi sự tự phụ, và không nhiễm ô bởi những thói xấu, như một hiệp sĩ trong một cuộc đấu vĩ đại trên đời. Thấm nhuần bởi sự công bằng, người đó chấp nhận mọi thứ xảy đến trong mọi chuyện mà anh ta dấn thân hay dự phần, chứ không phải chỉ bởi mong muốn ích kỷ của ai, hay bởi những gì kẻ khác nói hoặc làm. Người đó làm những gì mà anh ta phải làm, cũng như làm bởi vì điều đó cần thiết cho cuộc sống - làm hết khả năng với niềm tin rằng đó là điều tốt nhất. Bởi chúng ta mang theo số phận của chính mình, và số phận cũng bao bọc cả ta.
Ta phải biết rằng mọi thứ đều có sự tương liên với nhau, và việc quan tâm đến người khác chính là bổn phận của việc làm người. Nhưng như thế không có nghĩa là ta phải đồng thuận với mọi điều người khác nghĩ. Chúng ta chỉ nên lắng nghe những ý kiến tương hợp với Tự nhiên. Cũng như hãy nhận biết bản chất của những kẻ còn lại, những người mà chúng giao du. Và đừng bận tâm tới quan điểm của chúng - những kẻ vốn không đủ với tiêu chí làm người theo như chúng tự rêu rao.
5. Cách hành xử: Đừng bao giờ hành xử vì bị ép buộc, hay vì sự ích kỷ, hoặc không có cân nhắc, hay khi còn nghi ngại. Cũng đừng biện hộ hoa mỹ cho những suy nghĩ của mình. Đừng nhiều lời hay hành xử ngẫu hứng. Hãy thể hiện tinh thần của một người trưởng thành, một công dân, một người La Mã, một vị hoàng đế. Lãnh nhận trách nhiệm của mình như một chiến binh và kiên nhẫn đợi chờ thời khắc của mình. Không cần phải thề thốt hay có người chứng kiến.
Luôn bình thản và đừng lệ thuộc ai hay chờ đợi hạnh phúc từ người khác. 
Hãy hiên ngang thẳng đứng, chứ đừng dựa dẫm vào điều gì.
6. Nếu lúc nào đó mà ta biết được điều gì tốt đẹp hơn sự công bằng, trung thực, sự tự chủ, bất khuất - hay điều gì tốt đẹp hơn một tâm trí biết hành xử một cách lý trí, và có khả năng sẵn lòng chấp nhận mọi điều vượt ngoài sự kiểm soát của nó - thì hãy nắm lấy và trân trọng nó hết lòng - bởi nó sẽ là thứ vô tiền khoáng hậu nên hãy tận hưởng nó trọn vẹn. 
Nhưng nếu không có gì vượt trội hơn linh hồn bên trong ta - thứ chế ngự được những ham muốn cá nhân, sáng suốt trong mọi trải nghiệm, tự do khỏi các cám dỗ (như Socrates từng nói) chỉ cúi đầu trước Tự nhiên, và chỉ hướng đến lợi ích của cộng đồng - nên nếu ta không thấy có gì quan trọng hay giá trị hơn thế thì đừng bận tâm tới điều gì khác ngoài nó. Vì những thứ khác có thể khiến ta lạc lối, cám dỗ ta khỏi đường ngay, và khiến ta không thể chú tâm vào việc trau dồi bản thân để đạt đến sự vĩ đại trong đức hạnh của con người. Sẽ là sai lầm nếu để bất cứ gì chen vào giữa ta và mục đích ấy - trở thành một con người lý trí và đức hạnh. Tiếng vỗ tay ca ngợi, quyền lực, của cải, hay lạc thú. Tất cả những thứ đó trông có vẻ khoan khoái nhưng thực ra chỉ manh mún tức thời. Nhưng chúng rồi sẽ kiểm soát và nô dịch ta lúc nào chẳng hay. 
Cho nên hãy quyết đoán lựa chọn và kiên tâm với lý tưởng tốt đẹp nhất - Vì nó sẽ đem lại lợi ích thực sự cho ta.
Và nếu lý tưởng đó là sống như một sinh vật có lý trí ? Thì hãy kiên tâm theo đuổi đến cùng. Còn nếu ta lựa chọn sống như một con thú vật ? Thì cũng hãy sống như thế một cách thẳng thắn ( nhưng hãy chắc chắn rằng ta đã cân nhắc kỹ về lựa chọn đó) 
7. Hãy cẩn trọng với những gì có vẻ tốt đẹp nhưng khiến ta phải trở nên phản trắc, không biết xấu hổ, hoặc khiến ta thù hằn, nghi kỵ, hiểm ác, đạo đức giả hoặc phải lén lút làm những điều ám muội. Nếu ta có thể làm chủ tâm trí mình và dẫn dắt nó tránh sự bi ai, than thở, hoặc cộc cằn. Thì khi đó ta cũng sẽ ko cần phải đến chốn độc cư - hay cũng không cần phải ở nơi tề tựu đông người. Và hơn hết, ta sẽ không ham muốn, sợ hãi, hay muộn phiền. Rồi khi thời điểm của ta đến, hãy bình thản rời đi - như cách mà ta làm mọi thứ với lòng thanh thoát cùng danh dự. Sau cùng, hãy luôn chú tâm để thể hiện tinh thần của một sinh vật lý trí và của một công dân đức hạnh. 
8. Trong tâm trí một người ngay thẳng và trong sạch, sẽ không có sự hư hỏng, ô uế, hay muộn phiền. Và cuộc đời của anh ta cũng trọn vẹn bất chấp sự sống của anh ta có bất ngờ dừng lại. Nó sẽ trông như một diễn viên đã hoàn thành vai diễn của mình trước khi vở kịch kết thúc. Ngoài ra anh ta cũng không chịu nô dịch nhưng cũng không kiêu ngạo. Không khúm núm phục tùng cũng không khinh khi. Không biện minh và cũng không trốn tránh. 
9. Hãy rèn luyện và coi trọng khả năng nhận biết và làm chủ suy nghĩ của mình. Nó là chiến tuyến bảo vệ tâm trí ta khỏi những nhận thức sai lầm - sai với bản chất tự nhiên của ta và với mọi thứ khác. Nó cũng là thứ khiến ta trở nên sâu sắc, hiền từ, và hòa phục với Tự nhiên. 
10. Hãy nhớ kỹ rằng chúng ta chỉ sống trong khoảnh khắc bây giờ, ngắn ngủi và tức thời. Những gì còn lại thì hoặc đã trải qua rồi, hoặc là không thể thấy. Cuộc đời ta thực ra rất chóng vánh - và nó cũng nhỏ bé như cái góc mà chúng ta đang sống vậy. Ngay cả cuộc đời của những kẻ vĩ đại nhất cũng thế, danh tiếng của họ được truyền tụng từ người này sang người khác - những kẻ mà thậm chí cũng chẳng biết rõ về bản thân chứ đừng nói về những người đã chết từ lâu về trước. 
11. Hãy luôn sáng suốt với bất cứ gì mà ta trải nghiệm để từ đó ta có thể thấy được bản chất thực sự của chúng. Loại bỏ những điều phù phiếm, gọi tên đúng sự vật như chúng đang là mà không thêm thắt phán xét. Không có gì có ích cho sự phát triển tâm thức bằng việc phân tích một cách chính xác và logic về mọi thứ xảy đến cho chúng ta. Xem xét để biết bản chất trong Tự nhiên của chúng là gì, tác dụng của chúng ra sao. Cũng như sự tương quan của chúng với cái toàn thể, với từng cá nhân ra sao. Cũng như hãy xem xét mọi thứ tạo ra ấn tượng trong ta ra sao, chúng tạo nên những cảm nhận nào, và chúng tồn tại trong bao lâu. Xem xét ta cần đức tính nào để đối mặt với chúng - sự bình thản, can đảm, trung thực, sự tin tưởng, thẳng thắn, tự chủ, hay những đức tính nào khác ? 
Vậy nên, trong mọi hoàn cảnh, hãy tự hỏi: những điều này đến từ Tự nhiên - tức từ mối tương liên trùng điệp của các sự kiện ? Như thế, nó chỉ đơn thuần là sự ngẫu nhiên hoặc trùng hợp. Hay những hoàn cảnh này bắt nguồn từ giống loài của ta, những người thân thuộc, hay thậm chí từ người bạn chí thân- những người không hiểu bản chất của Tự nhiên. Nhưng ta thì khác, vì thế ta sẽ đối xử với họ một cách công bằng và nhân ái. Còn với những thứ tầm thường vụn vặt ? Ta sẽ cố hết sức để đối xử với chúng theo cách mà chúng xứng đáng. 
12. Nếu ta có thể thực thi những bổn phận của mình một cách nghiêm túc, cẩn trọng, nhiệt thành và nhẫn nại, không bị phân tâm, cũng như giữ gìn tâm hồn trong ta thật trong sạch, như thể ta có thể phải trả lại cho Tự nhiên bất cứ lúc nào. Nếu ta có thể làm mọi việc mà không sợ hãi hoặc mong cầu - bởi ta đã hài lòng với thực tại, với sự chân thành trong mọi suy nghĩ và hành động - thì ta chắc chắn sẽ an vui. Và không có gì có thể ngăn cản điều đó. 
13. Các bác sĩ thường mang theo dao mổ và những dụng cụ khác bên mình phòng những lúc khẩn cấp. Vì vậy, hãy luôn giữ cho mình những triết lý và lẽ sống cạnh bên - để sẵn sàng thấu hiểu Tự nhiên và con người. Trong mọi việc làm, từ những điều nhỏ nhất, cũng hãy nhớ liên kết chúng với nhau. Bởi ta không thể làm được gì tốt đẹp với con người mà không ảnh hưởng tới Tự nhiên, và ngược lại. 
14. Đừng mải lang thang xao lãng, đừng để mình chìm đắm vào những việc vô bổ, hay mải tìm hiểu những kiến thức lan man không dùng đến. Hãy vứt bỏ những mơ tưởng viễn vông, và hãy gấp rút tự cứu lấy mình khi ta còn có thể. 
15. Người ta không thấy được có bao nhiêu điều tiềm ẩn được thể hiện trong những sự việc tầm thường, như trộm cắp, gieo hạt, mua bán, im lặng, hay quan sát mọi thứ diễn ra. Những thứ không phải chỉ thấy bằng con mắt thịt bình thường, mà thấy bằng một cái nhìn khác. 
16. Chúng ta có thân xác, linh hồn, và nhận thức. Thân xác thì chỉ đơn thuần là các cảm giác, linh hồn thì đầy sự thèm muốn, còn cái làm nên nhận thức là lý trí. Trải nghiệm những cảm giác thì thú vật cũng không khác ta. Còn nếu để dục vọng chế ngự bản thân, thì cũng không khác gì dã thú, hay những kẻ sa đọa, hoặc những tên bạo chúa như Nero hay Phalaris. 
Và chỉ có lý trí mới dẫn dắt ta tới những gì tốt đẹp nhất: so với những kẻ không tin vào Tự nhiên, những kẻ phản trắc, hay những người làm việc ám muội. Bởi nếu lý trí đều tầm thường ở những kẻ đó, vậy thì những người chính trực sẽ là đặc biệt độc nhất. 
Người có thể hài lòng với mọi thứ xảy ra, không để điều gì vấy bẩn linh hồn, không bị xáo trộn bởi những niềm tin sai lạc. Anh ta bảo vệ linh hồn mình một cách trung thành, bình thản tuân theo Tự nhiên - không nói gì sai trái cũng không làm điều bất chính. Và nếu kẻ khác có bất bình với cách sống giản dị, khiêm nhường, và an ổn đó, thì anh ta cũng không vì thế mà oán giận họ, nhưng vẫn sẽ kiên tâm với lý tưởng của mình đến phút cuối. Anh ta sẽ đón nhận kết thúc của mình trong sự trong sạch, thanh thản, xuôi thuận, trong sự hòa hợp với những gì xảy đến.