"DỊCH HẠCH" - LỜI TIÊN TRI VỀ ĐẠI DỊCH TỪ HƠN 60 NĂM TRƯỚC
Chúng ta đang sống trong những tháng ngày phải đương đầu với đại dịch thế kỷ mang tên "Covid-19". Tình cờ, mình tìm đọc được một cuốn...
Chúng ta đang sống trong những tháng ngày phải đương đầu với đại dịch thế kỷ mang tên "Covid-19". Tình cờ, mình tìm đọc được một cuốn sách có cảm hứng rất tương đồng với không khí mà chúng ta đang trải qua, kể về câu chuyện của một thành phố cũng đang phải đương đầu với một đại dịch hoành hành. Cuốn sách mang tên “Dịch Hạch" của tác giả Albert Camus, do Nhã Nam phát hành, xuất bản bởi nhà xuất bản Dân Trí.
Trước hết phải khẳng định, đây là một cuốn sách rất khó đọc, mặc dù câu chuyện mà tác giả Albert Camus truyền tải khá đơn giản, lối văn cũng khá nhẹ nhàng. Điều này cũng dễ hiểu vì “Dịch Hạch" là tác phẩm đạt giải Nobel văn học năm 1957. Thường thì mình thấy, những tác phẩm văn học xuất sắc giành giải Nobel luôn luôn là những tác phẩm ẩn chứa những giá trị "lớp tầng" về thời đại. Hoặc nếu không, văn phong của tác phẩm ấy cũng phải hệ thống hoá, trở thành một trường phái văn học kiệt xuất của tác giả. Quả thực, “Dịch Hạch" đã hội tụ cả hai yếu tố ấy. Vì vậy, cuốn sách khá nặng về suy tưởng và những liên hệ thời đại. Cũng vì thế, nếu chỉ xác định đọc cuốn sách như một cách giải trí thông thường thì chúng ta có thể sẽ phải bỏ qua kha khá những giá trị mà tác giả đã gửi gắm.
Bên cạnh đó, một lí do cũng khiến cuốn sách rất khó đọc là bởi bản dịch của tác phẩm. Bản dịch phổ biến nhất hiện nay là bản dịch của dịch giả Võ Văn Dung. Đây là một bản dịch được dịch từ năm 1968. Vì vậy, xuyên suốt 400 trang của cuốn sách gần như sử dụng hoàn toàn những từ ngữ cũ, những phương ngữ của thời đại trước khiến cuốn sách khá khó tiếp cận với những độc giả bây giờ. Ví dụ như: “bệnh nhân" được dịch là “bịnh nhơn", “công an" được dịch là “cò bót"... Hơn nữa, không phải từ ngữ cũ nào cũng có chú thích cụ thể nên người đọc sẽ khá khó khăn để theo dõi.
Mình cũng đã gặp phải một sự cố "dở khóc dở cười" khi đọc cuốn sách này vì một từ cổ, cụ thể là từ “viếng". Thường thì chúng ta dùng từ “viếng" để nói về việc ghé qua bày tỏ lòng thương tiếc, thành kính với các linh cữu đã mất. Nhưng ngày xưa, người ta cũng dùng từ “viếng" với nghĩa là “ghé thăm". Trong truyện có một vài phân đoạn các nhân vật có nói là qua viếng người này, người kia. Mình giật mình vì thắc mắc, rõ ràng các nhân vật ấy trang trước vẫn còn sống mà sao trang này đã mất rồi? Chẳng lẽ bệnh dịch hạch lây lan đến mức độ kinh hoàng đến thế sao? Hoá ra... chỉ là cách mà họ nói là sẽ ghé thăm nhau mà thôi.
Được biết, khi xuất bản phiên bản sách này, Nhã Nam cũng đã cố gắng liên hệ với dịch giả nhưng không thành công nên cuốn sách vẫn chưa có những sự tinh chỉnh cần thiết, trước khi đến với các độc giả hiện đại. Tuy nhiên nếu nhìn ở một góc độ khác, bản dịch này lại là một bản dịch cực kì có giá trị với những ai học ngành "Ngôn Ngữ Học" hoặc thích nghiên cứu về dịch thuật. Vì những ngôn từ trong bản dịch này giúp ta hiểu rất rõ văn phong và văn hoá của thời đại trước.
Về nội dung, “Dịch Hạch" là câu chuyện về thành phố Oran, Algerie (thời bấy giờ vẫn còn là thuộc địa của Pháp) phải đóng cửa, tự cách ly với thế giới bên ngoài vì căn bệnh dịch hạch quái ác xuất phát từ loài chuột. Giữa bầu không khí bi thảm ấy, bất chấp hiểm hoạ bị lây nhiễm, những con người bình dị và thầm lặng, vẫn sẵn sàng xông vào trận tuyến chống lại dịch hạch. Nổi bật nhất là hình ảnh của bác sĩ Rieux. Ngay từ đầu, ông không tham gia vào những trận tranh cãi của người dân hay chính phủ trước những khó khăn mà bệnh dịch mang lại. Và ngay cả trong những ngày thành phố Oran trở thành "địa ngục" tăm tối nhất vì bệnh dịch, Rieux vẫn luôn cố gắng cứu người.
Nói đến đây, phải nhắc đến hai chủ nghĩa mà nhà văn Albert Camus rất hay sử dụng trong các tác phẩm của mình. Những tác phẩm tiền nhiệm của ông thường mang nặng chủ nghĩa "phi lý". Đó là chủ nghĩa cho rằng cuộc sống thực tại thật vô nghĩa lý. Ông cho rằng “tuyệt vọng là thực tại sâu xa nhất của con người". Và vì thế Camus luôn đặt nhân vật của mình vào một sự phi lý, đẩy họ đến bi kịch. Dường như, đứng giữa cuộc sống ấy, cái chết lại là một hạnh phúc êm ái và nhẹ nhàng. Vì trong khoảnh khắc đó, những con người bị giam cầm trong ngục tù "phi lý" mới nhận ra sự hiện hữu của bản thân mình.
Đến với “Dịch Hạch", sự "phi lý" ấy vẫn phần nào được thể hiện qua những trang viết, nhưng dường như ngòi bút của Albert Camus đã được nâng tầm thêm một bước nữa bởi chủ nghĩa "hiện sinh". Những nhân vật trong "Dịch Hạch" vẫn căm phẫn trước cuộc sống "phi lý". Họ mải mê đi tìm hạnh phúc, nhưng họ còn mong muốn rằng, bất cứ ai cũng sẽ được "liên hoan" trong hạnh phúc. Họ không thể cảm thấy sung sướng khi xung quanh, nhân loại còn phải đau khổ. Và rõ ràng, nhân vật bác sĩ Rieux đã trở thành một nhân vật trung tâm xuất sắc, thể hiện rất rõ chủ nghĩa "hiện sinh" mà tác giả gửi gắm. Rieux biết rằng cuộc sống thật vô nghĩa lý nhưng ông không hề phó mặc cho số phận. Hơn ai hết, ông muốn sống, nhưng không vì thế mà ông thờ ơ với những người bệnh đang chết dần từng ngày.
Ngoài những ý nghĩa về tư tưởng triết học nhân sinh, “dịch hạch" cũng mang ý nghĩa ẩn dụ về thời đại. Cơn dịch hoành hành thành phố Oran chính là ẩn dụ về gông xích mà Đức Quốc Xã đang áp đặt lên Pháp lúc bây giờ. Và vì thế, cuộc đấu tranh chống lại bệnh dịch tượng trưng cho cuộc đấu tranh để giải thoát tất cả áp bức. Thế nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể bỏ qua ý nghĩa ẩn dụ chính trị này để theo dõi câu chuyện được nhẹ nhõm hơn.
Tóm lại, “Dịch Hạch" là một cuốn sách xuất sắc về tư tưởng và những ý nghĩa thời đại mà vẫn còn đúng đến tận ngày hôm nay. Chúng ta luôn phải có ý thức chủ động để đối phó với những thảm hoạ cộng đồng. Chúng ta phải sống bằng niềm tin, bằng niềm hi vọng không bao giờ được khuất phục. Có như thế, chúng ta mới có thể chiến thắng được bệnh dịch.
Có lẽ, mình sẽ không khuyên các bạn lựa chọn ngay cuốn sách này nếu ta chỉ muốn có một cuốn sách đọc để giải trí. Hãy lựa chọn cuốn sách nếu chúng ta đã sẵn sàng với một tâm thế nghiêm túc để theo dõi. Khi đó, chắc chắn bạn sẽ thấy “Dịch Hạch” tuyệt vời đến nhường nào.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất