ND: Bài viết gốc của Joseph Stiglitz, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001, đã được đăng trên ấn bản điện tử The Guardian tại địa chỉ này. Người dịch cho rằng, trong bối cảnh chênh lệch giàu nghèo ngày một tăng nhanh, việc "chạy đua" thành tích GDP sẽ mang lại những hệ lụy không nhỏ về xã hội, môi trường, và kinh tế. Hy vọng bài dịch nhỏ này sẽ giúp người đọc bắt đầu quan tâm hơn đến những "thước đo" an sinh xã hội khác ngoài GDP, từ đó tự mở rộng tìm tòi, nâng cao sở học kinh tế của bản thân.
Cách mà chúng ta đánh giá thành tựu kinh tế và tiến bộ xã hội về căn bản là sai, và cuộc khủng hoảng khí hậu đã đặt những mối lo âu này lên hàng đầu.
Thế giới đang phải đối mặt với ba cuộc khủng hoảng tồn tại: khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng bất bình đẳng, và khủng hoảng dân chủ. Liệu chúng ta có thể thịnh vượng được trong khuôn khổ Trái đất của chúng ta hay không? Liệu nền kinh tế hiện đại có thể mang lại sự thịnh vượng chung? Và liệu các nền dân chủ có thể sống sót không nếu các nền kinh tế không thể mang lại sự thịnh vượng chung ấy? Đây là những câu hỏi sống còn, ấy vậy mà những cách chúng ta chấp nhận dùng đo lường thành tựu kinh tế lại chẳng cho chúng ta một ý niệm gì rằng, chúng ta có thể đang có vấn đề. Mỗi một cuộc khủng hoảng trên đã củng cố sự thật rằng, chúng ta cần những công cụ tốt hơn để đánh giá thành tựu kinh tế và tiến bộ xã hội.
Phương pháp tiêu chuẩn dùng để đánh giá thành tựu kinh tế là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), là tổng giá trị thị trường của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất nội trong một quốc gia qua một thời kỳ nhất định. GDP cứ thế mà tà tà tăng lên từng năm, cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 xảy ra. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu này là minh chứng tối hậu cho sự thiếu kém của các chỉ số thường dùng. Không một chỉ số nào trong số chúng có thể cảnh báo đủ hiệu quả cho các nhà làm luật và thị trường rằng, có một thứ gì đó vẫn còn thiếu. Mặc dù có một vài nhà kinh tế học nhạy bén đã cất tiếng cảnh báo, song các phương pháp đo lường tiêu chuẩn dường như vẫn cho rằng mọi thứ đều đang ổn.
Kể từ đó, dựa trên chỉ số GDP, Hoa Kỳ đã tăng trưởng kinh tế hơi chậm hơn so với những năm trước đó, nhưng không có gì đáng phải lo cả. Các chính trị gia nhìn vào những chỉ số đó, đưa ra những cải tổ hệ thống kinh tế be bé, và hứa rằng mọi thứ sẽ tốt lên thôi.
Tại châu Âu, ảnh hưởng của năm 2008 còn nặng nề hơn, đặc biệt là ở những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ khủng hoảng đồng ơ-rô. Nhưng ngay tại đấy, trừ con số thất nghiệp tăng cao, các chỉ số đều không thể hiện đầy đủ tác hại của các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", hay là mức độ khổ sở của nhân dân, hay là ảnh hưởng lên tiêu chuẩn sống về dài hạn.
Đo lường GDP cũng không cho chúng ta một chỉ dẫn cần thiết về cách ứng phó với khủng hoảng bất bình đẳng. GDP tăng lên thì sao chứ, nếu như tình hình của đa phần nhân dân vẫn trở nên tồi tệ hơn? Trong ba năm đầu của thứ-gọi-là công cuộc hồi phục từ sau khủng hoảng kinh tế, 91% tăng trưởng đã chảy về túi của 1% giàu có nhất. Chẳng lạ gì khi mà nhiều người nghi ngờ những lời tuyên bố của các chính trị gia rằng nền kinh tế đang trên đà hồi phục mạnh mẽ.
Từ lâu rồi, tôi đã quan tâm đến vấn đề này -- khoảng cách giữa những con số cho chúng ta thấy, và cái mà chúng cần phải cho chúng ta thấy. Xuyên suốt nhiệm kỳ của Clinton, khi mà tôi phục vụ dưới vai trò thành viên, và rồi là Chủ tịch của Hội đồng Tư vấn Kinh tế, tôi trở nên ngày một lo lắng hơn về cách mà các con số đo lường kinh tế chính của chúng ta đã không phản ánh được sự tàn phá môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Nếu nền kinh tế của chúng ta [ND: Hoa Kỳ] có vẻ như đang tăng trưởng, nhưng sự tăng trưởng đó lại không bền vững bởi vì chúng ta đang phá hủy môi trường và sử dụng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, thì số liệu thống kê của chúng ta phải cảnh báo được điều đó. Thế mà, do GDP không tính đến việc rút cạn tài nguyên và tàn phá môi trường, chúng ta lại được vẽ một bức tranh màu quá hồng.
Những mối quan tâm này ngày nay đã được khủng hoảng khí hậu đặt lên hàng đầu. Đã ba thập kỷ kể từ khi mối đe dọa của biến đổi khí hậu đã được công nhận rộng rãi, và vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn nhanh hơn mong đợi. Những sự kiện khí hậu trở nên cực đoan hơn, tường băng ở các cực tăng nhanh hơn, và môi trường sống tự nhiên bị phá hủy nhiều hơn.
Rõ ràng, chúng ta căn bản đã sai trong cách chúng ta đánh giá thành tựu kinh tế và tiến bộ xã hội. Tệ hơn nữa, những con số đo lường của chúng ta thường cho chúng ta một ý niệm sai lầm rằng phải có một sự đánh đổi giữa hai điều này; ví dụ, việc tăng cường an ninh kinh tế của nhân dân thông qua quỹ hưu trí hoặc chính quyền an sinh tốt hơn sẽ gây hại đến thành tựu kinh tế quốc gia.
Việc tìm được phương tiện đo lường đúng, hay ít ra là tốt hơn, là cực kỳ quan trọng, nhất là trong một xã hội quan trọng số liệu và thành quả như của chúng ta. Nếu chúng ta đo lường sai, chúng ta sẽ làm điều sai. Nếu số liệu của chúng ta bảo ra mọi thứ vẫn ổn trong khi thực ra chúng ta không ổn chút nào, chúng ta sẽ trở nên tự mãn.
Và rõ ràng là, mặc cho GDP vẫn tăng, mặc cho cuộc khủng hoảng 2008 đã trôi xa lắm rồi, mọi thứ vẫn không ổn tí nào. Chúng ta có thể thấy điều này qua sự bất mãn chính trị hiện đang hoành hành ở rất nhiều các quốc gia phát triển; chúng ta thấy nó qua sự ủng hộ rộng rãi các nhà dân túy, những người thành công dựa vào việc khai thác sự bất mãn kinh tế; và chúng ta thấy nó qua môi trường xung quanh chúng ta, khi mà lửa hoành hành và lũ lụt và hạn hán xảy ra với cường độ ngày càng dày đặc hơn.
May thay, những tiến bộ trong phương pháp đo lường và kỹ thuật đã cho chúng ta những công cụ đo lường tốt hơn, và cộng đồng quốc tế đang dần chú ý đến chúng hơn. Những gì mà chúng ta đã đạt được cho đến ngày nay đã thuyết phục tôi và những nhà kinh tế học khác về hai điều sau đây: trước hết, chúng ta hoàn toàn có khả năng tạo ra những thước đo sức khỏe nền kinh tế tốt hơn. Các chính phủ có thể và cần phải đi xa hơn là chỉ GDP. Thứ hai, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.
Như Angel Gurría, bí thư của Tổ chức vì Hợp tác và Phát triển Kinh tế, đã viết: "Chỉ có những chỉ số tốt hơn, thực sự phản ánh được đời sống và nguyện vọng của nhân dân mới có thể giúp chúng ta thiết kế và thực thi 'những chính sách tốt hơn vì những cuộc đời tốt hơn'."