Note: Credit bro Loveless vì đã giới thiệu cho mình bài viết bổ phổi hít phê tận óc này :3. Trong bài có khá nhiều hyperlink nhưng t sẽ để ở dạng reference vì k biết có hyperlink được ở đây k. Ảnh chống trôi và không có trong bài viết gốc. T cũng xin phép k lấy ảnh trong bài viết gốc vào luôn vì hầu hết chỉ để mục đích trang trí và bê hết đống đó vào thì pain in the ass vcl. 
Anw, here we go :v
Bài dịch:
Công nghệ blockchain sẽ thay đổi mọi thứ: ngành công nghiệp vận tải biển, hệ thống tài chính, chính phủ … thật ra thì, có cái quái gì mà nó lại không thay đổi được cơ chứ? Nhưng sự phấn khích về công nghệ này phần nhiều lại bắt nguồn từ sự thiếu kiến thức và hiểu biết. Blockchain là một giải pháp nhưng chưa tìm được vấn đề để giải quyết.

Blockchain, một giải pháp tuyệt vời cho hầu như không một cái gì cả 

Trước một rừng các coder đang ngồi trên những chiếc ghế gấp, đã mở sẵn laptop trên 1 chiếc bàn gấp, một người đàn ông xuất hiện trên sân khấu trong ánh đèn xanh-tím.
“Bảy trăm chuyên gia blockchain,” người đàn ông hô lên về phía khán giả. Anh ta đưa tay chỉ lướt qua mặt từng lập trình viên trong căn phòng. “Học giữa máy với máy … ” Rồi một lần nữa, anh ta gào hết volume: “Chuyển đổi năng lượng bền vững! Y tế! An toàn và an ninh công cộng! Tương lai cho hệ thống hưu trí!”
Chúng ta đang ở Cuộc thi phát triển phần mềm blockchain Blockchaingers Hackathon 2018 ở Groningen, Hà Lan(1). Và có một điều gì đó thật to lớn, thật kỳ vĩ đang diễn ra ở đây, nếu như theo lời của diễn giả. Một lúc trước đó, giọng nói trên đoạn phim trailer đã hỏi những người đang có mặt rằng liệu họ có tưởng tượng được là ngay tại đây, ngay lúc này, tại căn phòng này, họ đang sắp bước vào hành trình tìm kiếm những giải pháp có thể sẽ giúp thay đổi “cuộc sống của hàng triệu người” hay không. Và cùng lúc đó, video chiếu một hành tinh đột ngột bùng cháy.
Và sau đó Tổng thư ký Bộ Nội vụ Hà Lan, Raymond Knops, bước vào, trên mình diện một bộ cánh đậm chất hackerman: một chiếc hoodie màu đen. Ông có mặt ở đây để làm một “siêu máy gia tốc” (có giời mà biết đó là cái quái gì). “Mọi người đều có thể cảm nhận được rằng blockchain sẽ mang lại những thay đổi lớn lao trong chính phủ,” tổng thư ký nói.
Tôi đã được nghe vô cùng nhiều về blockchain trong những năm qua. Ý tôi là, có ai mà không nghe cơ chứ? Nó nhan nhản chỗ quái nào cũng có.
Và tôi chắc chắn tôi không phải là người duy nhất nghĩ thế này: Nhưng mà trời đất ạ, thế rốt cuộc nó là cái gì, toàn bộ cái thứ blockchain này? Và tại sao nó lại mang tính cách mạng khủng khiếp đến như vậy? Nó giải quyết được những vấn đề gì?
Và đó là lý do tại sao tôi viết bài viết này. Tôi có thể nói thẳng luôn, nó là một chuyến phiêu lưu kỳ quái chẳng tới đâu cả. Tôi chưa từng thấy có bao giờ có quá nhiều biệt ngữ phức tạp cao siêu được dùng để diễn tả quá ít ý nghĩa như vậy. Tôi chưa từng được chứng kiến có bao giờ có quá nhiều những lời lẽ đao to búa lớn đến vậy lại hóa ra chả có ý nghĩa quái gì mấy khi tìm hiểu kỹ. Và tôi chưa từng thấy có bao giờ có quá nhiều người lao động khổ cực để kiếm ra một vấn đề cần giải quyết cho giải pháp do họ phát minh ra đến vậy.

Những 'Hạt nhân thay đổi’ tại một thị trấn nhỏ ở Hà Lan

Mọi người chưa một lần được biết bất cứ thứ gì về blockchain ở Zuidhorn, một thị trấn với dân số chưa đầy 8000 người ở phía Đông Bắc nước Hà Lan.
“Những điều chúng tôi biết là chắc chắn nó sẽ đến và nó sẽ làm thay đổi mọi thứ” một công chức của thị trấn trả lời một tờ tạp chí tuần san ở Hà Lan trong cuộc phỏng vấn.
“Chúng ta 2 lựa chọn, chờ đợi một cách thụ động, hoặc chủ động tiến tới tương lai.”
Ở Zuidhorn, họ đã quyết định tiến tới tương lai. Một gói cứu trợ giảm nghèo cho trẻ em của thị trấn sẽ “được đưa vào”. Maarten Velthuijs - một sinh viên và một người hâm mộ blockchain - , đã được trao cơ hội thử việc tại chính quyền thị trấn.
Công việc đầu tiên  của anh là giải thích blockchain là gì. Khi tôi hỏi Velthuijs, anh ta nói rằng nó là “một hệ thống không thể bị ngăn chăn”, rằng nó là “một sức mạnh tự nhiên”, hoặc là, “một thuật toán đồng thuận phân quyền”. “Thôi được rồi. Nó khá là khó giải thích”, sau cùng anh bỏ cuộc. “Tôi đã nói với thị trấn Zuidhorn như thế này: ‘Tôi sẽ xây dựng cho các bạn một cái app, rồi lúc đó các bạn sẽ hiểu’.”
Và anh ta đã làm đúng như thế.
Công việc đầu tiên  của anh là giải thích blockchain là gì ... “Thôi được rồi. Nó khá là khó giải thích”, sau cùng anh bỏ cuộc.
Gói hỗ trợ trẻ em cung cấp cho các hộ nghèo quyền tiếp cận xe đạp, những chuyến đi miễn phí tới rạp hát, rạp chiếu phim, v.v. Trước kia, việc này từng đồng nghĩa với một nùi những thủ tục hành chính, hóa đơn và hồ sơ phiền hà. Nhưng nhờ app do Velthuijs tạo ra, mọi thứ đã trở nên đơn giản: Bạn quét mã ở cửa hàng, bạn nhận được chiếc xe đạp của bạn, và chủ cửa hàng xe đạp tự động nhận được tiền.
Và thế là đùng một cái, thị trấn nhỏ bé này được tôn vinh là “một trong những đô thị dẫn đầu về công nghệ blockchain trên toàn cầu”. Sự chú ý của truyền thông toàn quốc đổ dồn về đây, và thậm chí là cả những giải thưởng: họ đã được tặng một giải thưởng đơn vị đổi mới trong công tác hành chính địa phương, và được đưa vào danh sách đề cử cho một giải thưởng về dự án IT và một giải thưởng khác về dịch vụ cộng.
Giới chức địa phương trở nên ngày một hào hứng. Velthuijs và nhóm gồm toàn những “sinh viên” trở thành những nhà tiên phong định hình cho thế giới mới. Nhưng danh hiệu đó dường như còn chưa đủ để phản ánh sự kính phục của người dân dành cho họ. Ở Zuidhorn, một số người đã bắt đầu thích gọi họ là “những hạt nhân của sự thay đổi”.

Nó hoạt động như thế nào?

OK, tuyệt vời, những hạt nhân của sự thay đổi, cách mạng, sẽ không có gì có thể không thay đổi được nữa. Nhưng thế rốt cuộc thì blockchain là cái quái gì?
Về bản chất, blockchain là một cái bảng dữ liệu được thần thánh hóa (cứ tưởng tượng như là Excel nhưng chỉ có một sheet ấy). Nói cách khác, nó là một phương thức lưu trữ dữ liệu mới. Đối với các cơ sở dữ liệu bình thường thường sẽ chỉ có một người quản lý, quyết định xem những ai được quyền truy cập và nhập dữ liệu, ai được quyền điều chỉnh và loại bỏ dữ liệu. Đối với blockchain thì khác. Không có ai làm chủ cả, bạn không thể thay đổi hay xóa bất cứ dữ liệu nào, chỉ được phép xem và nhập thêm dữ liệu.
Ứng dụng đầu tiên, được biết đến nhiều nhất – và trên thực tế là duy nhất cho tới thời điểm hiện tại – của công nghệ blockchain là bitcoin, đồng tiền điện tử cho phép bản chuyển tiền từ nơi A đến nơi B mà không có sự tham gia của ngân hàng.
Điều này hoạt động như thế nào? Hãy tưởng tượng Jesse có nhu cầu chuyển tiền cho James. Các ngân hàng biết cách để làm việc này. Tôi yêu cầu ngân hàng gửi tiền cho James. Ngân hàng tiến hành các bước kiểm tra cần thiết – Có còn đủ tiền trong tài khoản để thực hiện giao dịch này không? Số tài khoản có tồn tại không? – và gõ vào cơ sở dữ liệu của họ: Jesse chuyển tiền cho James.
Điều này khó khăn hơn đôi chút khi dùng bitcoin. Bạn công bố yêu cầu thanh toán thông qua một thứ giống như là một đoạn chat khổng lồ: Jesse chuyển một bitcoin James! Sau đó những người dùng (hay còn gọi là những người đào) sẽ thu thập nhiều các giao dịch vào trong các khối nhỏ.
Để cập nhật các khối giao dịch này vào sổ cái blockchain công cộng, những người đào phải giải một câu đố phức tạp (thực tế, họ phải đoán một con số vô cùng lớn nằm trong một danh sách dài thật dài các con số). Việc giải câu đố sẽ mất khoảng 10 phút – và trong trường hợp câu đố được giải xong sớm vì, chẳng hạn. có ai đó đầu tư nhiều phần cứng hơn vào việc giải câu đó, thì các câu đó sau sẽ tự động trở nên phức tạp hơn.
Sau khi câu đố đã được giải, những người đào sẽ cập nhật các giao dịch vào phiên bản mới nhất của sổ cái blockchain, trong phiên bản mà họ đã lưu trữ cục bộ. Họ sẽ gửi một thông báo trên kênh chat: Trông nè, chúng tôi đã giải được câu đố rồi! Tất cả mọi người sẽ cùng xác nhận lời giải là đúng, và tất cả mọi người sẽ cập nhật vào sổ các blockchain của riêng họ. Wào! Giao dịch đã hoàn thành. Để thưởng cho công sức bỏ ra, mỗi người đào sẽ được nhận một mớ Bitcoin.

Tại sao lại cần đến câu đố?

Tại sao lại phải có câu đố? Nếu tất cả mọi người đếu sống có đạo đức, thì bạn sẽ không cần đến nó. Nhưng hãy tưởng tượng nếu chẳng may có ai đó muốn một sử dụng cùng một số tiền hai lần. Tôi sẽ bảo cả James và John: Tôi sẽ cho anh đồng bitcoin này. Sẽ có ai đó phải kiểm tra xem việc đó có thực hiện được hay không. Và những người đào sẽ làm công việc này, mà thường vốn là công việc của ngân hàng: họ sẽ quyết định những giao dịch nào có thể được thực hiện.
Tất nhiên, một người đào nào đó cũng có thể thử lừa gạt hệ thống bằng cách đồng lõa với tôi. Nhưng những người khác sẽ có thể thấy ngay lập tức nếu tôi dùng cùng một số tiền hai lần, và họ có thể từ chối không cập nhật blockchain. Do đó tên người đào xấu bụng bỏ công sức ra giải câu đố sẽ chẳng nhận được cái gì cả. Do việc giải câu đố vô cùng vất vả, bạn sẽ có động lực để tuân thủ quy tắc.
Hệ thống này thì khá là hao phí tài nguyên sức lực . Và thực sự thì sẽ đỡ phức tạp hơn rất nhiều nếu bạn có thể tin tưởng giao cho một ai đó (một ngân hàng chẳng hạn) quản lý dữ liệu của mình. Nhưng Satoshi Nakamoto (tên tự xưng của người phát minh ra Bitcoin) không nghĩ như vậy. Anh ta nghĩ ngân hàng là một thứ gì đó tồi tệ. Họ có thể khiến cho tiền bốc hơi khỏi tài khoản của bạn. Vì thế anh ta đã phát minh ra bitcoin.
Bitcoin hoàn toàn khả thi, có tồn tại, và theo số liệu thống kê gần đây nhất thì đã có đến 1855 đồng tiền ảo khác tương tự như bitcoin xuất hiện trên thị trường.
Mặc dù vậy, bitcoin hoàn toàn không phải một thành công hoàn hảo. Rất ít các cửa hàng chịu sử dụng đồng tiền ảo này – và họ hoàn toàn có lý. Vì giao dịch bằng đồng tiền ảo này chậm vice-car-lone luôn(2). (đôi khi một giao dịch chỉ mất chín phút, nhưng đôi khi nó mất chín ngày!), và cũng kéo theo đủ thứ phiền hà (bạn có thể thử – thực sự là dùng kéo cắt một cái bao bì bằng nhựa cứng đỡ vất vả hơn nhiều), và siêu bất ổn (giá của bitcoin từng tăng lên €17,000 euro; sau đó giảm xuống €3,000; và hiện đã tăng lại lên €10,000)(3).
Bitcoin hoàn toàn không phải một thành công ngoại hạng. Rất ít các cửa hàng chịu sử dụng đồng tiền ảo này – và họ hoàn toàn có lý.
Không chỉ vậy, mà giấc mơ về một miền đất hứa phân quyền của Nakamoto, tức là việc bỏ qua khâu tìm bên thứ ba có uy tín, vẫn còn khuya mới thực hiện được. Điều khôi hài là, hiện tại có có ba “mỏ đào” – tức là các công ty đầu tư các hầm chứa đầy nhóc các máy chủ ở đâu đó tại Alaska hay một vài địa điểm khác tuốt trên vùng Bắc Cực – đang chịu trách nhiệm sản xuất ra quá nửa số lượng bitcoin đào mới (4) (và cũng đồng thời chịu trách nhiệm kiểm tra các yêu cầu thanh toán).
Cho đến hiện tại, bitcoin là một thành công lớn trong lĩnh vực đầu cơ. Một số người may mắn mua được 20 hay 30 euros đồng tiền ảo này trong những ngày đầu ra mắt giờ đã có đủ tiền để làm vài cuốc đi vòng quanh thế giới.
Và chính nó đã giúp chúng ta biết đến blockchain. Bởi một công nghệ hoàn hảo mang mang lại sự giàu có bất ngờ là một công thức đã được thử nghiệm và kiểm nghiệm cho việc “gây bão dư luận”. Các quan chức, các nhà quản lý và nhà tư vấn bắt đầu đọc về đồng tiền ảo bí hiểm đó trên những tờ báo đã giúp nhiều người đổi đời thành triệu phú. “Chúng ta cũng phải hòa chung xu thế thôi”, họ nghĩ như vậy. Nhưng mà thật sự bạn chẳng làm được gì mấy bằng bitcoin. Nhưng mà blockchain thì khác: chính công nghệ đằng sau bitcoin mới là thứ khiến nó ngầu lòi.
Blockchain khiến cho bài phát biểu về bitcoin giờ đây được khái quát hóa: Này các bạn hãy đừng chỉ cho mỗi ngân hàng vào sọt rác, hãy cho luôn cả hệ thống đăng ký địa chính, máy bỏ phiếu bầu cử, các công ty bảo hiểm, Facebook, Uber, Amazon, Quỹ Nghiên cứu Bệnh phổi, ngành công nghiệp phim khiêu dâm và toàn bộ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp. Chúng giờ đã trở nên phù phiếm, nhờ có công nghệ blockchain(5). Chuyển giao quyền lực cho giai cấp Người dùng!

Một ngành công nghiệp 600 triệu €

Trong khi đó, Bloomberg ước tính(6) trị giá ngành công nghiệp blockchain thế giới là khoảng $700 tr (trên €600 tr)(7). Các công ty lớn như IBM, Microsoft và Accenture có các bộ phận dành riêng cho việc nghiên cứu công nghệ đầy tính cách mạng này. Ở Hà Lan có đủ các loại ưu đãi dành cho các đổi mới dùng công nghệ blockchain.
Vấn đề duy nhất ở đây là có một khoảng cách khổng lồ giữa những lời hứa hẹn và thực tế. Dường như công nghệ blockchain chỉ nghe hay ho nhất là ở trên các bài thuyết trình PowerPoint. Hầu hết các dự án blockchain đều không sống qua nổi các cuộc thông cáo báo chí, theo một thống kê của Bloomberg chỉ ra. Hệ thống đăng ký địa chính của Honduras từng có dự định sử dụng blockchain. Kế hoạch đó đã chính thức được xếp xó (8). Sàn Nasdaq cũng từng dự định làm gì đó với công nghệ blockchain. Đã không xảy ra(9). Ngân hàng Trung ương Hà Lan thì sao? Cũng không nốt(10). Trong số trên 86000 dự án blockchain đã được triển khai, có đến 92% đã bị hủy bỏ cho đến cuối năm 2017, theo công ty tư vấn Deloitte(11).
Ngân hàng có thể thu hồi một yêu cầu thanh toán. Bitcoin và các loại tiền ảo khác thì không
Tại sao họ lại quyết định không triển khai nữa? Mark van Cuijik, đã tỉnh ngộ – và nhờ đó đã trở thành cựu – lập trình viên blockchain, giải thích: “Bạn hoàn toàn cố thể dùng một cái xe nâng để đặt một lốc sáu chai bia lên bàn bếp của bạn. Nhưng làm thế chẳng hiệu quả một chút nào cả.”
Tôi sẽ nêu ra một vài vấn đề. Thứ nhất: công nghệ này đối nghịch như nước với lửa với pháp luật về quyền riêng tư của Liên minh Châu Âu, đặc biệt là với quyền được quên. Khi một thứ gì đó đã được lưu vào blockchain, nó sẽ không thể bị xóa bỏ được. Chẳng hạn, vô số các đường link nội dung bạo hành trẻ em và khiêu dâm trả thù đã được những người dùng ác ý đưa vào blockchain bitcoin(12).Giờ đây thì các nội dung đó không thể bị xóa bỏ.
Đồng thời, trong blockchain bạn không được ẩn danh, mà chỉ được “sử dụng bút giả”: danh tính của bạn được kết nối với một con số, và nếu ai đó phát hiện ra tên của bạn có liên hệ với con số đó, thì đời bạn tàn cmnr. Tất cả những thứ mà bạn làm trên blockchain sẽ được công bố cho mọi người nhìn thấy.
Chẳng hạn, những bị kẻ tình nghi hack email của Hillary Clinton đã được nhà chức trách tóm được, nhờ việc danh tính của chúng có thể lần ra được thông qua các giao dịch Bitcoin. Một số các nhà nghiên cứu tại Đại học Qatar đã thành công trong việc xác nhận danh tính của hàng chục người dùng bitcoin một các tương đối dễ dàng thông qua các trang mạng xã hội(13). Các nhà nghiên cứu khác cũng đã chứng minh có cách để bạn có thể phát hiện danh tính của vô số những người dùng khác bằng các trình theo dõi trên các website shopping(14).
Thực tế rằng không có ai làm chủ cả và không có gì có thể được điều chỉnh cũng đồng nghĩa với việc các sai lầm không thể được sửa chữa. Ngân hàng có thể thu hồi một yêu cầu thanh toán. Bitcoin và các loại tiền ảo khác thì không. Vì vậy những gì bị lấy trộm sẽ không thể vãn hồi lại được. Vẫn luôn luôn có một dàn các hacker đang nhằm tới các sàn giao dịch và người dùng bitcoin, và những kẻ lừa đảo không ngừng cho ra đời các công cụ đầu tư mà thực chất là các trò lừa đảo đa cấp(15). Theo ước tính, có đến gần 15% tổng số lượng bitcoin đang lưu thông đã từng bị lấy trộm(16). Và đấy là đồng tiền ảo này còn chưa được nổi mười năm tuổi.

Bitcoin và Ethereum tiêu thụ năng lượng tương đương với toàn bộ nước Áo

Và rồi còn vấn đề môi trường nữa. Vấn đề môi trường? Có thật là chúng ta đang nói về những đồng tiền số không vậy? Rất tiếc là đúng vậy, và điều này khiến mọi thứ trở nên còn khó hiểu hơn. Việc giải những câu đố phức tạp đã đề cập ở trên cần đến một lượng năng lượng khổng lồ. Nhiều năng lượng đến nỗi mà hai chuỗi blockchain lớn nhất trên thế giới– bitcoin và Ethereum – hiện nay đã đạt mức tiêu thụ điện năng tương đương với toàn bộ nước Áo (17). Thực hiện một giao dịch thanh toán thông qua Visa cần đến khoảng 0,002 kilowatt-giờ điện; giao dịch thanh toán tương tự khi thực hiện bằng bitcoin sẽ tiêu tốn 906 kilowatt-giờ điện, nhiều gấp khoảng nửa triệu lần, và là lượng điện năng đủ cho một hộ gia đình hai người dùng trong khoảng ba tháng.
Và thực sự thì vấn đề môi trường này sẽ chỉ có thể tiếp tục gia tăng thêm. Do những người đào sẽ đổ thêm công sức vào việc giải các câu đố (tức là, sẽ cho xây dựng thêm những hầm chứa máy chủ tối tăm tại Alaska), thì các câu đố sẽ tự động trở nên khó hơn, yêu cầu công suất tính toán cao hơn. Nó sẽ trở thành một cuộc chạy đua vũ trang bất tận và vô nghĩa lý trong việc duy trì cùng một số lượng các giao dịch trong khi tiêu thụ ngày càng nhiều năng lượng hơn.
Và rồi để làm gì? Đây hóa ra lại thực sự là câu hỏi quan trọng nhất: Công nghệ blockchain thực sự có thể giải quyết được vấn đề gì? Được rồi, vậy là với bitcoin, các ngân hàng không thể tùy tiện làm tiền biến mất khỏi tài khoản của bạn. Nhưng trên thực tế thì điều đó có bao giờ xảy ra không? Tôi chưa từng được nghe đến trường hợp nào mà ngân hàng thẳng tay lấy tiền khỏi tài khoản của một ai đó cả. Nếu một ngân hàng làm cái gì đó đai loại như thế, họ sẽ nhanh chóng bị lôi ra tòa và tước giấy phép hoạt động. Về lý thuyết thì điều đó khả thi; về mặt pháp lý thì nó chẳng khác nào tự xin án tử.
Tất nhiên thế giới vẫn có đầy rẫy những kẻ lừa đảo. Nhân chi sơ tính bản ác. Cơ mà trong các vụ lừa đảo thì vấn đề chính hầu hết lại nằm ở những người cung cấp dữ liệu (chẳng hạn: có ai đó đăng ký một nùi thịt ngựa là thịt bò), chứ không phải ở những người quản lý dữ liệu (chẳng hạn: một ngân hàng khiến cho tiền biến mất).
Một số người đã đề xuất đưa Hệ thống đăng ký địa chính vào blockchain. Điều đó sẽ giúp giải quyết mọi vấn đề tại các quốc gia có chính phủ tham nhũng. Chẳng hạn ở Hy Lạp, nơi mà cứ năm công trình thì có một tòa không được đăng ký. Tại sao các công trình này lại không được đăng ký? Bởi vì người dân Hy Lạp cứ tự ý xây và các tòa nhà không có trong Hệ thống đăng ký địa chính cứ thế mọc lên.
Nghe cũng ổn đấy chứ, trừ việc blockchain chẳng giúp gì được với vấn đề đó cả. Một blockchain là một cơ sở dữ liệu – không phải là một hệ thống tự hành có khả năng kiểm tra toàn bộ các dữ liệu về tính chính xác, chứ đừng nói đến việc đình chỉ các công trình xây dựng trái phép. Blockchain cũng bị ràng buộc bởi những quy tắc tương tự như ở các loại cơ sở dữ liệu khác: nếu dữ liệu đầu vào là rác, thì dữ liệu đầu ra cũng sẽ là rác.
Hay nói cách khác, theo bài viết của Matt Levine - một tác giả chuyên san của Bloomberg: “Hồ sơ blockchain được bảo vệ mã hóa, không thể sửa chữa được, không thể quên được của tôi trong đó có làm chứng tôi đã nhập 10000 pound kim loại nhôm vào một nhà kho sẽ chả có tác dụng mẹ gì cho ngân hàng cả nếu như ngay sau đó tôi đánh tháo toàn bộ số nhôm ra qua cửa sau của nhà kho.”
Dữ liệu thì luôn phải phản ánh thực tế, nhưng mà đôi khi thì thực tế thay đổi còn dữ liệu thì vẫn giữ nguyên. Đó là lý do tại sao chúng ta cần đến các công chứng viên, giám sát viên, luật sư – thực tế là toàn bộ tất cả những người làm những công việc nhàm chán mà blockchain nghĩ có thể loại bỏ được(18).

Thật sự có rất ít nội hàm ứng dụng blockchain

Thế còn thị trấn tiên phong Zuidhorn thì sao, chẳng phải blockchain đã thành công ở đó đó sao?
Chà, thật ra là không. Tôi đã coi thử trên GitHub – một trang web nơi các lập trình viên đăng tải các app do họ sáng chế – và hóa ra có rất ít nội hàm có vẻ như là ứng dụng blockchain trong ứng dụng gói cứu trợ trẻ em đó(19).
Nếu có, thì đó chỉ là một người đào lẻ loi đang làm việc, trên một máy chủ, còn không được kết nối internet, để phục vụ mục đích nghiên cứu nội bộ. Còn cái ứng dụng mà những gia đình nghèo khó và những chủ cửa hàng đó đang dùng thực ra là một ứng dụng rất đơn giản, trên nền tảng một code vô cùng đơn giản, và chạy trên những cơ sở dữ liệu vô cùng đơn giản.
Tôi gọi điện cho Maarten Velthuijs.
Này, tôi nhận ra là ứng dụng của cậu hoàn toàn chẳng cần đến blockchain để hoạt động.
Velthuijs: “Vâng, đúng vậy.”
Nhưng mà cậu không thấy lạ là cậu lại được nhận cả đống giải thưởng đó, mặc dù cậu còn chả dùng đến blockchain?
Anh chàng: “Đúng vậy. Thật kỳ lạ phải không?”
Vậy thế quái nào mà chuyện đó xảy ra được?
Anh chàng: “Tôi cũng chả biết nữa. Chúng tôi vẫn cố gắng bảo với mọi người điều đó, nhưng mà có vẻ chẳng ai hiểu lắm. Và giờ đến lượt anh gọi hỏi chúng tôi về việc này … ”

Thế thì blockchain đi đâu rồi?

Zuidhorn hoàn toàn không phải là một ngoại lệ. Nếu bạn tìm hiểu kỹ, bạn sẽ thấy rằng có đủ kiểu thí nghiệm blockchain hiện nay mà trong đó chỉ chứa ý niệm về blockchain. Một ví dụ khác là My Care Log (20) (tạm dịch là Nhật ký Dịch vụ chăm sóc của tôi), một trong những thí nghiệm đạt giải kiểu đó, nhưng lần này là ở lĩnh vực chăm sóc thai sản. Tất cả người Hà Lan có con mới sinh đều được chính quyền cấp một khối lượng dịch vụ chăm sóc thai sản nhất định. Cũng giống như gói cứu trợ trẻ em ở Zuidhorn, đây là một cơn ác mộng về thủ tục hành chính, nhưng giờ đây đã có một app trên smartphone mà ở đó bạn có thể ghi nhận khối lượng dịch vụ chăm sóc thai sản mà bạn đã nhận được rồi và xem xem bạn còn được quyền nhận thêm bao nhiêu.
Báo cáo tổng kết cho thấy rằng My Care Log chẳng dùng đến bất cứ cái nào trong số những tính năng độc đáo được tôn sùng của blockchain. Một vài bên thứ ba được chỉ định thầu từ trước để làm nhà thầu đào độc quyền: hay nói cách khác, họ có quyền phủ quyết bất cứ dữ liệu dịch vụ chăm sóc nào được nhập (21). Như vậy sẽ tốt hơn cho môi trường và tuân thủ với các quy định về quyền riêng tư, theo nhận xét của báo cáo. Nhưng chẳng phải là toàn bộ mục đích của blockchain chính là để bạn có thể làm việc này mà không phải ủy nhiệm cho một bên thứ ba hay sao? Vậy thì họ đang làm gì ở đây?
Nếu bạn hỏi tôi, thì thực ra họ đang xây dựng một cơ sở dữ liệu bình thường đến mức không thể bình thường hơn được, nhưng lại cực kỳ kém hiệu quả. Sau khi bạn bỏ qua đám biệt ngữ màu mè, thì báo cáo chẳng còn cái gì khác ngoài một dự án kiến trúc dữ liệu nhàm chán đến tẻ nhạt. Họ viết về một cái sổ cái phân quyền (tức là một cơ sở dữ liệu dùng chung), về hợp đồng thông minh (tức là một thuật toán) và về khả năng xác nhận thẩm quyền (đó là quyền được phủ quyết bất cứ dữ liệu nào được nhập vào cơ sở dữ liệu). Cây Merkle (một phương thức giúp tách dữ liệu khỏi các dấu kiểm có trên dữ liệu đó – đó sẽ là một câu chuyện dài khác (22) là yếu tố duy nhất của blockchain đạt tiêu chuẩn mà nó tự đề ra. Và đó là một công nghệ hay, chẳng có vấn đề gì với nó cả. Chỉ có một vấn đề là công nghệ cây Merkle đã bắt đầu tồn tại từ năm 1979 và đã được sử dụng từ nhiều năm trước đó, chẳng hạn như là trong GitHub, một hệ thống kiểm tra phiên bản (và hệ thống này được sử dụng bởi hầu như mọi nhà sản xuất phần mềm trên thế giới). Nó không phải là một đặc tính đặc hữu của blockchain.

Có tồn tại một thị trường cho những phép màu, và thị trường ấy thì to như con voi vậy

Như tôi đã nêu ở phần trước: câu chuyện này là một cuộc phiêu lưu kỳ quái để chả đi đến đâu cả.
Trong quá trình viết bài, tôi đã quyết định có một cuộc trò chuyện với một lập trình viên của tòa báo chúng tôi. Hóa ra thực tế là có những lập trình viên bằng xương bằng thịt vẫn đang sống và làm việc tại văn phòng tòa soạn của chúng tôi. Anh bạn lập trình viên này, Tim Strijdhorst, thì không có biết nhiều về blockchain. Nhưng anh ta lại cho tôi biết được điều này.
“Tôi làm code, vì vậy có vẻ trong mắt mọi người tôi giống như một ảo thuật gia vậy,” anh nói một cách tự hào. Điều này không bao giờ ngừng làm anh hết ngạc nhiên – một ảo thuật gia á? Hàng ngày anh dành phân nửa thời gian gào thét vào màn hình máy tính trong giận dữ và tuyệt vọng, trong khi đang lập trình những đoạn code băng dính để vá các script cổ lỗ sĩ từ hàng nhiều năm trước.
Điều mà Tim muốn nói đó là ngành Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) nó cũng chả khác quái gì phần còn lại của thế giới – nó cũng như là một cái chợ như bất kỳ đâu khác.
Và đó là một sự thực mà chúng ta – những người ngoài nghề, những kẻ ngoại đạo, những fan cuồng không thông thạo công nghệ – nhất quyết không chịu chấp nhận. Các quan chức và các nhà quản lý nghĩ rằng các vấn đề – dù lớn và mang tính cốt tủy đến đâu – cũng sẻ được giải quyết ngay lập tức bởi một công nghệ mà họ được giới thiệu qua một bài thuyết trình PowerPoint đầy hấp dẫn. Thế nó hoạt động như thế nào? Ai mà quan tâm chứ! Chả cần phải hiểu đâu, cứ thế mà hưởng thành quả thôi(23)!
Và đây chính là thị trường cho phép màu, và thị trường này thì nó to như là con voi vậy. Cho dù đó là blockchain, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, AI hay bất cứ cái nào khác trong đám khái niệm hot trend đó.
Tuy nhiên, đôi khi thì lối tư duy tin vào phép màu này cũng là cần thiết. Hãy lấy thí nghiệm hệ thống chăm sóc thai sản làm ví dụ. Phải rồi, thế là cái công nghệ đó chẳng đến đâu cả. Tuy nhiên Hugo de Kaat từ công ty bảo hiểm VGZ, là một thành viên tham gia vào nghiên cứu, đã nói như thế này “Facet, nhà cung cấp phần mềm lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc thai sản, đã bị đánh động trước thí nghiệm của chúng tôi.” Họ sẽ làm ra một ứng dụng tương tự, nhưng bỏ hết những thứ lằng nhằng, chỉ có công nghệ truyền thống thuần túy thôi.
Còn Maarten Velthuijs, liệu anh ta có thể biến app hỗ trợ trẻ em tuyệt vời đó mà không trụng qua nó vào blockchain được không? Không, anh chàng thừa nhận. Nhưng anh chàng cũng không hề có vẻ gì là quá khắt khe đối với công nghệ này cả. “Anh thấy đấy, trước khi chúng ta bắt đầu biết bay, mọi thứ cũng từng không phải lúc nào cũng suôn sẻ,” Velthuijs nói. “Anh tra thử trên YouTube xem, anh sẽ thấy câu chuyện một người đàn ông đã nhảy từ tháp Eiffel xuống với một chiếc dù tự chế! Và phải rồi, ông ta đã rơi xuống đất và chết. Nhưng chúng ta cũng cần những người như vậy.”
Vậy nên nếu Maarten ứng dụng thành công blockchain – tuyệt! Nhưng nếu anh ta không áp dụng được blockchain, điều đó cũng tốt thôi. Ít nhất thì anh ta cũng sẽ học được điều gì đó về việc cái gì sẽ có tác dụng và cái gì thì không. Và thị trấn thì có một chiếc app xinh xắn để trình làng cho thiên hạ.
Đây có lẽ chính là giá trị lớn nhất của blockchain: Nó là một chiến dịch tuyên truyền nhận thức, cho dù là một chiến dịch đắt đỏ vcl. “Quản lý hành chính” không bao giờ có thể lọt nổi vào chương trình nghị sự của các hội nghị, nhưng “blockchain” hay “đột phá” thì có.
Nhờ sự hào hứng của dư luận, Maarten đã có thể biến app hỗ trợ trẻ em nghèo của anh trở thành hiện thực, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc thai sản đã bắt đầu cộng tác với nhau trở lại, và nhiều các doanh nghiệp và cơ quan công quyền địa phương được nhắc nhở nhẹ nhàng về công tác quản lý dữ liệu như cái đb của họ.
Vâng, quả là công nghệ blockchain đã có những lời hứa khá là xa vời và chưa đạt được, nhưng hệ quả là các nhà quản lý giờ đây bắt đã trở nên hứng thú với những đề tài có vẻ tẻ nhạt nhưng lại giúp cho thế giới hoạt động tốt hơn được đôi chút– không phải như là một vụ nổ đâu nhé, chỉ là đôi chút thôi.
Điều hay ho nhất về blockchain, theo lời Matt Levine nói, là nó khiến cả thế giới phải “chú ý đến những cải tiến trong công nghệ hành chính, và nghĩ rằng những công nghệ này có thể ẩn chứa điều gì đó mang tính cách mạng”.
 Bài viết này được đăng lần đầu tiên trên De Correspondent. Bài viết được Hannah Kousbroek dịch từ tiếng Hà Lan.
Reference + Chú thích: 
(1) Thật may mắn là chúng ta vẫn còn tìm lại được video này: https://www.youtube.com/watch?v=z7loyODYSNQ
(2) Đây là một lời lý giải rất hợp lý cho tốc độ giao dịch rùa bò của blockchain: https://blocksplain.com/2018/02/28/transaction-speeds/
(3) Nguồn: CoinDesk, ngày 21 tháng 08 năm 2020. https://www.coindesk.com/price/bitcoin
(4) Nakamoto đã nghĩ rằng tất cả mọi người đều có khả năng làm việc thật chăm chỉ để giải câu đố. Nhưng một số công ty lại có quyền tiếp cận độc quyền đối với các phần cứng chuyên biệt, nguồn điện rẻ và không gian rộng lớn, do đó khiến họ có khả năng tốt hơn rất nhiều trong việc làm việc này. Những thứ mà theo viễn cảnh của ông sẽ trở thành phân quyền hóa ra lại trở thành tập quyền trở lại, do tác dụng của yếu tố lợi thế quy mô. Tình trạng phân quyền hiện tại của các loại tiền ảo có thể được theo dõi tại đây: https://bitcoinera.app/arewedecentralizedyet/
(5) WIRED từng lập một danh sách 187 thứ mà blockchain có thể khắc phục.
(6) Số liệu năm 2018.
(7) Có một tổ chức gọi là Liên minh Blockchain Hà Lan, có nhiệm vụ tổ chức các thí nghiệm tại các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức các hội thảo blockchain và quản lý các nhà vận động hành lang.
(12) Những người đào có thể đưa những bit văn tự ngẫu nhiên vào blockchain bitcoin nếu họ thích. Và trong các bit văn tự đó có các đường link khiêu dâm ấu dâm và khiêu dâm trả thù. Hãy đọc nghiên cứu 'A Quantitative Analysis of the Impact of Arbitrary Blockchain Content on Bitcoin' của Matzutt và nhóm nghiên cứu (2018). https://www.martinhenze.de/wp-content/papercite-data/pdf/mhh+18.pdf
(13) Nguồn: Nghiên cứu 'When A Small Leak Sinks A Great Ship: Deanonymizing Tor Hidden Service Users Through Bitcoin Transactions Analysis' của Al Jawaheri và nhóm nghiên cứu (2018). https://arxiv.org/pdf/1801.07501.pdf
(14) Nguồn: Nghiên cứu 'When the Cookie Meets the Blockchain: Privacy Risks of Web Payments via Cyptocurrencies' của Goldfeder và nhóm nghiên cứu (2017). https://arxiv.org/abs/1708.04748
(15) Tờ Nhật báo Phố Wall đã điều tra các công cụ đầu tư này và kết luận rằng một phần tư trong số này là lừa đảo. Xem chi tiết tại đây: https://www.wsj.com/articles/buyer-beware-hundreds-of-bitcoin-wannabes-show-hallmarks-of-fraud-1526573115
(18) Phần khó nhất của việc xây dựng một cơ sở dữ liệu là việc đảm bảo rằng các bạn đang đề cập tới cùng một đối tượng thống nhất. Hãy lấy ví dụ công tác đăng ký tài sản: một người nào đó sở hữu 1 căn nhà, vậy chính xác là họ sở hữu cái gì? Theo Cơ quan thuế thì họ đang sở hữu toàn bộ thửa đất, nhưng theo Cơ quan địa chính thì lại không phải vậy; họ coi cùng một thửa đất đó như là một tập hợp các quyền sở hữu khác nhau (như là quyền sở hữu lối đi chẳng hạn), và rồi lại còn hệ thống đăng ký địa chỉ, trong đó chỉ tính đến căn nhà ở trên thửa đất đó. Tóm lại, cùng một đối tượng lại có thể có các ý nghĩa khác nhau tại khắp các hệ thống khác nhau của chính phủ. Và, xin nhắc lại lần nữa: blockchain hoàn toàn không thể giải quyết được các câu hỏi căn bản về vấn đề định nghĩa cho bạn. Bạn sẽ phải tổ chức vài chục cuộc họp tẻ nhạt để bàn việc đó trước đã.
(19) Theo dõi app gói hỗ trợ trẻ em trên GitHub tại đây. Xem chi tiết tại đây: https://github.com/teamforus/
(20) Tiếng Hà Lan đọc là Mijn Zorg Log
(21) Điều này cũng áp dụng với các nhà cung ứng 'blockchain' thế hệ mới, như là IBM. Họ chỉ cấp quyền hiệu chỉnh và đọc cho một số cá nhân và doanh nghiệp nhất định.
(22) Đây là lời giải thích, cho những ai thực sự quan tâm: Hãy tưởng tượng, Tôi và một vài người bạn lập ra một câu lạc bộ ngắm chim. Tôi không  tin tưởng những người bạn cho lắm. Và lại càng như vậy hơn sau một sự cố từ vài năm trước, khi mà người quản lý bảng dữ liệu phát hiện chim của chúng tôi lộ ra là một kẻ lừa đảo. Hắn đã đổi một lượt ngăm vịt nhà thành một lượt ngắm gà rừng. Đó là lúc chúng tôi cảm thấy chuyện này phải chấm dứt. Làm sao để chúng tôi có thể đảm bảo rằng mọi người trong câu lạc bộ sẽ lập tức nhận thấy ngay nếu ai đó thay đổi bảng thống kê chim? Đưa nó vào cây Merkle . Một cây Merkle đại loại hoạt động như thế này. Mỗi khối dữ liệu (văn bản, số, ảnh chụp chym, cái gì cũng được) sẽ được phân một mã hashcode độc nhất – nó gần như một dạng số tài khoản ngân hàng, nhưng dài hơn. Mã hashcode đó cho biết khối dữ liệu của bạn vẫn là khối dữ liệu ban đầu. Mọi thay đổi dù nhỏ nhất đối với dữ liệu sẽ dẫn đến một hashcode mới. Do đó vịt nhà sẽ được phân một hashcode nhất định (3AAD739050E6725 hay đại loại vậy). Nếu tôi chuyển dữ liệu thành 'gà rừng', mã hashcode sẽ thay đổi (0C353B809C01598F hay đại loại vậy). Thông tin về lượt ngắm cũng sẽ có hashcode: chẳng hạn như địa điểm và thời điểm bạn nhìn thấy con chim. Bước tiếp theo là mỗi hàng dữ liệu được kết nối với các hàng và cột dữ liệu khác. Như vậy dữ liệu 'vịt nhà' sẽ có hashcode riêng, nhưng tổ hợp các khối dữ liệu (vịt nhà, địa điểm, thời điểm) cũng sẽ có mã hashcode riêng, và các khối trong khối trong khối (vịt, gà, gà tây, cuckoo, nhìn thấy tại Terschelling, Ameland hay Vlieland, vào ngày 12/01, 18/08 hay 24/05) ... Được rồi, như vậy là bạn đủ hiểu chuyện này sẽ đi đến đâu rồi chứ – một mớ bòng bong đau đầu. Cuối cùng, sẽ chỉ còn một mã hashcode ở cuối tập hợp toàn bộ các mã hashcode, nằm ở đỉnh của cây Merkle. Nếu chỉ cần một hashcode thay đổi, chẳng hạn, nếu như vịt nhà bị đổi thành gà rừng, thì mã hashcode cuối cùng này cũng sẽ thay đổi. Bài học rút ra là, bạn chỉ cần nhìn qua đỉnh là có thể biết dữ liệu trong bảng số liệu có thể thay đổi không. Bạn có thể rà qua một lượt trên cây Merkle – những chỗ nào đã thay đổi? Bằng cách đó bạn có thể biết được dữ liệu có bị thay đổi không và nếu có thì là thay đổi ở đâu, mà không cần phải kiểm tra lại dữ liệu. Đó là lý do tại sao cây Merkle lại hữu dụng. Cũng không quá là cách mạng, phải không?
(23) Theo một khảo sát gần đây do công ty dịch vụ tư vấn Deloitte thực hiện, 70% các lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng họ có rất nhiều chuyên môn trong lĩnh vực blockchain. Lợi thế lớn nhất của blockchain, theo họ, là tốc độ. Điều đó nghe thật sự đần độn, bởi vì ngay cả những kẻ cuống tín nhất cũng có thể thấy rằng tốc độ của blockchain là một vấn đề, chứ không phải là một tính năng.