[Dịch] Bitcoin và Ether dưới góc nhìn nhà đầu tư
P1: Tổng quan thị trường crypto Có rất nhiều lí do khiến Bitcoin (BTC) được coi như bộ mặt của toàn bộ thị trường tiền điện tử....
P1: Tổng quan thị trường crypto
Có rất nhiều lí do khiến Bitcoin (BTC) được coi như bộ mặt của toàn bộ thị trường tiền điện tử.
Với giá trị vốn hóa thị trường, giá cả và khối lượng giao dịch cao nhất (không kể các stablecoin), bitcoin được nhìn nhận như một “blue chip” của thị trường crypto. Thuật ngữ blue chip trong giới crypto nhắm ám chỉ các đồng tiền điện tử có mức độ nhận biết cao, được bảo mật tốt và có giá trị cao hơn so với các đồng tiền khác.
Báo cáo tháng 5/2020 của Coinbase - sàn giao dịch crypto lớn nhất tại Hoa Kỳ - cho biết có tới 60% số nhà đầu tư tiếp cận thị trường tiền điện tử thông qua bitcoin. Tuy nhiên, chỉ có 24% trong số này tiếp tục nắm giữ bitcoin [cho đến thời điểm khảo sát].
Ở thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đangchiếm gần 2/3 tổng giá trị vốn hóa thị trường. Trong hai năm qua, mọi dao động về giá bitcoin đều có mối tương quan chặt chẽ với giá trị của các đồng tiền điện tử lớn khác. Điều này phản ánh một đặc thù của thị trường crypto: các nhà đầu tư hiện không có quá nhiều lựa chọn đầu tư bên cạnh bitcoin.
Tuy nhiên, thị trường tiền điện tử cũng đang phát triển, đa dạng hóa, nhưng cũng dần bão hòa hơn. Độ thanh khoản và độ an toàn của các loại tiền điện tử khác cũng đang dần được cải thiện và các nhà đầu tư đang bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc về lựa chọn đa dạng hóa tài sản điện tử của bản thân. Bên cạnh đó, sự khác biệt trong tiềm năng ứng dụng của các loại tiền điện tử khác cũng đang giảm nhẹ sức chi phối của bitcoin lên thị trường tiền điện tử, kéo theo xu thế đa dạng hóa tài sản cá nhân.
Cũng tính theo giá trị vốn hóa thị trường và khối lượng giao dịch (không kể các stablecoin), blue chip thứ hai của thị trường crypto là Ether, token gốc của chuỗi khối Ethereum. Tiềm năng của Ether đang biến đồng tiền này trở thành ưu tiên hàng đầu trong việc đa dạng hóa tài sản điện tử, đặc biệt phải kể đến lợi nhuận trên rủi ro cao hơn – dù đầu tư ngắn (3-12 tháng) hay dài hạn (12 tháng trở lên). Bên cạnh mối liên kết nhạt dần giữa BTC và ETH, những hướng phát triển khác nhau và tiềm năng ứng dụng khác nhau của hai loại tiền điện tử này cũng đang gián tiếp đẩy nhanh sự phân hóa trên thị trường tiền điện tử.
Thêm vào đó, sự khác biệt giữa cả hai càng làm nổi bật lên lợi ích của việc đánh giá từng tài sản riêng lẻ, gộp vào và coi chúng đơn thuần là một phần của tài sản điện tử cá nhân. Nhiều tổ chức nhìn nhận bitcoin như một tài sản có giá trị lưu trữ - một loại “vàng kỹ thuật số”, nhưng họ lại chỉ xem Ether như một tài sản không cố định, hay một loại “dầu điện tử”. Tuy hai ví dụ kể trên chưa phản ánh đúng bức tranh toàn cảnh thị trường crypto, nhưng chúng cũng phần nào phản ảnh mức độ cần thiết của việc đa dạng hóa tài sản để tối ưu lợi nhuận.
Theo chia sẻ từ chuyên gia trong ngành, nhiều nhà đầu tư thậm chí ưu tiên đầu tư ETH và đánh cược tài sản vào tiềm năng bứt phá của Ethereum và các token trên chuỗi khối này.
Trong báo cáo này, chúng tôi chúng tôi sẽ đánh giá lại Bitcoin và Ether dưới góc nhìn của nhà đầu tư, để từ đó đưa ra một số lưu ý trong quá trình đầu tư. Bởi vậy nên báo cáo lần này sẽ không quá hàn lâm – nếu nhà đầu tư muốn tìm hiểu chi tiết về cách hoạt động của công nghệ Bitcoin và Ethereum, hãy tìm đọc báo cáo trước đó về Bitcoin halving và Ethereum 2.0. Báo cáo lần này cũng không nhắm mục đích đưa ra lời khuyên đầu tư, mà thay vào đó, chúng tôi hy vọng sẽ truyền tải tới người đọc các giá trị cốt lõi, mức độ rủi ro, cũng như tiềm năng phát triển của mỗi loại tài sản. Chúng tôi hy vọng độc giả sẽ cảm thấy hứng thú với những kiến thức thị trường thuần túy này.
(Lưu ý: Xuyên suốt toàn bài, chúng tôi sẽ viết hoa các chuỗi khối (Bitcoin, Ethereum) và viết thường/ viết tắt (bitcoin/BTC, ether/ETH) các tài sản điện tử. Đơn vị tiền tệ sử dụng trong bài là đô la Mỹ (USD). Nội dung báo cáo chỉ thuần túy là kiến thức và bạn đọc không nên xem những kiến thức này như một lời khuyên đầu tư.)
TUYÊN BỐ GIÁ TRỊ: Tại sao các nhà đầu tư lại có hứng thú với thị trường crypto?
Các nhà đầu tư truyền thống sẽ rất hiếm khi gặp khó trong quá trình đầu tư bởi họ luôn nhận được lời khuyên nên đầu tư vào đâu, điển hình như “tiềm năng phát triển của cổ phiếu này gắn chặt với ngành hàng không”, “trái phiếu này sẽ đem lại lợi nhuận cao”, hay “quỹ ETF này sẽ mở ra cơ hội tiếp xúc với các thị trường mới nổi”. Tuy nhiên, khi nhắc đến một khái niệm mới mẻ như tiền điện tử, vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Lúc này, câu hỏi đặt ra là: trong một thị trường “lệch chuẩn” như crypto, nhà đầu tư cần làm gì để xây dựng một kế hoạch đầu tư thỏa đáng nhất?
Tiền điện tử là một loại tài sản rất mới với thị trường bởi loại tài sản đặc biệt này có nhiều hơn một ứng dụng và cũng chịu tác động từ nhiều yếu tố khác. Tuy có thể gây khó dễ cho các nhà đầu tư mới, nhưng hai đặc tính kể trên cũng góp phần nâng cao vị thế của các crypto đại diện như bitcoin và ether. Với nhiều biến số như vậy trong một cuộc chơi, thành công của nhà đầu cũng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Thêm nữa, mối liên kết chặt chẽ giữa các nhân tố này cũng buộc nhà đầu tư phải cẩn trọng hơn. Mỗi biến số sẽ mạnh lên (hoặc yếu đi) theo các biến số còn lại, bất kể sự tồn tại của những gã khổng lồ như bitcoin.
Ngày nay, bitcoin chủ yếu được nhìn nhận như một tài sản có giá trị tích trữ, và giá trị này sẽ càng được củng cố nhờ các công nghệ ứng dụng “giá trị nội tại” của bitcoin vào các nền tảng thanh toán phân quyềnhoặc truyền dữ liệu. Ở chiều hướng ngược lại, dù chỉ được nhìn nhận như một canh bạc, nhưng tiềm năng bứt phá của Ether cũng phụ thuộc rất nhiều vào giá trị lưu trữ của.
Sau đây, chúng tôi sẽ xem xét các nhân tố tác động đến bitcoin và ether, nhằm mục đích làm rõ một số khác biệt giữa hai loại tài sản điện tử và làm nổi bật tác động qua lại giữa các tuyên bố giá trị (market propositions) của chúng.
Đầu tiên, tại sao nhà đầu tư nên chọn bitcoin?
Trong một thị trường nhiều biến động, tuyên bố giá trị của bitcoin cần thay đổi theo từng thời kì. Ở thời điểm đầu, việc mua vào bitcoin chỉ đơn thuần là một hành vi đầu cơ một công nghệ mới, và mục tiêu chính của bitcoin là thu hút các nhà đầu tư sử dụng tiền điện tử trong các giao dịch.
Theo thời gian, bitcoin dần thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn và trở thành một phần không thể thiếu trong danh mục đầu tư của họ, vai trò của crypto này đang dần chuyển đổi thành một tài sản lưu trữ.
Tuy nhiên, đầu tư vào công nghệ của bitcoin cũng có thể coi như một khoản đầu tư đáng giá.
Giá trị lưu trữ
Giá trị lưu trữ của một loại tiền điện tử được hiểu là khả năng giữ giá theo thời gian. Nhân tố quyết định giá trị lưu trữ của một crypto là một nguồn cung tăng chậm hơn cầu.
Trong thời kì giá cả tăng nhanh, nhiều công ty phát hành sẽ lựa chọn phát hành thêm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy các công ty này có thể thu lại một nguồn lợi lớn, nguồn cung sẽ sớm đáp ứng đủ cầu và nghịch đảo sự tăng giá. Cũng vì lý do này mà các tài sản với nguồn cung giới hạn thường được có giá trị lưu trữ cao nhất.
Một số ví dụ về loại tài sản này có thể kể đến như bất động sản (dù ngày càng có nhiều bất động sản hơn), vàng (dù nguồn cung của vàng đại biểu cho giá cả), và bitcoin.
Hiện bitcoin là tài sản duy nhất được giao dịch cực kì giới hạn trên mọi thị trường. Giới hạn 21 triệu đơn vị bitcoin được mã hóa cứng vào giao thức Bitcoin, và giới hạn này dường như là bất di bất dịch nếu không nhận được sự đồng thuận từ tất cả những người người dùng trong mạng lưới. Và bởi hành động này đe dọa trực tiếp tới tuyên bố giá trị và bản chất phân quyền của bitcoin, một động thái lớn như vậy rất có thể sẽ không bao giờ xảy ra.
Tuy cũng có những giới hạn cứng riêng, mạng lưới của các loại tiền điện tử khác lại không phân cấp như mạng lưới Bitcoin. Cũng vì vậy giao thức của những mạng lưới này sẽ dễ bị thay đổi hơn. Một ví dụ điển hình là Ether - chạy trên một chuỗi khối phi tập trung và có một nguồn cung không giới hạn.
Trái lại, nguồn cung của bitcoin chỉ chịu tác động từ giao thức cơ bản, chứ không chịu ảnh hưởng từ nhu cầu thị trường. Bởi vậy mà quá trình phát hành những đồng bitcoin mới luôn được kiểm soát, và không có bất cứ ràng buộc nào với giá cả thị trường. Đây là lý do chính khiến nhiều nhà đầu tư coi bitcoin như một kho lưu trữ giá trị, một loại “vàng kỹ thuật số”.
Giao thức hiện tại của bitcoin sẽ sinh ra 6,25 BTC theo mỗi khối được xử lý mới. Số lượng bitcoin sinh ra trên mỗi khối sẽ giảm 50% sau mỗi bốn năm, và sẽ giảm xuống 0 khi đạt đến giới hạn nguồn cung, dự kiến vào khoảng năm 2140. Lần "giảm nửa" kế tiếp được dự kiến diễn ra vào năm 2024.
Một số người cho rằng bitcoin là một loại tài sản quá bất ổn và rất khó trở thành một kho lưu trữ giá trị. Điều này sẽ chỉ đúng với đầu tư ngắn hạn. Trên thực tế, có thể bitcoin sẽ mất giá so với đồng đô la trong vài ngày tới, nhưng nếu đầu tư trung và dài hạn, giá trị của bitcoin so chắc chắn sẽ cao hơn đồng đô la, bởi chính phủ có quyền in thêm đô la không có giới hạn.
Đặc tính này khiến bitcoin trở nên cực kì tọng yếu ở các quốc gia có lịch sử lạm phát tràn lan. Đối với người dân của những quốc gia này, bitcoin sẽ mở ra cơ hội duy trì, thậm chí tăng sức mua trong thời kì lạm phát.
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng bitcoin có giá trị lưu trữ thấp vì không có giá trị sử dụng nội tại. Nhận định này dường như đang hạ thấp công nghệ hiện đại của bitcoin và tiềm năng ứng dụng bitcoin trong thanh toán.
Dù đúng là BTC vẫn chưa phải một phương thức thanh toán tối ưu - do tốc độ giao dịch tương đối chậm và phí giao dịch cao hơn hẳn các phương thức thanh toán khác - nhưng đối với người dân ở các quốc gia có nền tảng thanh toán điện tử kém phát triển, bitcoin hứa hẹn sẽ trở thành một cơ chế thanh toán lý tưởng, bởi giao thức bitcoin sẽ cho phép giao dịch trực tuyến không cần tài khoản ngân hàng hoặc phê duyệt tín dụng tập trung. Trong tương lại, với sự xuất hiện của các dịch vụ thanh toán mới và sự phát triển của các giao thức hai lớp (second-layer solutions), bitcoin thậm chí còn có thể trở thành phương tiện thanh toán chính tại các quốc gia phát triển.
So với vàng, kho lưu trữ giá trị duy nhất của con người trong hơn 5.000 năm qua, bitcoin vẫn còn khá non trẻ và chưa trải qua quá nhiều biến động. Nhiều người coi độ mới của bitcoin là một rủi ro khi đầu tư, nhưng nhiều nhà đầu tư khác lại coi đó là khoản đầu tư hấp dẫn, bởi bitcoin vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt khi giá trị lưu trữ của chúng trở nên rõ ràng, và nhờ đó mà bản thân bitcoin cũng trở lên giá trị hơn.
Đó là chưa kể đến lợi thế của bitcoin so với vàng – trên khía cạnh giá trị lưu trữ. Đầu tiên, bitcoin có tính di động cao hơn, đồng nghĩa với tiềm năng ứng dụng cao hơn vàng. Đúng là vàng có thể do các bên thứ ba nắm giữ - nhưng chính điều này lại khiến tài sản của nhà đầu tư có nguy cơ bị đánh cắp cao hơn.
Không giống như khối tài sản bất động ấy, tài sản bitcoin của nhà đầu tư sẽ được bảo vệ bởi mã khóa cá nhân. Mặc dù một số nhân tố chủ quan (như quên hoặc đánh mất) có thể buộc nhà đầu tư phải chia tay tài sản của mình mãi mãi, những kẻ muốn đánh cắp khối tài sản này sẽ cần giải mã mã khóa cá nhân và chứng minh quyền sở hữu tài sản. Tuy các nhà đầu tư tổ chức ít phải để ý đến vấn đề này, hầu hết trong số họ sẽ chọn sử dụng các dịch vụ lưu trữ của các bên thứ ba với khả năng bảo mật gần như tuyệt đối.
So với vàng và các kho lưu trữ giá trị khác (chẳng hạn như bất động sản), một lợi thế nữa của bitcoin nằm ở tính thanh khoản. Nói đơn giản thì nhà đầu tư bitcoin có thể giao dịch số bitcoin có trị giá hàng triệu đô la chỉ trong vài giây. Nhà đầu tư cũng có toàn quyền chuyển giao tài sản bitcoin cho chủ sở hữu khác bất kỳ lúc nào mà không cần thông qua một bên thứ ba.
Một lưu ý cuối cùng là dù nguồn cung vàng có vẻ hạn chế, nhưng trên thực tế, chúng ta không biết hiện có bao nhiêu vàng trong lưu thông và còn lại bao nhiêu để khai thác. Trong trường hợp giá vàng tăng, động lực khai thác vàng cũng tăng và sẽ kéo theo nguồn cung tăng. Không giống như vàng, nguồn cung bitcoin trong tương lai sẽ không chịu tác động từ giá, dù cho giá bitcoin có thể cao đến đâu đi chăng nữa.
Tiềm năng công nghệ
Bên cạnh vai trò như một kho lưu trữ, bitcoin cũng có tiềm năng công nghệ rất lớn.
Một mặt, bitcoin đang mở ra một phương thức truyền thông tin hoàn toàn mới – nơi dữ liệu người dùng không nằm dưới bất cứ sự giám sát hay thao túng nào. Đồng thời, bộ mã cố định của bitcoin cũng giúp giảm thiểu nguy cơ bị tấn công và tăng cường mức độ bảo mật. Tuy nhiên, chính sự cố định này lại đang hạn chế tiềm năng ứng dụng của bitcoin.
Đội ngũ đứng sau Bitcoin đang rất nỗ lực trong việc cải thiện tập lệnh của crypto này. Tuy nhiên, bitcoin hiện vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi, dù tiềm năng thanh toán và bảo mật (thừa hưởng từ blockchain) là không phải bàn cãi.
Bản nâng cấp Taproot sắp tới dự kiến sẽ giúp tăng cường bảo mật giao dịch Bitcoin và cải thiện cơ chế “hợp đồng thông minh” (các quy tắc giao dịch tự động).
Thêm vào đó, các nhà khoa học cũng đang hi vọng một số dự án như Sovryn và Minsc (một loại ngôn ngữ tập lệnh mới) sẽ cải thiện tính linh hoạt của các “hợp đồng thông minh” bitcoin, qua đó khuyến khích các [bên thứ ba] thử nghiệm các tính năng công nghệ mới trên Bitcoin.
Những thay đổi kể trên sẽ gây ra ít rủi ro cho mạng lưới, vì mỗi đề xuất nâng cấp đều phải trải qua các quy trình kiểm định nghiêm ngặt, chưa kể đến khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận từ cộng đồng thợ đào và người dùng.
Các tính năng mới sẽ sớm xuất hiện trên mạng lưới bitcoin, qua đó giúp cải thiện khả năng kết nối với các blockchain khác, và người dùng sẽ có một cái nhìn khác về tiềm năng ứng dụng (đang bị đánh giá thấp) của bitcoin.
Một mặt, bất kỳ dữ liệu nào có thể nén thành một hàm băm đều có thể được nhúng vào chuỗi khối và giao dịch đồng thời với bitcoin. Nhờ vậy mà bitcoin hoàn toàn có thể được sử dụng để đánh dấu tài liệu để tránh bị đánh cắp hoặc sửa đổi trong quá trình trao đổi thông tin.
Tuy tính năng này cũng chưa được phổ biển rộng rãi, nhưng sẽ sớm được ứng dụng để bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu trên các cơ sở dữ liệu tập trung.
Tại sao nên sử dụng ether?
Nếu điểm mạnh của bitcoin nằm ở giá trị lưu trữ và tiềm năng công nghệ thứ cấp, thì ether lại hoàn toàn ngược lại. Các nhà đầu tư thường nhìn nhận việc đầu tư vào ether như một canh bạc, một lựa chọn đầu tư thứ cấp, và một kho lưu trữ giá trị thứ cấp.
Trái với bitcoin, lợi nhuận là một trong những ưu tiên hàng đầu của ether. Ethereum đang dần chuyển đổi lên một chuỗi khối mới với tên gọi Ethereum 2.0, nơi các nhà đầu tư có thể kiếm lời từ việc gửi tài sản vào một loại tài khoản đặc biệt (tương tự như gửi tiết kiệm), qua đó biến ether trở thành một tài sản sinh lời hiệu quả.
Canh bạc công nghệ
Công nghệ của Bitcoin đang dần được cải thiện, nhưng tốc độ phát triển lại cực kì chậm chạp. Cơ chế đồng thuận của bitcoin đã tồn tại từ thời điểm ra mắt đến bây giờ, và được nhìn nhận như một sự đánh đổi để có được mức độ bảo mật cao hơn.
Tuy nhiên, công nghệ của Ethereum vẫn còn khá mới. “Mới” ở đây không để chỉ thời gian có mặt trên thị trường của chuỗi khối (chuỗi khối của Ethereum đã có mặt trên thị trường 6 năm, so với 12 năm của Bitcoin), mà để chỉ công nghệ non trẻ của Ethereum – những thử nghiệm công nghệ mới giúp cải thiện cơ chế đồng thuận của mạng lưới.
Đến tận tháng 12 năm 2020, BTC và ETH chỉ có thể được phát hành thông qua quá trình đào và đưa vào lưu thông nhờ công nghệ đồng thuận Proof-of-Work (PoW).
Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm ngoái, Ethereum đã kích hoạt dự án chuyển đổi sang một cơ chế đồng thuận mới với tên gọi Proof-of-Stake (PoS). Với công nghệ mới này, không phải thợ đào mà chính người xác thực giao dịch sẽ chịu trách nhiệm xử lý giao dịch và được thưởng theo mỗi ether mới được phát hành.
Chuỗi Beacon được ra mắt vào tháng 12 năm ngoái đã đánh dấu bước đầu tiên, cũng như quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình chuyển dịch. Mỗi ether mới được phát hành trên Beacon sẽ được giữ lại trong các tài khoản xác thực để không ảnh hưởng đến nguồn cung đang lưu thông, đồng thời cũng không cho phép giao dịch giữa các tài khoản xác thực. Trong Giai đoạn 1.5 của dự án Ethereum 2.0 (dự kiến kéo dài trong vài năm), các nhà phát triển dự kiến sẽ hoàn tất chuyển đổi ETH từ chuỗi khối PoW sang PoS.
Sau khi hoàn tất quá trình chuyển đổi, mô hình bảo mật của Ethereum sẽ trở nên hoàn toàn khác so với Bitcoin. Trong khi bitcoin tiếp tục được bảo mật thông qua quá trình khai thác, ether sẽ chỉ được bảo mật nhờ quá trình xác thực. Trong tương lai, chính sự phát triển này sẽ góp phần kiến tạo hai hệ sinh thái bảo mật chuỗi khối dài hạn hoàn toàn tách biệt với nền tảng còn lại.
Nói Ether là một canh bạc bởi nhà đầu tư đang đánh cược vào tiềm năng phát triển của PoS – hay tiềm năng trở thành giao thức chính trong bảo mật các chuỗi khối công khai. Với tham vọng cải thiện khả năng phân quyền, bảo mật, hiệu suất, bản thân ether chính là thử nghiệm PoS lớn nhất tính theo giá trị vốn hóa thị trường và khối lượng giao dịch ether trên thị trường crypto hiện tại. Với tiềm năng của mình, ether sẽ định hình lại cách mọi người nhìn nhận khả năng bảo mật của các mạng lưới phi tập trung.
So với bitcoin, ether có thể được coi như một loại hình đầu tư mạo hiểm vào công nghệ mới, với tỉ suất rủi ro/phần thưởng tương đương. Đó là chưa kể lợi thế về độ thanh khoản của ether – với ether, các nhà đầu tư có thể giao dịch 24/7/365.
Đánh cược vào DeFi (tài chính phi tập trung)
Ether đại diện cho sự trỗi dậy của các ứng dụng phi tập trung - với tên gọi chung là “dapps”. Như đã nhắc đến ở trên, hệ thống mã của Bitcoin tuy đơn giản nhưng cũng khá kém linh hoạt. Bộ mã này được tạo ra cho một nhiệm vụ duy nhất và sẽ hoàn thành nhiệm vụ này ở mức đặc biệt tốt.
Ở hướng ngược lại, giá trị cốt lõi của Ethereum nằm ở tính linh hoạt, và chính sự linh hoạt đã kiến tạo nên sự phát triển của các ứng dụng trên chuỗi khối này.
Các ứng dụng đó được hưởng lợi rất nhiều từ công nghệ tiên tiến của Ethereum; từ những thay đổi theo nhóm trên mạng lưới; và từ khả năng tương tác với các ứng dụng khác trong cùng mạng lưới.
Phí giao dịch trên Ethereum – cũng chính là phí giao dịch giữa các dapps - được tính bằng đơn vị ETH. Tính từ giữa năm 2019, phí giao dịch trên mạng lưới Ethereum đã đang tăng mạnh do nhu cầu sử dụng các dapp DeFi ngày càng lớn. Để giải thích đơn giản thì các dapp DeFi chính là phiên bản số của các dịch vụ tài chính truyền thống như cho vay, vay và giao dịch tài sản điện tử.
Số tài sản điện tử khổng lồ được lưu giữ trong các hợp đồng thông minh (xem biểu đồ bên dưới) cũng phần nào phản ánh tốc độ tăng trưởng cực kì mạnh mẽ của các ứng dụng DeFi trong một vài năm trở lại đây.
Hai nhân tố chính đằng sau sự trỗi dậy của DeFi dapps là tiềm năng của các công nghệ mới cũng như mức lãi suất hấp dẫn của mỗi nền tảng.
Sự tăng trưởng của các nền tảng này cũng đến từ những lỗ hổng kinh tế (như trong tường hợp của GameStop) và những bất đồng trong nền kinh tế tư bản. Ở hướng ngược lại, các dapp tự thực thi sẽ tự động hóa hoàn toàn giao dịch, nhờ vậy mà thị trường sẽ không thể bị thao túng, giao dịch không thể bị đóng băng, bên cho vay không được tự ý đòi khoản vay mà không có lý do xác thực. Có thể hiểu đơn giản là tất cả các nhà đầu tư đều có mức độ ưu tiên như nhau trong mạng lưới.
Ether là một tài nguyên thiết yếu để người dùng có thể tương tác với các ứng dụng phi tập trung trên Ethereum. Nhờ có các bản nâng cấp PoS mà các dapp trên Ethereum sẽ không bị ràng buộc bởi các hạn chế kỹ thuật của mạng lưới, dẫn đến nhu cầu sử dụng tăng cao. Giá trị của ether dự kiến sẽ tăng tương ứng với nhu cầu sử dụng tài sản tiền điện tử để thanh toán các dịch vụ trên chuỗi khối Ethereum.
Giá trị lưu trữ
Một điểm khác nhau cơ bản giữa ether và bitcoin là tổng cung. Trong khi bitcoin có giới hạn cứng là 21 triệu bitcoin được phát hành và phân phối dần thông quá thưởng khối (từ quá trình khai khai thác), Ethereum lại phát hành một lượng ether tăng dần theo mỗi khối. Thêm vào đó, nguồn cung của ETH là không giới hạn.
Một mặt, nguồn cung không giới hạn sẽ cho phép Ethereum lên kế hoạch xây dựng một ngân sách bảo mật cố định. So với bitcoin, cơ chế phát hành của Ethereum khá phức tạp – có thể hiểu đơn giản là "phát hành tối thiểu để bảo vệ mạng lưới". Trong những năm qua, lượng ETH được phát hành ra thị trường ngày càng giảm, và dự kiến sẽ giảm sâu hơn nữa sau khi quá trình chuyển đổi sang Eth 2.0 hoàn tất.
Ở thời điểm hiện tại, một nhân tố giúp bù đắp cho điểm yếu này là lượng ETH được giữ trong các tài khoản đặt cược – tức ngoài lưu thông. Để tránh trường hợp nguồn cung giảm xuống quá sâu và ảnh hưởng đến không tốt đến toàn mạng lưới, lãi suất tiền gửi sẽ giảm tương ứng với số lượng ETH được đặt trên hệ thống.
Dự thảo EIP 1559 được dự kiến sẽ nâng cao giá trị lưu trữ của ether. EIP 1559 đề xuất áp dụng cơ chế “đốt phí” (fee burning) giao dịch ether và loại bỏ một phần phí ra khỏi nguồn cung lưu thông, qua đó cải thiện khả năng chống lạm phát nguồn cung ETH.
Trên chuỗi khối Ethereum PoW, Eth 2.0 sẽ tiếp tục phát hành ETH mới dưới dạng thưởng xác thực và số lượng ether trong lưu thông sẽ ngày càng nhiều. Nhưng nếu EIP 1559 được thông qua, lượng ETH bị đốt cháy dưới dạng phí giao dịch phần nào sẽ giúp cân bằng nguồn cung.
Triết lý đằng sau ETH là duy trì “phát hành tối thiểu để bảo vệ mạng lưới”, cũng chính là nhân tố đem lại cho ETH giá trị lưu trữ tiềm năng, bởi nhiều nhà đầu tư vẫn sẽ tin rằng nhu cầu thị trường sẽ luôn lớn hơn tốc độ tăng của nguồn cung.
Tại thời điểm bài viết này, các nhà đầu tư đã “gửi tiết kiệm” gần 3% tổng số ether trong lưu thông trên Eth 2.0.
Tuy nhiên, theo lượng ETH kí gửi tăng dần theo thời gian, lãi suất trên Eth 2.0 cũng sẽ giảm theo dần và bão hòa ở mức 4-5%. Đối thủ cạnh tranh chính của hình thức tiết kiệm kể trên là các nền tảng cho vay tập trung hoặc phi tập trung cho phép nhà đầu tư kiếm lời từ tài sản ETH của họ.
Trên thực tế, lãi suất của một số giao thức DeFi trên mạng lưới Ethereum thậm chí còn cao hơn đáng kể so với mức lãi suất từ việc đặt cược Ethereum.
Với sự xuất hiện của Eth 2.0, các nhà đầu tư thậm chí còn có thể kiếm lời từ token gốc trên chuỗi khối cơ sở mà không cần quy đổi sang các token khác, cũng như không cần chuyển đổi giữa các ứng dụng khác nhau.
Sàn giao dịch
Đối với thị trường truyền thống, các nhà đầu tư cổ phiếu thường chỉ giao dịch trên một sàn giao dịch. Tuy các công ty có thể niêm yết nhiều dòng cổ phiếu lên sàn, nhưng quá trình này sẽ phát sinh chi phí đáng kể, chưa kể các loại giấy tờ và các chế định pháp luật liên quan.
Thị trường crypto lại theo đuổi một mô hình hoàn toàn khác. Hàng trăm sàn giao dịch khác nhau sẽ tình nguyện niêm yết BTC và ETH mà không đòi hỏi bất kỳ khoản phí nào, hay bất kì thủ tục/giấy tờ nào để làm vậy. Các sàn giao dịch cryto luôn có toàn quyền quyết định những tài sản họ muốn niêm yết.
Phần lớn trong số này chịu rất ít sự giám sát từ pháp luật. Số còn lại thường có các bộ quy tắc tương đối nghiêm ngặt về cấp phép và kiểm soát tài chính.
Cho tới thời điểm bài viết, các sàn giao dịch crypto tại Hoa Kỳ vẫn chưa phải chịu bất kỳ sự giám sát nào từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), do hầu hết các crypto (ngay cả BTC và ETH) vẫn chưa được công nhận là chứng khoán.
Một số sàn có hoạt động phái sinh sẽ chịu sự giám sát của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa “Tương lai” Hoa Kỳ (CFTC), nhưng chỉ có các sản phẩm phái sinh chịu giám sát, trong đó có BTC và ETH.
Hầu hết các giao dịch BTC được thực hiện thông qua USDT, một stablecoin được hỗ trợ bởi đô-la và chạy trên chuỗi khối Ethereum. Lợi thế của stablecoin là có thể được chuyển đổi nhanh chóng giữa các sàn giao dịch mà không cần quan tâm đến chế định của mỗi sàn.
USDT cũng được dùng chủ yếu trong giao dịch ETH, tuy tỉ trọng không lớn bằng BTC. Tuy nhiên, ETH lại ít được sử dụng trong giao dịch BTC, và bản thân cặp BTC / ETH cũng không chiếm tỉ trọng quá lớn trên thị trường BTC.
Sàn giao dịch fiat - BTC - ETH lớn nhất ở thời điểm hiện nay là Coinbase, một công ty có trụ sở chính tại San Francisco và đang rục rịch IPO.
So với các sàn giao dịch truyền thồng, một điểm khác của các sàn giao dịch crypto là thiếu minh bạch trong dữ liệu liên quan tới tổng khối lượng giao dịch. Chính sự thiếu minh bạch này đã cho phép một số sàn giao dịch giả mạo dữ liệu giao dịch để thu hút các nhà đầu tư và các coin mới (sẵn sàng trả tiền để được niêm yết). Tuy nhiên, một số sàn giao dịch “lớn” cũng có khối lượng giao dịch không quá đáng kể.
Một điểm khác nữa chính là sự thiếu đồng nhất trong giá trị của một tài sản crypto. Một ví dụ điển hình là BTC. Do được giao dịch trên rất nhiều sàn giao dịch khác nhau nên crypto này có thể có nhiều mức giá khác nhau một thời điểm bất kỳ, tùy theo mức giá niêm yết trên sổ lệnh.
Cũng bởi thiếu đồng nhất nên quá trình định giá chính xác các danh mục đầu tư liên quan đến BTC trở nên khó khăn hơn nhiều. Để giải quyết vấn đề này, thị trường crypto dựa vào dữ liệu đầu vào từ các sàn giao dịch khác nhau để tính toán ra các chỉ số trung bình. Chỉ số này có vai trò đại diện cho vị thế của thị trường.
Tradeblock, công ty con của CoinDesk, là một trong những đơn vị đang phát hành công cụ tổng hợp giá bitcoin được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành, tổng hợp giá từ bốn sàn giao dịch được cấp phép lớn nhất ở Hoa Kỳ và Châu Âu: Coinbase, Kraken, Bitstamp và LMAX Digital. Công cụ này được biết đến dưới tên gọi XBX.
Khối lượng giao dịch của cả BTC và ETH đều đang tăng mạnh kể từ đầu quý 4 năm 2020. Quy mô giao dịch trung bình của BTC và ETH trên Coinbase cũng đang tăng mạnh, qua đó có thể thấy các nhà đầu tư mới vào thị trường crypto đang có hầu bao khá rộng rãi.
Bản dịch từ tài liệu "BTC + ETH: An Investor Perspective" của Coindesk. Dịch giả: Heinous.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất