[Dịch] Ai có thể phổ cập một chút kiến thức về nguồn gốc và nguyên nhân mâu thuẫn giữa 2 phe miền Bắc và miền Nam Việt Nam không?
Sự phân cực chính trị giữa 2 miền Nam Bắc liệu có đúng như những gì mà người Trung Quốc nói về nền chính trị của Việt Nam hay không? Bài viết là một trong rất nhiều ý kiến về vấn đề trên dưới góc nhìn của 1 người Trung Quốc.
(Lưu ý: bài viết này là quan điểm của tác giả, không phải là quan điểm của người dịch và bài dịch thuộc quyền sở hữu của dịch giả)
Tác giả: 最美的唐诗 – Thơ Đường đẹp nhất
Dịch giả: Đạt Nguyễn
Nguồn: Zhihu
Cấu trúc địa lý đặc biệt của Việt Nam đã xác định rằng đất nước này sẽ có xung đột giữa miền Bắc và miền Nam
Năm 1969, quốc phụ của Việt Nam là "Hồ Chí Minh" qua đời, và được thay thế bởi nhân vật số 2 là Lê Duẩn.
Mặc dù trước khi qua đời, Lê Duẩn luôn lễ độ cung kính, nói gì nghe nấy đối với Hồ Chí Minh, nhưng vì lo ngại Lê Duẩn sẽ trở thành Khrushchev thứ hai và sẽ phủ nhận đường lối của ông. Trong khi Hồ Chí Minh chỉ định Lê Duẩn làm người kế nhiệm của mình, ông cũng sắp xếp hai người làm nhiệm vụ kiểm soát và cân bằng (quyền lực), một là Phạm Văn Đồng và một là Đặng Xuân Khu. Đặng Xuân Khu này tự đặt cho bản thân một cái tên khác là *Trường Chinh, điều này là do ông ấy rất ngưỡng mộ lịch sử Trường Chinh của Hồng quân Trung Quốc. Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) lần lượt trở thành Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam.
*Dịch giả: thật sự thì đây là lần đầu tiên tôi nghe đến cái lý do tại sao cố Tổng Bí thư Trường Chinh đặt cái tên này, không biết đúng hay không, nên bạn đọc nào biết rõ thì cho tôi biết nhé.
Lê Duẩn là người có tham vọng quyền lực, sau khi lên cầm quyền đã phát động phong trào “chống cánh tả” để đả kích uy tín của Trường Chinh. Về bản chất, có những khác biệt cơ bản giữa Lê Duẩn và Trường Chinh về khái niệm trị nước và ngoại giao. Lê Duẩn chủ trương ủng hộ làm kinh tế kế hoạch hóa và nhấn mạnh rằng ông chống Trung Quốc và thân Liên Xô. Trong khi đó, Trường Chinh cho rằng các nước xã hội chủ nghĩa cũng có thể phát triển nền kinh tế hàng hóa và hy vọng có mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Cuối cùng, đường lối của Lê Duẩn đã thắng thế và Việt Nam bắt đầu quá trình bành trướng quân sự.
Vào cuối những năm 80, dựa vào sự ủng hộ của Liên Xô, Việt Nam đã phát động xâm lược Lào và Campuchia, đồng thời chiếm các đảo và bãi đá ngầm của Trung Quốc trên Biển Đông. Bước đi của Lê Duẩn không chỉ nhằm bành trướng lãnh thổ, thống nhất Đông Dương mà còn để nâng cao uy tín của bản thân và tăng cường kiểm soát quyền lực. Trước sự khiêu khích, gây hấn của Việt Nam, Trung Quốc cuối cùng không thể chịu đựng được nữa và phát động cuộc chiến phản công tự vệ chống lại Việt Nam, làm tiêu tan giấc mộng “làm bá chủ” của Việt Nam.
Chịu sự đả kích này, uy tín của Lê Duẩn bị suy yếu và cuối cùng thì ông ấy đã qua đời vào năm 1986. Là nhân vật số 2 trong Đảng, Trường Chinh - người luôn bị đàn áp, đã đảm nhận vị trí Tổng bí thư. Sau khi lên nắm quyền, ông quyết định noi gương Trung Quốc trong việc thực hiện cải cách và mở cửa, nhưng lúc này tuổi ông đã cao, đối với việc trị nước lực bất tòng tâm. Vì vậy, ông đã chọn đề bạt những người trẻ tuổi và để Nguyễn Văn Linh, người trước đó đã tiến hành các cuộc thử nghiệm cải cách ở miền Nam, trở thành nhà lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam.
Năm 1986, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức. Dưới sự thúc đẩy của Trường Chinh, các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện một cuộc “đại thay máu”. Hầu hết những người thuộc *phe diều hâu đã rút khỏi Bộ Chính trị và những người mới gia nhập về cơ bản là những người theo chủ nghĩa cải cách. Đặc biệt là Nguyễn Văn Linh được thăng cấp như gắn tên lửa và được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
*phe diều hâu: một thuật ngữ chính trị được sử dụng để mô tả một người, nhóm hoặc lực lượng ủng hộ chính sách ngoại giao mạnh mẽ hoặc bành trướng quân sự hung hăng. Một cách giải thích khác là một cá nhân, nhóm hoặc thế lực duy trì lợi ích quốc gia dân tộc bằng thái độ hoặc phương tiện cứng rắn. Từ trái nghĩa của “phe diều hâu” là "phe bồ câu"
Năm 1986, Việt Nam thực hiện công cuộc “cải cách mở cửa”, lần đầu tiên thừa nhận vai trò của cơ chế thị trường, cho phép tồn tại nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.
Năm 1988, Việt Nam cấp giấy chứng nhận đất đai cho nông dân và thực hiện đầy đủ chế độ khoán hộ. Kể từ đó, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh, biến nước này từ một nước đói ăn trở thành nước xuất khẩu lúa gạo.
Không chỉ như vậy, Việt Nam còn chủ động xoa dịu mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, vừa thực hiện bình thường hóa quan hệ Việt - Trung, vừa mở cửa thông thương với các nước phương Tây, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đổ vào.
Không chỉ cải cách kinh tế mà Việt Nam còn hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính trị.
Năm 1991, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức đã thiết lập cơ chế “*Tứ trụ”, tức là các chức vụ như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội sẽ do những người khác nhau nắm giữ để phát huy tốt hơn vai trò lãnh đạo tập thể.
*Tứ trụ: hay Tứ trụ triều đình là danh xưng để chỉ 4 vị quan lớn nhất, có vai trò trụ cột của triều đình phong kiến. Dưới thời Nguyễn, tứ trụ triều đình còn được hiểu là Tứ trụ Đại học sĩ là 4 chức quan Đại học sĩ cao cấp thời phong kiến Việt Nam. Bốn vị quan này đều là hàm Chính nhất phẩm, cao hơn cả Thượng thư (hàm Chính nhị phẩm, tương đương Bộ trưởng thời nay) và Tổng đốc, gồm: Cần Chánh điện Đại học sĩ; Văn Minh điện Đại học sĩ; Võ Hiển điện Đại học sĩ; Đông Các Đại học sĩ. Tứ trụ triều đình hiện nay còn được một số báo chí ngoài Việt Nam dùng để chỉ 4 chức danh lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Bốn chức danh lãnh đạo trên còn được gọi là Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Tứ trụ triều đình cũng được sử dụng cho các cơ quan hay cá nhân quan trọng.
Nhưng trong chính trị Việt Nam xưa nay luôn có một quy tắc bất thành văn, đó là duy trì thế cân bằng chính trị giữa hai miền Nam và Bắc. Thông thường mà nói, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ do người miền Bắc nắm giữ, chịu trách nhiệm về công tác Đảng và tư tưởng; Thủ tướng của Việt Nam sẽ do người miền Nam nắm giữ, chịu trách nhiệm xây dựng kinh tế; Chủ tịch nước sẽ do một người miền Trung đảm nhận, nhưng người này có vai trò tượng trưng nhiều hơn.
Tại sao lại có tình trạng này? Bởi vì sự khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam là rất lớn, miền Bắc là trung tâm chính trị và kiểm soát quân đội; còn miền Nam là trung tâm kinh tế, chiếm 60% dân số và 2/3 GDP của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố phát triển nhất Việt Nam, chiếm 30% tổng sản lượng kinh tế của cả nước và có mức độ hiện đại hóa cao, còn người dân thì luôn hướng về một cuộc sống của tầng lớp tiểu tư sản đẹp đẽ và rất coi thường người miền Bắc.
Không chỉ vậy, miền Bắc Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa từ rất lâu trong lịch sử, với nền kinh tế nông nghiệp phát triển và chú trọng hơn đến chủ nghĩa tập thể. Còn miền Nam Việt Nam đã bị Pháp đô hộ trong một khoảng thời gian dài với các hải cảng dày đặc, cuộc sống tương đối Tây hóa và có giao thương chặt chẽ với châu Âu và Mỹ. Sau khi Việt Nam cải cách và mở cửa, miền Nam đã phát triển tốt hơn nhờ nhận thức về kinh tế thị trường và một bước trở thành một cơ sở sản xuất quan trọng ở Đông Nam Á. Bởi vì điều này, người miền Bắc cảm thấy rằng người miền Nam là nhà giàu mới nổi, còn người miền Nam lại nghĩ rằng người miền Bắc là cứng nhắc và bảo thủ.
Trong một khoảng thời gian dài từ thập niên 90, trong giới chính trị Việt Nam đã luôn tồn tại một cuộc chiến giữa “phe miền Nam” và “phe miền Bắc”. Phe miền Nam chủ trương noi gương phương Tây, phát triển kinh tế ngoại thương, thúc đẩy tư nhân hóa, thúc đẩy bầu cử trực tiếp và tam quyền phân lập về mặt chính trị, thân Mỹ và chống Trung Quốc về mặt ngoại giao. Phe miền Bắc nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế quốc doanh, coi trọng sự ổn định hơn, ủng hộ sự lãnh đạo thống nhất, phản đối Tây hóa toàn diện và xích lại gần Trung Quốc về mặt ngoại giao.
Năm 2006, Nguyễn Tấn Dũng trở thành tân Thủ tướng của Việt Nam. Với tư cách là đại diện của phe cải cách miền Nam, ông đã nhận được sự ủng hộ chưa từng có ngay khi lên cầm quyền, có quyền bãi nhiệm các quan chức cấp thứ trưởng, trở thành nhân vật số một trên thực tế của Việt Nam. Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì công việc kinh tế của Việt Nam trong một thời gian dài và từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau khi nhậm chức, ông tuyên bố sẽ nỗ lực hết mình để phát triển kinh tế. Dưới sự thúc đẩy của ông, mối quan hệ Việt Nam và Mỹ tiếp tục được xoa dịu. Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, thương mại xuất khẩu phát triển nhanh chóng.
Nguyễn Tấn Dũng là một người thuộc phe miền Nam, ngay khi lên cầm quyền đã thi hành những chính sách rất quyết liệt, đầu tiên là đưa ra chính sách “*bầu cử cạnh tranh”, sau đó tìm cách “công khai tài sản”, thậm chí còn tìm cách thực hiện “*bầu cử trực tiếp” ở Việt Nam. Phong cách làm việc cấp tiến này đã dẫn đến sự bất mãn của các quan chức cấp cao khác, và cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng ngày càng gay gắt. Trong nhiệm kỳ của ông, trên mạng Internet Việt Nam tràn ngập các bài phát biểu đòi thực hiện “dân chủ kiểu phương Tây”, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục bị suy yếu, Việt Nam từng đứng trước nguy cơ *cách mạng màu.
*bầu cử cạnh tranh: khi bầu cử, số ứng cử viên phải nhiều hơn số người được bầu. Nó cho phép cử tri có nhiều lựa chọn hơn và tạo điều kiện cho các ứng cử viên cạnh tranh công bằng. Thường được thực hiện trong các nền dân chủ.
*bầu cử trực tiếp: bầu cử trực tiếp là một hình thức bầu cử trong đó cử tri bỏ phiếu trực tiếp để xác định người thắng cử trong số các ứng viên. Hình thức bầu cử này được dùng phổ biến ở những hệ thống bầu cử đa nguyên và hệ thống bầu cử hai vòng để chọn một người có số phiếu bầu cao nhất, như ở các kỳ bầu cử tổng thống hay các kỳ bầu cử để chọn nhiều ứng viên theo cách đại diện tỉ lệ để thành lập cơ quan lập pháp (quốc hội hay nghị viện). Nghị viện châu Âu và Thượng viện Hoa Kỳ (từ năm 1917) là ví dụ điển hình cho hình thức bầu cử này.
*cách mạng màu: là cụm từ để chỉ những phong trào chính trị trong một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ hay thuộc vùng Balkan trong những năm đầu thập niên 2000, lấy tên 1 màu sắc hay 1 cây cối, bông hoa tiêu biểu. Trong những cuộc cách mạng này, những người tham gia đã đấu tranh bất bạo động để đối phó với các chính quyền mà họ xem là tham ô hay độc đoán. Các cuộc cách mạng màu nổi bật với sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các nhà hoạt động sinh viên trong việc tổ chức các cuộc đấu tranh bất bạo động. Điển hình trong các cuộc cách mạng màu là Cách mạng 5 tháng 10 ở Serbia (2000), Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia (2003), Cách mạng Cam ở Ukraina (2004) và Cách mạng Hoa Tulip ở Kyrgyzstan (2005). Trong mỗi lần, nhiều người đã xuống đường biểu tình sau các cuộc bầu cử gây tranh cãi. Nếu thành công, nó sẽ dẫn đến sự lật đổ chính phủ hay từ chức của những lãnh đạo bị họ xem là độc đoán. Từ này cũng được dùng cho một số cuộc cách mạng ở những nơi khác bao gồm vùng Trung Đông như cuộc Cách mạng cây tuyết tùng 2005 tại Liban, cách mạng xanh 2005 tại Kuwait, Phong trào phản đối Luật Dẫn độ Hong Kong 2019 và Biểu tình chống phong tỏa COVID-19 tại Trung Quốc 2022.
Về ngoại giao, phe miền Nam chủ trương xích lại gần Mỹ và vì lý do này họ không ngần ngại trở mặt với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Năm 2014, một cuộc biểu tình chống Trung Quốc quy mô lớn đã nổ ra ở Việt Nam và một số lượng lớn các doanh nghiệp có vốn từ Trung Quốc đã bị tấn công, động cơ đằng sau nó bị nghi ngờ là có liên quan đến phe miền Nam. Năm 2016, Việt Nam trở thành thành viên của TPP, ý đồ thân Mỹ chống Trung Quốc càng lộ rõ.
Dịch giả: năm 2014 không phải là do ai đó kéo cái dàn khoan xâm phạm lãnh hải của Việt Nam trước hay sao mà nói cứ như mọi chuyện đều do Việt Nam chủ trương vậy!! Mọi người có thể tham khảo về sự kiện này trên Wiki để xem báo đài cũng như cộng đồng quốc tế nói gì: Sự kiện hạ giàn khoan Hải Dương 981
Mặc dù trong thời kỳ cầm quyền của Nguyễn Tấn Dũng, mức độ thị trường hóa ở Việt Nam đã được nâng cao, cường độ xúc tiến đầu tư tăng lên và nền kinh tế cũng đạt được những tăng trưởng nhất định. Tuy nhiên, trên phương diện dùng người đã xuất hiện rõ dấu hiệu của *chủ nghĩa thân hữu, dưới sự thúc đẩy bởi chủ nghĩa tôn thờ đồng tiền, các quan chức Việt Nam cực kỳ tham nhũng. Điện lực, ngân hàng, viễn thông và cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn tham nhũng. Nhiều đường cao tốc được xây dựng ở Việt Nam là các công trình bị rút ruột, gần một nửa số tiền đã bị các quan chức tham ô. Người dân thì rất căm giận về điều này.
*chủ nghĩa thân hữu: Chủ nghĩa thân hữu là hành vi thiên lệch trong việc giao công việc và các lợi thế khác cho bạn bè hoặc đồng nghiệp đáng tin cậy, đặc biệt là trong chính trị và giữa các chính trị gia và các tổ chức hỗ trợ. Về mặt chính trị, “chủ nghĩa thân hữu” được sử dụng mang tính kỳ thị để ám chỉ việc mua và bán quyền lợi hoặc quan hệ, chẳng hạn như: mua phiếu trong các cơ quan lập pháp, ủng hộ các tổ chức, đưa ra các đại sứ mong muốn đến các địa điểm xa lạ, v.v. Tại bối cảnh đó thì chủ nghĩa thân hữu nói điến việc thiên vị cho đối tác hoặc bạn bè, chủ nghĩa gia đình trị là sự ưu ái cho người thân của mình.
Không chỉ có vậy, ngay sau khi lên nắm quyền, Nguyễn Tấn Dũng đã phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ *nới lỏng tiền tệ, *tiền nóng đổ vào thị trường và lạm phát tăng chóng mặt. Do giá cả tăng vọt, tiền giấy trong tay những người dân đang bị mất giá từng ngày. Hơn nữa, khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam cũng ngày càng nới rộng nhanh chóng, không chỉ có sự phân hóa giai cấp mà còn có sự phân hóa vùng miền, hầu bao của người giàu ngày một phình to, quyền lợi của nông dân và người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
*nới lỏng tiền tệ: đây có lẽ là một trong các thuật ngữ mà các nhà đầu tư có thể nghe qua nhiều. Chính sách nới lỏng tiền tệ hay chính sách tiền tệ mở rộng – Easy Money – là Ngân hàng Trung ương sẽ đẩy thêm nguồn tiền vào thị trường kinh tế nhằm mục đích mở rộng nguồn cung về tài chính để hạ lãi suất và kích cầu người dân trong việc chi tiêu. Việc kích cầu chi tiêu của người dân sẽ dẫn đến sản xuất cũng được kích cầu, gia tăng mở rộng phát triển quy mô kinh doanh của các doanh nghiệp và góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp cho người dân.
*tiền nóng: trong kinh tế học, tiền nóng là dòng tiền (hoặc vốn) từ nước này sang nước khác để kiếm lợi nhuận ngắn hạn do chênh lệch lãi suất và/ hoặc thay đổi tỷ giá hối đoái đoán trước. Những dòng vốn đầu cơ này được gọi là 'tiền nóng' vì chúng có thể di chuyển rất nhanh vào và ra khỏi thị trường, có khả năng dẫn đến sự bất ổn của thị trường.
Năm 2011, Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, xuất thân trong một gia đình nông dân nên ông đặc biệt rất ghét tham nhũng. Sau khi lên nắm quyền, ông đã phát động một xu hướng chống tham nhũng mới và mục tiêu của ông là hướng vào các nhóm lợi ích do Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Năm 2012, thân tín của Nguyễn Tấn Dũng bị buộc tội hoạt động kinh doanh phi pháp và sau đó bị kết án 20 năm tù. Điều này đã làm ảnh hưởng đến bản thân ông Nguyễn Tấn Dũng, ông ta bị buộc phải đứng ra xin lỗi công khai, và niềm tin của nhân dân giảm mạnh. Ngược lại, Nguyễn Phú Trọng đã giành được rất nhiều sự ủng hộ trong Đảng và người dân vì những nỗ lực chống tham nhũng mạnh mẽ của ông ấy.
Tại Hội nghị Trung ương 6 (hay Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, diễn ra tại Hà Nội ngày 1 tháng 10) của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2012, Nguyễn Tấn Dũng đã bị phê bình không đích danh. Mặc dù miễn cưỡng giữ lại được chức vụ Thủ tướng, nhưng quyền lực thì ngày càng suy yếu.
Đến năm 2016, sau một cuộc bỏ phiếu của Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng được thôi giữ chức Thủ tướng và rút tư cách Ủy viên Bộ Chính trị. Như một thỏa thuận, ba thân tín của ông Nguyễn Tấn Dũng là: Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc lần lượt đảm nhận các chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Hai con trai của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng được thăng chức. Nền chính trị Việt Nam tiếp tục duy trì sự cân bằng mong manh giữa hai phe miền Nam và miền Bắc.
Rõ ràng là mặc dù ông Nguyễn Phú Trọng của phe miền Bắc làm Tổng Bí thư, nhưng 3 người còn lại trong “Tứ trụ” đều là người của ông Nguyễn Tấn Dũng thuộc phe miền Nam, theo lý mà nói thì phe miền Bắc đang ở thế yếu. Tuy nhiên, diễn biến tình hình trong nước Việt Nam đang có chiều hướng có lợi cho Nguyễn Phú Trọng, sau khi Trump lên nắm quyền vào năm 2017, Mỹ tái thực hiện “*chủ nghĩa biệt lập” và thu hẹp thế lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phe thân Mỹ ở Việt Nam mất đi sự ủng hộ từ bên ngoài và bị giáng một đòn đả kích mạnh. Mặt khác, khi khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam ngày càng gia tăng, giới trẻ Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công bằng và chính nghĩa, tư tưởng cánh tả của Nguyễn Phú Trọng đã chiếm được cảm tình của người dân.
*chủ nghĩa biệt lập: là một chính sách đối ngoại đóng cửa ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giao thông vận tải và quốc phòng, cam kết cô lập đất nước với nước ngoài, cấm người dân trong và ngoài nước có quyền tự do liên lạc. Chính sách này sẽ biểu hiện rõ ràng hơn về mặt quân sự và kinh tế, và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân ở quốc gia mà nó áp dụng, đặc biệt là về mặt tinh thần và tư tưởng. Về quốc phòng, chủ nghĩa biệt lập áp dụng nguyên tắc không can thiệp, nghĩa là không chủ động can dự vào bất kỳ xung đột quân sự bên ngoài nào ngoại trừ chiến tranh tự vệ; Về mặt kinh tế và văn hóa, thương mại và giao lưu văn hóa với nước ngoài bị hạn chế đến mức tối đa thông qua pháp luật.
Năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vì “virus hiếm”, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp nhận vị trí này. Năm 2021, tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân không có tên trong danh sách Ủy viên Bộ Chính trị và sau đó bà được thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Cho đến nay, trong số những thân tín của Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chỉ có ông Nguyễn Xuân Phúc là còn đứng trên chính trường và giữ cương vị Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước Việt Nam tuy là nguyên thủ quốc gia tối cao trên danh nghĩa, nhưng không có nhiều thực quyền, quyền lực của quân đội nằm trong tay Tổng Bí thư và Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân. Sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch, ông chịu trách nhiệm chính về công tác phòng chống dịch, còn công việc kinh tế được bàn giao hoàn toàn.
Như cái gọi là *nhà đã dột lại gặp đúng lúc trời mưa suốt đêm, nửa cuối năm 2021, Việt Nam gặp phải chủng virus SARS-CoV-2 biến thể Delta, một số lượng lớn người dân đã bị nhiễm bệnh, các bệnh viện phải hoạt động hết công suất, sản xuất và tiêu dùng bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Xuân Phúc, người phụ trách phòng chống dịch, cũng bị chỉ trích và vị thế của ông ta càng bị lung lay.
*nhà đã dột lại gặp đúng lúc trời mưa suốt đêm: câu gốc là “Ốc lậu thiên phùng liên dạ vũ – 屋漏偏逢连夜雨” (nhà đã dột lại gặp đúng lúc trời mưa suốt đêm; trong một câu là 屋漏偏逢连夜雨 ,船迟又遇打头风 – Ốc lậu thiên phùng liên dạ vũ, Thuyền trì hựu ngộ đả đầu phong của Phùng Mộng Long. Vế sau có nghĩa là thuyền đã trễ lại còn gặp gió tạt đầu; tóm lại là họa vô đơn chí; các cụm từ tương đương thì có phúc vô song chí, họa bất đơn hành, họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai
Đầu tháng 1 năm 2023, bị ảnh hưởng bởi vụ án tham nhũng kit test (Việt Á) và vụ chuyến bay giải cứu, hai phó Thủ tướng Việt Nam đã bị miễn nhiệm, 2 người họ đều có kinh nghiệm du học, có thành tựu nhất định trong xây dựng kinh tế, được coi là đại diện của “phe cải cách” và “phe thân phương Tây”.
Nửa tháng sau, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng bị ảnh hưởng, ông đã tự nguyện đệ đơn từ chức và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chấp thuận. Kể từ đó, những người thân cận của Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoàn toàn rút lui khỏi chính trường, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thống nhất nội bộ và tất cả các thế lực thân phương Tây đã bị quét sạch.
Ở góc độ tương lai, sau khi hoàn tất thống nhất nội bộ, nếu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng muốn đẩy mạnh hơn nữa cải cách thì cần phải động tay đến lĩnh vực “quân đội làm kinh tế” này. Đây là một vấn đề lớn đã đeo bám Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, hệ thống quân đội của Việt Nam là cây to bóng lớn và không dễ gì lay chuyển được chiếc bánh này. Mặt khác, những thay đổi trong tình hình chính trị của Việt Nam sẽ không có tác động quyết định đến sự phát triển kinh tế trong tương lai. Hiện nay, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển công nghiệp quốc tế, chỉ cần mô hình phát triển kinh tế không lệch khỏi quỹ đạo quá nhiều, không đi theo lối mòn cũ là kinh tế kế hoạch hóa, thì với lợi thế nhân khẩu học và xây dựng cơ sở hạ tầng, vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hơn 5% trong 10 năm tới. Tất nhiên, để hạn chế làn sóng tự do hóa tư bản, Chính phủ Việt Nam có thể tăng cường giám sát doanh nghiệp tư nhân, không biết điều này có ảnh hưởng đến niềm tin đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hay không. Nhìn chung, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới trong vài năm tới.
Nhưng một vấn đề lâu dài ở Việt Nam là sự phân hóa giàu nghèo Bắc Nam quá trầm trọng, miền Bắc có lợi thế tuyệt đối về quân sự và chính trị, trong khi miền Nam có lợi thế tuyệt đối về kinh tế và dân số. Với sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế ngoại thương, khoảng cách này sẽ ngày càng rộng hơn, và xuất hiện khoảng cách văn hóa giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Tôi không biết liệu điều này có mang lại nguy cơ nội chiến hay thậm chí chia cắt Bắc Nam cho Việt Nam trong tương lai hay không.
Đối với Trung Quốc mà nói, những thay đổi chính trị ở Việt Nam là có lợi. Chúng ta nên buông bỏ gánh nặng của lịch sử và nhìn vào quan hệ Trung Quốc - Việt Nam một cách năng động. Sau khi thanh lọc nội bộ các thế lực thân phương Tây, Việt Nam sẽ ngày càng nhấn mạnh đường lối xã hội chủ nghĩa trong tương lai và lấy lại truyền thống lịch sử, không gian hợp tác tư tưởng giữa Trung Quốc và Việt Nam tạm thời lớn hơn xung đột địa chính trị giữa hai bên. Trong vài năm tới, quan hệ Trung - Việt sẽ trở nên ổn định và hài hòa hơn, tranh chấp Biển Đông được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt. Nếu hoạt động kinh tế ổn thỏa tốt đẹp thì Việt Nam có thể trở thành nhân tố quyết định giúp Trung Quốc đột phá mạng lưới bao vây châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất