Cơ hoành của Winston siết lại. Anh ta không thể nhìn mặt của Goldstein mà không cảm thấy một mớ cảm xúc đau đớn lẫn lộn. Đó là một khuôn mặt Do Thái gầy với một vầng hào quang mờ của mái tóc trắng và một hàm ria mép nhỏ – một khuôn mặt thông minh, thế nhưng không hiểu sao vẫn mang vẻ đáng khinh cố hữu, với một sự ngờ nghệch tuổi già nơi chiếc mũi thon dài, gần cuối mũi treo một cặp kính. Nó trông như khuôn mặt của một con cừu và giọng nói cũng có một chất gì đó của cừu. Goldstein đang phun ra những lời tấn công độc địa chống lại những giáo điều của Đảng – một sự tấn công phóng đại và gian trá đến mức ngay cả một đứa trẻ cũng có thể nhìn thấu, nhưng cũng lại có vẻ hợp lý vừa đủ để tiêm nhiễm người nghe với cảm giác rằng những người khác, ít tỉnh táo hơn họ, có thể bị nó lôi kéo. Lão đang sỉ nhục Anh Cả, lão đang tố cáo sự độc tài của Đảng, lão đang yêu cầu chấm dứt ngay lập tức hòa ước với Eurasia, lão đang chủ trương ủng hộ tự do ngôn luận, tự do Báo Chí, tự do tụ tập, tự do suy nghĩ, lão đang kêu gào một cách cuồng loạn rằng cuộc cách mạng đã bị phản bội – tất cả trong một bài diễn văn đa âm tiết dồn dập, nhại theo phong cách thường thấy của những diễn giả của Đảng, và thậm chí còn bao gồm cả những từ Tângữ: thật ra là còn nhiều từ Tângữ hơn bất kỳ thành viên nào của Đảng thường dùng trong cuộc sống hàng ngày. Trong suốt thời gian này, phòng khi có người nghi ngờ hiện thực mà những lời nói rỗng tuếch của Goldstein che đậy, phía sau đầu lão ta trên màn truyền là những dãy vô tận các binh lính Eurasia đang diễu hành – hết hàng này đến hàng khác những người đàn ông vẻ ngoài rắn rỏi mang những khuôn mặt châu Á không biểu cảm; họ tràn lên bề mặt màn truyền và biến mất, được thay thế bằng những người khác trông y như đúc. Tiếng bước chân nhịp nhàng tẻ nhạt của những đôi ủng lính làm nền cho giọng nói the thé của Goldstein.
Căm Ghét chưa trải qua quá ba mươi giây thì những tiếng cảm thán không kiềm chế của sự giận dữ đã bùng nổ từ miệng phân nửa số người có mặt trong phòng. Khuôn mặt tự mãn trông như cừu trên màn hình và sức mạnh kinh hoàng của quân đội Eurasia phía sau nó thật quá sức chịu đựng: thêm nữa, chỉ cần nhìn thấy hay nghĩ về Goldstein thôi cũng tự động gây ra sợ hãi và căm giận rồi. Lão ta là đối tượng căm ghét bền bỉ hơn cả Eurasia hay Eastasia, vì khi Oceania có chiến tranh với một trong hai Thế Lực này thì nó thường hòa bình với thế lực còn lại. Nhưng điều kỳ lạ nằm ở chỗ mặc dù Goldstein bị căm ghét và khinh bỉ bởi mọi người, mặc dù mỗi ngày và hàng nghìn lần mỗi ngày, trên sân ga, trên màn truyền, trên báo, trong sách, những lý thuyết của lão bị bác bỏ, phá tan, chế giễu, bị trưng ra cho công chúng soi mói như một thứ rác rưởi đáng thương – bất chấp tất cả, ảnh hưởng của lão chưa bao giờ có vẻ yếu đi. Lúc nào cũng có những kẻ ngu mới chực chờ được lão dụ dỗ. Không có ngày nào trôi qua mà những gián điệp và kẻ phá hoại ngầm dưới sự chỉ đạo của lão không bị lật mặt bởi Cảnh Sát Tư Tưởng. Lão là chỉ huy của một đội quân bóng đêm đông đảo, một mạng lưới ngầm của những kẻ mưu phản dắp tâm lật đổ Nhà Nước. Hội Ái Hữu, theo như tên gọi đúng của nó. Cũng có những câu chuyện xì xầm về một quyển sách khủng khiếp, một bản tóm tắt tất cả những nghịch thuyết, mà Goldstein là tác giả và được lưu truyền lậu đây đó. Đó là một quyển sách không tựa đề. Người ta đề cập đến nó, nếu có, đơn giản dưới tên QUYỂN SÁCH. Nhưng ta chỉ biết đến những việc như vậy thông qua tin đồn mù mờ mà thôi. Hội Ái Hữu hay QUYỂN SÁCH không phải là một chủ đề mà bất kỳ thành viên thông thường nào của Đảng chọn đề cập đến nếu có thể lẩn tránh.
Đến phút thứ hai thì Căm Ghét trỗi dậy điên cuồng. Mọi người nhổm lên nhổm xuống chỗ ngồi của họ và hét khản cả giọng trong nỗ lực át đi cái giọng the thé điên cuồng phát ra từ màn hình. Người phụ nữ nhỏ tóc màu cát đã chuyển màu hồng tươi và miệng bà ta mở ra đóng vào như một con cá mắc cạn. Thậm chí khuôn mặt nặng nề của O’Brien cũng ửng hồng. Ông ta ngồi rất thẳng trên ghế, lồng ngực lực lưỡng của ông ta phồng lên và co giật như thể ông ta đang đương đầu với sự tấn công của một con sóng dữ. Cô gái tóc đen phía sau Winston đã bắt đầu hét lên “Đồ con lợn! Đồ con lợn! Đồ con lợn!’ và đột ngột nhặt một quyển từ điển Tângữ lên, ném nó vào màn hình. Nó đập vào mũi của Goldstein và bật ra; giọng nói vẫn tiếp tục không suy suyễn. Trong một khoảnh khắc tỉnh táo Winston nhận ra anh ta đang hét lên cùng với những người khác và đá gót chân dữ dội vào thanh gác ghế. Điều kinh khủng về Hai Phút Căm Ghét không nằm ở chỗ ta bị bắt buộc phải tham gia mà trái lại, ở chỗ ta không thể tránh tham gia. Trong vòng ba mươi giây thì mọi sự giả vờ đều trở nên không cần thiết. Một cơn hưng phấn gớm ghiếc của nỗi sợ và sự báo thù, một ham muốn giết chóc, tra tấn, đập tan những khuôn mặt bằng búa tạ, dường như lan truyền qua cả nhóm người như một dòng điện, biến ta một cách bất đắc dĩ trở thành một kẻ điên cuồng nhăn nhó la hét. Thế nhưng sự cuồng nộ ta cảm nhận lại là một cảm xúc trừu tượng không định hướng và có thể được chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác như ngọn lửa của một cái đèn hàn. Vậy nên, trong một khoảnh khắc, sự căm ghét của Winston hoàn toàn không nhắm đến Goldstein mà trái lại, đến Anh Cả, Đảng và Cảnh Sát Tư Tưởng. Và trong những giây phút như thế, trái tim anh ta hướng về kẻ ngoại đạo cô đơn bị chế giễu trên màn hình, thần hộ mệnh duy nhất của sự thật và đầu óc tỉnh táo trong một thế giới đầy dối trá. Thế nhưng khoảnh khắc tiếp sau đó, anh ta lại hòa mình với những người xung quanh và tất cả những điều người ta nói về Goldstein lại có vẻ như là thật. Trong những giây phút đó, sự thù ghét bí mật anh ta dành cho Anh Cả chuyển thành sự tôn sùng và Anh Cả dường như vươn lên cao như một tòa tháp, một người giám hộ bất khả chiến bại và can đảm, đứng sững như một tảng đá giữa những bầy lũ châu Á, và Goldstein, bất chấp sự cô lập, tuyệt vọng và mối nghi ngờ bao lấy chính sự tồn tại của lão, trông có vẻ như một tên thầy pháp độc ác có khả năng hủy hoại cấu trúc của nền văn minh chỉ với sức mạnh giọng nói lão.
Nhiều lúc thậm chí còn có thể chuyển sự căm ghét của ta về phía này hay phía khác bằng một hành động có chủ ý. Đột ngột bằng một thứ nỗ lực ghê gớm, cũng như khi ta giật mạnh đầu khỏi gối trong cơn ác mộng, Winston thành công trong việc truyền sự căm ghét của mình từ khuôn mặt trên màn hình sang cô gái tóc đen phía sau anh ta. Những ảo giác sinh động đẹp đẽ vụt qua tâm trí anh. Anh sẽ quật cô ta đến chết bằng một cái dùi cui cao su. Anh ta sẽ trói cô ta trần truồng vào một cái cọc và bắn tên đầy người cô ta như thánh Sebastian. Anh ta sẽ cưỡng hiếp và cứa cổ cô ta ngay giây phút lên đỉnh. Thêm nữa, tốt hơn lúc trước, anh ta đã hiểu ra TẠI SAO mình lại ghét cô ấy. Anh căm ghét cô vì cô trẻ đẹp và không tình dục, vì anh muốn ngủ với cô và sẽ không bao giờ có thể, vì quanh cái eo mềm mại ngọt ngào của cô trông như mời gọi ta vòng tay ôm lấy nó là một cái khăn đỏ tươi đáng ghét, biểu tượng hung hăn của sự trinh tiết.
Căm ghét đạt đến đỉnh điểm. Giọng của Goldstein đã trở thành tiếng cừu be be thật, và trong một tích tắc khuôn mặt lão chuyển thành khuôn mặt cừu. Rồi khuôn mặt cừu hòa tan vào một người lính Eurasia trông có vẻ như đang tiến về phía trước, to lớn và đáng sợ, súng tiểu liên gầm thét và dường như chồm ra khỏi bề mặt màn hình, đến mức vài người ở hàng trên giật mình ngã ra ghế của họ. Nhưng cùng lúc, mọi người hắt ra một tiếng thở dài nhẹ nhõm khi khuôn mặt thù địch tan chảy vào khuôn mặt Anh Cả, tóc đen, ria mép đen, đầy uy quyền và một sự bình tĩnh bí ẩn, và to lớn đến mức gần như lấp đầy cả màn hình. Không ai lắng nghe những gì Anh Cả đang nói. Đó chẳng qua là một vài từ khích lệ, thứ từ ngữ được thốt ra giữa sự hỗn độn của chiến trường, không phân biệt được từng chữ nhưng giúp củng cố lại tự tin chỉ từ việc chúng được nói ra. Rồi khuôn mặt của Anh Cả mờ đi và thay vào đó là ba câu khẩu hiệu của Đảng nổi bật bằng chữ in hoa:
CHIẾN TRANH LÀ HÒA BÌNH
TỰ DO LÀ NÔ LỆ
NGU SI LÀ SỨC MẠNH
Nhưng khuôn mặt Anh Cả dường như nán lại vài giây trên màn hình, như thể sức ảnh hưởng nó gây ra cho nhãn cầu của mọi người quá sống động nên không thể biến đi ngay tức khắc vậy. Người phụ nữ nhỏ tóc màu cát quăng mình lên thành sau chiếc ghế trước mặt bà ta. Với một tiếng rên rỉ run rẩy nghe như là ‘Đấng Cứu Thế!’, bà ta vươn hai cánh tay về phía màn hình. Rồi bà vùi mặt vào hai bàn tay. Rõ ràng là bà ta đang cầu nguyện.
Vào lúc này, cả nhóm người tuôn ra một tràng tụng niệm trầm, chậm và nhịp nhàng ‘A-C!... A-C!’ – lặp đi lặp lại, rất chậm, với một khoảng nghỉ dài giữa ‘A’ và ‘C’ – một âm thanh nặng nề rì rầm, man rợ một cách kỳ lạ, phần nhạc nền ta dường như nghe thấy tiếng dậm của những bàn chân trần và tiếng trống rộn ràng. Họ tiếp tục như thế trong khoảng ba mươi giây. Nó là sự kìm nén thường nghe thấy trong những giây phút cảm xúc quá độ. Một phần nó là bài hát ca tụng sự thông thái và uy nghi của Anh Cả, nhưng trên hết nó là một hành động tự thôi miên, một sự cố ý nhận chìm ý thức bằng một âm thanh nhịp nhàng. Ruột của Winston dường như trở nên lạnh ngắt. Trong Hai Phút Căm Ghét anh ta không thể ngăn mình chia sẻ cơn mê sảng chung nhưng tiếng tụng niệm không giống con người ‘A-C!... A-C!’ này thì luôn lấp đầy anh ta với một nỗi kinh hoàng. Dĩ nhiên là anh ta tụng với những người còn lại: không thể làm khác đi. Che giấu cảm xúc của bạn, điều khiển khuôn mặt bạn, làm điều những người khác đang làm, là một phản ứng bản năng. Nhưng có một khoảng vài giây mà biểu hiện của đôi mắt anh ta có lẽ đã phản bội anh. Và chính là vào khoảnh khắc này mà việc quan trọng đó xảy ra – nếu đúng là nó có xảy ra.
Trong tích tắc, anh ta chạm mắt O’Brien. O’Brien đã đứng dậy. Ông ta đã gỡ kính ra và đang đặt nó lại trên mũi với điệu bộ đặc trưng của mình. Nhưng mắt họ giao nhau trong một phần mười giây và trong lúc điều này xảy ra thì Winston biết – đúng, anh ta BIẾT! – rằng O’Brien có cùng suy nghĩ với mình. Một tin nhắn không thể chối cãi đã được truyền qua. Như thể hai tâm hồn đã mở cửa để cho những suy nghĩ chảy từ người này sang người khác thông qua mắt họ. ‘Tôi hiểu anh,’ O’Brien dường như muốn nói. ‘Tôi biết chính xác những gì anh đang cảm thấy. Tôi biết tất cả về sự khinh bỉ của anh, sự căm ghét của anh, sự kinh tởm của anh. Nhưng đừng lo, tôi về phe anh!’ Và rồi ánh chớp của sự thông minh biến mất và khuôn mặt O’Brien bí hiểm trở lại như khuôn mặt những người khác.
Chỉ vậy thôi, và anh ta đã bắt đầu không chắc liệu nó có xảy ra không. Những sự việc như vậy không bao giờ có phần tiếp theo. Tác dụng duy nhất của chúng là duy trì trong anh niềm tin, hay niềm hy vọng, rằng có người nào khác ngoài anh ta là kẻ thù của Đảng. Có khi những tin đồn về những âm mưu ngầm là thật – có khi Hội Ái Hữu tồn tại thật! Bất chấp những cuộc bắt giữ và thú tội và xử tử liên tục, không thể biết chắc liệu Hội Ái Hữu có phải chỉ là một truyền thuyết hay không. Đôi ngày anh ta tin vào nó, những ngày khác lại không. Không hề có bằng chứng, chỉ là những ánh nhìn thoáng qua có thể mang hàm ý nào đó hay không gì cả: vài mảnh hội thoại nghe lỏm, những chữ nguệch ngoạc mờ nhạt trên tường nhà vệ sinh – thậm chí là một lần, khi hai người lạ mặt gặp gỡ, một cử động nhỏ của bàn tay trông như thể là dấu hiệu nhận biết. Tất cả chỉ là đoán mò: rất có khả năng là anh ta đã tưởng tượng mọi thứ. Anh ta đã quay lại khoang làm việc của mình mà không nhìn lại O’Brien. Anh hầu như không hề nghĩ đến việc theo đuổi mối liên hệ chớp nhoáng của họ. Giả sử anh ta biết cách tiến hành thì nó vẫn hẳn là nguy hiểm không thể tưởng tượng được. Trong một giây, hai giây, họ đã trao đổi một cái nhìn mù mờ và vậy là hết. Nhưng thậm chí như vậy thì đó cũng là một sự kiện đáng nhớ trong sự cô độc giam cầm mà ta phải sống.
Winston rướn người và ngồi thẳng lên. Anh ta phát ra một tiếng ợ. Rượu gin đang trồi ngược lên từ bao tử anh ta.
Mắt anh ta tập trung trở lại trên trang giấy. Anh phát hiện ra rằng trong khi ngồi suy tư bất lực anh ta đã viết, như thể tự động. Và nó không còn là chữ viết tay khó đọc, ngượng ngịu như trước. Cây bút của anh đã trượt một cách khêu gợi trên trang giấy mịn, viết ra những chữ in hoa lớn gọn gàng – ĐẢ ĐẢO ANH CẢ ĐẢ ĐẢO ANH CẢ ĐẢ ĐẢO ANH CẢ ĐẢ ĐẢO ANH CẢ ĐẢ ĐẢO ANH CẢ
lặp đi lặp lại, lấp đầy nửa trang.
Anh ta không thể ngăn mình cảm thấy một cú nhói hoảng loạn. Nó thật nhảm nhí, vì việc viết ra những từ đó không nguy hiểm gì hơn hành động đầu tiên là mở quyển nhật ký ra, nhưng trong một khoảnh khắc anh ta muốn xé đi những trang bị hỏng và từ bỏ kế hoạch hoàn toàn.
Tuy nhiên anh ta không làm vậy vì biết rằng không ích gì. Dù anh đã viết ĐẢ ĐẢO ANH CẢ hay ngăn mình viết nó ra thì cũng không có khác biệt gì. Dù anh tiếp tục viết nhật ký hay không tiếp tục thì cũng không có khác biệt gì. Cảnh Sát Tư Tưởng cũng sẽ tóm anh thôi. Anh ta đã phạm phải – vẫn là sẽ phạm phải cho dù anh ta chưa bao giờ đặt bút xuống mặt giấy – cái tội cốt yếu bao hàm tất cả những tội khác. Họ gọi nó là tộisuynghĩ. Tộisuynghĩ không phải là thứ có thể được che giấu mãi mãi. Bạn có thể né tránh thành công trong một thời gian, thậm chí là trong nhiều năm, nhưng sớm muộn gì họ cũng sẽ tóm được bạn.
Luôn là vào ban đêm – những cuộc bắt giữ luật bất thành văn luôn xảy ra vào ban đêm. Một cú giật mình thức giấc, một bàn tay thô ráp lắc vai bạn, những ánh đèn chiếu thẳng vào mắt bạn, một vòng tròn những khuôn mặt nghiêm khắc quanh giường. Đa số trường hợp không hề có phiên tòa xét xử, không báo cáo bắt giữ. Người ta chỉ đơn giản là biến mất, luôn luôn vào ban đêm. Tên bạn được rút khỏi sổ sách, mọi ghi chép về tất cả những gì bạn từng lạm bị chùi sạch, sự tồn tạo một lần trên đời của bạn bị phủ nhận và rồi lãng quên. Bạn bị thủ tiêu, xóa sổ: BỐC HƠI là từ thường được dùng.
Trong một khoảnh khắc anh ta bị nhấn chìm trong cơn cuồng loạn. Anh ta bắt đầu viết với nét chữ nguệch ngoạc vội vã:
họ sẽ bắn tôi tôi không quan tâm họ sẽ bắn tôi sau gáy tôi không quan tâm đả đảo anh cả họ luôn bắn bạn sau gáy tôi không quan tâm đả đảo anh cả –
Anh ta ngửa ra sau ghế, hơi xấu hổ với bản thân, và đặt bút xuống. Một giây sau đó anh ta giật bắn mình lên. Có một tiếng gõ cửa.
Đến rồi sao! Anh ta ngồi im như tượng, hy vọng hão huyền rằng bất kể đó là ai thì họ cũng sẽ bỏ đi sau khi thử một lần. Nhưng không, tiếng gõ lặp lại. Việc tồi tệ hơn tất thảy chính là trì hoãn. Tim anh ta đập thình thịch như trống trận nhưng mặt anh ta, do thói quen lâu năm, có lẽ là không có biểu hiện nào. Anh ta đứng dậy và di chuyển nặng nề về phía cửa.