Khi Mecghi nói với Cha Ranfơ như thế thì vị linh mục ngoại tứ tuần này phải thốt lên rằng đây “đích thực là thiên đường” sau một đêm say men tình ái. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất song cũng bất hạnh nhất mà hai nhân vật chính của tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai nếm trải.
Ừ, không là thiên đường sao được, khi tình yêu gái trai phải kìm nén bao nhiêu năm vì đi ngược tình yêu với Chúa nay có dịp đầu ấp môi kề. Không là thiên đường sao được khi chung quanh chỉ còn “đêm tối và người tình”, với Cha Ranfơ (hay bất cứ một người nào khác) khoảnh khắc này cũng chính như lễ thánh thể thiêng liêng mà họ nguyện cầu mỗi ngày.
Cha Ranfơ yêu Chúa. Còn Mecghi thì yêu Cha Ranfơ. Và đỉnh điểm của “cuộc tình tay ba” này là khi Cha Ranfơ biết mình còn yêu Mecghi hơn cả Đức Chúa mà Cha ngày ngày tôn thờ. Khoảnh khắc Cha Ranfơ nhận ra “sự kiêu hãnh của những đấng chăn chiên là giả dối” cũng chính là lúc cha hạnh phúc nhất, song cũng đau đớn nhất.
Nhưng, chậc, kệ! Bên người tình dù không trăm năm viên mãn thì cũng một đêm ái ân tràn trề. Đó là thiên đường dù ngắn ngủi?
Ngày Đen - đứa con tội lỗi chào đời, Mecghi biết mình vừa cướp từ tay Chúa một món quà vô giá. Nhưng có một điều mà Mecghi không biết: Lấy đi tình yêu của Chúa thì Chúa sẽ lấy đi một tình yêu lớn hơn.
Nhưng oái oăm thay, Chúa mãi mãi là người đàn ông im lặng. Như số phận cả đời chẳng thì thầm vào tai ai bất cứ một điều gì. Giá như Chúa có thể nhắn nhủ trước đôi điều với Mecghi thì hay biết mấy. Ví, Chúa bảo rằng “ta sẽ lấy đi thứ quý giá nhất của đời con vì con đã mang trọng tội”. Nhưng không, Chúa mãi mãi lặng im như tòa thánh La Mã, sự im lặng đến đáng sợ.
Rồi một ngày, lúc Đen trưởng thành, lúc tình yêu của Mecghi dành cho con trai đẹp nhất cũng là lúc Chúa lấy chàng đi. Vì Chúa sợ, sẽ có một phiên bản Mecghi khác cướp chàng Đen đi như Mecghi từng cướp Cha Ranfơ của Chúa?
Tôi đọc Tiếng chim hót trong bụi mận gai năm mình 28 tuổi, khi đã cưới vợ và nghĩ nhiều về cuộc sống lẫn số phận. Tôi thích cách tác giả của tiểu thuyết này kể chuyện, nhẹ nhàng và sâu lắng. Và thích cả những suy nghĩ quẩn quanh khi cuốn sách khép lại.
Có lẽ, tình yêu và cuộc sống là những khoảnh khắc tiếp nối. Như bà Fia - mẹ của Mecghi nói, cuối cùng chỉ còn lại những hồi ức, chúng ta không hối tiếc. Và mặc dù “trong mỗi chúng ta đều có một cái gì mà dù có gào khóc thế nào đi nữa ta cũng không thể vượt qua được nó”, như số phận định trước, thì điều đó không có nghĩa chúng ta sẽ đầu hàng Chúa.
Bởi vẫn còn câu chuyện về chú chim lao đầu vào bụi mận gai để cất lên tiếng hót cuối cùng.
Hãy cứ sống với tình yêu rồi đi xưng tội sau, cũng được?

(Bài viết nhỏ này mình đã đăng ở blog cá nhân: http://dangducloc.net/detail/Sach-thom-cafe-dang/Di-xung-toi-di-bua-sang-de-em-lam-365/)