Trước khi kể chuyện đạp xe ở Hà Nội, mình sẽ kể về câu chuyện suýt đạp xe xuyên Việt của mình hồi năm nhất đại học. Nhà ở quê của mình có 1 chiếc xe đạp địa hình, bố mua cho em trai từ lúc học lớp 10 nhưng rất ít sử dụng vì lớp 11 thì cu cậu đi xe đạp điện. Thế là năm đầu tiên ra Hà Nội học, mình lao vào tìm kiếm những hội nhóm ngoại khóa để thỏa mãn niềm đam mê vui chơi. Quyết định cuối cùng là trao thân vào nhóm Đạp xe xuyên Việt.
Mình từng đạp xe từ Bắc Giang (quê mình) ra Hà Nội; đạp xe từ nội thành Hà Nội lên núi Hàm Lợn ở Sóc Sơn; đạp xe từ Hà Nội lên Đà Bắc, Hòa Bình. Và sau đó là đạp xe từ Hà Nội về Bắc Giang. Và không có sau đó nữa….
Nếu nói đạp xe ở Hà Nội thì mình không đếm nổi số lần nữa rồi, năm nhất và năm hai là khoảng thời gian mình đạp xe hầu như hàng ngày. Mà còn có hai xe đạp nha, đi học thì đạp xe mini màu xanh của chị cùng phòng, còn đi chơi đi tập luyện thể lực thì đạp xe địa hình của em trai.
Mấy năm trôi qua, từ lúc đi thực tập, đi làm là không nghĩ đến việc đạp xe nữa. Cho tới lần trải nghiệm gần nhất là cuối năm vừa rồi, mình đạp xe quanh hồ Tây, bằng chiếc mini Nhật của chị mình, cùng bạn thân và anh hàng xóm.
Chiếc đỏ là xe đạp của bạn mình. Bạn mình mang đủ bơm xe, nước uống, laptop, hoa. kẹo nhai trong lần đạp xe đầu tiên của 2 đứa

Cuối tuần nào cũng là ngày hội đạp xe ở hồ Tây

Đây là một trong những nơi thu hút các cua-rơ nghiệp dư đủ mọi lứa tuổi, không phân biệt tuổi tác, giới tính, mục đích của việc đạp xe. Mình đi từ Mỹ Đình lúc 5h30 sáng cuối năm, và đến hồ Tây là 6h sáng: chứng kiến tận mắt cảnh đoàn người túa ra như chạy đua với ánh mặt trời vậy, nhìn vẻ mặt ai ai cũng nhiệt huyết, hối hả. Điều thú vị nhất trong lúc đạp xe quanh hồ Tây là mỗi người có thể tùy sức của mình, không cần vội vã hay gò ép. Người hay nghĩ ngợi, có thể vừa đạp xe, vừa theo đuổi một ý nghĩ nào đó chợt đến trong đầu. Người ưa ngắm cảnh, có thể nhẩn nha từng vòng quay mà thưởng ngoạn cảnh đầm sen nở rộ, một ánh bình minh lấp lóa trên gương nước mặt hồ, ngắm nhìn những thuyền cũ đã ngưng khai thác trên hồ, phía xa xa là mấy chú đang câu cá, góc đằng này lại thấy cả nhà đang dắt thú cưng đi dạo hoặc đậu ô tô thả diều. Hứng lên, lại có thể dừng xe, chớp lấy một khoảnh khắc nên thơ đầy hấp dẫn của thiên thủy hồ Tây.

Cung đường nào phù hợp nhất cho việc đạp xe quanh hồ Tây?

Như một thói quen, người đạp xe quanh hồ Tây thường hay xuất phát trước cửa đền Quán Thánh, theo con đường Nguyễn Đình Thi, lên Trích Sài, Võng Thị, qua Công viên nước Hồ Tây rồi về Quảng Bá…  Hoặc cung đường dành cho người trên phố và các quận lân cận: Bắt đầu đi xe đạp từ khu phố cổ, ghé thăm chợ Đồng Xuân vào sáng sớm. Sau đó, băng qua ga Long Biên, đi qua Tháp nước Hàng Đậu, và cuối cùng đi dọc theo đường Thanh Niên đến hồ Trúc Bạch và hồ Tây. Cung đường nào cũng có nét đẹp riêng và những thuận tiện nhất định, quan trọng nhất là đều dẫn tới hồ Tây để trải nghiệm những hoạt động xung quanh.

Nếu có một ngày cuối tuần ở hồ Tây, nhất định bạn nên trải nghiệm:

Khám phá các ngôi đền ở Hà Nội
Bạn có thể dễ dàng dừng lại và ghé thăm một số ngôi đền đẹp ven hồ để tìm hiểu thêm về lịch sử hoặc lắng nghe một số câu chuyện về Phật giáo ở Việt Nam. Theo đường Quán Thánh hoặc Điện Biên Phủ, đền Quán Thánh hay chùa Trấn Quốc là nơi đầu tiên bạn không thể bỏ lỡ.
Lạc trong xứ hoa chợ Quảng An
Tọa lạc tại Nghi Tàm, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội, chợ hoa ở Quảng An từ lâu đã được biết đến là chợ hoa lớn nhất, cung cấp hoa tươi cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đây không chỉ là một nơi kinh doanh mà còn là một nét văn hóa của người Hà Nội. Bạn sẽ thấy rất nhiều loại hoa đến từ mọi miền trên đất nước Việt Nam.
Ghé đầm sen, vườn hoa quanh hồ Tây hoặc dừng lại dạo chơi trên đồng cỏ xanh cạnh phủ Tây Hồ chụp ảnh, xem thả diều, dắt chó đi dạo… Công viên bách thảo xanh nhất Hà Nội hoặc lăng Bác, cầu Long Biên cũng là những địa điểm “rất gần” cho trải nghiệm đạp xe của bạn.
Kết thúc chuyến đi hoàn hảo nhất chính là dừng lại một quán nhỏ ven đường để nạp năng lượng. Ẩm thực hồ Tây chắc chắn không làm bạn thất vọng: bánh tôm, bún ốc, bánh giò Thụy Khuê, xôi Phú thượng, bánh rán, bò bía, kẹo kéo quanh chùa Trấn Vũ, kem hồ Tây… Hoặc thậm chí thưởng thức một ly bia lạnh trong khi những làn gió mát. Dọc theo vỉa hè ở Hồ Tây, bạn có thể dễ dàng chọn một quán cà phê để dừng lại. Nếu có thể, bạn hãy ngồi trong một quán cà phê ở đầu đường Thanh Niên để ngắm hoàng hôn trên hồ nhé; quán cà phê ở ngõ 5 Từ Hoa để tận mắt lưu giữ “sunset near Intercontinal hotel”.
Đạp xe ở hồ Tây, nhất định phải thử: Vối nóng, vối đá. Trà nóng, trà đá. Những chiếc ghế nhựa nhỏ xinh bày theo lan can hồ cùng thức uống dân dã là chỗ từng nhóm tụ lại, nhất là những ngày cuối tuần. Mỗi người một tâm trạng, đây là điểm hẹn cho những câu chuyện vui, những chia sẻ cuộc sống. Cũng có khi chỉ là ngồi cùng nhau, lặng hưởng làn gió mát rượi, chút dư vị còn sót lại của hồ Tây. Có thể coi đó là niềm vui, phần thưởng cho những người chăm chỉ dậy sớm, tập luyện. Có thể coi là hoạt động giải trí của những tâm hồn thường xuyên áp lực từ công việc, các mối quan hệ trong cuộc sống. Dù theo nghĩa nào, đạp xe ở Hà Nội và đặc biệt là ở hồ Tây cũng đều thú vị một cách rất riêng.
Mình cũng có ngồi trà đá vối nóng ở hồ Tây đấy nhưng mà lúc ấy bạn chụp mình hổng có đẹp nên lấy tạm ảnh lúc đang đạp xe mà bạn chụp nha. Sau hôm đạp xe ấy, mình nhận ra Dậy sớm thì buồn ngủ thật =)) Vừa đạp xe còn vừa nhắm mắt kia kìa.
Mình có đọc ở đâu đó, nói đến thú đạp xe hôm nay của người Hà Nội, lại nhớ tới quãng thời gian dăm chục năm về trước. Những năm 80 của thế kỷ XX, Hà Nội được mệnh danh là "Thành phố của xe đạp". Nay thì danh hiệu ấy là của Paris, Amsterdam, Brussels… mất rồi. Cuối tuần rảnh, mình lại đạp xe ở Hà Nội thôi….