Năm tôi lớp năm, mẹ tôi ôm đề, cho vay tiền đánh bạc, vỡ nợ, bỏ trốn. Bà đón tôi đi học, mua tặng tôi đôi bông tai vàng tây rồi biệt tăm. Tôi không muốn drama hóa nhưng hôm đó đúng là ngày nổi giông và cơn mưa mùa hè xối xả, hòa cả vào nước mắt nước mũi tèm nhem của con bé sợ hãi, đứng chờ mẹ đón cả tiếng đồng hồ. Mẹ tôi đi không liên lạc đến 2 năm sau, cô tôi tai nạn, mất, mẹ mới quay về. Việc mẹ tôi rời đi ảnh hưởng tôi nhiều thứ nhưng ảnh hưởng nhất vẫn là trải nghiệm thăm gặp với bố. Sự cô độc, tủi hờn của tôi lúc đó có lẽ là đỉnh điểm mà tôi đã trải qua. Mẹ đi, số lần thăm gặp bố cũng thưa dần, đồ ăn cho bố cũng gói gọn lại cá khô và ruốc. Cả nhà sống vào lương hưu của bà tôi, nào đâu dám xa xỉ. Mẹ đi, 2-3 tháng tôi mới được dì, được bác dẫn đi thăm bố. Có lần đi xe máy, có lần đi ô tô nhưng tuyệt nhiên không lần nào tôi háo hức như cũ. Tôi vẫn bị sai vặt đi mua Thăng Long nhưng không cần thay mẹ đi đăng ký qua trưa hay qua đêm nữa. Dì tôi, bác tôi đều bận, sắp xếp được thăm bố một buổi là tốt lắm rồi.
Mẹ đi, nhà tôi cũng đìu hiu hơn. Tôi chỉ biết học, lâu lâu ngó xuống gầm giường xem có cái xác nào của mẹ xuất hiện, lâu lâu bấm máy bàn vào số mẹ với hi vọng nghe tiếng mẹ đáp lại. Hồi đó, học ở huyện, đâu biết gì tiếng Anh, thế mà gọi mẹ nhiều quá, tôi thuộc luôn câu: "The number you have dialed is not available, please try again later. Tút tút tút." Nhưng hồi mẹ đi, nhà tôi đã có điện thoại, tôi có thể kết nối với bố qua điện thoại bàn trại giam, mỗi lần 15 phút. Thế cũng tiện.
Mẹ đi, mỗi lần thăm bố, nhà tôi đều ca bài ca dạy dỗ, dạy đời, than trách, tôi chẳng biết làm gì ngoài ôm bố khóc rồi lại chạy đi chơi. Trong nhà thăm gặp có một phòng nhỏ xíu ở gần vườn - là nơi ở của một phạm nhân đặc biệt. Tôi đã gặp 2 chủ nhân của phòng nhỏ đó. Một chú án chung thân, một chú vẫn là án chung thân. Đúng vậy, phòng nhỏ đó dành cho tù nhân chung thân ở lâu, cải tạo tốt hoặc có tiền, có quyền được gần hơn với thế giới loài người. Các chú ở đó nhiệm vụ chính là đẩy xe lương thực từ căng tin vào phòng giam, quét dọn sân, phòng ốc và làm các việc lặt vặt khác. Chú đầu tiên nuôi 1 cặp thỏ trắng xinh xắn và thích nghe đài. Chú thứ 2 thì luôn cho tôi bánh chocopie và dạy tôi tiếng Anh (đến giờ vẫn không nhớ vì sao tôi lại học tiếng Anh cùng chú). 
Có một lần, hết giờ thăm gặp, bố về phòng nhưng nhớ quá, tôi cứ mon men đi theo phía sau, vào tận sâu khuôn viên rộng rãi, nhiều cây cối, qua phòng giặt thì bị phát hiện. Chú cán bộ thấy tôi và quát đuổi ra ngoài. Bố tôi vừa thương vừa buồn cười cho con gái rượu mà xuề xòa: Thôi, cháu còn nhỏ, nhờ ông dẫn cháu ra ngoài hộ ạ. Trại khác thế nào không biết chứ trại bố tôi, cứ là phạm sẽ xưng cháu, gọi ông với cán bộ. Một dạ, hai vâng cun cút dù cán bộ tuổi đáng bậc con của mình.
Mẹ đi, những năm sau bố tôi tuy vẫn cải tạo tốt nhưng phá cũng không ít. Bố ở trong nhưng chuyện gì ở ngoài cũng biết. Duy có chuyện con gái đến tuổi dậy thì, phải mặc áo ngực, phải dùng băng vệ sinh, thì bố tôi chẳng hay. Có lần thấy tôi mặc áo ngực thắt dây ở cổ, bố tôi đã òa lên mà khóc: Trời ơi, tau đi lâu a ri rồi à, con đít bông của tau hấn lớn rồi đây nầy.
Sau này tôi biết, cùng trại bố tôi là chú K và vài chú khác, cũng ra tù vào tội. Chú K như trùm mafia, như con nhà tù, đi mấy chục năm mà về xây nhà, mua xe, ai không biết cứ tưởng chú đi xuất khẩu lao động. Bố kể, ngoài xã hội thế nào thì trong tù cũng vậy, chỉ là nền kinh tế lạm phát hơi căng mà thôi. Chú K giỏi nắm bắt cơ hội, kinh doanh được, thu được tiền từ những phạm vẫn hay cuộn những tờ pô-li-me nhét hậu môn. Chú còn chân trong, chân ngoài, mở rộng mạng lưới theo cách này, cách nọ rồi phất lên. Đầu tiên là tự nuôi thân không cần gia đình thăm gặp, sau đó là nuôi lại gia đình. 
Chú K và các chú khác ra tù rồi lại vào tù, đem tin đồn mẹ tôi bỏ trốn cùng người đàn ông khác rỉ lại bố tôi. Hoặc theo cách nào đó, bố tôi biết được. Bố uất hận, hay gây sự với người khác, đập phá tận 2 cái ti vi, lén mua rượu và cả thứ gì đó để dùng giải hận.
Trong trại không được dùng tiền, đồ nhọn, sắc, đồ tạo lửa,... nhưng bố tôi luôn có cách để dùng được. Đồ nhọn sắc có thể mài, đồ tạo lửa cũng vậy. Bố tôi thậm chí còn hâm nóng đồ ăn bằng cách đốt bao ni-lông nhặt được lúc đi làm cơ mà. Bộ bí kíp sinh tồn nhà tù của bố tôi, phải nói không phải là dạng vừa đâu.
Trong tù thời đó, anh em thích nhất là cày phim truyền hình kiếm hiệp, đọc Kim Dung. Gần đây, tôi còn có dịp đi mua hộ anh một đứa bạn - án tử hình vài bộ tiểu thuyết Tiếu Ngạo, Ỷ Thiên,... Mua rồi mới biết, có cả một đường dây sưu tầm sách cũ, đem cho anh em phạm dùng dần. Người bán hàng thấy tôi đọc tên sách là nhận ra ngày mua cho ai. Anh không dùng tài khoản ngân hàng nhưng thuộc rất rõ các đầu mối chuyển sách ở mọi trại giam Nam Bắc. Anh bảo: Cứ đọc hết chừng này là đến ngày xử. Xử rồi truyện lại được chuyển qua đây. Tôi lại phục vụ các anh em khác.
Những năm tháng đó, nhà tôi, qua một chú cán bộ quen luôn nhận được tin không hay về bố nhưng thật may, những năm cuối nên chuyện cũng trôi nhanh. 
Năm tôi học lớp 10, đỗ chuyên của tỉnh thì cắp sách xuống thành phố học. Bố tôi mãn hạn ngay sau đó một năm. Từ thành phố xuống trại thì xa nhưng sau khi mãn hạn bố tôi phải ở tại một trại phục hồi nhân phẩm cỡ một tháng. May mắn là khu đó gần thành phố nên bác đưa tôi đi thăm. So với nhà giam thì nơi đó xập xệ và bé hơn hẳn. Tôi không có nhiều ký ức lắm. Phần càng lớn càng xa cách bố, càng ngại ngùng. Phần vì tôi cũng chỉ xuống gặp đưa bố ít kẹo lạc, keo cu đơ rồi đi ngay trong buổi sáng. Trong những năm bố đi tù, tôi nhớ nhiều hơn về 2 lần bố ốm nặng. Bố tôi bị hỏng phổi nặng nề, lại nhiễm HIV nên sức khỏe rất yếu. Bố phải đến khu phạm nhân tại một bệnh viện địa phương điều trị. Đợt đó, mẹ vẫn ở nhà. Mẹ chăm bố tận tụy, cơm nước đầy đủ, chỉ cầu cho bố chóng vượt qua. Thầy bói bảo bố tôi không qua khỏi nhưng rồi bố cũng lành bệnh và về trại giam. Cùng phòng với bố tôi là một ông lão 70 tuổi, con cái quá xa để có thể chăm bệnh. Ông bị tai biến, chậm chạp, hay cáu gắt nhưng rất đáng thương. Ông luôn khóc, kêu trời vào mỗi tối. Điểm chung của ông và bố tôi ngoài là phạm nhân còn là sự căm ghét với công an. Những lúc tôi kể ước mơ muốn mặc quân phục, bố tôi và ông đều bảo tôi mơ mộng và làm nghề gì không làm lại chọn làm cái nghề thiên hạ chửi. 
Học kỳ 1 lớp 11, bố tôi mãn hạn tù, được phát tiền để đi xe về nhà. Lần đầu học cách đội mũ bảo hiểm đi xe máy, lần đầu học dùng cục gạch nokia, lần đầu học dùng smartphone, lần đầu bán đất để trải nghiệm cần, cỏ, ke, đá - những thứ cao cấp hơn thời bố còn có CMND rất nhiều. Bố có rất nhiều lần đầu nhưng không thể lần đầu hào hứng gọi: Con gái yêu ơi, bố về rồi nữa. Tôi đã xa nhà, xa bố, xa cả những ký ức gắn liền với nhà tù, xa cả buổi sáng Chủ nhật, lần đầu làm quen lại bố hôm đó quá nhiều rồi.
Cách đây mấy năm, mỗi lần nhắc đến 2 từ "đi tù" tôi đều thấy mặc cảm và hết sức khó chịu. Cái cảm giác vừa tủi nhục, vừa oan ức, vừa đau đớn giống như lúc phi tần trong sạch nhất bị giá họa tội thông dâm bonus cảm giác bị dịch hạch nên hoàng đế đày vào lãnh cung, vĩnh viễn không được nhìn thấy ánh sáng.
Lúc đó, suy nghĩ duy nhất trong đầu tôi: Mình chẳng làm gì sai cũng không mắc bệnh lây nhiễm gì. Tại sao mình phải chịu đựng những điều đó?
Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi đã bình an mỗi lúc nghĩ về tuổi thơ gắn chặt với nhà tù lẫn trại giam phục hồi nhân phẩm, tôi như được thôi thúc để kể về đời sống nhà tù mà tôi được chứng kiến. Tôi không biết tôi làm điều này thực sự vì lý do gì nhưng tôi nghĩ: có thể ai đó sẽ cảm thấy được đồng cảm, có thể ai đó sẽ hiểu biết hơn, có thể ai đó sẽ có cảm hứng hơn cho một cuốn sách hay podcast nào đó. Và thay vì những hình ảnh, thông tin trên mạng, có lẽ tôi nên kể chuyện - câu chuyện mà tôi đã mang suốt những năm tháng cũ.