Dưới đây là một bức thư được viết bởi Hunter S. Thompson đến người bạn thân của mình Hume vào 22-4-1958

22/4/1958
57 Perry Street
New York City

Hume thân mến,
Ông có xin lời khuyên của tôi: ah, đó quả là một điều rất con người nhưng cũng nguy hiểm làm sao! Việc một người đưa ra lời khuyên cho một người khác, về việc anh ta nên làm gì với cuộc sống của mình, ngụ ý cho một cái gì đó rất gần với sự vị kỷ . Việc giả sử để rồi định hướng cho một người đi đến một con đường đúng, một mục tiêu lớn lao - việc chỉ ra hướng đi đến một con đường ĐÚNG ĐẮN là điều mà chỉ những thằng đần mới đi làm.
Tôi thì không đần đến vậy . Tôi tôn trọng sự chân thành của ông. Có điều tôi mong ông hiểu rằng,mọi lời khuyên chỉ là một sản phẩm của người tạo ra nó. Điều có thể đúng với người này lại có thể sai với người kia. Tôi thì không thể nhìn đời theo cách của ông và ông cũng không thể nhìn đời bằng con mắt của tôi. Nếu mà tôi cứ cố đưa ra những lời khuyên cụ thể, nó sẽ giống như một gã mù dẫn đường cho một gã mù khác vậy.
“To be, or not to be: that is the question: Whether ’tis nobler in the mind to suffer the slings and arrows of outrageous fortune, or to take arms against a sea of troubles … ”
(Shakespeare)
Thế đó, đó chính là câu hỏi lớn: hoặc là trôi nổi theo những con sóng, hoặc là bơi tới mục tiêu. Đó là sự lựa chọn có chủ đích hoặc không có chủ đích của bản thân tại một thời điểm nào đó trong đời. Rất ít người hiểu điều này! Cứ nghĩ về những quyết định mà ông đã từng đưa ra, những quyết định mà liên quan đến tương lai của ông: Tôi thì có thể hiểu không đúng gì đó, nhưng tôi không cho rằng sẽ có bất cứ sự lựa chọn nào khác ngoài: tự đưa ra quyết định dù là gián tiếp, giữa 2 điều mà tôi vừa nêu: Trôi nổi hoặc là Bơi .
Vậy thì sao ta không "trôi nổi" nếu ta không có mục tiêu? Đó lại là một câu hỏi hay. Rõ ràng thì trôi nổi vẫn thích thú hơn so với việc bơi. Vậy làm thế nào để ta có được một mục tiêu? Không phải một lâu đài trên các vì sao, mà là một thứ thực tế và hữu hình. Làm sao để ta dám chắc là ta đang không theo đuổi "một ngọn núi kẹo lớn" (Giấc mộng Nam Kha), những mục tiêu kẹo đường hấp dẫn với một chút hương vị và không chút thực chất ?
Câu trả lời là — và theo một cách nào đó, đó là bi kịch của cuộc đời — ta đang tìm cách hiểu về cái mục tiêu đó chứ không phải về con người. Chúng ta đặt ra một mục đích, mục đích đó sẽ cần chúng ta làm một số việc cụ thể và chùng ta thực hiện nó. Chúng ta điều chỉnh bản thân theo những yêu cầu của 1 ý đồ đã KHÔNG còn giá trị. Khi chúng ta trẻ, giả dụ là ông từng muốn làm nhân viên chữa cháy đi. Tôi thấy ổn khi nói rằng hiện giờ ông sẽ hoàn toàn không muốn là một nhân viên chữa cháy nữa. Vì sao ư ? Bởi vì lăng kính nhìn đời của ông khác rồi. Vấn đề là không phải cái nghề làm nhân viên cứu hỏa đã thay đổi mà ông đã thay đổi. Mọi thằng đàn ông đều là tổng hợp của cách hắn phản ứng với kinh nghiệm. Khi mà ông có càng nhiều kinh nghiệm đặc thù, thì ông càng trở thành một người khác hẳn, đừng nói chỉ riêng mỗi cái cách nhìn đời. Chuyện này sẽ tiếp diễn vĩnh viễn. Mọi cách phản ứng đều là một quá trình học tập, những kinh nghiệm đặc biệt đó sẽ ảnh hưởng đến lăng kính của ông.
Vì thế  chẳng phải sẽ thật ngốc nghếch, nếu chúng ta điều chỉnh cho đời mình theo yêu cầu của những mục tiêu mà chúng ta sẽ nhìn theo các góc độ khác nhau mỗi ngày? Như thế thì làm sao mà ta có thể hi vọng đạt được bất cứ điều gì ngoại trừ chứng loạn thần kinh?
Theo đó, câu trả lời cho câu hỏi lớn đó ,hẳn là phải không có liên quan đến cái mục tiêu chút nào, hoặc ít nhất là không liên quan đến các mục tiêu hữu hình. Để có thể viết đầy đủ về vấn đề này, khéo tôi phải viết cả một luận văn mất. Chúa mới biết được có bao nhiêu cuốn sách được viết về "Ý nghĩa sống của con người" và các thứ đại loại như vậy, cũng như chúa mới biết bao nhiêu người đã suy tư về đề tài này. Sẽ rất khó để diễn tả bằng lời cho ông, vì tôi phải thừa nhận là tôi hoàn toàn không đủ tư cách để rút gọn ý nghĩa cuộc sống cho ông trong 1 hoặc 2 đoạn văn . 
Do đó, tôi sẽ né xa cái đám “Chủ nghĩa hiện sinh,” nhưng ông cũng có thể lưu ý đám từ vừa rồi để làm từ khóa. Ông cũng có thể tìm xem thử “Being and Nothingness” của Jean-Paul Sartre,và cả “Existentialism: From Dostoyevsky to Sartre.” Đấy là gợi ý của tôi. Nếu ông đang thỏa mãn với bản thân ông và những điều ông đang làm, vậy thì tránh xa đám sách tôi vừa nhắc. Như tôi đã nói, đặt niềm tin vào những mục tiêu hữu hình, sẽ là ( theo ý tôi) là không khôn ngoan. Bởi vì chúng ta không cố gắng để trở thành nhân viên cứu hỏa, chúng ta không cố gắng để làm nhân viên ngân hàng hay cảnh sát hay bác sĩ . CHÚNG TA CHỈ ĐANG CỐ GẮNG ĐỂ ĐƯỢC LÀ BẢN THÂN.
Đừng hiểu nhầm ý tôi. Tôi không có ý nói, ta không thể trở thành nhân viên cứu hỏa, nhân viên ngân hàng hay bác sĩ  — Ý tôi là ta phải khiến mục tiêu phục vụ cho tính đặc thù cá nhân, chứ không phải khiến tính đặc thù cá nhân phục vụ cho mục tiêu. Ở mỗi người, tính di truyền và môi trường đã kết hợp để tạo ra một sinh vật với những khả năng và tham vọng riêng biệt — Thêm cả nhu cầu thâm căn cố đế để đời mình hoạt động một cách CÓ Ý NGHĨA. Một thằng đàn ông thì phải đạt được một điều gì đó trong đời.
Như tôi thấy thì, công thức chung cho dạng ở trên như thế này: Một thằng đàn ông phải chọn một con đường mà NĂNG LỰC của mình được hoạt động với hiệu quả cao nhất để có thể thỏa mãn THAM VỌNG của mình. Trong quá trình này, hắn đang thỏa mãn một nhu cầu (thể hiện bản thân bằng cách sống trong một hệ thống hướng đến mục tiêu), hắn sẽ phải tìm cách không làm kiệt quệ tiềm năng của mình (nhờ lựa chọn một con đường mà không hề giới hạn sự tự phát triển của bản thân), hắn sẽ phải né tránh sự thật tàn khốc của việc tận mắt nhìn thấy mục tiêu của mình sụp đổ hoặc bản thân mất dần hứng thú khi hắn càng ngày càng tiến đến gần nó. (thay vì thay đổi bản thân để đặt được điều mình kiếm tìm, hắn thay đổi mục tiêu để hợp với năng lực bản thân và tham vọng).
Ngắn gọn thì hắn đã không còn dành cả đời mình để đạt được cái mục tiêu đã được xác định, mà hắn đã chọn một cách sống mà hắn BIẾT là hắn sẽ yêu thích. Mục tiêu là thứ yếu: Chính cái cách hướng tới mục tiêu mới là quan trọng. Hơi thiểu khi phải nói rằng, một người thì PHẢI sống theo cách mà bản thân tự lựa chọn; bởi lẽ để một người khác vạch ra mục tiêu cho mình chính là ta đã từ bỏ một khía cạnh ý nghĩa nhất của cuộc sống - Đó chính hành động theo mong muốn, theo ý chí và chính hành động này khiến một người trở nên độc đáo và đặc thù.
Lại giả sử là ông nghĩ ông phải lựa chọn giữa 8 con đường( tất nhiên là tất cả các con đường đều đã được định trước). Và giả sử là ông không thấy ý nghĩa gì ở cả 8 con đường. VẬY THÌ — Đây chính là điều cốt lõi mà tôi muốn nói — Ông PHẢI TÌM ĐƯỢC CON ĐƯỜNG THỨ 9.
Tất nhiên là nói thì dễ hơn làm. Ông đã sống một cuộc đời tương đối nghèo nàn, một cuộc sống thiên về dàn trải hơn là chiều sâu. Theo đó không khó để hiểu được cảm nhận của ông bây giờ. Thế nhưng một thằng đàn ông mà cứ trì hoãn việc LỰA CHỌN sẽ không thể tránh bị dòng đời lựa chọn hộ.
Vì thế nếu ông coi mình thuộc nhóm người vô tâm, thì ông không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận mọi thứ như nó vốn có, hoặc nghiêm túc tìm kiếm một điều gì khác. Cơ mà hãy cẩn thận khi tìm kiếm các mục tiêu: hãy tìm cho mình một lối sống trước (= Way of life = đạo ). Lựa chọn xem ông muốn sống như thế nào và rồi tìm hiểu cách có thể nuôi sống bản thân BẰNG lối sống đó. Ông chắc là sẽ lo, không biết mình đang tìm kiếm điều gì hay tìm điều đó ở đâu .
Chưa kể các vấn đề nan giải. Liệu có đáng để từ bỏ những gì ông đang có để tìm kiếm một điều tốt hơn? Tôi cũng không dám chắc - Ông thấy đáng không ? Chẳng ai có thể quyết định thay cho ông. Nhưng kể cả khi ông QUYẾT ĐỊNH ĐI TÌM KIẾM một điều tốt hơn, ông vẫn còn một quãng đường dài đến khi thực sự lựa chọn.
Tốt hơn là tôi nên dừng ở đây, viết tiếp chắc thành sách mất.Tôi hi vọng là nó không phức tạp như lúc ban đầu.Hãy nhớ là, Đây là CÁCH TÔI NHÌN đời. Tôi thì thấy nó ổn với nhận thức của đa số, nhưng có lẽ ông sẽ thấy khác. Mỗi người sẽ có những con đường riêng— Điều tôi viết có khi chỉ áp dụng cho tôi mà thôi.
Nếu có đoạn nào có vẻ vô nghĩa, thì xin hãy nhắc nhở tôi với. Tôi không hề có ý gửi cho ông một con đường dẫn đến Valhalla, mà đơn giản chỉ là chỉ ra rằng ta không nhất thiết phải chấp nhận những lựa chọn mà đời đưa đến cho ta. Chỉ thế thôi - Không ai PHẢI làm công việc mà anh ta không muốn đến hết đời. Nhưng nói đi thì phải nói lại, nếu ông lỡ dính phải công việc kiểu đó ,thì bất kể thế nào, hãy thuyết phục bản thân, đây là điều ông PHẢI làm. Nhờ đó ông sẽ luôn có đồng bạn.
Tạm thế đã. Gặp sau,
Bạn ông,
Hunter