Classic Review – Amélie (2001) | Jordan and Eddie (The Movie Guys)
Amélie (2001)
Một cái nhìn thoáng qua về lịch sử điện ảnh thế giới, địa danh nào sẽ hiện lên trong bạn đầu tiên? Mà nếu hỏi ai đó rằng, nơi đâu mới là kinh đô điện ảnh thế giới, hẳn anh em nhà Lumière sẽ rất thất vọng nếu nghe ai đó thốt lên rằng: “Hollywood”. Thật vậy, cái nôi điện ảnh thế giới không nằm đâu xa ngoài nước Pháp, trái tim của châu Âu, một đất nước mà suốt chiều dài lịch sử, dẫu chiến tranh, người ta không tìm đâu ra những điều “thiếu đẹp”, thiếu cái chất trữ tình nửa triết lý “rất Pháp”. Chỉ có người Pháp mới đi đủ sâu, ngắm nhìn đủ nhiều, cảm đủ thấu để tạo nên nghệ thuật điện ảnh. 
Điện ảnh Pháp, đi từ chủ nghĩa Ấn tượng Pháp, sang tới Réalisme poétique (tạm dịch: Chủ nghĩa hiện thực thơ mộng), hay vượt lên cùng Làn sóng mới, đã tỏa thứ ánh sáng khác lạ của nó đi khắp năm châu bốn bể, để lại dấu ấn trên nền điện ảnh Hoa Kỳ hay nhiều nước châu Âu, hay ngay cả điện ảnh Việt thời kỳ hậu Đổi mới với tác phẩm “Mùi đu đủ xanh” (1993) (tiếng Pháp: L’odeur de La Papaya Verte). Dù có dấu hiệu hụt hơi sau sự vươn lên rực rỡ đầy ngỡ ngàng của Hollywood, máy quay Pháp vẫn quay, miệt mài không ngừng nghỉ, mà từ đó ta có Làn sóng mới Pháp những năm 1950 hay phong trào “cinéma du look” những năm 1980.

Đọc thêm:

25 năm rồi, nhưng
Mùi đu đủ xanh (1993)
Điện ảnh Pháp cuối thế kỷ 20, bước vào thế kỷ 21 với một cảm quan mới, tầm nhìn mới nhưng cái hồn không hề thay đổi. Người ta hay nói rằng phim do người Pháp làm ra, chỉ người Pháp mới hiểu. Thật thế, điện ảnh Pháp chính là nghệ thuật, mà nghệ thuật cần được cảm nhận, cần được thấu hiểu, cần được suy xét trên nhiều góc độ, mà nghệ thuật thì không thể nào được đánh đồng với điện ảnh giải trí, kịch tính hay giật gân - những yếu tố đều “rất Hollywood”. Người Pháp làm phim không thực dụng như người Mỹ, thay vì thế thì họ lãng mạn, họ triết lý và họ chân thật, ấy là những đặc trưng mà người Pháp đưa vào điện ảnh của họ. Điện ảnh Pháp cảm nhận được dòng chảy của khán giả đang dần rời xa nó, nên cảm quan mới của nó là làm sao nó gần hơn được với khán giả, gần hơn được với những cuộc đời đã tạo nên nó và sẽ tán dương nó, nhưng nó không thể xa rời hơn được cái hồn chất Pháp mà nó được nuôi lớn lên, thấm đượm vào từng chất liệu, từng lời thoại và từng góc máy. Sự ra đời của “Au Revoir Les Enfants” cuối những năm 1980 là một bộ phim mà một lần nữa, thông điệp mà nó đưa ra không hơn gì các tác phẩm phê phán nạn diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã, ca ngợi tình người đã được ra mắt trước đó, song cái chất Pháp thì không lẫn đi đâu được: Từng hành động nhỏ, từng câu thoại, từng biểu hiện rất thơ, rất thực, rất lạ, đi sâu vào trong tâm trí người xem, nhẹ nhàng không vội vã, rồi bất chợt khiến người ta òa khóc những giọt nước mắt xót thương tự nhiên vô cùng. 

Đọc thêm:

Divers Au revoir les enfants En français Video En français
Au Revoir Les Enfants (1987)
Điện ảnh Pháp thời kỳ này có thể được gọi với cái tên là “Đương đại Pháp” (tiếng Anh: Contemporary), vì nó là tổng hòa những tinh túy cốt lõi của hàng thế kỷ phát triển của nền điện ảnh xứ sở tình yêu. Trong đó, người ta thấy được những gì còn sót lại của một thời Làn sóng mới, hay Chủ nghĩa hiện thực thơ mộng với sự mờ ảo nơi lằn ranh sân khấu và đời thường. Ngay ngưỡng cửa thế kỷ 21, màn ra mắt được reo hò đầy phấn khích của cả khán giả trong nước lẫn khán giả nước ngoài của “Amélie” đã đánh dấu một thời kỳ mới trong điện ảnh đương đại Pháp: người Pháp rõ ràng có đủ khả năng để đưa chất Pháp của mình đến gần hơn với khán giả đại chúng mà không làm mất đi cái hồn thơ bản chất của nó. Phim là một cái nhìn mới mẻ về “lòng nhân hậu”, sự cho đi và nhận lại từ con mắt của một cô gái có biệt tài vô tận trong việc cho đi ấy. Đúng vậy, đặc sắc về nội dung chính là một trong những điểm mấu chốt của nghệ thuật Pháp ngữ, song thành công của phim ở đất Mỹ có lẽ phải kể đến những hình ảnh cực kỳ tiêu biểu cho cuộc sống Pháp, cái mà người ta hay mường tượng tối giản nhất về lối sống Paris và cả nét hài hước rất đỗi ý nhị của người Pháp trong phim. Người Mỹ từ đó hiểu rằng, thì ra nước Pháp cũng có thể làm ra được một bộ phim hài tình cảm rất Mỹ nhưng cái hồn thì vẫn đủ Pháp. 
Điện ảnh Pháp vẫn đang trên những bước đi tiếp theo của nó, còn những người trân quý nghệ thuật điện ảnh vẫn sẽ xem, vẫn sẽ âm thầm cảm nhận, vẫn sẽ lan tỏa sự thích thú ấy rộng ra hơn. Nghệ thuật điện ảnh không bao giờ chết, chừng nào còn có những người như chúng ta, già hay trẻ, hiểu biết về nghệ thuật ít hay nhiều, còn quan tâm đến bộ môn nghệ thuật thứ bảy mà nơi khai sinh ra nó, nuôi dưỡng tâm hồn nó không đâu chính là nước Pháp. 
Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả và không hàm ý phủ nhận các nền điện ảnh khác.