Ghi chép ngắn về 1 chuyến đi rừng
Suốt một tuần lễ di chuyển liên tục vì công việc, có 1 buổi sáng tôi được đi dạo vào rừng Phước Bửu, tuy cũng là "công việc" nhưng với tâm thế thong thả hơn. Tôi đã được nhiều hơn là tôi nghĩ.
Đi rừng.
Chặng đường đi của tôi khá ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn 1.5km cả đi lẫn về, lúc đi có chị kiểm lâm đi theo để thuyết minh tại vài điểm ấn tượng, như cây Sơn ta cho loại nhựa chuyên dùng trong ngành sơn mài, thủ công mỹ nghệ, cây Kơ-Nia 2 thế kỷ vẫn tiếp tục vươn cao, loài dây leo bòng bong hiện thân trong câu truyền miệng "rối như mớ bòng bong" thịnh hành ở miền Nam, một vài kiến thức về hệ sinh thái quan trọng sát gần thành phố khiến những con dân văn phòng chúi mặt vào màn hình phải ngẩn ngơ ồ à thú vị.
Bòng bong là một họ của dương xỉ, chúng cứ mọc tràn lan, xâm thực lên những cây tràm giấy đã bỏ cuộc trước sự thay đổi của môi trường sống.
Bòng bong là một họ của dương xỉ, chúng cứ mọc tràn lan, xâm thực lên những cây tràm giấy đã bỏ cuộc trước sự thay đổi của môi trường sống.
Tìm mình.
Để thêm phần phức tạp cho công tác tổ chức của chính tôi và (hy vọng) mang thêm trải nghiệm cho đoàn đi rừng nho nhỏ, tôi đề xuất mọi người ngồi đất và nhờ 1 chị có kinh nghiệm dẫn thiền, hướng dẫn mọi người thiền trong 10 phút, như một kiểu "tắm rừng" thịnh hành gần đây, cứ nghĩ là một hoạt động mới để mọi người khám phá, nhưng hoá ra chính bản thân lại là người "tận hưởng" nhiều nhất, giọng chị dẫn đều đều, êm êm, chừng 1 phút tôi đã được chìm vào sự tĩnh lặng của rừng, và nhiều phút sau đó, tôi tưởng như mình đã hoà vào khung cảnh xung quanh. Khi đó, tôi cảm nhận rõ ràng hơi nóng của ánh nắng buổi sáng ở bên tay phải cùng lúc với sự mơn trớn của làn gió thoảng qua bên tay trái, tôi nghe thấy tiếng tim mình cùng nhịp với hơi thở đều đều, trong đầu gợn lên vài suy nghĩ mông lung nhưng như chị hướng dẫn có bảo "biết nó đến nhưng không níu lấy nó", và nó sẽ đi. Và khi kết thúc, tôi mở mắt ra, thay vì nhìn người hay nhìn trời, tôi nhìn xuống đất - bất giác tôi như trở lại thành 1 đứa trẻ lớp 9 ngày nào ngồi ở ban công và nghiền ngẫm những bài báo, cuốn sách về nhạc Trịnh - thời đó (à mà giờ cũng vậy) điều gì tôi không hiểu thì sẽ cố tìm đọc để hiểu cho bằng được - tôi nhớ về một câu của bác nói và tôi luôn thích
"Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm"
Trời đất thì có lẽ tôi nhìn mỗi ngày, nhưng đường kiến đi, có lẽ hôm đó, tôi mới lại cúi nhìn thật chậm, thật chăm chú, chánh niệm quan sát đường bọn nó đi, tôi không học đường sự nhẫn nhục lúc đó, nhưng tôi rơi nước mắt vì hoá ra sau ngần ấy năm, tôi không đi đâu xa cả, tôi chỉ đang tìm về cội nguồn của tâm hồn mình, tôi chỉ đang cất bước đi trên hành trình mà con bé khi xưa lờ mờ chưa thấy rõ, buổi sáng hôm ấy, trong vạt rừng thưa đầy những chùm dây leo mọc dại, tôi gửi thầm lời cám ơn cho chính tôi của ngày xưa cũ, ngày mà nhìn đâu cũng thấy sự lớn lao của nỗi buồn và thâm sâu của sự cô đơn, ngày mà câu hỏi - rồi mình sẽ ra sao trong cuộc đời đơn độc này luôn luôn áng ngự trong tâm trí, để tôi có thể là tôi của ngày hôm nay, thấy mình được bảo vệ, thấy mình cô đơn nhưng không khổ sổ, thấy mình yếu đuối nhưng không cần cứu giúp, và dưới sự ban ơn hào phóng của cánh rừng, tôi thấy mình hạnh phúc.
Nơi đây 60 năm trước vốn là vùng ngập mặn, nhưng sau đó vì tác động của con người, và cả tự nhiên, nước rút hết, trảng rừng tràm giấy trơ trọi vẫn đang tìm cách thích nghi với điều kiện sống mới. Ừ, chúng nó vẫn đang chiến đấu cho sự sinh tồn của chính mình. Như ta, mỗi ngày.
Nơi đây 60 năm trước vốn là vùng ngập mặn, nhưng sau đó vì tác động của con người, và cả tự nhiên, nước rút hết, trảng rừng tràm giấy trơ trọi vẫn đang tìm cách thích nghi với điều kiện sống mới. Ừ, chúng nó vẫn đang chiến đấu cho sự sinh tồn của chính mình. Như ta, mỗi ngày.
Đi rừng
Thỉnh thoảng ở thành phố, tôi vẫn hay đứng yên và đặt tay lên những thân cây, chỉ vậy thôi, tôi luôn tự hỏi, nó đã trải qua những gì. Ở rừng, tôi rón rén chạm vào những thân cây tính bằng thế kỷ, đứng dưới tán cây Kơ-nia 200 tuổi, tôi dâng lên một niềm xúc động không-gọi-tên, sau đó tôi ôm lấy cây bằng cả tấm thân mình, tôi thấy những niềm riêng, nỗi buồn, trăn trở của mình bỗng chốc trở thành bé mọn trước một sinh vật đã sống sót qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt, qua biết bao cơn bão lũ, qua bao bể dâu đổi dời của đời người, phút chốc, "timeline" cuộc đời của mình thu gọn lại như một chấm nhỏ bé tí hin trước dòng đời của cây cổ thụ, phút chốc, mọi thứ, bỗng hoá tầm thường, phút chốc, tôi biết mình đã khác đi.
Tìm mình
Về lại thành phố, tôi không kì vọng ở mình một chuyển biến lớn lao, "hoà quyện" với chiếc giường trọn 1 đêm nhưng vẫn chưa lại sức, khi tôi mở mắt, nhìn thấy nắng hắt vào cửa sổ, bỗng chốc tôi nghĩ, à, mình vẫn sống, nhưng có lẽ, tốt hơn ngày hôm qua, và bức canvas sống động từ màu nâu mục ruỗng của những chiếc lá héo khô chồng lên màu xám của lớp lá trước đó đã thành tro bụi váng vất hiện lên đâu đó.
Sự sống, lại bắt đầu từ những điều đã chết.
Hình tôi chụp
Hình tôi chụp