“Đi làm thêm - Một “tín ngưỡng” mới của thời đại!”
Việc đi làm thêm luôn mang lại cho các bạn sinh viên vô số cơ hội được trải nghiệm, học hỏi và phát triển bản thân theo nhiều hướng khác nhau. Nhưng điều này cũng vô tình khiến sinh viên hiện nay dần trở thành một "tín đồ" của công việc làm thêm.
Ngay từ khi còn bé, hầu hết chúng đều có cho riêng mình những mơ ước và cả lối sống mà bản thân sẽ hướng đến trong tương lai. Cứ như vậy. bánh xe cuộc sống của mỗi người sẽ được vận hành theo những lối tư duy, lý tưởng và vô số nguyên tắc khác nhau trong quá trình trưởng thành và phá triển. Vì thế mà cách nhìn nhận các vấn đề hiện hữu trong cuộc sống của ta cũng không giống nhau.
Với nhiều người, được làm sinh viên có lẽ là quãng thời gian vui tươi, thú vị và cảm xúc nhất mà họ từng trải qua. Đó là một môi trường hoàn toàn khác xa so với 12 năm mang danh phận học sinh. Khi trờ thành sinh viên, họ được tiếp nhận một bước đột phá lớn về mặt kiến thức và những trải nghiệm của bản thân. Một cơ hội tốt để mở rộng các mối quan hệ cũng như tham gia vào vô số các hoạt động lí thú khác. Nhưng hơn hết, không thể không nhắc tới một trong những vấn đề được nhiều sinh viên quan tâm nhất trong những năm gần đây, ĐI LÀM THÊM.
Trước tiên, mình sẽ không đề cập tới điều kiện, hoàn cảnh sống của mỗi cá nhân mà chỉ tập trung vào cách họ nhìn nhận về việc đi làm thêm.
Khi ai đó nhắc tới việc làm thêm, ít nhiều sinh viên sẽ nghĩ ngay đến các công việc như phục vụ hàng quán, gia sư dạy kèm, giao hàng, trợ giảng và nổi bật nhất hiện nay có lẽ là bán hàng hoặc kinh doanh online. Trước kia, đối với sinh viên mà nói thì việc đi làm thêm hầu như chỉ đơn thuần đóng vai trò trợ giúp về mặt kinh tế nhưng với sự phát triển chóng mặt của một xã hội đầy biến động, việc đi làm thêm còn giúp sinh viên có thêm nhiều kinh nghiệm cho những công việc trong tương lai. Điều này cũng dần trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với quá trình tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp hiện nay. Và thế là sinh viên đổ xô nhau đi tìm việc làm thêm.
Tuy nhiên, nếu dừng lại vài khoảnh khắc để quan sát vả cảm nhận kĩ hơn một chút, ta sẽ nhận ra rằng bản chất của việc đi làm thêm đang dần bị thần thánh hóa quá mức. Đúng vậy! Động cơ để chúng ta đi làm thêm KHÔNG CÒN CHỦ YẾU để phụ giúp kinh tế gia đình, có thêm kinh nghiệm hoặc đơn giản là để trải nghiệm,… mà nó đã trở thành thước đo trong một chừng mực nào đó để ta đánh giá về tính cách, tư duy, hoàn cảnh sống hay thậm chí là cả tương lai của một cá nhân.
“Sinh viên mà không đi làm thêm?!”, “Đi làm thêm sẽ tăng khả năng có được công việc tốt hơn trong tương lai!” hoặc “Chỉ đi làm thêm thôi mà còn không thể thì chẳng biết sau này anh/cô ta sẽ làm được chuyện gì?!”… - Đây là vài nhận định cực kì phổ biến, thường xuyên xuất hiện trong những cuộc trò chuyện và thảo luận của các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên. Không sai khi nói đi làm thêm sẽ đem lại cho ta khá nhiều thứ nhưng không tới mức có thể quyết định được cả thân phận sau này của mỗi người như nhiều bạn vẫn đang tin vào. Hãy thử ngẫm lại xem, có bao nhiêu cá nhân có thể cân bằng giữa việc đi làm thêm và học vấn của mình khi còn là sinh viên? Trong thời điểm hiện nay, nếu ta tìm đến những sinh viên đang đi làm thêm và hỏi về các kiến thức mà họ được tiếp nhận trên giảng đường thì hầu hết sẽ trả lời rất mơ hồ, thậm chí là không biết gì. Đặc biệt là những “lão tướng” làm thêm, kinh nghiệm đầy mình, vỗ ngực tự hào về “ thành tích chinh chiến” lâu năm ở các quán cà phê, trà sữa, quán cơm,… nhưng hiện tại họ lại đang nợ không ít môn trong quá trình học tập và rèn luyện để có được tấm bằng tốt nghiệp, vốn là mục tiêu hàng đầu của họ. Đúng nghĩa “đi làm để trả NỢ”.
Hãy đọc một vài đoạn đối thoại ngắn sau đây:
“Đi chơi không, mày?
“Thôi, tao bận ĐI LÀM rồi!”
“Sao cứ nghỉ học suốt thế?!”
“Dạo này bận ĐI LÀM.”
“Việc học dạo này sa sút lắm rồi đấy, có chuyện gì sao?”
“Không có nhiều thời gian lắm, chủ yếu là ĐI LÀM!”
Đối với các sinh viên hiện nay, hai chữ “ĐI LÀM” kia mang một sức nặng nhất định. Nó cỏ thể giúp bạn nhận được sự tôn trọng to lớn và trở nên trường thành hơn trong mắt người khác. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết sinh viên chỉ ĐI LÀM…THÊM nhưng các bạn coi đó như một “nhiệm vụ” quan trọng mà bản thân phải gánh vác trong khi thứ thật sự cần được quan tâm bởi họ nhất lại là những kiến thức trên giảng đường. Chắc chắn đến đây sẽ có nhiều bạn cho rằng: “Học giỏi không quan trọng, chủ yếu sau này kiếm được bao nhiêu tiền!”. Với cuộc sống hiện đại ngày nay, tiền đóng một vai trò rất quan trọng, hầu như mọi thứ đều liên quan đến tiền nhưng không vì thế mà ta có thể chủ quan trong việc nhìn nhận về nó.
Có người dành cả cuộc đời sinh viên để đi làm thêm với mức lương chỉ đủ “phục vụ” cho bản thân nhưng lại được nhiều người khen ngợi và tung hô, thậm chí bản thân họ cũng cảm thấy rất tự hào. Đến khi bạn bè cùng trang lứa đã lần lượt ra trường và có được một công việc ổn định, họ lại loay hoay với “đam mê” kiếm tiền từ việc làm thêm để trả nợ môn rồi mới có được tấm bằng mình cần. Kể cả khi những người này đã tốt nghiệp, chưa chắc họ sẽ tìm được một công việc tốt cho mình. Bởi hoặc họ bị “nghiện” công việc làm thêm, chỉ có thể lẩn quẩn xin việc ở mấy quán cà phê, trà sữa,… và coi đó là “nhà” của mình, nơi mình vốn thuộc về, hoặc họ phải “trả giá” cho sự mất cân bằng giữa việc học và đi làm thêm, nghĩa là kiến thức và trình độ chuyên môn của họ không đủ đáp ứng những tiêu chuẩn của các công ty, doanh nghiệp,… vì họ đã không dành nhiều thời gian cho chúng như đi làm thêm. Trong khi đó, những cá nhân bị chê bai, chỉ trích vì không chịu “vác xác” đi làm thêm lại được nhận vào một vị trí với mức lương cực kì cao trong một công ty lớn ngay lần đầu tiên ĐI LÀM. Đơn giản bởi họ đã dành hầu hết hết sự tập trung và thời gian cho những kiến thức nền quan trọng, họ nắm vững và áp dụng chúng một cách thuần thục khiến nhiều người phải bỏ tiền ra săn đón.
Nói đi cũng phải nói lại, ta cũng không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà việc đi làm thêm mang lại. Đó là cơ hội để bản thân mỗi người được tiếp xúc, trải nghiệm với một thực tế đầy khó lường. Một cơ sở cực kỳ tốt để ta xây dựng tương lai của mình với nhiều hứa hẹn và vững chắc hơn . Dù vậy, ta cũng không nên quá thần thánh hóa vấn đề đi làm thêm. Không nhất thiết phải vội vã kiếm việc làm thêm khi ta vẫn còn những thứ quan trọng hơn để tập trung vào và chúng có thể sẽ quyết định cả tương lai sau này của mỗi cá nhân. Hãy coi công việc làm thêm như một trải nghiệm, là hành trang nhẹ nhàng và đơn giản cho tương lai vì không ai có thể sống mãi với việc đi làm thêm.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất