Đi làm rap phim vui lắm
Hồi trước Phím nghĩ là xin làm thêm đòi hỏi nhiều thứ lắm. Muốn đi làm thêm thì phải có CV đẹp nè, phải là người giỏi giao tiếp, thân...
Hồi trước Phím nghĩ là xin làm thêm đòi hỏi nhiều thứ lắm. Muốn đi làm thêm thì phải có CV đẹp nè, phải là người giỏi giao tiếp, thân thiện hoà đồng, phải có đam mê với cái công việc làm thêm đấy. Nói chung là không khác gì đi xin việc sau tốt nghiệp.
Nhưng mà không phải vậy. Đúng là cũng có những công việc part time đòi hỏi nhiều, những công việc mà muốn làm thì phải có kiến thức mà chỉ có học thì mới làm được. Nói đâu xa chuyện viết lách của chúng mình muốn kiếm tiền thì cũng phải viết rất nhiều. Nhưng mà làm thêm thiệt ra không khó, ít nhất với việc làm part time trong rạp phim.
-----------------------------------
Đi xin việc
Ở rạp phim gần như lúc nào cũng thiếu người do phần lớn những bạn làm trong rạp phim vẫn là sinh viên chỉ làm khi có thời gian rảnh. Để dễ được nhận thì thời điểm tốt nhất để apply là vào các kì lễ lớn trong năm. Hoặc đơn giản chỉ cần thấy rạp phim đăng tin tuyển dụng là các bạn biết lúc đấy họ đang rất cần người. Vì cần người làm nên tiêu chí quan trọng nhất của rạp phim khi tuyển dụng đó chính là…"THỜI GIAN”.
Rạp phim không quan tâm lắm bạn học ngành gì, sở trường sở đoản, mà cái họ quan tâm đó chính là bạn có làm việc được không. Đừng lo lắng bản thân là một người ít nói, kiệm lời, ngại giao tiếp thì sẽ không được nhận vào làm rạp phim, chỉ cần bạn có thời gian (tức là làm việc được ngày lễ, tết, làm ca đêm,…) với một tinh thần chịu học hỏi là được. Bản thân Phím cũng là một người kiệm lời cộng thêm cái “khiếm khuyết” mà Phím rất sợ bị rớt phỏng vấn, nhưng mà Phím vẫn được nhận đấy thôi. Nhớ là đi phỏng vấn cần chuẩn bị một cái CV (bình thường thôi), một cây bút, hình 3x4, hộ khẩu, cmnd photo, rồi quần tây đen áo sơ mi trắng là quá ổn áp. Điều hay ho nhất khi đi làm rạp phim là nó hoàn toàn có thể giúp bạn thay đổi bản thân một cách nhanh chóng.
Môi trường làm việc phù hợp cho người mới
Ngày đầu tiên đi làm, Phím cũng rất ngại. Một đứa suốt ngày ngồi nhà với máy tính, ít tiếp xúc với người lạ, không thích những nơi đông người thì bản thân Phím chưa từng nghĩ rằng sẽ có một ngày mình đi làm ở rạp phim, đứng quầy bán vé cho người khác. Phím luôn bảo mình có một cái “khiếm khuyết” (một ngày nào đó mình sẽ nói về nó), làm cho Phím lúc nào cũng khổ sở trong chuyện giao tiếp với người khác thì khi đi làm rạp phim đã giúp mình vơi đi phần nào. Kể cả khi bạn vẫn không thích chuyện giao tiếp cũng không sao, luôn có công việc cần bạn. Nếu thích đếm tiền và nói chuyện với khách hàng, thì bạn đứng Box bán vé, thích nấu bắp, lau dọn, làm Con Run chạy việc, thích xem phim chùa, dẫn khách vào rạp và đi phạt mấy đứa hú hí thì làm Ursher soát vé là hợp.
Nhiều việc dễ làm, không nặng nhọc đủ để giúp ta cải thiện một vài kĩ năng giao tiếp cơ bản và cả sức khoẻ nữa (khi mà đi đi lại lại dẫn khách 7 tiếng đồng hồ). Làm rạp phim nhiều cái lơi lắm và điều mình thích nhất đó là vì mình xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình.
Một chốn của riêng mình
“Bạn là ai không quan trọng”. Câu này rất đúng với những trải nghiệm của mình khi đi làm rạp phim. Mình có một cái “khiếm khuyết” khác người. Vì nó mà mình bỏ ngang đại học, vì nó mà lần đi xin việc đầu tiên mình bị từ chối, và vì nó là nguồn cơn của hầu hết mọi sự đau khổ của mình trong cuộc đời. Mình đinh ninh rằng lần này cái “khiếm khuyết” cũng sẽ làm cho mình chật vật không ít.
Và đúng là như vậy, ngày đầu tiên đi làm mọi người nhìn mình với con mắt như thể đây là một người ngoài hành tinh lần đầu tiên giao tiếp với con người. Mình run rẩy, bủn rủn hết tay chân khi đứng đối diện khách hàng, phải động viên dữ lắm mình mới bán được vài vé. Mình buồn lắm chứ, bởi chẳng ai muốn là người kì quặc cả. Rồi mình qua ba ngày training, cũng làm đủ vị trí từ bán vé cho tới dẫn khách. Tất nhiên là mình làm không được tốt nhưng bù lại mình nhận ra là ở đây chẳng ai đánh giá mình cả. Họ có tò mò, họ có thắc mắc rằng tại sao mình bị như vậy, nhưng họ không hề đánh giá mà ngược lại còn giúp đỡ mình rất nhiều. Mình còn nhớ cảm giác an tâm khi anh training chung vỗ lưng mình khi mình quá run rẩy để bán, rồi mỗi khi mình không biết phải bán cho khách như nào thì luôn có người chạy vào giúp mình. Họ luôn ở đó nhiệt tình giúp đỡ mình khi mình đứng quầy chung (chắc là vì họ sợ mình bán sai phải bù tiền) và chắc là cũng không quá phiền khi có một cục tạ phải gánh.
Nhờ sự giúp đỡ của mọi người mà mình rồi cũng khá hơn, việc gì làm được trong khả năng thì mình làm. Dần dần mình cũng bán được vé, cũng giao tiếp cơ bản với khách hàng. Mình học được cách mở lời, bắt chuyện với những người làm chung với mình để hiểu họ hơn và được nghe những câu chuyện thú vị của họ. Nhưng quan trọng nhất, mình cảm thấy bản thân mình có giá trị, giúp được những người đến xem phim và những đồng nghiệp của mình chứ không còn mãi là cục tạ. Mình nhận ra rằng dù cho có cái “khiếm khuyết” ấy thì mình vẫn có thể làm việc hệt như người khác, vẫn có thể đóng góp được nhiều và vui hơn là còn được trả tiền để làm nữa chứ. Chính nhờ những trải nghiệm này đã giúp cho mình hiểu bản thân hơn, học được cách chấp nhận và biết rằng mình có một nơi để được là chính mình.
-----------------------------------
Chỗ làm của mình là một nơi có phần kì quặc. Nhân viên nói chuyện với quản lý như những người bạn. Họ chửi thề, cà khịa nhưng vẫn rất niềm nở vui vẻ với nhau. Cái nơi mà quản lý bốc xúc xích trong tô mì của nhân viên ăn ngon lành, nơi mà nếu làm thiếu tiền thì cả đám phải hùn vào trả đủ và là nơi mà ai rồi cũng ăn mì chống đói. Ở đây không phân biệt, không cần biết bạn là sinh viên RMIT, một anh hai mấy làm thêm để kiếm tiền học việc, hay bà chị cuối cấp đang phân vân giữa những lựa chọn trong cuộc đời. Dù bạn đến đây để kiếm tiền tiêu vặt hay đến đây để cải thiện kĩ năng giao tiếp, tìm thêm kinh nghiệm. Bạn sẽ luôn được chào đón, miễn là bạn đến với một tinh thần thân thiện và có trách nhiệm.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất