Câu hỏi này thật sự ám ảnh tôi rất nhiều trong thời gian tôi đi du học. Hiện tại tôi đang học tại một nước Đông Âu nơi mà tôi có cơ hội tiếp xúc và gặp gỡ với rất nhiều nên văn hóa khác nhau, có thể nói là trên toàn thế giới.
Ngày xưa lúc còn ở Việt Nam, tôi vẫn thường bông đùa với lũ bạn là: "Giời! Bố mày mà đi du học thì chẳng thèm chơi với bọn Việt Nam chúng mày đâu". Tôi không hề có ý chê bai người Việt, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ là đã có cơ hội đi du học, có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều thứ mà mình chưa từ gặp qua, tại sao lại phải đi tìm những cái mà mình đã "chán ngấy". Tôi vẫn luôn bĩu môi xem thường những người bạn ở nước ngoài suốt ngày tụ tập với "hội Việt Nam" ở nước ngoài. 
Thế rồi tôi cũng vác vali lên đường đi tìm chân trời mới. Ngày đầu tiên đến trời Âu. Hân hoan có, hụt hẫng có, mà còn có chút sợ hãi. Thật sự mà nói tôi là một đứa khá tự lập, từ nhỏ tôi đã tự làm những việc mình thích mà không cần ai giúp đỡ. Dặn lòng là sẽ không tìm bất kỳ một người bạn Việt Nam nào, sẽ tụ tập với những đứa bạn nước ngoài để luyện Tiếng Anh, vân vân mây mây. Nào ngờ, trong lớp tôi chỉ có 15 người thì hết 4 người Việt. Bạn đoán đúng rồi đó! Ban đầu tôi thật sự không tha thiết lắm với 3 bạn người Việt chung lớp. Tôi cố gắng nói chuyện với các bạn nước khác, đi chơi với bọn nó nhiều hơn. Chậc! Cũng đâu khó khăn gì lắm đâu. 
Výsledek obrázku pro international party

Nhưng thật sự khi đi sâu vào một mối quan hệ, ví dụ quan hệ bạn bè, khác biệt văn hóa làm tôi bắt đầu nhận thấy sự khác biệt. Cách giới trẻ Châu Âu giải trí cũng khác với người Châu Á mình. Nhiều khi mình không bắt kịp với những câu nói đùa của bọn nó, mặt đực ra nhưng vẫn phải cố cười. Nhìu người có thể vui vẻ nói chuyện với bạn trong một cuộc vui, nhưng vài hôm sau lại quên mất tên của bạn (hay có thể do bạn không đủ ấn tượng để người ta nhớ!). Họ rất sẵn lòng để mở rộng mối quan hệ, bạn mời tôi đến dự buổi tiệc tại ký túc xá của bạn, tôi có thể mời bạn của tôi cùng đi, chỉ cần đông và vui là được. Tôi bắt đầu cảm nhận được mình không thật sự thuộc về kiểu giao tiếp này. Tôi bắt đầu gặp những người bạn Việt Nam nhiều hơn, chúng tôi vẫn có những cuộc vui nhưng "kín". Chỉ những người quen rủ rê nhau, ai rủ người mới cũng phải hỏi ý kiến. Cái văn hóa "cộng đồng" nó ăn sâu vào tư tưởng của tôi hơn những gì tôi nghĩ.
Tôi vẫn tham gia những buổi party cùng các bạn trong lớp, lâu lâu vẫn có những buổi đi ăn, dã ngoại nhưng để có thể phát triển một tình bạn thân thiết hơn tôi nghĩ sẽ cần rất nhiều thời gian.
Thật sự đây chỉ là quan điểm cá nhân của riêng mình, nhưng tôi nghĩ đơn giản là chơi với người Châu Âu hay Châu Á đơn giản là bạn thoải mái và nhìn thấy mình là một phần của tập thể đó là được. Tôi đã từng gặp rất nhiều bạn Việt Nam hòa nhập rất tốt trong các nhóm đa văn hóa. Đôi lúc nghĩ lại, tôi thấy ngày xưa mình có những suy nghĩ thật buồn cười.
Vậy nên, đừng phán xét người khác khi bạn chưa thật sự trải nghiệm điều đó chính bản thân mình.