của một người bạn
Trước sân nhà tôi không có cau. Nhà tôi trước giờ không trồng cau. Trước sân nhà tôi có một cây ổi, giống ổi ghém, thân cao mà thẳng. Bên trái nhà có một cây vú sữa, bên phải nhà có cây keo. Lá keo giống như lá me, nhỏ li ti, khi gió thổi thì bay lả tả. Tôi hay đứng dưới gốc cây ngước nhìn lên những chùm trái keo đong đưa, thỉnh thoảng qua kẽ lá lại thấy cái đuôi khói của một chiếc máy bay phản lực – hồi đó con nít tụi tôi không biết nên cứ gọi là B52 – cắt ngang thành hai đường trắng rực trên nền trời. Lúc đó tôi sáu tuổi. Lúc đó tôi bảy tuổi. Lúc đó tôi tám tuổi. Lúc đó tôi không biết mình chỉ còn ở nhà thêm hai năm, cũng không biết sau này mình cũng sẽ ngồi trong một cái B52 bay trên trời. Lúc đó tôi đâu có biết chừng hai mươi năm sau, khi lớn lên, mình lại đi xa đến vậy.
Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ, sau khi tôi đi rồi chắc cũng có người đến tìm tôi ở làng Hanh Đông, nhưng tôi không còn ở làng Hanh Đông, khoảng sân trước nơi tôi ngồi bắn bi người ta đã lấp. Có người đến tìm tôi ở trong hẻm đường Trưng Nữ Vương, nhưng tôi không còn ở đường Trưng Nữ Vương, cái bàn gỗ tôi ngồi học lúc sửa nhà người ta đã khiêng đi mất. Có người vào Sài Gòn tìm tôi, nhưng tôi không còn ở trọ bên Bình Thạnh, cũng không còn nằm nghe Trầm Tử Thiêng trong một căn gác gỗ trên bờ kênh Nhiêu Lộc. Có người qua Singapore gõ cửa phòng tôi, nhưng căn phòng có hoa hồng xanh bên cửa sổ giờ đã có người khác thuê, tôi không còn ở đó để mỗi buổi tối về lại bật tắt ngọn đèn ba bóng nữa. Rồi lại có người sang tận Luân Đôn tìm tôi, nhưng đã hết mùa thu, tôi không còn ở Luân Đôn, buổi chiều không còn tạt vào siêu thị gần nhà mua vội một chai nước cam, buổi sáng không còn đi ngang qua cái công viên nhỏ rụng đầy lá sồi nữa. Tôi như con chuột vắng nhà trong câu ca đã cũ, nếu có ai trèo lên cây cau tìm mà không thấy tôi đâu cả thì xin bỏ lỗi cho tôi. Bỏ lỗi cho tôi, vì thật ra vắng nhà hoài cũng có gì vui đâu, với dù sao từ trước đến nay tôi cũng chỉ vắng nhà có mỗi một mình.
Hôm nay trời lạnh 2ºC, tôi đi ngang qua một tiệm ăn người Hoa, mấy lần dợm chân định bước vào. Nhưng cuối cùng tôi ngại không vào, vì trong quán ấm quá, người ta có cha mẹ có chị em có bạn bè vui vẻ quá, mà tôi thì chỉ có mỗi cái ba lô trong đựng vài bộ quần áo cũ. Tôi lại đứng thập thò bên ngoài một quán phở người Việt mà không biết những ngày cuối năm người ta đóng cửa, những người đang cười nói bên trong không phải khách ăn mà là gia đình. Chị chủ quán bước ra bảo tôi vào cùng ăn với “nhà” cho vui, nhưng ngần ngừ một lúc rồi tôi cũng không vào, tôi cười bảo dạ em chưa đói lắm, tôi chào chị rồi đi. Lúc ngồi nhai vội vàng miếng schnitzel cách đó mấy dãy phố, tự nhiên tôi nhận ra đã hai mươi năm nay tôi không ở nhà. Đã hai mươi năm nay tôi không có nhà.
Tôi nhận ra rằng, a, tôi nhớ tiếng ru con vọng lại từ bên nhà hàng xóm và tiếng ve kêu từ trên những cây sầu đâu trước nhà mỗi buổi trưa mùa hè trời im gió. Tôi nhớ cái bàn dài làm bằng gỗ mít có những đường nứt nẻ mà mỗi mùa đông nhà tôi vẫn ngồi quanh. Tôi nhớ cái mền mỏng tang làm từ khăn trải bàn, cái mền lỗ chỗ rách có tua rua ở bốn góc. Tôi nhớ khung cửa sổ gỗ nhìn ra mấy bụi cây đuôi cọp và tấm ri mỗi khi trời mưa lại bay ra đầy kiến cánh, nhớ gian nhà dưới với bức phên tre, nhớ gian nhà trên với bậc đà gỗ, nhớ cây cột kiền kiền mà tôi vẫn hay xoay quanh cho chóng mặt, nhớ gian gác chứa sách tôi hay trèo, nhớ cái thùng gạo bằng sắt mỗi lần mở ra lại thơm nồng mùi trấu, nhớ từng viên ngói xám trên mái, nhớ cây chổi đót, nhớ cây chổi rang. Những chuyện này tôi không biết kể với ai, vì cũng ít ai biết thế nào là cây chổi rang, thế nào là cây chổi đót. Tôi lại tự bảo mình sẽ dần dần viết thành truyện ngắn, thành tản văn, thành sách, sách về cây chổi rang, sách về cây chổi đót, nhưng mỗi khi ngồi xuống định viết, nghĩ thế nào, lại thôi.
Hôm nay trời lạnh 2ºC, tự nhiên tôi thấy mình như con dế trong một bài hát cũ, chỉ khác là tôi không đợi mùa để đi mà cũng không hẹn ngày để về.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất