Related image
Hà Nội, thủ đô của Việt Nam một ngày ô nhiễm
Vừa rồi ở Việt Nam có một chương trình truyền hình mới là "Siêu Trí Tuệ Việt Nam" và ngay trong tập 3 của chương trình đã có một màn trình diễn ấn tượng của cậu bé Trần Gia Hưng. Cậu bé 12 tuổi này đã tính nhẩm thành công khai căn bậc 43 của một dãy số dài gấp 3 lần số điện thoại di động. Cậu bé đã gây sốc cho ban giám khảo, cho người coi truyền hình và nhận được lời tán dương của mọi người.
Nhưng mà như một hiện tượng tự nhiên giống nấm mọc sau mưa, sau những lời khen thì lập tức sẽ có những tiếng nói của những "chuyên gia" nhìn "sâu", nhìn "xa" hơn đám đông. Những tiếng nói này cất lên để cho mọi người thấy cái mà mọi người tán dương ấy, nó chẳng có gì ghê gớm như mọi người tưởng. Ví dụ họ sẽ phân tích bé này không phải là thiên tài gì hết vì tính nhẩm có thể luyện tập, rồi có mánh cả, rồi còn nói ám chỉ rằng bé này tập luyện kỹ năng ghi nhớ này quá mạnh sẽ khiến cậu không thể suy luận tốt được (nguồn chắc từ Google), rồi ám chỉ bé này có thể giống như một thằng đần. Nói chung đại ý là vậy. 
Cái kiểu nói đó nó giống như vầy:
- Ê cậu biết An không, bạn đó đá banh hay lắm, là vua phá lưới giải đấu cấp tỉnh ấy.
- Ừ An biết mà, An đá banh hay có tiếng. Nhưng mà cẩn thận chứ đá banh hoài không có tốt. Có mấy thằng tui quen đá banh ham quá bị gãy chân, giờ què quặt nằm nhà học đâu có được.
Nhưng mà đây không phải là về chuyện đá banh, mà là về một siêu kỹ năng của một người, nên người đi sân si cũng phải tỏ ra "siêu sân si" với một mớ lý luận nguỵ khoa học cóp nhặt ở khắp nơi.
Mình nghĩ đây chỉ là một trường hợp điển hình trong một vấn đề rộng lớn hơn mình hay gặp ở Việt Nam, đó là người ta thích phán xét người khác và phán xét một cách nhỏ nhen, chủ yếu để thoả mãn cái tôi. Và vì người viết bài siêu sân si đó là một người làm trong ngành giáo dục, nên mình chợt nghĩ rằng có lẽ tất cả những tính xấu tệ hại mà người Việt đang có, không phải là do bản thân họ có, mà là do từ Bộ Giáo dục mà ra.
Thật ra chủ đề về cái tôi che mặt trời của người Việt, cũng như sự độc hại trong tư duy, đã được nhắc nhiều, nhưng mà mình nghĩ viết lại cũng không nhàm chán.

Khuyến khích sự phán xét

Hồi năm nhất Đại học ở Việt Nam, mình có làm bài viết luận về xã hội (bài luận tiếng Anh) cho môn tiếng Anh. Trường mình học dạy bằng tiếng Anh nên môn tiếng Anh là bắt buộc, dù mình là du học sinh về vẫn phải học. 
Đề bài yêu cầu người viết nêu quan điểm suy nghĩ về việc có nên tổ chức thi hoa hậu trong bối cảnh sự kiện này đang có nhiều bê bối. Đây là cách người Việt Nam hay ra đề, thường họ thích lấy một sự kiện xã hội mới xảy ra rồi cho thành đề bài để học sinh viết, bình luận về đạo đức như mấy nho sĩ thời xưa. Nhớ năm 2012 có sự kiện học sinh trường nào đó cuồng thần tượng K-Pop đến mức hôn lên ghế, lập tức đề thi đại học năm đó ra hẳn một đề nghị luận về chủ đề này: "Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng sẽ là một thảm họa".  
Còn năm mình viết bài luận, sự kiện trong năm là việc cô hoa hậu nào đó vướng bê bối tình, tiền, nên nó được đưa luôn vào đề bài. Mình biết chắc người chấm sẽ kì vọng đám học sinh như mình sẽ phải nói gì đó về vấn đề đạo đức, rồi nhân phẩm phụ nữ Việt, rồi vẻ đẹp không nằm ở giải thưởng mà ở tâm hồn các kiểu. Nhưng vì mình chẳng quan tâm điểm cao do mấy phần thi khác trong năm mình đã làm tốt, nên mình viết luận như theo cách được dạy trước đó hồi đi du học. Mình viết theo hướng ủng hộ việc tổ chức thi hoa hậu vì:
- Đó là cuộc thi toàn những cô gái đẹp, và những người lớn đi làm về mệt mỏi sau một ngày dài hay những sinh viên bị stress như mình buổi tối về nhà có thể ngắm những cô người mẫu đó và cảm thấy thư giãn. Mà lại được coi miễn phí nữa. Xét về mặt kinh tế học, "well-being" về mặt tinh thần của người dân được nâng cao lên hẳn.
- Cuộc thi đó giúp nhiều cô gái cố gắng phấn đấu trở nên tốt hơn, họ phải tập thể dục, ăn uống khoẻ mạnh, cũng như phải ráng học để không mang tiếng có sắc mà không có tài. Ít ra nó tạo động lực cho các cô gái vươn lên, dù khả năng được giải rất thấp.
- Vấn đề nằm ở cách tổ chức chứ không phải bản chất cuộc thi. Tất cả những bê bối liên quan đến tình, tiền, gian lận đều sẽ dẹp được nếu người ta thực sự muốn tổ chức đàng hoàng. 
Mình không biết bài luận đó được nhiêu điểm vì chỉ biết tổng điểm của đợt thi đó thôi. Mình chỉ muốn viết như vậy. Nó là một chương trình truyền hình giải trí, và mình chỉ muốn nó dừng ở đó. Tại sao phải ráng nâng tầm nó lên thành thứ gì đó đại diện cho mấy triệu người phụ nữ Việt Nam, sao phải cố tỏ ra là một thứ gì đó thanh cao? Nếu mọi người thích ngắm các cô gái đẹp và thông minh thì cứ nói thẳng ra là vậy, sao cứ phải cố nhét các khái niệm đạo đức vào đó.
Mình không thích kiểu ra đề như vậy, cũng như lối suy nghĩ mà cách ra đề này khuyến khích. Nó khuyến khích người viết phán xét sự việc sự vật một cách hời hợt dựa trên quan sát đầy cảm tích và chứa sẵn định kiến. Trong tiếng Anh nó gọi là "loaded question", tức bản thân câu hỏi đã ngầm khuyến khích người đọc viết theo một hướng. Ví dụ như đề bài về thần tượng, rõ ràng cách ra đề đã có ngầm ý kêu học sinh chỉ trích, phản bác việc đam mê thần tượng thái quá, và tệ hơn là đi phán xét những người như vậy. Đó là một câu nói mông lung, cảm tính và người viết cũng sẽ viết theo hướng đầy cảm tính.
Hồi học ở Singapore, mình thấy người dân rất mê iPhone. Không phải là phóng đại khi nói rằng đấy là một trong những đảo quốc cuồng iPhone nhất thế giới, người ta xếp hàng dài đằng đặc cả ngày cả đêm trên phố Orchard để mua được chiếc thoại mới nhất. Nhưng trên các phương tiện truyền thông, không ai phán xét họ cả, không ai nói với họ rằng đó là sự ngu ngốc, lãng phí thời gian. Nếu có thì là những người bình luận, không phải phóng viên. Và chính phủ thì càng không.  Mình nghĩ rằng chính phủ ở đó rất tử tế và không đi phán xét sở thích cá nhân của người dân. Bộ Giáo dục sẽ chẳng bao giờ ra đề kiểu:
- Đam mê đồ điện tử là sở thích phổ biến, nhưng phát cuồng thái quá với chúng là một thảm hoạ. Anh/chị hãy nêu suy nghĩ về hiện tượng này?


Mình nghĩ cái khoảnh khắc đề đó được công bố, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore sẽ mất chức. Đó là một câu hỏi thiển cận, giúp kích thích những suy nghĩ nông cạn. Và tồi tệ hơn đây là cách làm không chân thực. Rõ ràng câu hỏi đó nhắm đến người mê iPhone, nhưng lại được nguỵ tạo giả vờ như là một vấn nạn chung. Đề thi về thần tượng cũng vậy, nó nhắm thẳng đến một nhóm người núp dưới bóng một vấn đề khái quát chung chung. Đó là một suy nghĩ nhỏ nhen và thiển cận. Nếu có thể thẳng thắn và nói rằng thần tượng ở đây là thần tượng K-pop thì có lẽ nó còn cho thấy một chút dũng cảm trong việc nói thẳng những gì suy nghĩ. 
Bộ Giáo dục hành xử vô giáo dục và nhỏ nhen như vậy cho nên không ngạc nhiên khi mà họ lại tạo ra được nhiều giáo viên có lối hành xử vô giáo dục, dâm ô học sinh. Như chuyện gần đây nhất là trường THCS Ngô Quyền ở quận Tân Bình đưa ra hình phạt sỉ nhục học sinh lớp 8, bắt em phải xin lỗi trước toàn trường vì hành động sai của mình. Trường làm vậy vì chỉ nghĩ đến bộ mặt của trường chứ chẳng quan tâm đến tâm lý của học sinh gì cả. 
Ngoài lề, nếu bạn tò mò muốn biết đề thi luận bên Singapore là như thế nào thi đây là một ví dụ cho đợt thi A Level năm 2018. Học sinh sẽ chọn ra 1 đề tài để viết.
Đề thi A Level cho môn General Paper của Singapore năm 2018
Quay lại bài đăng trên Facebook. Sẽ chẳng là nói quá nếu bảo rằng người phán xét bé Trần Gia Hưng trong bài đăng ở Facebook là sản phẩm tiêu biểu cho lối giáo dục khuyến khích sự nhỏ nhen và nông cạn này. Hãy đọc câu chữ của người đó:
- Nếu bạn không phát triển khả năng ghi nhớ thì không có "nguyên liệu" mà suy luận, vậy nên bạn cũng sẽ như một thằng đần.
- Một vài thí nghiệm trên chuột bằng cách cho chúng uống một loại thuốc gia tăng khả năng nhớ, kết quả là những con chuột đó không cạnh tranh nổi trong việc kiếm ăn so với những con chuột khác và đã chết đói, vì vậy khả năng nhớ chưa chắc là một lợi thế. Những người có khả năng nhớ tốt cũng chả mấy ai thành công.
Người đó dùng chữ "nếu bạn" như cố gắng khái quát hoá vấn đề, nhưng thực sự tôi thấy nó thể hiện khao khát ngầm của ông ấy, là sau này bé Hưng sẽ "như một thằng đần" và sau này sẽ vào nhóm "chả mấy ai thành công". Ông ấy đang mong điều đó thành hiện thực để cho thấy ông đúng. Ông ấy mong là hiện thực, để cho thiên hạ thấy rằng bé Hưng với trí nhớ siêu việt này chẳng có gì tài cán như mọi người đang khen đâu, và tôi đây không có trí nhớ siêu như bé nhưng có siêu tư duy giúp nhìn xuyên thấu được vấn đề.
Mình thấy thật hèn hạ, một người gọi là thầy giáo, lớn tuổi sống nhiều năm, đi chửi xoáy một đứa nhóc, mà còn viết úp mở để sau này dễ biện bạch, chỉ để thoả mãn cái tôi. 

Rác

Nếu có một thứ mình học được trong môn xác suất thống kê, đó là nếu bạn không lọc tín hiệu nhiễu thì bạn sẽ chỉ toàn đưa ra các quyết định sai lầm. Một câu hỏi kinh điển để lọc ra một chuyên gia và một tay gà mờ đó là:
- Anh có biết nhìn ở đâu không? (Do you know where to look at?)
Giả sử có người đưa cho một chuyên gia đầu ngành và một người mới ra trường một bảng Excel gồm hàng trăm cột và hàng chục nghìn dòng chứa thông tin về học sinh ở trường Đại học. Câu hỏi đặt ra là làm sao để dự đoán được sinh viên nào có xác suất tốt nghiệp loại giỏi (first class) cao nhất. Chuyên gia sẽ lập tức lọc xuống chỉ còn 50 cột và 500 dòng để phân tích, còn một người non kinh nghiệm sẽ ráng đọc hết từng cột và từng dòng, và gộp tất cả dữ liệu vào để phân tích.
Vị chuyên gia biết rằng chỉ có khoảng 10 - 15% dữ liệu là có giá trị, còn lại là rác, gọi là tín hiệu nhiễu (noise). Cô ta chỉ cần nhìn là biết dữ liệu nào là hữu dụng để phân tích, dữ liệu nào là nhiễu. Còn người non kinh nghiệm, nhìn dữ liệu rác và dữ liệu giá trị là giống nhau, và dành thời gian phân tích chúng là như nhau, cho nên người đó làm chậm hơn, lâu hơn và kết quả kém hơn. Tất nhiên với đầu óc cầu tiến và siêng thực hành, người đó sẽ cải thiện khả năng phân tích của mình về sau này.
Khi hiểu được điều này, ta dễ thấy rằng có nhiều người gặp vấn đề trong cuộc sống là vì họ không biết được thông tin gì là rác, thông tin gì là hữu ích, cộng với đầu óc nhỏ nhen, họ viết ra những lời phát biểu rất kì quặc và tự chuốc vấn đề cho mình.
Ví dụ như thầy dạy môn hoá học online Vũ Khắc Ngọc, nổi lên thời gian vừa rồi khi được Thời báo New York chỉ mặt điểm tên là người góp phần khiến ứng dụng cảnh báo chất lượng không khí AirVisual biến mất khỏi Việt Nam một thời gian. Cả một bài viết đó là sự tổng hợp của thông tin rác gồm thuyết âm mưu, suy luận vô căn cứ, kết hợp với đầu óc nhỏ nhen hẹp hòi. Điều mỉa mai là bài viết đó lại kêu gọi mọi người sáng suốt, cảnh giác trước thông tin giả, bịa đặt. Mình từng viết bài về việc người dùng lan truyền tin giả cho nhau và đây là ví dụ điển hình nhất. 
Hay là bài Có lẽ Việt Nam không muốn hoá rồng của lãnh đạo cấp cao tập đoàn FPT Đỗ Cao Bảo. Đây là một bài viết cực kì tệ xét về logic, kinh tế học lẫn toán học. Bài viết này là tiêu biểu cho lối suy nghĩ đánh giá hiện tượng, tức thấy sao thì viết vậy, giống như mấy đề văn nghị luận mà học sinh được dạy. Ví dụ như khúc này:
"Nhật Bản, là cường quốc kinh tế số 3 thế giới, đã vươn lên vượt nhiều quốc gia Âu Mỹ từ 30-40 năm nay, hiện tại số giờ làm thêm của họ đang là 45 giờ một tháng, 360 giờ một năm.
Số giờ làm thêm tối đa của Đài Loan là 54 giờ một tháng, 648 giờ một năm. Hàn Quốc vừa mới giảm số giờ làm thêm một tuần từ 28 giờ xuống 12 giờ một tuần (tức giảm từ khoảng 1200 giờ xuống 550 giờ một năm).
Singapore, quốc gia giàu có thứ 2 châu Á, thứ 7 thế giới thế mà số giờ làm thêm tối đa của họ vẫn đang là 72 giờ một tháng, hơn 800 giờ một năm."
Lối tư duy ở đây là tôi thấy dân ở mấy nước giàu ở châu Á làm việc nhiều, nên suy ra ngay là do làm việc nhiều nên trở nên giàu. Nếu bạn đọc các quyển sách của Lý Quang Diệu hay sách phân tích về sự trỗi dậy của những con rồng châu Á này, bạn sẽ thấy rằng chăm chỉ là bản chất của họ. Tức nó là có sẵn. Do đó, cái tạo nên sự khác biệt không phải là sự chăm chỉ, mà là do đường lối lãnh đạo cũng như văn hoá sống. Người dân Trung Quốc thời nhà Thanh vẫn được coi là rất chăm chỉ, nhưng đất nước vẫn suy tàn. Dân Nhật Bản rất chăm chỉ nhưng 20 năm qua đã được coi là 2 thập kỷ bị mất của nước này với nền kinh tế mắc kẹt, người dân bi quan. Dân Nhật Bản chăm chỉ như vậy, dân Hàn Quốc cũng chăm chỉ, vậy sao người Hàn vươn lên vượt Nhật Bản về mặt công nghệ? 
Để phân tích sự giàu có của một quốc gia viết quyển sách nghìn trang cũng không đủ, vậy thật khó hiểu khi một lãnh đạo cấp cao của một tập đoàn lớn trong nước lại tin rằng ông ấy biết đủ bí quyết để có thể viết vỏn vẹn ra trong một bài đăng ngắn trên Facebook. Mình nghĩ đó là một phần do sự ngạo mạn, một phần do sự nhỏ nhen nên đi coi thường người khác. Mình thấy viết vậy không khác gì chửi cả triệu dân Việt Nam ngu. Nó cũng cho thấy ông ấy không phân biệt được đâu là thông tin rác và đâu là thông tin hữu ích, nên ông viết một bài rất dài dựa trên các thông tin vô giá trị. 
Nhưng lối suy nghĩ và hành xử của ông Bảo chỉ là một trong vô vàn những suy nghĩ độc hại khác phát tán đầy rẫy trên cư dân mạng. Do đó không lạ gì khi đã có người viết: "Không khí bị ô nhiễm ở Hà Nội không độc hại bằng tranh luận trên mạng". 

Đừng hành xử như thể ước muốn là sự thật

Về vấn đề mình nhắc ra trong bài viết này, vấn đề việc mọi người liên tục nhỏ nhen và phán xét người khác, suy nghĩ không thực tế, mình không nghĩ đó là vấn đề cá nhân, mà là của cả đất nước này. Nói vậy là vì sự nhỏ nhen, hẹp hòi, phán xét, sự suy nghĩ thiếu thực tế này được khuyến khích dạy dỗ trong trường học. Có lẽ nó bắt nguồn từ sự xung đột ý thức, khi người ta bị nhầm lẫn giữa thế giới tưởng tượng và thực tế.
Mình nghĩ ở Việt Nam có một hiện tượng đó là với những chính sách, mọi nguời hay nói về ước muốn, thay vì nói về những thứ thực sự đang xảy ra. Ví dụ:
- Trong việc dạy văn, các nhà làm giáo dục luôn nói rằng học sinh cần học văn để trau dồi tâm hồn, nhưng thực tế cho thấy cách dạy văn hiện nay làm xơ cứng đầu óc học sinh và khuyến khích họ suy nghĩ nông cạn, hẹp hòi, thích nói chuyện về đạo lý dù không hiểu các khái niệm đạo đức cơ bản.
- Trong việc dạy sử, các nhà làm giáo dục luôn nói rằng học sinh cần học để trau dồi tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, nhưng thực tế học sinh học xong mù mờ về lịch sử, hiểu sai sự thật, suy nghĩ nông cạn hẹp hòi, thích nói về những ý thức hệ (tư bản, cộng sản) dù không hiểu về chúng.
Bạn có thể bảo mình đang nói quá nhưng để mình cho ví dụ về môn lịch sử. Trong hai quốc gia mình đi du học, và trong nhiều quốc gia mình tự tìm hiểu, hiếm có quốc gia nào nhấn mạnh về tính lịch sử như Việt Nam, chắc trừ mấy nước châu Á khác như Trung Quốc, Nhật, Hàn. Lúc nào mọi người cũng nhắc đến việc nhớ ơn anh hùng dân tộc, và phàn nàn về việc giới trẻ thờ ơ với lịch sử.
Nhưng mình mời bạn đến Đền thờ Trần Hưng Đạo số 36 đường Võ Thị Sáu, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Đó là đền thờ Đức Thánh Trần lớn nhất Sài Gòn xây trước năm 1975. Đến nơi bạn sẽ thấy một phần khuôn viên của đền đã bị chiếm bởi ngân hàng Sacombank để xây trụ sở, một phần khác cũng bị người dân chiếm lấy xây. Còn buổi sáng, sân của đền thì bị người bán đồ ăn chiếm dụng để kinh doanh. Chẳng ai có một chút gì là tôn trọng đến tiền nhân cả. Chính quyền cũng chẳng quan tâm, bởi vì nếu họ quan tâm thì chuyện này đã không xảy ra từ đầu. Người ta có thể tung hô ngài là thánh nhân giảng đường và trên báo chí để thoả mãn lòng tự tôn dân tộc, nhưng hành động thiết thực là giữ gìn khuôn viên đề thờ của ngài thì chẳng ai làm. 
Hay là mời bạn đến Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh trên đường Lê Duẩn cũng ở quận 1. Bảo tàng đó vô cùng ế vì chẳng ai quan tâm đến chiến dịch đó trừ khách du lịch, và tệ đến mức quản lý bảo tàng phải cho thuê khuôn viên để làm nhà hàng tiệc cưới để có nguồn thu. 
Rồi tượng đài biểu tượng chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Năm nào chúng ta cũng tung hô về chiến thắng này, coi đó là một sự tự hào rất lớn, nhưng chúng ta xây một cái tượng đài vô cùng kém chất lượng, xây được vài năm đã hỏng, nứt, sụt lún, rồi nó còn bị tham nhũng rút ruột. Tức là yêu nước trong giấc mơ, còn ngoài đời là yêu tiền.
Ví dụ khác là di tích đường mòn Hồ Chí Minh. Trong trường học, học văn hay học sử đều nhắc đến con đường này như một biểu tượng của sự quả cảm, sự thông minh của người Việt. Và ai ai cũng nhắc giới trẻ phải biết về con đường này, yêu quý nó. Thế nhưng trên thực tế chẳng ai quan tâm đến nó cả, xây được cái di tích xong thì bỏ hoang làm tiêu tốn tiền tỷ vô ích.
Mà những di tích lịch sử đó là còn có số may vì còn tồn tại, chứ người ta sẵn sàng san phẳng các di tích khác để lấy đất kinh doanh, hay xúc phạm vua chúa bằng cách dời cả bàn thờ vua Minh Mạng ở Huế để quay phim cho đẹp.
Nhìn vào thực trạng đó, mình mới thấy rằng ở đất nước này có một lỗ hổng văn hoá nghiêm trọng. Người ta có thể nói nhiều và tung hô nhiều về văn hoá lịch sử, nhưng hành động thực tế thì cho thấy họ chẳng quan tâm. Nhắc nhiều đến lịch sử chỉ để khoe với người khác, chứ không quan tâm thực tế. Nhắc nhiều đến đạo đức, phẩm hạnh là để thoả mãn tiêu chuẩn tưởng tượng ra, chứ chẳng quan tâm gì đến nhu cầu sống thực tế. 

Tóm gọn

Có thể bạn sẽ thấy bài này mình viết lan man và mình đồng ý với điều đó. Bài này mình viết nhiều ý vào với nhau và không phải ý nào cũng gắn kết. Động lực khiến mình viết bài này đó là việc mình thấy có quá nhiều bài viết rác được lan truyền khắp nơi và chúng được đón nhận rất rộng rãi. Nó đầu độc đầu óc của mọi người. Mình thật sự tự hỏi sao đầu óc mọi người ở đây độc hại như vậy được, hoặc do mình dùng Facebook nhiều nên mình bị khùng.
Mình nghĩ rằng một nguyên nhân lớn gây ra việc này là do những tư tưởng hẹp hòi, nhỏ nhen được dạy dỗ trong nhà trường. Khá là tệ. Mình có cảm giác  nhiều người ở đây sống trong hai thế giới cùng lúc, một thế giới là Việt Nam trong trí tưởng tượng của họ và một thế giới là Việt Nam thực tế, và vì họ nhầm lẫn hai thế giới này với nhau nên mới gây ra những vấn đề trong cuộc sống. Giống như những cha đạo luôn nói về sự trong trắng, thanh bạch trong suy nghĩ nhưng lại có hành động ấu dâm. 
Có lẽ chính vì sống vô đạo đức vậy nên người ta có thói quen hay đi rao giảng đạo đức cho người khác, vì phức cảm tự ti nên sinh lòng nhỏ nhen mà đi phán xét một đứa bé 12 tuổi bằng câu từ nặng nề.