Chuẩn bị cho derby mới, tranh thủ xem lại derby cũ. Vòng 4 Premier League, Man City tới Old Trafford để đối đầu với Man United trong trận đấu được tung hô là “chung kết sớm” của mùa giải.
Bây giờ thì người ta biết rằng trận đấu ấy rốt cuộc không phải là trận đấu có tiếng nói tới cuộc đua vô địch. Bây giờ thì Man United và Man City đang phải tranh nhau một vị trí trong top 4. Nhưng ở thời điểm đó, quả thật truyền thông Anh không nói quá. Cả Man United lẫn Man City đều toàn thắng cả 3 trận đầu tiên. Hai siêu HLV Pep Guardiola và Jose Mourinho quả thật đã “take the Manchester by storm” – tập kích thành Manchester một cách vũ bão.
Đó cũng là thời điểm Guardiola rất đang rất tự tin truyền bá triết lý Juego de Posicion (lối chơi định hướng vị trí) của mình. Man City ra sân với chỉ 1 tiền vệ phòng ngự – Fernandinho – người thường xuyên lùi về hàng thủ để nhận bóng từ Bravo. Trong khi Otamendi và John Stones thì thường xuyên có mặt ở quá vạch giữa sân để tham gia điều phối bóng.
Cũng ở thời điểm đó, David Silva và Kevin de Bruyne đang chơi như những “số 8 tự do”, thỏa sức sáng tạo sau lưng tiền đạo. Sang hiệp 2, Guardiola còn rút nốt tiền đạo Iheanacho ra, đẩy De Bruyne lên, và Man City chơi với một số 9 ảo như Barca với Messi ngày nào.
Nhưng giữa những hào quang rực rỡ ấy, Guardiola đã sớm nhận được những bài học, mà có lẽ, ở thời điểm chúng xuất hiện trước mặt HLV người Tây Ban Nha, ông không nghĩ rằng rồi chúng lại có tác động kinh khủng đến thế với đội bóng của ông.
Clip 3 tình huống rất Anh nhưng "phản Guardiola":
Clip trên đây tổng hợp 3 tình huống rất bóng đá Anh nhưng rất “phản Guardiola”. Ở tình huống đầu tiên, Man City là đội hưởng lợi. Bravo và Kolarov phối hợp từ tuyến dưới. Theo lý thuyết của Pep, bóng sẽ tiếp tục được luân chuyển ở cự ly ngắn cho tới khi thoát khỏi tầng áp lực đầu tiên của M.U. Nhưng Kolarov không làm thế. Anh phất thẳng một đường bóng dài lên phía trên cho Iheanacho, người đánh đầu sượt cho KdB băng xuống vượt qua Blind và ghi bàn. Bóng dài. Bóng hai. Ít chạm. Rất Anh!
Ở tình huống thứ hai, Guardiola càng hiểu rõ hơn thế nào là “bóng Anh”. Một cú bơm bóng từ Rooney vào sâu trong vòng cấm của Man City, Bravo không kiểm soát được tình hình, bóng tới chân Ibra và… boom. Lại là bóng bổng. Rồi bóng hai. Ở Tây Ban Nha, Bravo rất ít khi phải đối mặt với những pha bóng quái dị như thế. Và sai lầm ở trận derby cũng phần nào quyết định số phận của Bravo: Anh mất hẳn tự tin và mất luôn vị trí!
Và tình huống cuối cùng không dẫn tới bàn thắng, nhưng có thể khiến Guardiola phải há hốc mồm. Thủ môn De Gea sau khi bắt được bóng từ một quả phạt góc của City đã bơm thẳng lên cho Herrera ở cánh. Tiền vệ người Tây Ban Nha với một cú chân trái rất ngọt đã đưa được bóng vào trong vòng cấm. Nếu Fernando không kịp lùi về, bóng chắc chắn đã tới vị trí của Rashford và M.U đã có bàn gỡ hòa. Hai quả phạt góc ở hai đầu sân chỉ sau có mấy giây!
Điều thú vị là trong pha bóng ấy của M.U, hai trong số ba cầu thủ thực hiện là những người Tây Ban Nha. Việc chơi bóng nhiều năm ở Anh đã khiến họ bị “đồng hóa”. Thực ra, lối chơi bóng dài của người Anh vốn xuất phát từ một tính toán sai lầm của Charles Reep, người được cho là cha đẻ bóng thống kê bóng đá. Ông Reep tính toán rằng phần lớn các bàn thắng đều được ghi sau 3 đường chuyền hoặc ít hơn. Tính toán của Reep sau này được FA lý thuyết hóa. Nên các đội bóng Anh có một thời dài rất dài chơi kiểu kick&rush, với mục đích đưa bóng thật nhanh vào gần vòng cấm đối phương, chờ bóng hai và ghi bàn.
Sai lầm của Reep và FA đã khiến bóng đá Anh tụt hậu. Nhưng ở mặt kia của đồng xu, các đội bóng Anh lại rất giỏi chơi bóng dài. Khi được triển khai thuần thục, thì đó cũng là một vũ khí khá đáng sợ, nhất là với các đội Nam Âu thích giữ bóng trên mặt đất và không có các hậu vệ cao to, giỏi tranh chấp.
Premier League bây giờ đã phát triển tới trình độ các CLB rất ngại khi bị gắn mác “bóng dài”. Tuy nhiên, thứ bóng đá trực diện gần như đã trở thành một phần trong văn hóa của họ rồi. Những đội bóng nhỏ hay vừa đi lên từ Championship thì vẫn rất chuộng cách chơi ấy, bởi nó giúp họ che giấu đi nhược điểm về con người, nhất là ở tuyến giữa. Man City của Guardiola từng có một thời gian dài khổ sở đối phó với những đội bóng như thế, tới mức HLV người Tây Ban Nha phải thốt lên “ở đây, bóng ở trên không suốt cả trận!”
Khi Man City gặp lại Man United, họ đã là một đội bóng khác. Họ không còn “dám” chơi với chỉ một tiền vệ phòng ngự nữa, đồng nghĩa với việc không thể tạo được những pha phối hợp tốt ở 1/3 sân của đối phương (do thiếu người). Họ cũng sẵn sàng hơn với những pha phản công bằng bóng dài, ví dụ trong bàn thắng của Aguero vào lưới Arsenal ở FA Cup vừa rồi. Nhưng họ cũng không còn là một đội bóng thống trị trái bóng như Guardiola mong muốn. Ngược lại, thường bị cuốn vào thế trận end-to-end – nghĩa là hai đội thay nhau tấn công – rất đặc thù của bóng đá Anh.
Đó là những điều mà chúng ta đã nhận thấy trong hiệp 2 của trận derby hồi tháng 9!
-----------
Bài gốc trên Blog Việt Cường
Các bạn like Page của mình chém gió cho vui nhé:
https://www.facebook.com/bongdacrazy/