Có những ngày buồn thắt dạ, mình lại lôi truyện của Kawabata Yasunari ra đọc. Cậu hiểu cảm giác ấy không? Mình có niềm tin, cảm xúc nó phải chạm đáy rồi mới ngóc lên được. Nên mình cứ chất chồng nỗi buồn lại với nhau, nhấm nháp từng chút một, rồi lại để nó đi. Trong 4 cuốn đã đọc của ông, Đẹp và buồn mình ít thích nhất (:D), nhưng cũng để lại cho mình nhiều điều băn khoăn nhất.
Ảnh mạng
Có lẽ một phần bởi vì sự choáng ngợp bởi những đoạn miêu tả cảnh vật đẹp diễm lệ, nhưng người phụ nữ, nhưng câu chuyện mờ ảo đến tận những trang cuối cùng đã bớt đi một chút ít.
Cũng có chăng, Đẹp và buồn, tất nhiên dù vẫn có người đẹp, vẫn có những nỗi buồn kiểu da diết không đầu không cuối theo phong cách của Kawabata Yasunari và những câu chuyện xưa đầy tiếc nuối, về lịch sử, văn hóa, cảnh quan của đất Nhật. Nhưng khác biệt với những tác phẩm khác, Keiko được xây dựng không chỉ đẹp, mà còn sinh động hơn hẳn, bởi lòng ghen tuông và hận thù.
Cốt truyện tương đối đơn giản, trở thành khu vườn cho những cảm xúc cứ thế nảy mầm, rồi mọc lan tràn hoang dại. Khi mà không có đúng cũng chẳng có sai, và không ai dám nói lời đạo lý. 
Một mối tình vụng trộm mà công khai, một đứa con yểu mệnh, sự day dứt kéo dài qua ngần ấy năm đằng đẵng. Và liệu mạng này có đổi được mạng kia không? Mình cứ như sống cùng trong mớ bòng bong ấy, cũng đi, cùng ngồi ngắm vườn đá, cùng ở trong một căn phòng và nhìn thấy họ cứ mãi giằng xé, đày đọa nhau.
Mình cũng không chắc ông Oki có yêu Otoko không. Nhưng khá chắc về việc ông ấy tôn sùng cái đẹp như hầu hết các nhân vật trong tiểu thuyết của Kawabata Yasunari. Shimamura đã sững sờ ra sao khi bắt gặp cô gái trên chuyến tàu trong Xứ tuyết, Gimpei của Hồ theo chân những người đẹp, lão Eguchi của Người đẹp say ngủ với những đêm bên cạnh biết bao cô gái. Cái đẹp của cô thiếu nữ 16 đang độ xuân xanh, hay cái đẹp của Keiko đầy ma mị khi ông ta bắt gặp tuổi xế chiều. Oki yêu cái đẹp, và ông ta ích kỷ, nói đúng hơn là yêu bản thân. Để có một cô nhân tình ngây thơ trong lúc vợ mang thai. Rồi mang câu chuyện đó viết thành sách, nuôi sống gia đình bằng kí ức về người con gái ấy. Vẫn nhớ về người đó, và qua lại với học trò của Otoko.
Otoko đáng thương không? Có. Đáng trách không? Có. Ích kỉ không? Có. Mình nghĩ chính vì sự ích kỉ và cố chấp của cả hai người, đã góp phần lớn để tạo nên kết cục đó. Nếu họ không bắt đầu. Nếu Otoko đến Kyoto rồi lấy chồng. Nếu Oki không lên chuyến tàu cuối năm đó để mong được ngồi nghe chuông với cố nhân. Vốn dĩ chẳng có gì là nếu như ở đây cả. Tất cả các nhân vật đều đáng thương, nhưng họ, không phải là trò đùa của số phận. Họ chính là trò đùa của chính bản thân, chính cái tôi của mình. Cái đẹp và cái buồn song hành với nhau, u ám, tối tăm. 
Vẻ đẹp của Otoko nhu mì và ngây thơ, nó vẫn mang nét dại khờ kể cả khi nàng đã chịu nhiều tổn thương và qua tuổi tứ tuần. Nhưng vẻ đẹp của Keiko lại hoàn toàn khác, nó nguy hiểm nhưng lại cuốn hút, biết đó vẫn không thể dứt nổi. Và tương ứng với cái đẹp. Nỗi buồn của Otoko đeo đẳng và dai dẳng. Người phụ nữ như mãi trầm luân trong đó. Còn của Keiko dữ dội, dậy sóng, quyết tiệt và đẩy mọi thứ lên cao trào cuối cùng. Để rồi họ nhận ra cái vỏ bọc bao lâu này nó mong manh như thế nào. Với mình Otoko có vẻ siêu thực hơn, còn Keiko không hoàn hảo nhưng lại vô cùng chân thực.
Phải chăng con người chúng ta là vậy. Đầy rẫy ích kỉ và xấu xa. Chúng ta chạy theo những thứ để thỏa mãn cái tôi, thỏa mãn xúc cảm, thỏa mãn hàng triệu tế bào kêu gào dậy sóng. Mà mặc kệ kết quả, mặc kệ tổn thương. Mặc kệ cho ai đó đau đớn đầy mình, ta chỉ cần giữ lại chút gì đó, và khoác lên nó một lớp áo hào nhoáng như lãng mạn, hay nhân danh tình yêu. Điều đó khiến mình không thích những nhân vật ở trong Đẹp và buồn lắm. Nhưng nó, vẫn là một tác phẩm hay. Một phong vị rất khác biệt. Và một lăng kính soi rọi hơn về những góc tối của mỗi người.
Mọi người ở câu lạc bộ sách cứ hay hỏi sao mình thích đọc mấy cái truyện buồn vậy. Chắc mọi người dán cái nhãn ấy lên cho mình nữa. Chứ mình thấy mình đọc cả vui cơ. Như hôm mình review về "Ngàn mặt trời rực rỡ" hay "Chuộc tội", ai cũng cảm thấy ngoài sức chịu đựng. 
Mình của ngày xưa, chắc có lẽ sẽ thích chạy trốn những cái kết không đẹp, những câu chuyện trần trụi và xấu xí. Nhưng càng sống, mình càng học được cách không cố vơ tất cả niềm vui, hạnh phúc cho bản thân nữa. Phần vì muốn vơ cũng không vơ nổi. Hạnh phúc và đau khổ luôn song hành, có vui thì sẽ có buồn. Nhìn ở khía cạnh nào đó, nỗi buồn khiến chúng mình thật con người, thật thi vị nữa. Nó làm ta biết rung cảm và biết vui. Nên có lẽ, lựa chọn của mình sẽ là có vui và có cả những nỗi buồn an nhiên nữa vậy. Mẹ hay buồn, vì bố mẹ ốm suốt, nên bao nhiêu tiền của tích góp được chỉ dành cho viện phí. Mình thì chẳng quan tâm. Mình nói với mẹ, bệnh còn chưa được là may. Với cuộc đời í mà, hết chuyện này rồi nó sẽ lại có chuyện khác. Nói chung là chẳng bao giờ hết chuyện. Cái gì đến rồi nó sẽ đến. Mà nó đến rồi tức là nó sẽ qua. Nó qua rồi lại có cái khác đến. Mỗi lúc vậy mẹ toàn bảo mình bị hâm rồi. Hâm cũng được nhỉ, có sao đâu.
Người hâm có phúc của người hâm!
Ảnh đẹp nên mình thích để đây vậy.