Let’s do away with student essays

Một bài luận trong tập This Generation của Hàn Hàn.

_____________

Ngày 15 tháng 6 năm 2007
Vốn là một học sinh tuyển văn tàm tạm hồi còn đi học, tôi cũng tham dự mấy kỳ thi văn. Và trước mỗi kỳ thi, tôi đầu tiên phải tự tẩy não phát, rồi thì tìm hiểu xem dạo này khẩu hiệu nào đang hot. Vào cái thời mà người người nhà nhà đang hết sức quan ngại về “Bảy Hành Vi Hư Hỏng” chẳng hạn, thì bạn phải phịa ra một câu chuyện liên quan đến đề tài này. Tôi chắc chắn mình sẽ giành được một con điểm cao nếu kịp vươn người ra, đưa một tay mà bắt lấy bãi đờm ai đó vừa khạc trước khi nó rơi xuống đất, xong lại thêm thắt mấy câu ca tụng đất nước vĩ đại của chúng ta. Thật không may, tôi chỉ toàn được giải nhì, bởi vì luôn có đứa nào đó ca bài ngợi ca Trung Quốc nuột nà hơn tôi. Đến tận lúc này đây tôi vẫn còn muốn nói với mấy đứa giải nhất kia, “Tao thật sự đã vét cạn đáy cho vào bài văn của tao rồi – làm thế quái nào chúng mày còn mặt dày hơn tao vậy?”
Mấy năm gần đây, nhiều đứa vô-vọng với kỳ thi đại học đã nộp mấy bài luận bị chấm 0 điểm. Tôi đã xem qua mấy bài luận đó, và điểm chung của chúng nó là đây – chúng nó đã trung thực trình bày quan điểm của tác giả. Có điều hệ thống giáo dục của chúng ta không khuyến khích việc trung thực bày tỏ quan điểm – cái nó cố làm là ngăn cản bạn có góc nhìn của riêng mình, và rồi, sử dụng những tài liệu giáo dục đã lụ khụ cả thập kỷ, để bảo với bạn rằng: cái-này là đúng, còn cái-kia là sai. Cũng chẳng phải bạn không đồng ý thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng hay gì – tất cả những gì sẽ xảy ra chỉ là bạn sẽ bị đuổi học hoặc sẽ không được điểm nào. Hoặc cũng có thể bạn sẽ được vài điểm – miễn là bạn bỏ công sức trả lời, thì người chấm điểm sẽ không cho bạn điểm 0 làm gì. Nhưng sự khác biệt duy nhất giữa bài điểm cao và bài điểm thấp ấy là bạn nghĩ thế này mà tôi lại nghĩ thế kia: Căn cứ vào cái logic nào mà bạn được 10 còn tôi được 0? Cho dù tôi không có cùng quan điểm với thầy cô đi nữa thì tôi cũng vẫn đủ tiêu chuẩn được tí điểm an ủi chứ, nhỉ? Và để một bài làm văn – một thứ vốn không có một thang điểm khách quan – được đánh giá dựa trên thị hiếu riêng của người chấm và góp phần vào kỳ thi đầu vào đại học vốn tuyên bố là công bằng: bản thân việc này đã bất công rồi.
Thật may, dù học sinh rất quan tâm đến điểm số, chúng nó lại không hứng thú lắm với những bài văn được giao. Chính những thứ bị coi là rác phẩm mới giúp chúng cứu vãn được chút ít mảnh vụn tưởng tượng và sáng tạo.
Cũng chẳng quá sai khi cho rằng kinh nghiệm nói dối của nhiều người có xuất phát điểm từ việc viết tập làm văn, cũng như có thể nói kinh nghiệm nói thật nghèo nàn của nhiều người bắt đầu từ việc viết thư tình. Từ khi ta còn nhỏ, văn mẫu và sách văn mẫu đã rót vào đầu ta rằng mục đích của một bài văn là để tán dương và ca tụng – nhưng mặt khác, vạch trần và phê bình lại bị coi là tiêu cực và vô vọng, tối tăm và trống rỗng. Sẽ có người muốn dùng Lỗ Tấn làm ví dụ về cách thuyết phục, nhưng vai trò của Lỗ Tấn trong sách giáo khoa cũng chỉ là tán dương ca tụng mà thôi, chính ông là người hát chính. Ca ngợi và biết ơn hiển nhiên là tốt – ai mà chẳng thích ca ngợi và biết ơn? Vấn đề là những chủ đề mà chúng ta có thể ngợi ca với cả biết ơn cũng đã bị định sẵn giúp rồi. Giả như, bạn không được phép tán dương một bờ mông đẹp, hay ca tụng kỹ thuật của một gái bán hoa. Tất cả những giới hạn này gò bài văn của chúng ta trong một cái áo trói, cho đến cuối cùng cái gì ta viết ra đều giả tạo.
Thường thì, những người trung thành với thời đại cũ có thể sẽ nói rằng dù chất lượng những bài văn đó như thế nào đi nữa thì kiểu viết này vẫn giúp học sinh có khả năng vận dụng ngôn ngữ và đặt câu đấy chứ; cũng như toán, dù có điểm giới hạn, cũng nuôi dưỡng khả năng phân tích logic. Đây chính là ví dụ minh họa của kiểu người phiến diện và khuyết thiếu tư duy mà hệ thống giáo dục Trung Quốc đã tạo ra. Họ đơn giản là đánh giá thấp trí thông minh của chính mình. Khả năng viết nó phát triển song hành với khả năng phân tích logic: sau khi bạn học cách đọc và tích trữ được chút kinh nghiệm đọc, bạn tự nhiên đã có khả năng viết văn – bạn nói được, thì bạn sẽ viết được. Tất nhiên là có người này viết tốt hơn người kia, và ta chẳng thể làm gì để thay đổi điều đó. Nhưng đồng thời, khả năng phân tích logic không phải là một thứ mà người ta có thể đạt được hay nâng cao chỉ bằng cách giải vài bài toán – đấy là tự lừa mình dối người. Rất nhiều kẻ lừa đảo có khả năng suy nghĩ thấu đáo và lý luận logic không chê vào đâu được vốn chẳng chẳng được giáo dục gì nhiều lắm, trong khi đó những người bị lừa sẽ vui vẻ tính diện tích một hình trong lượng giác cho bạn. Hệ thống giáo dục của chúng ta thích tạo cái ấn tượng rằng người ta không có tài năng bẩm sinh, và tất cả những gì họ có được là nhờ giáo dục. Bằng cách đó, sau khi rời khỏi trường, bạn sẽ tự nhiên chấp nhận rằng nhân quyền không tồn tại – cái quyền đó là một thứ mà chỉ có chính phủ mới có thể ban xuống.
Giáo dục các nước không tập trung vào cái quan niệm chuyên về “viết tập làm văn” này, nhưng tôi không nhớ mình đã từng nghe ai nói rằng ở những nước đó người ta không thể góp chữ thành câu mà viết được một bài viết mạch lạc. Mà ngược lại, trong trường hợp của chúng ta, cho dù dân nước ta được học viết tập làm văn cả mấy thập kỷ rồi, nhưng càng ngày càng ít người có khả năng viết.
Đọc nhiều đem lại nhiều lợi ích hơn rất nhiều so với viết hàng đống tập làm văn – viết tập làm văn trên thực tế chỉ là học thật nhiều văn mẫu để bắt chước mà viết theo đề được giao. Viết văn theo đề không chỉ làm yếu đi khả năng viết của bạn, mà nó còn ngầm dạy bạn rằng nói ra những suy nghĩ không phải của mình là bình thường và cần thiết, rằng đó chính là bí kíp sống còn. Đấy là lợi ích duy nhất học sinh thu được từ việc viết tập làm văn – viết văn cảnh báo sớm cho chúng biết về cái thực tế rằng bày tỏ suy nghĩ trung thực của mình sẽ chỉ dẫn đến rắc rối. Và tập làm văn cũng gây ảnh hưởng và hủy diệt niềm yêu thích văn học.
Sẽ có người nói rằng tôi chỉ đang lý sự cùn, và rằng tôi không có ý kiến xây dựng – nếu người ta thôi viết tập làm văn, thì họ sẽ viết cái khỉ gì đây? Đây chính là một ví dụ điển hình của sự thui chột khả năng lý luận mà hệ thống giáo dục này đã gây ra cho bạn. Đơn giản thôi – đừng có viết nữa! Việc viết văn về cơ bản nó là sở thích, là tình yêu, như làm vườn như câu cá – không phải là một thứ có thể ép buộc người ta phải làm. Thường thì, sẽ có người thích người không. Hãy để những người thích viết văn đi viết những bài văn thực thụ, để người không thích viết văn đi viết thư tình, để những người viết thư tình không được hồi đáp đi viết nhật ký, và để những người thích viết những bài văn giả dối, tự phụ và sáo rỗng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của chúng ta – cứ thế thì ai cũng được vui cả.
Tử Dương dịch