Dẹp cái "ngại ngùng" đi để có những cuộc gặp gỡ để đời!
Thay đổi một suy nghĩ nhỏ để bớt nhút nhát đi.
Xin chào các bạn, đã lâu rồi tôi mới trở lại với sự nghiệp viết lách, một phần là vì tôi đang hơi bận rộn với đề tài tốt nghiệp, một phần là tôi muốn có một cảm giác khi viết, và một bài viết chất lượng hơn. Nhưng thú thực càng ngày tôi càng thấy tầm quan trọng của việc "viết" và tôi thật sự phải tìm cách cải thiện kĩ năng, đặc biệt là viết ngoại ngữ. Bài viết này được tôi viết sau một cuộc gặp gỡ khiến tôi thay đổi góc nhìn rất nhiều.
Hôm nay tôi đến với chủ đề về thói "ngại ngùng", bởi tôi thực sự đã trải qua giai đoạn cực kì khổ sợ vì hai từ trên. Qua thời gian, việc thay đổi suy nghĩ đã thực sự khiến tôi có thêm can đảm để tiếp xúc nhiều hơn, và thực sự đã có những quyết định hay những cuộc gặp gỡ "đổi đời".
Ngại ngùng là gì?
Đầu tiên phải nói đến một ngại ngùng là gì và nó ảnh hưởng như thế nào? Ngại ngùng hay ngượng ngùng, nhút nhát, tiếng anh có lẽ là shyness (sự nhút nhát) là cảm giác e sợ, lúng túng, vụng về khi ở xung quanh những người khác. Điều này thường xảy ra khi người ta được đặt vào một môi trường mới hay với những người không quá thân thuộc. Định nghĩa này được tôi trích từ Wikipedia Tiếng Việt, và tôi thấy nó cũng rất đúng theo cách hiểu của bản thân. Có lẽ bất kì ai trong chúng ta đều có một chút dù nhiều cảm giác này, có người sẽ thường gặp hơn người khác, bởi vì nó có một sự tương quan nhất định đến tính cách mỗi người. Và hệ quả nó mang tới cũng thường không phải là điều mà chúng ta mong muốn khi có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội, sống khép kín hơn hay thậm chí nếu nghiêm trọng sẽ hình thành hội chứng sợ xã hội. (Tôi muốn nhắc đến vì tôi cũng đang đọc cuốn: Ám ảnh sợ xã hội - Lý Thế Cường mà tôi săn sale được tại hội sách)
Hội chứng sợ xã hội: Social anxiety disorder, also called social phobia, is a long-term and overwhelming fear of social situations. - National Health Service - UK
Chỉ cần thay đổi một suy nghĩ
Để không đi sâu hơn vào mặt lý thuyết này, nên sau đây tôi sẽ chia sẻ câu chuyện về mình, cũng là một cách để có thể nhìn lại sự thay đổi của bản thân trong thời gian đã qua. Đầu tiên phải xác nhận ngay, tôi là một đứa VÔ CÙNG nhút nhát, điều quan trọng phải được in hoa. Tính cách đó có lẽ cũng chịu ảnh hưởng một phần từ môi trường xung quanh, từ gia đình và đã theo tôi lớn lên, đồng hành cùng tôi cho đến tận bây giờ. Nó khiến tôi trở thành một người khép kín, không được hòa đồng cho lắm và gây thật nhiều phiền toái, như khi tôi rất ngại khi đăng kí một khóa học không ai tham gia cùng, đi tập gym ở một nơi toàn người lạ, hay cả khi trao đổi với giảng viên về đồ án.
Mọi chuyện dần dần thay đổi môt cách đáng kể khi tôi tìm cách đặt góc nhìn của mình vào mọi người xung quanh và nhận ra rằng, mọi người thực sự không để tâm đến mình nhiều đến như vậy. Tôi không thể nhớ ra được một người lạ ở phòng tập hôm qua đã làm những cái gì, và dù có ai đó làm một điều kì quặc, nó cũng không thực sự khiến tôi để tâm. Tôi đặt ra một câu thần chú trong đầu: "mặt dày lên, chẳng ai care đến mày đâu" và luôn tự nhủ mỗi khi tôi định làm gì đó nhưng cảm thấy ngại ngùng. Câu thần chú này thực sự đã khiến tôi khác đi rất nhiều khi không còn quá sơ hãi cảm giác bị người khác nhìn vào, bị chú ý tới nữa. Chỉ một suy nghĩ nhỏ như vậy thôi nhưng đã khiến tôi nhận ra rằng mình đã thực sự bỏ lỡ rất nhiều thứ.
Tôi được chỉ ra rằng cách mình sử dụng được gọi là "tự kỷ ám thị", khi tôi luôn tự nhắc nhở mình những suy nghĩ như vậy khiến bản thân cũng sẽ thay đổi cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Khi tôi tự nhắc nhở mình như vậy, dường như tâm trí tôi đã chấp nhận nó như một sự thật và dần thay đổi theo những gì mà tôi suy nghĩ ấy. Tôi từng bán tín bán nghi về chuyện đó nhưng giờ hẳn tôi nên thay đổi quan điểm một chút rồi. Có một quyển sách cũng nhắc tới vai trò của tự kỷ ám thị trong làm giàu, đó là quyển "Suy nghĩ và làm giàu" của tác giả Napoleon Hill. Trong cuốn sách đó, tác giả cũng rất đề cao vai trò của tự kỷ ám thị và ảnh hưởng của yếu tố ấy tới thành công.
Mang theo suy nghĩ đó, tôi sẵn sàng tiếp chuyện, nói chuyện, giao tiếp hơn, không còn ngượng nghịu trong những lúc mà cuộc trò chuyện diễn ra hơi awkward nữa. Tôi làm quen với nhiều người hơn, hòa nhập được tốt hơn, và thực sự gặp, giao lưu cùng những người rất giỏi và nhiệt tình. Bản thân những người đó cũng sẽ luôn sẵn sàng và rất vui vẻ để giúp đỡ những người thực sự đam mê, sẵn sàng trao đổi và nhiệt tình với công việc, bản thân tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác, và càng tuyệt vời hơn nếu họ vui vẻ và sôi nổi.
Những cuộc gặp mà khiến tôi không quên
Tôi có những cuộc gặp mà chỉ riêng việc gặp được những người đó đã khiến tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn, và cũng thật đáng tiếc nếu trước tới giờ tôi luôn bỏ qua những cơ hội được quen biết, làm việc cũng những người như vậy. Hai trong số những người đó vừa là thầy, nhưng cũng đáng tuổi anh của tôi. Một người là thầy giáo dạy tiếng Đức của tôi, người đã cho tôi hiểu được rất nhiều câu chuyện, về quá trình du học, về sự quyết tâm, về những người thực sự giỏi mà thầy gọi là "những vị thần đi trên mặt đất". Thầy là người vô cùng truyền cảm hứng khiến tôi thay đổi cả về tư duy lẫn cách nhìn nhận cuộc sống. Người thứ hai là một người anh, cũng có thể coi là một người hướng dẫn tôi. Anh ấy là người đã chỉ ra cho tôi những định hướng rất rõ ràng về mặt học thuật, về những con đường trong tương lai mà tôi chưa từng nghĩ tới, về cách làm việc của một người nghiên cứu, một kỹ sư nên ra sao. Nhờ đó, tôi như được mở ra một cơ hội mới để phát triển bản thân và sự nghiệp. Tôi từng có suy nghĩ là tiếp tục học thạc sĩ, tốt nghiệp và có thể tìm kiếm một công việc gì đó, nhưng tôi vẫn chưa tìm được điều gì mình mong muốn, và tôi nên suy nghĩ kĩ hơn về điều mà tôi muốn làm.
Tôi cũng được biết và nói chuyện cùng rất nhiều những người tài năng khác, mà chỉ khi nói chuyện nhiều hơn, tôi mới nhận ra mình thật sự kém cỏi. Nhưng sự kém cỏi ấy tiếp thêm động lực để tôi càng bước tiếp để phát triển bản thân. Tôi đã gặp một cô gái nhỏ nhưng rất thông minh và rất quyết đoán, sẵn sàng đương đầu với khó khăn và thử thách khi quyết định dừng việc học ở một trường top đầu tại Việt Nam để đi du học, điều mà tôi đã không dám làm khi bắt đầu vào đại học. Khi tôi hỏi, liệu em có cảm thấy đắn đo khi đưa quyết định khó khăn như vậy hay không? Và câu trả lời là không một giây nào, em trả lời tôi mà không chút chần chừ. Dù chỉ qua một vài lần gặp gỡ, em cũng đã dạy tôi được rất nhiều điều. Tôi thật sự rất cảm mến em và tinh thần, cách suy nghĩ của em.
Tôi viết những dòng này, cũng để nhắc nhở chính bản thân mình rằng, sự cố gắng của bản thân ngay từ việc thay đổi cách suy nghĩ cũng đã mang lại một chút thành quả. Tính cách ngại ngùng ai cũng có, nhưng hãy tự mình thay đổi nó, dù chỉ một mức độ nào đó, chỉ một ý nghĩ rằng mình không muốn tiếp tục hối tiếc những gì mình bỏ lỡ, nó cũng sẽ là động lực để bước tiếp.
Mục đích chính của bài này cũng là để ghi lại một phần cảm xúc của tôi sau một cuộc nói chuyện vô cùng phấn khích có thể khiến tôi thay đổi cả định hướng tương lai. Cảm ơn anh rất nhiều vì cuộc nói chuyện, em hi vọng có thể học được nhiều hơn nữa từ anh trong tương lai!
01:55 AM, 05/07/2022
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất