Đến bao giờ phim Việt mới thôi ỷ lại "chuyện tiểu tam"?
Phim bắt phụ nữ phải tham gia vào một cuộc chiến tranh giành người đàn ông. Như thể giá trị của người phụ nữ được đo lường qua tình yêu và sự công nhận từ nam giới.
Dạo một vòng thì hóa ra cái mô típ rất gây ức chế này không chỉ được khai thác trong phim tình cảm gia đình ở Việt Nam, mà ở Trung, Hàn, Mỹ, Ấn cũng tương đối phổ biến.
Nhưng thôi, nói phim Việt trước đã.
Lần đầu chúng mình nhắc đến chủ đề này cũng phải cách đây gần 3 năm rồi, khi thảo luận về phim "11 tháng 5 ngày". Hình như đấy cũng là phim VTV cuối cùng mà VA xem, còn mình thì vẫn giữ 1 niềm tin rằng "người Việt nên ủng hộ phim Việt", nên ròng rã xem tiếp "Gia đình mình vui bất thình lình", "Chúng ta của 8 năm sau", "Gặp nhau ngày nắng", "Mình yêu nhau, bình yên thôi", "Đi giữa trời rực rỡ". Thì đấy, 4/5 phim đều phải có tiểu tam mới chịu. Mà sau bao nhiêu phim, cái cách khai thác vẫn cứ hời hợt na ná nhau thế chứ.
I/ KHAI THÁC TIỂU TAM THEO CÁCH NÀY THÌ SAO?
1. Rập khuôn quá
Cảm giác như kiểu cứ lúc nào biên kịch và đoàn làm phim hạt bí quá, không biết làm sao để nhân vật có cú hích phát triển tâm lý nữa, thì "A đây rồi, nhét 1 con tiểu tam vào". Và họ sẽ nhét 1 cách rất máy móc và hời hợt. Trung bình sẽ là tiểu tam mặt dày quyến rũ chồng, bà vợ biết chuyện thì đau khổ, nếu là kiểu người mẫu mực chịu khó hi sinh thì hoặc dứt áo ra đi hoặc cắn răng tha thứ; còn nếu là kiểu người đanh đá (hoặc có hội chị em đanh đá) hơn tí thì sẽ đến dằn mặt tiểu tam cho ra nhẽ. Người đàn ông thì hoặc là được mô tả như 1 ông anh luôn suy nghĩ bằng đầu dưới, không thì cũng chỉ biết hèn nhát lặng im, không hơn không kém.
Có thiếu gì cách để nhân vật chuyển mình rồi phát triển.
Reply 1988 là ví dụ kinh điển chúng mình vẫn hay nhắc. Các nhân vật phát triển thông qua tình yêu, tình bạn, tình gia đình, tình hàng xóm, xung đột thế hệ, và những khoảnh khắc họ học cách kết nối và thấu hiểu lẫn nhau.
Làm rõ hơn thì mình không ghét nếu phim có nhắc đến ngoại tình, nhưng sẽ thật thiếu sáng tạo nếu cứ lấy đấy làm cốt truyện trung tâm và rồi lại để nhân vật đi theo lối mòn. Thay vì khắc họa chiều sâu tâm lý, phim rất thích tối giản hóa các nhân vật. Người vợ thì được mô tả là thuần là nạn nhân của sự phản bội, còn người tình thì thuần là kẻ hủy diệt gia đình. Không đủ sức khai thác những khía cạnh phức tạp của cảm xúc, động lực và bối cảnh dẫn đến sự phản bội, các nhà làm phim chọn cách nhấn mạnh vào sự đối lập tuyệt đối, biến nhân vật thành biểu tượng một chiều.
2. Duy trì định kiến lên phái nữ và sâu sắc thêm các mâu thuẫn ngầm nữ-nữ
Phim bắt phụ nữ phải tham gia vào một cuộc chiến tranh giành người đàn ông. Như thể giá trị của người phụ nữ được đo lường qua tình yêu và sự công nhận từ nam giới, và rằng hạnh phúc của phụ nữ nằm ở việc họ có thể "giữ", có "tranh giành" được đàn ông hay không. Phụ nữ trong phim thiếu đi không gian cá nhân để tỏa sáng.
Việc nhị nguyên hóa câu chuyện ngoại tình theo kiểu tốt - xấu khiến nó trông thật nông cạn. Thay vì khai thác vấn đề sâu xa trong hôn nhân dẫn đến ngoại tình như sự thiếu giao tiếp, thiếu tôn trọng, thiếu đồng điệu về mặt cảm xúc và tình dục từ cả hai phía, và nhấn mạnh trách nhiệm giải quyết vấn đề phải là của cả hai phía; phim thường tập trung vào việc đổ lỗi và gây xung đột giữa hai phụ nữ. Góp phần thúc đẩy kỳ vọng rằng phụ nữ phải chịu trách nhiệm cho sự thành bại của cuộc hôn nhân, nhiệm vụ của người phụ nữ là bảo vệ gia đình và người chồng khỏi “cám dỗ” từ phụ nữ khác.
Như thế, phim cũng biến phụ nữ trở thành kẻ thù của nhau. Họ rất hay được xuất hiện trong tình huống phải đấu đá nhau dưới các hành vi cạnh tranh, ghen tị, nói xấu, phán xét hoặc bạo hành nhau (để giành lấy sự chú ý hoặc tình cảm từ nhân vật nam chính). Thay vì đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau, xem nhau là đồng minh, mâu thuẫn ngầm khiến phụ nữ bị chia rẽ, góp phần làm giảm đi sức mạnh tập thể và khả năng đối phó với những bất công giới tính trong xã hội. (Phụ nữ bị cuốn vào mâu thuẫn ngầm cũng thường gặp khó khăn trong việc xây dựng lòng tự trọng và giá trị bản thân, ảnh hưởng đến mối quan hệ và khiến họ dễ cảm thấy bất an về chính bản thân mình.)
3. Duy trì định kiến lên phái nam
Người chồng thường được mô tả là kẻ phản bội, không kiểm soát được cảm xúc hoặc hành vi, là nguyên nhân gây ra xung đột hoặc là đối tượng bị giằng xé giữa người vợ và người tình. Các anh thường không được phát triển như một nhân vật có cảm xúc, đấu tranh nội tâm, hoặc có động lực riêng mà chỉ đơn thuần là yếu tố tạo ra mâu thuẫn giữa hai người phụ nữ. Làm giảm tính phức tạp của nhân vật nam và khiến họ thiếu chiều sâu và khó đồng cảm.
Phim cứ để đàn ông dễ sa đà vào chuyện ngoại tình. Như thể cứ có ham muốn tình dục hoặc sự hấp dẫn của phái nữ là họ mất kiểm soát luôn. Khiến khán giả dễ nhìn nhận đàn ông như những thụ động, thiếu ý chí. Xong tiếp tục coi người đàn ông như quả bóng bị người vợ và người tình tranh giành, đẩy qua đẩy lại. Như thể họ chỉ biết ngây ngô trong chuyện tình cảm, dễ bị dẫn dắt và thiếu kiểm soát trong bối cảnh tình cảm phức tạp.
Phim không cho người đàn ông trở thành người biết vun vén hạnh phúc. Đàn ông thường bị mô tả là người không ưu tiên các giá trị gia đình hoặc cảm xúc của người khác. Củng cố định kiến rằng đàn ông không giỏi về mặt tình cảm, thường trốn tránh trách nhiệm và không biết cách xử lý mâu thuẫn tình cảm khi xảy ra. Thiếu khích lệ rằng họ cũng là 1 nửa nhân tố quyết định thành bại trong hôn nhân.
Phim thích người đàn ông trở thành người không đáng tin cậy trong các mối quan hệ, thường xuyên thiếu chung thuỷ và gây ra tổn thương cho gia đình. Củng cố định kiến rằng "đàn ông lăng nhăng là chuyện bình thường" và tạo áp lực tâm lý lên nam giới, khi họ cứ phải đối mặt với sự nghi ngờ từ bạn đời hoặc xã hội, ngay cả khi họ trung thành và tận tâm với gia đình.
Điều này có thể gây ra sự căng thẳng, mất lòng tin và ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa hai giới. Và chuyện có thật của chúng mình là trong năm đầu yêu nhau, mình rất thường xuyên nói với người yêu: "Anh chả thương em" (trend mà), cho đến 1 ngày thì ảnh cáu lên bất lực đại khái là "Thực sự anh rất yêu em, sao em cứ phủ nhận tình cảm của anh như thế, anh cũng không biết phải làm thế nào hơn nữa để em yên tâm..." Lúc đấy mình cũng mới biết là "À hóa ra đàn ông họ cũng là con người, họ cũng muốn được công nhận với những nỗ lực tình cảm họ bỏ ra". Với mình thì đó chỉ là những câu đùa hờn dỗi, nhưng với người yêu mình thì đó có thể là sự phủ nhận phũ phàng.
II/ VÌ SAO MÌNH NÊN QUAN TÂM ĐẾN CÁI NÀY?
Theo Lý thuyết học tập xã hội (Social Learning Theory - Albert Bandura), hành vi con người có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ thông qua quan sát và mô phỏng các hành vi mà họ nhìn thấy từ những người khác. Việc tiếp xúc lặp đi lặp lại với một kiểu hành vi trên màn ảnh có thể làm cho hành vi đó trở nên bình thường, vô thức khiến chúng ta hành động tương tự nếu cũng rơi vào tình huống đó.
1. Bình thường hóa việc đối đầu để giải quyết mâu thuẫn
Kiểu khai thác tập trung vào sự đối đầu giữa các bên (vợ-chồng, vợ-tiểu tam) có thể khiến người xem nghĩ rằng xung đột và đấu tranh là cách duy nhất để đối diện với tình huống kiểu này, nghĩ rằng cứ phải nói được những câu thật ngầu, thật đau, đâm thẳng vào tâm can đối phương thì mới là tốt.
Trong khi, mọi mâu thuẫn trong mối quan hệ bao giờ cũng xuất phát từ mâu thuẫn lợi ích của cả hai phía. Việc cứ đặt nhau là kẻ thù chỉ khiến leo thang mâu thuẫn, tổn thương tinh thần cho tất cả các bên. Mãi đến gần đây mình cũng mới hiểu ra là "Ừ nhỉ, chúng mình cũng có thể là đồng minh để cùng giải quyết những mâu thuẫn, không nhất thiết phải coi nhau là kẻ thù đâu."
Chúng ta cứ đặt nhau ở 2 phía đối lập với mâu thuẫn đứng ở giữa (tôi > mâu thuẫn < bạn) chỉ là vì chưa từng nhìn thấy ai cùng nhau đứng ở 1 phía và chống lại "mâu thuẫn" cả (tôi & bạn >< mâu thuẫn).
2. Bình thường hóa mâu thuẫn là thuộc về hai người phụ nữ, thay vì thuộc về người trong cuộc (vợ-chồng)
Thay vì trực tiếp giải quyết hành vi ngoại tình với đối tác của mình, người phụ nữ có xu hướng đối đầu với tiểu tam. Và thay vì hai người trong cuộc cùng ngồi xuống trò chuyện để thấu hiểu tận gốc vấn đề, người ta có xu hướng giải quyết những cảm xúc, tình huống rất bề nổi.
Cảm xúc bề nổi như tức giận, tổn thương, và ghen tuông thường là những phản ứng tự nhiên khi phát hiện ra sự phản bội. Nhưng thay vì đối diện và thấu hiểu cảm xúc sâu bên trong, người ta có xu hướng hành động ngay lập tức theo những cảm xúc mạnh mẽ nhất, dẫn đến các phản ứng thái quá như đánh ghen hoặc trút giận lên người khác, đặc biệt là lên thứ ba.
Việc ngồi xuống và giao tiếp thẳng thắn để giải quyết vấn đề tận gốc đòi hỏi sự dũng cảm và kỹ năng giao tiếp giữa hai bên. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người ta thường cảm thấy khó khăn khi đối diện với các vấn đề phức tạp như cảm giác không an toàn, sợ hãi mất mát, sự phản bội, sự thiếu thốn trong tình cảm, hoặc những mong đợi không được đáp ứng trong mối quan hệ. Do đó, thay vì đối mặt và thảo luận, họ chọn cách giải quyết những vấn đề dễ tiếp cận hơn – thường là qua việc đổ lỗi hoặc trút giận lên người khác. Khiến cho những vấn đề cốt lõi trong hôn nhân như sự thiếu giao tiếp, mất kết nối tình cảm, hoặc sự thiếu hiểu biết về nhu cầu của nhau không được xử lý.
Ngoài ra, trong các xã hội coi trọng giá trị về danh dự gia đình và tự trọng cá nhân, người phụ nữ sẽ ưu tiên bảo vệ vị thế của mình trước xã hội. Khi bị phản bội, họ có xu hướng giải quyết tình huống qua các hành động thể hiện sức mạnh hoặc sự đối đầu với người thứ ba để khẳng định quyền kiểm soát và danh dự của mình. Đôi khi, họ có áp lực phải giành lại chồng hoặc chứng minh vị thế của mình. Thay vì thảo luận với chồng hoặc đánh giá lại chính mối quan hệ của mình, phụ nữ dễ bị cuốn vào việc phải chiến thắng trong cuộc xung đột.
Tóm lại, phim ảnh cũng phần nào định hình cách chúng ta giải quyết vấn đề trong cuộc sống thật, và cách giải quyết ấy chỉ khiến chúng ta càng thêm mệt mỏi.
Mình nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ phim ảnh là 1 "thủ phạm" tiếp tay cho những định kiến này, nhưng nó cũng là "nạn nhân" vì được sinh ra để đáp ứng thị hiếu drama của khán giả. Và mình tin rằng nghĩ những phân tích này có thể giúp chúng mình nhận thức rõ ràng hơn về những khuôn mẫu độc hại chúng mình đang vô tình tiếp nhận từ phim rồi mang áp dụng trong cuộc sống lúc nào không hay.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất