Decision to Leave (2022) - đừng nghe Park Chan-wook nói 'lời đường mật'
Spoiler alert : nếu bạn có ý định đọc thì hãy xem phim trước đi nhé. Hoặc vẫn thích đọc thì cứ đọc thui, hy vọng những phân tích của...
Spoiler alert: nếu bạn có ý định đọc thì hãy xem phim trước đi nhé. Hoặc vẫn thích đọc thì cứ đọc thui, hy vọng những phân tích của mình có thể làm tăng trải nghiệm xem phim của bạn.
Decision to Leave (2022) – thước phim điện ảnh mang Park Chan-wook giành ngôi vị đạo diễn xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Cannes 2022 có gì đặc biệt đến vậy?
Park Chan-wook đã từng đề cập rằng, trong những tác phẩm điện ảnh của ông, tất cả các nhân vật, từ chính diện đến phản diện, đều có một điểm chung: Họ chịu trách nhiệm với những gì họ làm. Và đó là một trong những lý do Decision to Leave (2022) thành công trong việc khắc hoạ chiều sâu nội tâm của từng nhân vật. Bộ phim kể về viên cảnh sát Hae-jun (Park Hae-il thủ vai - một viên cảnh sát yêu công việc, thường xuyên mất ngủ vì công việc, đã có vợ, nhưng không còn hứng thú với cô ấy) và cô gái mà anh đem lòng yêu thương (người nhập cư Trung Quốc, có chồng người Hàn vừa qua đời trong chuyến leo núi 1 mình), đồng thời là nghi phạm trong vụ án mà anh đang điều tra – Seo-rae (Thang Duy thủ vai). Bài viết sẽ phân tích sự thành công Decision to Leave (2022) dựa trên 3 luận điểm sau:
1. Bộ phim được xây dựng trên bối cảnh đặc trưng của một quốc gia công nghiệp mới như Hàn Quốc.
2. Kĩ thuật quay phim thể hiện hệ tư tưởng rõ ràng của từng nhân vật.
3. Sự pha trộn hài hoà giữa các thể loại phim làm sự lãng mạn vượt xa khuôn khổ của những phim K-drama thường gặp.
Bối cảnh điện ảnh
Kinh Tế
Hàn Quốc, hay những nước NIC (Newly Industrialized Countries) nói chung đều có những đặc điểm chung như: có quyền tự do kinh tế, tự do cá nhân, sự chuyển đổi nhanh chóng từ ngành nông nghiệp sang ngành công nghiệp máy móc, và sự tồn tại của các tập đoàn quốc gia siêu cường: Samsung, Hyundai,… Có thể dễ dàng nhận thấy trong Decision to Leave (2022), cặp đôi Hae-jun và vợ, tuy không còn trẻ nhưng họ vô cùng đam mê và có trách nhiệm với công việc, đến mức 2 vợ chồng sống ở 2 thành phố khác nhau, họ ly thân và chỉ ăn tối cùng nhau vào những dịp cuối tuần, và họ thậm chí chưa có đưa con đầu lòng. Điều này phản ánh mặt tối của một nền kinh tế phát triển quá nhanh, khi con người tập trung vào công việc và quá mệt mỏi cho những giá trị tinh thần, cùng với sự tiếp tay của chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến thách thức to lớn đối với nền kinh tế trong việc thiếu nguồn nhân lực và dân số già hoá chóng mặt của Hàn Quốc. Ngoài ra, việc đưa một diễn viên người Trung Quốc lên màn ảnh rộng cũng phần nào khẳng định mối quan hệ hợp tác kinh tế Hàn-Trung.
Văn Hoá
Hàn Quốc là một xã hội tư bản có bản chất của một xã hội tiêu dùng, điều này đồng nghĩa với việc: hệ thống chủ nghĩa tư bản sẽ sụp đổ nếu người tiêu dùng không liên tục đốt tiền của họ vào vật chất. Mình có cơ hội nói chuyện với một người Hàn, bạn ấy sống ở Seoul trong một căn nhà vỏn vẹn 15m2, không xập xệ, nhưng nhìn ‘nghèo’. Tuy vậy, người bạn ấy ‘đắp’ toàn đồ hiệu và bạn ấy thật sự thoải mái với điều đó và cho nó là điều đương nhiên, bởi, theo thống kê của Park (2009) xã hội Hàn Quốc thật sự đánh giá con người thông qua lăng kính của chủ nghĩa vật chất (Materialism), như một hệ quả của chủ nghĩa tiêu dùng (Consumerism). Bằng cách sử dụng sự khác biệt trong ăn mặc, đạo diễn đã phản ánh chủ nghĩa tiêu dùng: cả 2 người chồng (quá cố) của Seo-rae đều là đại gia, khi cô ở bên chồng, cô luôn khoác lên mình những bộ cánh lộng lẫy nhất, tận hưởng những thú vui bậc nhất – trái ngược hoàn toàn với khi cô là một goá phụ - kém sang. Phim Kí Sinh Trùng (2019) cũng phản ánh luận điểm tương tự.
Chính Trị
Do sự già hoá nhanh dân số, Hàn Quốc nới lỏng chính sách nhập cư cho công dân trẻ từ các quốc gia khác đến định cư, và rất nhiều trong số đó là người Trung Quốc. Tuy nhiên, 1 cộng đồng không ít người Hàn Quốc không đồng ý với quan điểm này với nỗi lo mất bản sắc dân tộc và định kiến với người nhập cư. Seo-rae trong trường hợp này đại diện cho người nhập cư vào Hàn Quốc, cô ấy sống và làm việc như một công dân bình thường, dù là nghi phạm, nếu cô ấy có tội, sẽ bị xử phạt, vô tội thì thôi, không có bất kì biểu hiện nào của phân biệt đối xử, phản ánh yếu tố nhân văn trong chính sách nhập cư.
Kĩ thuật quay phim
Bộ phim là sự kết hợp hài hoà giữa các kĩ xảo điện ảnh trong việc tái hiện những tình huống khác nhau. Trong các phân cảnh Hae-jun điều tra vụ án, kĩ thuật Zoom-in và Zoom-out được tận dụng, thể hiện sự băn khoăn, mâu thuẫn nội tâm của điều tra viên đối với vụ án. Góc camera hầu như lúc nào cũng đặt ngang tầm mắt của nhân vật, khắc hoạ người đàn ông trung lập và hài hoà, đồng thời cho thấy sự khao khát hoà vào cuộc sống của crush khi anh đeo bám cô – nghi phạm, với mục đích điều tra.
Khi điều tra vụ án giết người, khi anh quan sát mắt nạn nhân, góc máy luôn trùng với tầm mắt của nạn nhân: hướng lên trời đối với vụ án đầu tiên, và nghiêng nhẹ 15 độ theo trục X đối với vụ án thứ 2. Thể hiện sự chuyên nghiệp, nội tâm thấu cảm của Hae-jun đối với nạn nhân: luôn quan sát hiện trường từ góc nhìn của nạn nhân để hiểu được tâm lý của người cuối cùng nạn nhân nhìn thấy trước khi chết - kẻ giết người.
Trong phân cảnh anh tìm crush ở bãi biển – nơi cô trầm mình tự vẫn, sự rung lắc của camera (random camera movement), thể hiện sự cao trào, vội vã, bất lực của anh trước biển cả và nỗi lo mất đi người anh yêu thật sự.
Bố cục (Mise-en-scène): hầu như những bố cục trong phòng điều tra nghi phạm đều quay rõ mặt Hae-jun, trong khi các phân cảnh có Seo-rae đều được ghi lại dưới hình ảnh phản chiếu của cô qua gương. Sự sắp xếp đóng khung như vậy thể hiện những góc khuất nội tâm nhân vật nữ qua những lời khai của cô.
Lãng mạn nhưng không sáo rỗng
Bộ phim cho người xem cảm giác ‘bị lừa’ với những hình ảnh xác chết, khám nghiệm tử thi, điều tra nghi phạm,… mang đậm chất Crime-thriller. Tuy nhiên, hầu hết những tình huống đều khắc hoạ nên câu chuyện tình lãng mạn (theo phong cách của ông Park). Cách mà nam chính vô thức nhìn vào môi nữ chính khi anh điều tra, hay mua cho cô món sushi – món mà ngay phân cảnh trước đó vợ anh bảo thèm nhưng anh không mua, cái sự sai đó, nó lãng mạn một cách kì lạ đúng không? Hae-jun vứt luôn cả đạo đức nghề nghiệp để bảo vệ người phụ nữ anh không hề biết trước: anh bảo cô hãy vứt chiếc điện thoại chứa chứng cứ xuống biển sâu đi. Và thay vì vứt điện thoại, cô vứt… bản thân mình. Để bảo vệ người cô yêu khỏi những dằn vặt và lo sợ khi bị phát hiện làm trái đạo đức nghề nghiệp, cô trầm mình xuống biển để thể hiện tình yêu đó, ‘dìm nó xuống nơi sâu nhất’, để đoạn tình cảm giữa hai người trở thành sự tuyệt mật vĩnh cửu.
Sự kết hợp tài tình giữa các thể loại với nhau làm Decision to Leave (2022) thoát khỏi sự sáo rỗng của K-drama. Trải nghiệm bị ‘lừa’ đấy, thật sự là một trải nghiệm siêu thực.
Chi tiết tinh tế
Bộ phim liên tục nhấn mạnh biểu tượng núi - biển. Biển, tương trưng cho nữ chính, người chữa lành cho nam chính, nhưng sâu thẳm, khó đoán. Núi, tượng trung cho nam chính, người sẵn sàng che chở, ổn định và hy sinh. Giấy dán tường nhà Seo-rae thoạt nhìn thì có vẻ là biển nhưng nhìn kĩ thì lại ra… núi. Nữ chính cực kì ghét núi, vì cô sợ việc được đưa lên cao và thả rơi xuống, giống như việc cô lấy chồng giàu nhưng bị bạo hành. Trớ trêu thay, Hae-jun lại là núi, anh cũng xa cách và nguy hiểm, nhưng theo một cách khác.
Bài hát chủ đạo, cũng là bài hát yêu thích của cô trong phim – Fog – cũng đóng vai trò là một kí hiệu, thể hiện tình yêu mù quáng của họ. Việc áp dụng ký hiệu học lên phim khiến người xem dễ liên tưởng và có ám ảnh vô cùng mạnh mẽ đối với mối tình lãng mạn nhưng đau đớn ấy.
Góc nhìn ‘gợi cảm’
Trong các tình tiết điều tra ban đầu, các cảnh quay táo bạo về da thịt của nữ chính khi cô để lộ vết xước ở đùi và há miệng một cách.. gợi cảm trong khi lấy mẫu thử nước bọt làm người xem liên tưởng đến ham muốn thể xác của nam chính. Tuy nhiên, từ giữa phim, các phân cảnh như vậy không còn nữa, thể hiện sự tôn trọng của anh và chứng tỏ tình cảm của anh đã vượt xa ham muốn thể xác.
Thảo luận
Decision to Leave (2022) là bộ phim khá kén người xem, nó phá vỡ tất cả những quy tắc của một bộ phim tình cảm điển hình của Hàn Quốc nhưng vẫn đủ để thoả mãn những khán giả cho nó một cơ hội, dù họ có là fan của phim tình cảm hay không. Nó cũng truyền tải nhiều thông điệp nhân văn và phản ánh các mặt tốt - xấu của xã hội Hàn Quốc, vượt xa một câu chuyện tình yêu tầm thường.
Tham khảo:
Park CM (2009) ‘The Quality of Life in South Korea’, Social Indicators Research, 92:263-294.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất