Dear Ex là câu chuyện từ góc nhìn của cậu bé lầm lì ít nói và luôn khó chịu với mẹ - Tống Trình Hy. Đằng sau ý nghĩ chán ghét người lớn, cho rằng người lớn thật xấu xa và lắm lúc ngu xuẩn khi cố che giấu mọi bí mật, Tống Trình Hy là một cậu bé đáng thương. Dù chỉ mới 13 tuổi, cậu phải trải qua một “bi kịch” trớ trêu của gia đình: Ba (Tống Chính Viễn) vừa mất, mẹ (Lưu Tam Liên) lúc nào cũng ồn ào và cáu gắt với cậu, bạn trai của ba (A Kiệt) đang là người thừa kế tiền bảo hiểm ba để lại - số tiền mà mẹ muốn dùng để lo cho cậu bé sang Canada du học.
Từ đây, tam giác mẫu thuẫn giữa ba con người càng ngày càng căng thẳng. Tống Trình Hy xem Lưu Tam Liên như kẻ thù, thà chết chứ không chịu sống chung. Lưu Tam Liên mắng chửi A Kiệt là kẻ thứ ba và luôn tìm cách đòi lại số tiền bảo hiểm. Tống Trình Hy xem A Kiệt là kẻ xấu vì vừa là một gã đồng tính cướp đi ba vừa là người giành lấy số tiền đáng lẽ ra cậu được nhận. Còn A Kiệt? Nỗi đau mất đi người thương đã khiến anh thờ ơ với mọi thứ.
Ba con người cứ thế bám dính lấy nhau và chọc ngoáy vào nỗi đau của nhau. Tuy nhiên, đằng sau những sự mâu thuẫn hữu hình ấy là những nỗi đau vô hình mà mỗi người phải gánh chịu, chúng thấm đẫm vào từng khung hình, len lỏi vào từng câu thoại và được thể hiện thật buồn qua từng đường nét âm thanh.
“Con cần ba mẹ lắng nghe dù chỉ một lần”
Chắc hẳn, ai cũng đã từng trải qua khoảng thời gian cho rằng ba mẹ không thật sự hiểu mình, luôn kiểm soát mình quá mức hay thậm chí xâm phạm quyền riêng tư. Khi mẹ dọn dẹp phòng và vứt đi chiếc hộp kỉ niệm của ba, điều này khiến Tống Trình Hy không thể chịu nỗi và bỏ sang nhà A Kiệt. Một phần vì cậu bé không muốn sống chung với người phụ nữ kia, một phần vì muốn tìm hiểu vì sao ba lại để lại số tiền bảo hiểm cho anh ta. Bản tính ngang bướng đó khiến người xem vừa giận vừa thương. Sâu thẳm trong trái tim cậu bé với bộ dạng bất cần kia là khát khao yêu thương đúng nghĩa và sự thấu hiểu từ mẹ dù chỉ một lần.
“Vì con, mẹ có thể làm tất cả mọi thứ”
Đằng sau sự cáu gắt, hay nổi nóng và quát tháo suốt ngày của Lưu Tam Liên là một người mẹ yêu thương con hết mực. Tất cả những việc Lưu Tam Liên làm đều vì Trình Hy, từ việc cố gắng giành lại tiền bảo hiểm, đến việc qua nhà “tình địch” A Kiệt để dọn dẹp sạch sẽ vì sợ Trình Hy bị bệnh. Tuy nhiên, nỗi đau “bị cướp chồng” bởi một gã đồng tính và sau đó là căn bệnh ung thư cứ thể ám ảnh người phụ nữ nhỏ bé ngày này qua ngày khác, kéo theo đó là những ức chế dai dẳng khiến Tam Liên bị mắc kẹt và không thể tìm thấy lối thoát cho chính bản thân mình, cũng như cho mối quan hệ mẹ-con nhiều vết nứt.
“Khi anh rời xa, mỗi ngày là 10,000 năm”
Còn A Kiệt, anh là một gã trai si tình, luôn hết lòng yêu Tống Chính Viễn và có thể làm mọi thứ vì anh. Ngay cả khi Chính Viễn muốn làm “người bình thường”, lấy vợ rồi sinh con, A Kiệt cũng không một lời oán trách và vẫn chăm sóc người thương khi Chính Viễn chọn về bên anh lúc cuối đời.
“Cháu học toán giỏi thế này, vậy có biết 10,000 năm là bao lâu không? 10,000 năm là khi người cháu yêu muốn trở thành một người bình thường, sau đó bỏ rơi cháu. Từ đó, mỗi ngày đều là 10,000 năm”. Chỉ một câu nói đó cũng đủ thể hiện một nỗi buồn thăm thẳm, day dứt và giày xéo tâm can A Kiệt. Tại sao anh vẫn không thể sống trọn với tình yêu của mình? Tại sao ông trời lại cướp đi người anh thương đến tận lần thứ hai?
Hơn 130 phút của bộ phim là những cảnh quay u tối và đặc quánh nỗi buồn. Tuy nhiên, nỗi đau đó cuối cùng cũng tan khi A Kiệt hoàn thành vở kịch còn dang dở của Chính Viễn, khi mẹ của A Kiệt chấp nhận sự thật con mình là người đồng tính, khi Lưu Tam Liên hiểu được tình yêu của A Kiệt dành cho chồng mình, khi Tống Trình Hy và mẹ có thể cùng nhau ngân nga bài hát “Bali nhiệm màu”, như chưa hề có những vết rạn giữa mối quan hệ hai người.
Suy cho cùng, con người ai cũng cần được yêu thương và được thứ tha. Chỉ cần chúng ta can đảm nhìn về tương lai và đừng để nỗi đau của quá khứ cản trở ta hạnh phúc. Bước tiếp thôi vì ngày mai chắc chắn sẽ có cầu vồng!