“Để mặc con khóc” có giúp con tự lập?
“Để mặc con khóc” có giúp con tự lập?
Một số cha mẹ áp dụng phương pháp gọi là cry it out, tạm dịch là "để mặc con khóc", với mong muốn để con tự lập và tự điều chỉnh cảm xúc từ nhỏ. Theo phương pháp này thì để trẻ khóc, mà không cần đáp ứng cho đến khi trẻ có thể tự điều chỉnh.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy phương pháp này không giúp trẻ kiểm soát cảm xúc và phát triển tự lập.
PHƯƠNG PHÁP NÀY ĐẾN TỪ ĐÂU?
Phương pháp này được phát triển từ nhà tâm lý học John Watson vào năm 1928 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, GS. Tâm Lý Học Narvaez, ĐH Notre Dame- Top 2% của 8 triệu nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, chia sẻ ý kiến rằng: sự hình thành phương pháp này dường như lỗi thời vì nó được phát triển khi những hiểu biết về lợi ích của việc tương tác với trẻ vẫn chưa được phát triển, khi mà tương tác da kề da hay tương tác tích cực với trẻ vẫn còn xa xỉ ở thời điểm này.
Mãi vài thập kỉ sau đó, khoa học về tương tác và giao tiếp tích cực giữa cha mẹ và trẻ được nghiên cứu là mang lại lợi ích to lớn đặc biệt trong năm đầu đời.
GS. Brown, ĐH Swansea, Anh cũng cho biết những nghiên cứu liên quan đến phương pháp này cho thấy không có lợi ích trong việc giúp trẻ phát triển tự lập hay kiểm soát cảm xúc như nhiều cha mẹ vẫn nghĩ.
Theo cả hai Giáo sư, phương pháp này không còn phù hợp, hơn nữa có thể làm nhiều cha mẹ áp dụng quá cứng ngắt có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tình cảm tích cực giữa cha mẹ và trẻ ở giai đoạn sớm.
Vậy,
DẠY TỰ LẬP NÊN NHƯ THẾ NÀO?
Nhiều cha mẹ có quan niệm về dạy con tự lập, thường cho rằng nó khóc cứ để nó khóc, nó té cứ để nó tự đứng lên, nó làm sai phải để nó chịu phạt... Quan niệm này không sai, nhưng thật sự chúng ta hiểu chưa đúng ý nghĩa và có thể đang làm sai.
Dạy trẻ tự lập là cha mẹ cho trẻ sự hướng dẫn (từng bước nhỏ, theo khả năng của bé trong giai đoạn đó) và tin vào trẻ có thể làm, chứ chưa bao giờ bỏ mặc trẻ.
Ví dụ 1: Một em bé 11 tháng đang đứng vịn, khi đi cần 1 tay dắt. Người lớn cổ vũ nhiệt tình, gây áp lực, mắng: chân khoẻ thế mà không đi được nhằm cổ vũ sự tự tin cho bé. Tuy nhiên, việc này càng gây cho bé tâm lý e sợ. Hãy cho trẻ chơi và dắt đi bộ để trẻ khám phá tự nhiên, khi con tự cảm thấy an toàn và giữ được thăng bằng, con sẽ vững được những bước đầu tiên một cách tự nhiên.
Ví dụ 2: Bé 2 tuổi và được ba mẹ sắm cho chiếc ghế 2 tầng để đứng lên bồn rửa bát tráng bát cùng mẹ. Sau những lần hướng dẫn đầu tiên, người lớn để cho bé tráng 20 cái bát để khuyến khích tự lập.
Tuy nhiên, thay vì tráng thật nhiều, hãy từng bước dạy cho các cách đeo tạp dề, cách tráng cẩn thận, chỉn chu, quy trình rõ ràng 1-2 cái bát. Để bé quan sát và bắt chước làm. Khi bé làm thành công ít bát, thì mới tăng dần dần số lượng. Những thành công nho nhỏ sẽ dần giúp bé xây dựng được sự tự tin với chính bản thân.
Theo TS.Taylor, ĐH San Francisco, tự lập là cách giáo dục mà ở đó trẻ tìm thấy sự giao nhau của 2 chiều:
Chiều 1: NIỀM TIN của bạn vào trẻ và vào trải nghiệm của trẻ.
Chiều 2: Sự HƯỚNG DẪN của bạn cho trẻ biết cách trải nghiệm.
Khi có sự giao nhau, thì trẻ mới đạt được sự tự do trải nghiệm, học hỏi cái mới và hoàn thiện bản thân. Đó là quy trình cho sự tự lập phát triển.
Nếu thiếu chiều thứ 1: Trẻ có thể sẽ trở thành một trong hai dạng sau:
a. Người thích lo chuyện mọi người, nhưng không có phán xét
b.Người không có ý định đặt mục tiêu cao hơn mức trung bình
Nếu thiếu chiều thứ 2: Trẻ có thể là 1 trong 3 người sau:
a. Người lỗ mãng và hành động thiếu phân tích
b. Người khôn lõi, nhưng theo cách không đúng đắn
c. Người hay bất đồng, thiếu lắng nghe
Nếu thiếu cả 2 chiều, trẻ có thể là 1 người có suy nghĩ lệ thuộc vào người khác.
Do đó, chúng ta nên hiểu đúng là:
Khi trẻ làm cái gì sai (VD chạy chơi nhanh quá té ngã), việc bạn đỡ bé dậy hay không đỡ không thể hiện cách dạy tự lập của bạn. Cách dạy tự lập của bạn đúng là như thế này:
(1) Nếu bạn muốn đỡ bé dậy (hoặc bạn đang rảnh tay có thể giúp), thì hãy cứ làm. Sau đó, hãy nói: Con biết tại sao con bị té không? (chiều số 2) và lần này tay mẹ không xách đồ có thể đỡ con dậy, lần sau nếu mẹ bận hoặc không có ở đây, con biết tự đứng dậy phải không! (chiều số 1).
(2) Nếu bạn không muốn đỡ bé dậy (hoặc bận tay không đỡ được), cũng không quan trọng. Bạn cứ nói: Con khóc vì đau à, con đứng dậy được không? (chiều số 1), hãy chống tay để ngồi dậy là được (chiều số 2).
Nguồn: @Ạnh Nguyễn
Ảnh: Wazza Pink
---
Lời người viết: Dù là ở tình huống nào, thì việc chấp nhận cảm xúc của con lúc đó đều quan trọng để con tin rằng có người đang lắng nghe mình. Thay vì phủ nhận “không khóc” “không có gì mà đau cả” “con trai khóc cái gì?” “Con phải mạnh mẽ lên”, hãy đơn giản nói lên quan sát của mình, những gì mà mình NHÌN thấy và CẢM NHẬN được:
À, con khóc, con đau ở gối. Con muốn mẹ ôm à?...
Để hỗ trợ con từng bước làm được những việc nhỏ liên quan tới bản thân trong cuộc sống, yếu tố sắp xếp môi trường phù hợp lứa tuổi sẽ "giúp" được bé rất nhiều.
"Giáo dục là một quá trình tự nhiên được thực hiện bởi trẻ nhỏ và không đạt được nhờ lắng nghe mà nhờ trải nghiệm trong môi trường."- Maria Montessori.
Bài viết có thêm các ví dụ dưới góc nhìn của mình.
Đọc thêm các bài viết khác tại blog của mình