Trong một xã hội năng động, người nào cũng từng có lúc cảm thấy nhịp sống diễn ra quá nhanh khiến thân tâm mệt mỏi. Đó là lúc bạn bắt đầu stress. Hãy cũng tham khảo một vài phương pháp đơn giản để giúp chính mình và người thân vượt qua stress trong bài viết này nhé.
Stress là gì?
Một ngày, đột nhiên người ngồi đối diện chợt im lặng, rồi nói với bạn: “Hình như dạo này cậu hơi xì-chét (stress) thì phải?”. Lúc ấy chúng ta mới bất chợt chú ý đến những biểu hiện của bản thân. Stress nguy hại ở chỗ nạn nhân của nó thường là người cuối cùng nhận ra vấn đề, sau hàng loạt lời nhận xét từ gia đình, bạn bè.
Stress là tình trạng căng thẳng có kèm theo dấu hiệu ban đầu là chứng mất ngủ, hay cảm thấy lo lắng. Ở mức phù hợp, thì stress có tác dụng tích cực, thúc đẩy các hoạt động và khả năng tập trung của con người. Tuy nhiên, nếu trạng thái stress liên tục gia tăng thì sẽ khiến chúng ta trở nên căng thẳng, khó chịu và mất đi niềm vui sống.
Mặc dù vậy, hầu hết người bị stress nặng thường không nhận thức đúng hoặc giải quyết các nguyên nhân stress tận gốc. Họ tìm đến các chất kích thích, không gian sôi động, đồ uống có cồn hoặc các trò chơi cảm giác mạnh với mong muốn thoát khỏi sự căng thẳng. Chính điều này làm cho tình trạng của họ càng trở nên tồi tệ hơn, thậm chí từ stress dần dần chuyển sang bệnh trầm cảm.

Điều đáng lo ngại là tình trạng căng thẳng, lo âu ấy đang tăng lên cùng với thời gian. Báo tuoitre.vn đưa tin trong bài viết Stress ở người trưởng thành có đoạn: “Gần 20 năm trước, khi BS Dương Minh Tâm bắt đầu đến làm việc tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), mỗi ngày các bác sĩ ở đây chỉ nhận được 1-2 bệnh nhân gặp các rối loạn liên quan đến stress, nhưng ở ngày đỉnh điểm tháng 3-2019, viện nhận trên 350 bệnh nhân đến khám ngoại trú, ngày bình thường cũng trên 300 bệnh nhân”.
Không chỉ riêng người lớn, mà trẻ em cũng có thể bị stress mà không phải bậc cha mẹ nào cũng kịp thời phát hiện.
Ảnh hưởng và nguyên nhân
Stress có tác động lớn đến sức khỏe của chúng ta. Stress khiến cơ thể suy nhược, mất ngủ, chán ăn đồng thời làm cho tinh thần trở nên uể oải, kém minh mẫn, thiếu khả năng tập trung. Thậm chí còn khiến cho người mắc stress nặng tìm đến cái chết.
Những đối tượng dễ mắc phải stress là những người thường xuyên phải làm việc với áp lực cao, ít vận động; phụ nữ sau sinh; người có vấn đề về sức khỏe; thanh thiếu niên gặp phải khó khăn trong gia đình, học tập, cuộc sống; người thất nghiệp v.v… Điểm chung là họ điều có những áp lực lớn trong tâm trí nhưng chưa biết cách giải quyết hoặc có thói quen suy nghĩ vấn đề theo hướng tiêu cực.
Đối với người trưởng thành thì nhận biết các tác nhân gây ra stress để giảm thiểu chúng sẽ dễ dàng hơn. Còn đối với trẻ em, thì các em cần được người lớn quan tâm, giúp đỡ.

Trong bài viết Thấy gì từ những bức ảnh hài hước phụ huynh dạy con học? của báo laodong.vn bạn đọc thể bắt gặp hình ảnh những ông bố, bà mẹ trong khi dạy con học phải tự trói tay mình lại hoặc cúi đầu vào tủ lạnh để đỡ nổi nóng. Môi trường ấy càng làm cho trẻ em cảm thấy không muốn học khi buộc phải làm bài về nhà dưới áp lực của cha mẹ. Hình ảnh tưởng chừng như hài hước đối với người lớn, có thể ảm ánh trẻ rất lâu và khiến cho trẻ sợ đến lớp, sợ học, sợ làm bài tập về nhà.
Ở tình huống này, các bậc phụ huynh và con cái đều rơi vào trạng thái stress nên không còn đủ bình tĩnh để giải quyết vấn đề.
Vượt qua Stress
Nếu muốn giúp con em mình vượt qua stress, thì bản thân các bậc cha mẹ cần biết cách để tự giúp chính mình thoát khỏi stress.
Sau đây là một vài kỹ thuật thư giãn để bạn tham khảo:
- Hít thở chậm rãi và tạm rời xa các thiết bị công nghệ vào một khoảnh khắc nhất định trong ngày.
- Dành thời gian vận động dưới ánh nắng và mỉm cười khi gặp gỡ mọi người.
- Để cho bản thân nghỉ ngơi và làm điều mình thích ít nhất một ngày trong tuần.
- Giữ suy nghĩ tích cực, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc.
- Tập thiền hoặc dành thời gian học chơi một loại nhạc cụ bất kì                       
     Nếu bạn có thể tự kiểm soát stress thì bạn cũng có thể giúp con em và người thân xung quanh vượt qua stress. Đối với trẻ em, tâm trạng của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, nhân cách của các em trong tương lai. Nếu cha mẹ biết nuôi dạy thì con sẽ ít nguy cơ mắc phải stress hơn. 
        Theo ThS.BS Phạm Minh Triết, trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1:“Các bậc cha mẹ nên hạn chế việc áp đặt con cái, không xúc phạm con khi con gặp khó khăn, học cách lắng nghe con nói về những khó khăn và cảm xúc của mình, cùng con thảo luận để cùng đưa ra những mục tiêu phù hợp, luôn động viên và đồng hành cùng trẻ vượt qua khó khăn”.
            Dù tiện nghi vật chất có phong phú đến đâu, gia đình chỉ thực sự hạnh phúc nếu các thành viên cảm nhận được bình an và tình thương khi vui sống bên nhau.