Để khi yêu không phải nói lời đắng cay
Giọng hát của Pink và Nate Ruess với bài hát 'Just give me a reason' vang lên da diết bên tai tôi… Now you've been talking in your...
Giọng hát của Pink và Nate Ruess với bài hát 'Just give me a reason' vang lên da diết bên tai tôi…
Now you've been talking in your sleep, oh, oh
Things you never say to me, oh, oh
Tell me that you've had enough
Of our love, our love
Giờ đây anh lại nói trong giấc ngủ những điều mà anh chưa bao giờ nói với em, nói với em rằng anh đã thấy quá đủ với tình yêu của chúng ta.
Tiếp theo là lời chàng trai tỏ bày:
I'm sorry I don't understand
Where all of this is coming from
I thought that we were fine (oh we had everything)
Your head is running wild again
My dear we still have everythin'
And it's all in your mind (yeah but this is happenin')
You've been havin' real bad dreams oh oh
You used to lie so close to me oh oh
There's nothing more than empty sheets between our love, our love
Oh our love, our love
Anh xin lỗi nhưng anh không thể hiểu được tất cả những điều này đến từ đâu, anh nghĩ rằng đôi mình vẫn ổn, em lại đang tưởng tượng rồi. Em yêu chúng mình vẫn có mọi thứ và tất cả những thứ đó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của em thôi. Em đang có một cơn ác mộng rất thật…
Bạn đã bao giờ ở trong tình huống giống chàng trai trong bài hát trên, cảm thấy mình bị hiểu lầm bởi vợ/chồng, người yêu, hay bạn bè, đồng nghiệp và ra sức giải thích nhưng không có kết quả hay không?
Bạn đã bao giờ có những ngày mà thấy chỉ cần người yêu thương dành cho mình một chút thời gian để trò chuyện, để được lắng nghe, khiến bạn cảm thấy rằng họ thật sự hiểu được cảm giác của bạn hay không?
Bạn đã bao giờ có những ngày người yêu của bạn gặp chuyện không như ý và đau khổ, bạn cố làm mọi việc để anh ấy/cô ấy cảm thấy vui lên như kể những câu chuyện cười, đưa người đó đi ăn những món ăn yêu thích, nói chuyện về tương lai tươi sáng, an ủi v.v... nhưng rốt cuộc người đó vẫn buồn, thậm chí còn quăng vào bạn câu nói '‘Anh/em chẳng hiểu cái gì cả,' hay ‘Anh/em không cần sự thương hại,’ hay không? Lúc đó bạn có cảm thấy hoang mang, xen lẫn cả chút bực bội và bất lực vì không biết mình có thể làm gì để giúp họ? Và khi bị đối xử như vậy, bạn có cảm thấy ít đồng cảm và xa cách với người kia hơn?
Nếu câu trả lời là có thì có vẻ như mối quan hệ của bạn cần tới sự thấu cảm rồi đó.
Con người là một sinh vật xã hội có nhu cầu được lắng nghe và thấu hiểu một cách chân thực. Và sự thấu cảm chính là liều thuốc đặc trị cho những nhu cầu này. Sự thấu cảm giúp chúng ta chạm được vào chính những cảm xúc của bản thân và của những người khác.
Vể mặt lý thuyết, vợ chồng giáo sư tiến sĩ Philip A. Cowan và Carolyn P. Cowan đến từ đại học California, Berkeley trong một nghiên cứu đăng trên greatergood.berkeley.edu đã nhìn nhận thấu cảm ở hai khía cạnh tư duy và cảm xúc. Về mặt tư duy, thấu cảm liên quan đến khả năng tiếp thu, tôn trọng quan điểm, suy nghĩ, sở thích của người khác. Chúng ta chắc cũng đôi lần từng gặp những cặp đôi trái dấu như chàng thích xem phim kinh dị, còn nàng thì lại sợ chết khiếp mỗi khi nhắc đến; nàng theo đạo Phật ăn chay, còn chàng thì không, v.v… Về mặt cảm xúc, thấu cảm là khả năng cảm nhận được những gì mà người kia cảm thấy. Chúng ta cùng tìm hiểu thêm một chút về thấu cảm trên khía cạnh cảm xúc này.
Trong cuốn sách ‘Born for love’ (Tạm dịch “Sinh ra để yêu”) hai tác giả Maia Szalavitz và Tiến sĩ Bruce D. Perry đã nói về sự thấu cảm như sau, “Bản chất của sự thấu cảm là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, để cảm nhận rằng nó như thế nào. Những cảm xúc của bạn lúc đó có liên quan đến tình huống của người khác hơn là của chính bạn.” Còn từ điển Merriam-Webster, thấu cảm (empathy) gợi ý khái niệm về sự phóng chiếu.
Từ những trích dẫn trên chúng ta có thể nhận thấy một thông điệp rất quan trọng về sự thấu cảm – cảm xúc của chính chúng ta có thể tạo ra một rào cản đáng kể khi muốn nhận ra những gì người khác đang cảm thấy.Chúng ta cần phải nhận diện một cách có ý thức những cảm xúc của chính mình trước khi chúng ta có thể hoàn toàn ‘có mặt’ lắng nghe người khác. Nếu chúng ta vẫn như những bình chứa đầy tràn những cảm xúc tổn thương bị dồn nén, chưa được nhận diện và chấp nhận thì khi trò chuyện, chúng ta chỉ mải xem xét cảm xúc của chính mình và không thể nào có khả năng cảm nhận được điều đó từ những trải nghiệm của người khác. Làm sao chúng ta có thể đặt mình vào vị thế của người khác và cảm nhận được cảm xúc của họ khi không thể xác định rõ được chính những cảm xúc của bản thân.
Khi không làm được điều này, sẽ dẫn tới một vấn đề khác: những người không biết cách lắng nghe. Chúng ta luôn muốn nhảy vào cuộc trò chuyện ngay khi có thể. Chúng ta quá vội vàng kết nối với người kia, để cho họ thấy rằng chúng ta ‘đã hiểu được cảm xúc và vấn đề của họ’. Và thế là chúng ta ngừng việc lắng nghe, thay vào đó là sự chia sẻ có đi có lại. Chúng ta bắt đầu nhập vai chuyên gia tư vấn, kể lể, mô tả về những trải nghiệm của bản thân mà chúng ta thấy tương đồng với tình huống, một nỗ lực để thể hiện sự hiểu biết và khả năng giúp họ giải quyết được vấn đề. “Ồ, được rồi, được rồi, anh/em hiểu mà. Giờ em/anh nên làm thế này, thế kia…” Chúng ta không để ý tới những tín hiệu mà người kia đưa ra có thể cho biết họ đang cảm thấy như thế nào và họ có thật sự mong muốn hay cần đến lời khuyên của chúng ta hay không.
Hơn nữa, những trải nghiệm trong quá khứ của chúng ta cũng có thể cản trở chúng ta kết nối với người khác. Khi sự hiểu lầm, tranh cãi leo thang, bóng ma quá khứ về những lần chúng ta bày tỏ sự quan tâm mà không được đáp trả lại như mong muốn sẽ làm lu mờ mọi thứ khác. Chúng ta phát triển những định kiến về những người thân yêu mà chúng ta biết rõ, và những định kiến đó khiến chúng ta mắc sai lầm. Khi trò chuyện, chúng ta ngay lập tức phán xét họ dựa trên những định kiến đó.
Như một vòng luẩn quẩn, định kiến trong suy nghĩ này không chỉ khiến chúng ta không lắng nghe được người mình yêu thương mà còn có thể khiến chúng ta không cho phép người đó lắng nghe mình. Kết quả là sự mất kết nối, và đôi bên có những bí mật giữ cho riêng mình.
Đặc biệt hơn, cũng theo vợ chồng tiến sĩ Cowan, một khía cạnh quan trọng khác của sự thấu cảm là hành vi phù hợp với sự thấu cảm đó. Việc ‘anh/em hiểu được nỗi đau đó’ sẽ được chứng thực rõ ràng nhất khi được biến thành hành động cụ thể nào đó để thể hiện sự hiểu biết về trải nghiệm của người kia.
Nói thì dễ hơn làm. Như chúng ta đều biết, không dễ dàng gì trong việc nhìn nhận quan điểm của người khác, đặt mình vào tình huống của họ, cảm nhận những gì họ đang cảm thấy, và hành động theo những cảm xúc đó khi bản thân chúng ta cũng căng thẳng. Ngay cả những người đồng cảm nhất cũng nhiều lúc gặp khó khăn về mặt cảm xúc và tâm lý. Nhưng thật may mắn là sự thấu cảm có thể được học hỏi và rèn luyện. Có một câu nói rất hay từ Jodi Halpern, giáo sư đến từ Đại học California, Berkeley, nhà nghiên cứu về sự đồng cảm “Đối với tôi, cốt lõi của sự đồng cảm là sự tò mò.” Tò mò không phải lúc nào cũng xấu. Khi tò mò tích cực, chúng ta ở vai trò chủ động khám phá giúp mở rộng khả năng thấu cảm. Khi chúng ta trò chuyện với những người khác, chúng ta có thêm hiểu biết về những khía cạnh khác với thế giới quan của chúng ta.
Kết nối với sự thấu cảm là một con đường hai chiều. Cho phép bản thân tiếp nhận hoàn toàn cảm xúc của người khác có thể giúp củng cố mối quan hệ của chúng ta và để bản thân dễ bị tổn thương trước người khác cũng có hiệu quả tương tự. Khi chúng ta chia sẻ trải nghiệm về những cảm xúc đầy thử thách của bản thân, như cảm giác tội lỗi, lo lắng và xấu hổ, chúng ta sẽ tạo cơ hội cho người kia đến gần với bạn hơn. Không dễ để bắt đầu một cuộc trò chuyện về những cảm xúc, trải nghiệm khó khăn, nhưng nếu chúng ta chủ động chia sẻ cảm xúc, chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn cho việc tiếp nhận.
Thấu cảm tạo nên sự cộng hưởng niềm tin và sự kết nối giữa con người với nhau. Nhưng đừng để bản thân bị mắc kẹt trong sự thấu cảm. Đôi khi chúng ta lại đặt nặng cảm xúc của người kia lên trước cảm xúc của mình. Thấu cảm không đồng nghĩa với việc chúng ta phải có trách nhiệm với những cảm xúc của người khác. Nhiều người nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm giúp cho người kia cảm thấy tốt hơn, đặc biệt là những người mà chúng ta yêu quý. Chúng ta có thể lắng nghe và cảm nhận một cách chân thực cảm xúc lẫn trải nghiệm khó khăn của một người thân yêu, nhưng chúng ta không để cho cảm xúc tiêu cực của họ đè nặng lên mình. Chúng ta kết nối và hỗ trợ họ nhưng chúng ta không chịu trách nhiệm cho cảm xúc của họ.
Just give me a reason, just a little bit's enough
Just a second we're not broken just bent, and we can learn to love again
Hãy cho em một lý do, một chút thôi cũng đủ rồi. Chỉ một giây đôi ta không tan vỡ mà chỉ là hiểu lầm, và chúng ta sẽ học cách yêu lại.
Hãy đặt sự thấu cảm vào trong một mối quan hệ thân mật để cuối cùng chúng ta không phải thốt lên những lời cay đắng ‘Hãy cho anh/em một lý do tại sao.’ Hãy học cách yêu với sự thấu cảm dành cho người mình yêu thương. Điều tuyệt vời của sự thấu cảm là khi một nửa yêu thương của chúng ta bắt đầu thay đổi, thì cuộc sống của chính chúng ta cũng trở nên tốt đẹp hơn.
Tác giả: Mộc Yên - Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất