Lần trước khi viết bài "Mình học được gì sau một năm gap year" mình rất vui khi nhận được nhiều phản hồi tích cực, những lời khen, những lời động viên, tất cả đều là động lực rất lớn để mình tiếp tục cố gắng. Mình cảm ơn mọi người rất nhiều về điều này.
(Mình xin đính kèm link cho những ai chưa đọc bài viết trước đó của mình)
Điều mình trân trọng hơn nữa đó là sau bài viết, một vài bạn đã tìm đến mình để giải bày rằng họ cũng có ý định muốn gap year. Mình được nghe nhiều câu chuyện với nhiều lý do khác nhau, thế nhưng một điểm chung mà mình nhận thấy trong những lời chia sẻ đó là đa phần các bạn trong số đó vẫn chưa thật sự trang bị cho bản thân một hành trang vững chắc cả về mặt tinh thần lẫn kiến thức để có được một trải nghiệm gap year trọn vẹn. Mình không phán xét gì việc này cả, bởi lẽ bản thân mình cũng từng rơi vào trường hợp như thế, và lúc đó mình thật sự ước có ai đấy bảo với mình về những điều mình cần lưu ý trước khi gap year.
Khi đọc lại bài viết trước đây của mình, mình tự hỏi liệu có phải những lời chia sẻ trong bài có phần quá ''màu hồng'' hay chăng? Việc tô vẽ bức tranh toàn những gam màu sáng như thế liệu có khiến một số người đọc sẽ vô tình phớt lờ đi những góc khuất của việc gap year? Mình e câu trả lời là ''có'', do đó hôm nay mình quyết định vạch trần một cách trần trụi nhất một số vấn đề mà các bạn cần chú ý đến khi ra quyết định gap year. Nói nghe to mồm thế thôi, chẳng qua là qua bài viết này, mình hy vọng những ai đang có ý định gap year sẽ có một cái nhìn thực tế và đầy đủ hơn để chuẩn bị thật tốt cho trải nghiệm này.
<i>Photo by K B on Unsplash</i>
Photo by K B on Unsplash

1. Sự đánh đổi về thời gian

Trong phần này, mình tạm phân định ra 2 khái niệm của thời gian đó là thời gian xã hộithời gian cá nhân.
Thời gian xã hội có thể được hiểu là những những cột mốc thời gian mà tại đó những quy chuẩn, yêu cầu xã hội đòi hỏi bạn phải thực hiện hoặc hoàn tất một nhiệm vụ nhất định.
Ví dụ như bạn cần dành ra 4 năm để hoàn thành bậc cử nhân. Sau đó tiếp tục là 2-3 năm để ổn định sự nghiệp, và rồi sau đấy sẽ kết hôn, con gái thì nên ở độ tuổi 26 hoặc 27, con trai thì tầm 30... bla bla các thứ như thế mình tạm gọi là thời gian xã hội.
Thời gian xã hội chính là một trong những yếu tố đầu tiên bạn phải chú ý đến, bởi lẽ, bạn sẽ không thể tránh được việc mất một khoảng thời gian đáng lẽ ra bạn sẽ phải dành cho việc mà xã hội yêu cầu bạn phải làm tại thời điểm đó. Nếu quyết định gap year, bạn sẽ chậm hơn các bạn bè đồng trang lứa nếu so sánh trên thang đo thời gian xã hội.
Lấy ví dụ về trường hợp của bản thân mình, nếu xét trên thang đo thời gian xã hội, hiện tại mình phải là sinh viên năm 4. Nhưng mà giờ đây mình chỉ mới một lần nữa bước vào ngưỡng cửa đại học với tư cách là một cô sinh viên năm nhất mà thôi. Tức là mình đã chậm mất 3 năm so với các bạn đồng trang lứa.
Khi có thể dũng cảm nhìn nhận được vấn đề như cách trên thì bạn sẽ có thêm nhiều dữ liệu hơn để tự đặt cho mình dấu chấm hỏi liệu bạn có sẵn sàng đầu tư thời gian để đánh đổi hay không. Đồng thời việc hiểu được sự chảy trôi của thời gian xã hội cũng rất cần thiết bởi lẽ nó giúp ta có cái nhìn thực tế về những giá trị khác đang tồn tại song song, giúp ta không bị ngắt kết nối với hiện tại cũng như tạo nên động lực để ta phần nào cố gắng hơn.
<i>Photo by Aron Visuals on Unsplash</i>
Photo by Aron Visuals on Unsplash
Thế nhưng mình cũng nhận thấy rằng việc suy nghĩ quá nhiều về thời gian xã hội cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều bạn vẫn còn ngần ngại để đưa ra quyết định gap year. Bởi lẽ, hiện nay, trong một xã hội mà mọi thứ luôn vận động quá nhanh, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy áp lực và e sợ việc bản thân bị bỏ lại phía sau, chỉ 1 hay 2 tháng thôi cũng đã là một vấn đề rất lớn huống chi tính đến đơn vị năm. Vậy nên, lời khuyên cũng như cách mình đã tự áp dụng với bản thân để có thể vượt qua nỗi sợ ấy, đó chính là hãy hướng suy nghĩ về thời gian cá nhân nhiều hơn.
Mình cho rằng mỗi người chúng ta khi sinh ra đều được trao cho những quỹ thời gian khác nhau. Có người sẽ sống lâu, có người sẽ sống ít hơn. Có người sẽ thành công sớm, có người thậm chí đến cuối đời cũng không hiểu thành công là gì. Vậy nên, chúng ta sẽ đều có những cách riêng để sử dụng khoảng thời gian ấy và tự quyết định sẽ tận dụng nó như thể nào trên con đường của chính mình. Do đó, nếu thiết lập suy nghĩ như thế bạn sẽ thôi việc so sánh tốc độ của mình với người khác, không quan trọng ai đi nhanh hơn, hay đi chậm hơn, và thậm chí cũng chẳng thể so sánh được bởi lẽ giờ đây mỗi người đều có một quỹ đạo, một điểm đích riêng để tiến đến.
Bản thân mình thì khi đưa ra quyết định cũng đã cân nhắc đến cả 2 yếu tố thời gian trên. Mình hiểu việc này không chỉ đơn thuần là chậm đi 3 năm ở trường Đại học mà sau này các kế hoạch hay công việc khác của bản thân cũng có thể chậm hơn so với các bạn đồng trang lứa. Việc hiểu được như thế khiến mình có động lực hơn để cố gắng. Mình không trốn tránh vấn đề này bởi lẽ có một thời gian khi mình ngại và e sợ không muốn nhắc đến nó, mình cảm thấy buồn và tự ti vô cùng khi so sánh với người khác. Thế nhưng mình nhận ra khi mình thoải mái đón nhận nó, mình không còn xem nó là áp lực nữa mà thay vào đó, đây trở thành một lẽ tự nhiên mà mình phải chấp nhận. Ngoài ra như đã đề cập ở trên, mình chủ yếu tập trung hướng suy nghĩ vào thời gian cá nhân, điều này giúp mình giảm thiểu thời gian bận tâm và lo lắng về những áp lực đồng trang lứa.
Thời gian là tuyến tính, nó chỉ có một chiều và cứ mãi chảy trôi về phía trước. Việc tận dụng thời gian như thế nào sao cho hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào cách nhìn nhận của mỗi cá nhân ở ngay tại thời điểm đó.

2. Tinh thần và sức mạnh ý chí

Như mình đã từng đề cập ở bài viết trước, khi gap year, chúng ta sẽ có nhiều thời gian trống hơn cho chính mình và đây cũng chính là con dao 2 lưỡi cực kỳ nguy hiểm. Nhiều bạn cho rằng nhờ những khoảng thời gian trống đó, chúng ta sẽ có thêm thời gian để chăm sóc, quan tâm bản thân. Điều đó không sai, thế nhưng nó chỉ đúng với ai biết kiểm soát thời gian tốt và để đạt được điều đó thì một trạng thái tinh thần ổn định và một sức mạnh ý chí là 2 điều không thể thiếu vắng.
Mình nghĩ đa phần chúng ta hay xem gap year là một sự giải thoát, là một sự trốn chạy, thế nhưng, không thể chỉ vì khi gap year, bạn sẽ được tạm xa rời những ''ôm đồm'' thì điều này cũng đồng nghĩa với việc là bạn có thể hoàn toàn cắt đứt được những áp lực từ những yếu tố ngoại cảnh. Áp lực khác rời đi, thì những vấn đề khác sẽ kéo đến để ''thế chỗ", đó có thể là những lo lắng về thời gian, những sự bàn tán, hoài nghi từ gia đình, xã hội, hay là từ những suy nghĩ bất ổn do chính bạn tự tạo ra.
Và rồi khi không rèn cho bản thân một tinh thần biết vực dậy, biết chống chọi với những áp lực đấy, thì khoảng thời gian trống tưởng chừng vô cùng lý tưởng sẽ trở thành những khoảng thời gian mà trong đó bạn bị cuốn vào vòng xoáy của những áp lực, lo sợ.
Gap year chỉ đơn thuần là một trải nghiệm, nó không phải là liều thuốc thần kỳ để xóa tan những âu lo, phiền muộn của bạn, mà chính bạn phải là người tự thân hành động và tận dụng khoảng thời gian gap year để đập tan đi những nỗi lo âu ấy bên trong mình. Do đó trước khi đi đến quyết định, hãy xem thử liệu bạn có sẵn sàng đối phó với những áp lực xung quanh đấy hay không, và rồi bạn có đủ khả năng, tinh thần và sức mạnh để vượt qua những trở ngại đấy hay không.
Đối với những bạn gap year để rẽ sang một con đường mới, chuyển ngành, chuyển trường hoặc bắt đầu một công việc thì có lẽ quyết định này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Khi giờ đây gap year không chỉ đơn thuần dừng ở việc tạm ngưng mà còn là về việc phải bắt đầu một hành trình mới như thế nào. Do đó, lúc này, áp lực sẽ cộng dồn với áp lực. Việc trang bị một sức khỏe tinh thần giờ đây sẽ càng cần thiết hơn bao giờ hết.
<i>Photo by Clem Onojeghuo on Unsplash</i>
Photo by Clem Onojeghuo on Unsplash
Đối với trường hợp của mình, trong khoảng thời gian gap year. Mình cũng đã đi đến quyết định chuyển trường, chuyển ngành. Mình tự ôn thi để quyết tâm thi lại. Trong khoảng thời gian ấy, mình liên tục rơi vào trạng thái lo âu, nản lòng, mình hoài nghi về bản thân mình và liên tục thấy năng lực của chính mình thật yếu kém. Thế nhưng có lẽ vì mình đã quyết định tin vào lựa chọn của bản thân vậy nên mình luôn cố gắng tìm cách để thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực đó, mình cố gắng khiến tinh thần mình không quá bị tuột dốc bằng cách tự xây dựng niềm vui cho bản thân chứ không chờ đợi hay phụ thuộc vào ai cả. Mình muốn chịu trách nhiệm với những quyết định của chính mình và dám đứng ra đương đầu với những khó khăn đó.
Thế nhưng, đừng vì nghe mình than nhiều quá mà trở nên tá hỏa nhé, thật ra việc rèn luyện một trạng thái tinh thần hay chinh phục sự bền bỉ không quá khó, chẳng qua bạn có chịu dành thời gian để nghiêm túc thực hành hay không thôi. Mình cũng không phải tự dưng có thể biết cách tự vượt qua những khó khăn trong ngày 1 ngày 2, phải qua rất nhiều lần lăn lộn, nhào nặn, té ngã thì mình mới dần có thể hình thành được thói quen như thế.
Với cả, thật ra, bạn cũng không cần phải chịu đựng một mình như cách mình đã từng làm. Thành thật thì mình không khuyến khích cách này cho lắm, bởi lẽ, nếu không quen thì bạn sẽ dễ bị nhấn chìm ngay từ những lần đầu. Vậy nên nếu bạn quen biết những người bạn, người anh chị đã có kinh nghiệm thì mình khuyến khích bạn nên tìm đến họ để chia sẻ, để giải bày và tâm sự. Đôi khi việc này cốt không phải là để xin lời khuyên hay giải pháp gì cả, chỉ đơn giản là việc có một người lắng nghe và biết họ sẽ phần nào hiểu cho những quyết định của mình thì cũng đã là may mắn lắm rồi.

3. Sự ủng hộ

Khi đưa ra quyết định gap year hãy đảm bảo có ít nhất một nhóm người ủng hộ bạn, đó có thể là gia đình, người thân hay bạn bè. Và đương nhiên rồi, nhóm đầu tiên và theo mình cũng là nhóm quan trọng nhất đó chính là gia đình, nhóm đối tượng này có thể vô cùng bất ngờ và có phần hoang mang khi lắng nghe quyết định từ bạn, thế nhưng hãy hiểu và cảm thông cho họ, bởi lẽ chỉ đơn giản là vì họ quá yêu thương và lo lắng cho tương lai của bạn.
Bản thân mình trước khi đưa ra quyết định gap year, mình đã từng có suy nghĩ khá non nớt và có phần hống hách rằng rằng mình chả cần ai ủng hộ cả, miễn là bản thân mình thấy thoải mái và tin vào việc mình đang làm là được. Do đó nếu không ai hiểu hay chấp nhận cũng chẳng sao. Thế nhưng, khi trải qua giai đoạn ''chiến tranh lạnh'' với ba mẹ thì mình mới khát khao cái cảm giác được như chấp nhận và được ủng hộ biết bao.
<i>Photo by Helena Lopes on Unsplash</i>
Photo by Helena Lopes on Unsplash
Mình còn nhớ khoảng thời gian khi mình nói với ba mẹ về quyết định gap year thì ba mẹ shock cực kỳ. Ba mẹ mình là người vô cùng truyền thống, họ luôn mong mình sớm ra trường, tìm một công việc ổn định, lập gia đình. Thế nên việc mình đưa ra quyết định như thế khiến ba mẹ buồn lắm. Đặc biệt là ba của mình, khoảng thời gian đầu ba thậm chí không thể chấp nhận, có khoảng 1 tháng hơn sau đó ba giận đến mức chả nói chuyện với mình một lời nào.
Việc này khiến mình thấy có lỗi vô cùng, mình không thể làm gì nếu nếu như mình biết quyết định và việc làm của mình gây buồn lòng cho những người mà mình yêu thương. Mình không muốn ba mẹ vì một hành động của mình mà lúc nào cũng trong trạng thái lo lắng và suy nghĩ quá nhiều cho tương lai của mình.
Do đó, mình nhận ra rằng vấn đề chỉ được hóa giải một khi mình giúp ba mẹ hiểu cho quyết định của mình. Mình hiểu rằng khi đó, việc này không chỉ giúp mình nhận được sự ủng hộ cho ba mẹ mà còn giúp ba mẹ an tầm hơn về bản thân mình. Mình đã cố gắng kiên nhẫn với ba mẹ, mình cho họ thời gian để chấp nhận cũng như cố gắng thuyết phục để ba mẹ có cái nhìn thoáng hơn. Thay vì nói quá nhiều, mình chọn chứng minh bằng hành động nhiều hơn, mình cố gắng thể hiện cho ba mẹ thấy rằng dù trong hoàn cảnh mình có quyết định thế nào thì mình sẽ luôn nghiêm túc và có khả năng chịu trách nhiệm cho những quyết định mà mình đặt ra. Và rồi, cuối cùng ba mẹ cũng đã lựa chọn đặt niềm tin và sự ủng hộ vào đứa con gái có phần ''ương bướng'' này ^^.
Còn về phía bạn bè thì mình khá may mắn, khi cũng được nhiều bạn bè ủng hộ tại thời điểm ấy. Thế nhưng, đối với mình, bản thân và gia đình vẫn luôn là 2 nguồn hậu phương quan trọng nhất, bởi lẽ, mình nhận ra rằng, khi bản thân tạm dừng bước để gap year, thì bạn bè của mình vẫn đang tiếp tục bước đi trên con đường của họ. Vậy nên lúc này, giữa tụi mình đã ngắt đi một điểm chung kết nối rồi, do đó, không phải lúc nào họ cũng có thể ủng hộ hay ở bên để động viên mình.

4. Kế hoạch

Cái này mặc dù khá hiển nhiên nhưng mà thà nhắc lại còn hơn bỏ sót. Bởi lẽ, mình biết rằng đâu đó, cũng sẽ có những trường hợp ngáo ngơ ''tay không đánh giặc'' như mình để rồi bị sập hố trong một khoảng thời gian.
Thật ra lúc đưa ra quyết định gap year, mình không hề có một kế hoạch cụ thể gì cả, mình không biết chính xác phải làm gì tiếp theo nữa. Do đó, mình mất khoảng vài tháng để thực sự thích nghi, làm quen cũng như xây dựng được một lộ trình mà bản thân cần tuân theo. Mình thấy khoảng thời gian trôi qua như thế có phần lãng phí bởi lẽ mình biết nếu nghiêm túc dành thời gian suy nghĩ trước đó thì mình đã có thể tận dụng thời gian một cách hiệu quả hơn.
<i>Photo by Glenn Carstens-Peters on Unsplash</i>
Photo by Glenn Carstens-Peters on Unsplash
Vậy nên, hãy cố gắng xây dựng một kế hoạch, dù là ngắn hạn hay dài hạn, dù là chung chung hay chi tiết, chí ít bạn cũng cần phải biết những bước đầu tiên bạn cần và nên làm gì. Ít nhất bạn cũng cần có cái nhìn bao quát trước tiên về chặng đường bạn chuẩn bị chinh phục. Đừng trì hoãn, đừng chờ đợi đến khi bắt đầu gap year rồi mới ''vắt chân lên cổ'' để cố liệt kệ một mớ danh sách những việc cần làm, nếu không biết cách xoay sở tốt có khi lúc đấy bạn sẽ chẳng thể làm được việc nào mà thay vào đó mớ công việc đấy có thể sẽ ''giải quyết'' bạn luôn đấy :>
Tuy nhiên chặng đường gap year sẽ là chặng hành trình chứa đựng đầy rẫy những bất ngờ. Bạn sẽ không thể nào tiên liệu trước được tất cả, do đó đừng cố kiểm soát mọi thứ hay lúc nào cũng buộc bản thân phải tuân theo một nguyên tắc rập khuôn. Thay vào đó, đôi khi hãy cho phép những điều mới đến với bạn, và hãy thử sức chúng. Bởi lẽ, bạn chỉ đang gap year thôi mà nhỉ :))

5. Tiền bạc

Thẳng thắn thừa nhận đi nào, dù bạn có quyết định tiếp tục học, hay tạm thời gap year để nghỉ ngơi thì bạn sẽ đều phải tốn một khoảng tiền cho việc tồn tại trên cõi đời này. Nếu tạm dừng việc học, bạn có thể tiết kiệm một khoảng chi phí đáng lẽ sẽ được dành ra để đóng tiền học phí, tiền trọ, thế nhưng những khoảng tiền cho việc ăn uống, sinh hoạt cá nhân hằng ngày sẽ không thể nào cắt giảm hoàn toàn. Chưa kể đến những trường hợp gap year để chuyển sang một con đường khác thì bạn sẽ phải cần thêm một nguồn tiền để đầu tư cho chặng đường sắp tới.
Vậy nên, dù thế nào đi nữa, cũng phải luôn đủ thực tế để cân nhắc đến yếu tố tài chính trước khi quyết định gap year. Bạn có thể đi làm để kiếm thêm thu nhập, hoặc nếu may mắn được bố mẹ hỗ trợ về mặt tài chính thì thật sự rất tuyệt vời. Mình thì thuộc trường hợp thứ 2 và mình rất biết ơn vì ba mẹ đã chấp nhận quyết định của mình, và hỗ trợ mình về mặt kinh phí. Tuy nhiên, vì hiểu được những khó khăn tài chính nhất định mà ba mẹ phải gồng gánh để chăm sóc mình, trong khoảng thời gian gap year, hay thậm chí khi đã trôi qua, mình đều học cách tiết kiệm mỗi ngày. Trước đây, mình chủ yếu nói mồm là giỏi chứ chưa thực sự bắt tay vào để tiết kiệm chi tiêu và quản lý nó một cách cẩn thận. Nhờ có gap year, trong khoảng thời gian đó, mình liên tục ở bên cạnh ba mẹ nên có thể quan sát và thấy rõ được sự vất vả của ba mẹ trong việc kiếm ra từng đồng tiền. Do đó, mình mới thật sự nghiêm túc hơn để xây dựng một lối sống tiết kiệm cho bản thân, mình hạn chế việc mua sắm không cần thiết và học được cách trân trọng hơn những món đồ của mình.

6. Mục tiêu

Điều cuối cùng nhưng chắc chắn cũng là điều quan trọng nhất. Đây sẽ là nền móng vững chắc để bạn giải quyết hay tìm cách đương đầu với những vấn đề đã được mình đề cập ở trên. Cần phải trả lời được liệu tại sao bạn muốn gap year? Liệu gap year có thật sự cần thiết? Và liệu nếu không gap year thì có thể giải quyết được vấn đề đó hay không? Chỉ khi nào thật sự bình tĩnh và tự rạch ròi các câu trả lời thì bạn mới có thể đi đến quyết định cho riêng mình. Đừng lấy câu chuyện của mình hay của một ai đó rồi tự tham chiếu vào trường hợp của bản thân, bởi lẽ, về bản chất có thể chúng ta đang cùng trải qua một trải nghiệm. Thế nhưng, câu chuyện của bạn sẽ khác câu chuyện của mình, lý do của chúng ta khác nhau và mỗi cá nhân sẽ đều có một mục tiêu riêng để hướng đến.

Kết

Chắc là sau khi đọc xong thì một số bạn sẽ nghĩ rằng gap year thôi mà sao khó khăn thế, chỉ đơn giản là tạm ngưng một khoảng thời gian thôi, có cần phải phức tạp như thế không? Câu trả lời là ''không'' :> bởi lẽ thành thật mà nói, lúc mình đưa ra quyết định gap year thì mình có nghĩ nhiều đến mấy cái yếu tố mình đã đưa ra đâu, có một số thứ mình còn chả thèm bận tâm đến. Cơ mà mình tin là nếu mình biết sớm những điều này thì sẽ vẫn tốt hơn so với việc không biết gì cả ^^
Nhiều bạn hay hỏi tại sao, hay nhờ đâu mình lại đưa ra quyết định gap year thế. Mọi người mong chờ sẽ được nghe mình kể về một chất xúc tác thần kỳ đến từ một sự kiện, một câu chuyện hay một lời khuyên của ai đó. Thế nhưng thật ra chả có đâu, điều đó không tồn tại. Thành thật mà nói lúc mình đưa ra quyết định gap year cực kỳ đơn giản, không ai xúc tác, không ai tác động, mình cũng không chia sẻ việc này với ai trước đó. Chỉ là đến lúc đó mình có cảm giác đã tới lúc rồi, mình không biết gọi tên thế nào nhưng dường như có một thế lực gì đó bên trong mình thúc giục mình hãy đưa ra quyết định đi và thế rồi mình gap year luôn :)))
Mình kể điều này vì mình biết thực tế sẽ rất khác so với lý thuyết trên mặt chữ. Trường hợp của mình hay có thể của bạn sau này nữa, đôi khi lời khuyên tốt nhất lại đến từ chính sự mách bảo bên trong bản thân, vậy nên bên cạnh việc tham khảo những sự chia sẻ từ người khác, hãy cứ lắng nghe, tôn trọng tiếng lòng của chính các bạn nhé.
Cảm ơn mọi người đã đọc ạ <3
<i>Photo by Austin Schmid on Unsplash</i>
Photo by Austin Schmid on Unsplash