Mấy tuần trước, có lẽ bạn đã đọc quá nhiều về Sulli rồi, vì vậy mà mình mới đợi tới hôm nay để nói tiếp 🙂


Vài tuần trước Choi Jin Ri - nghệ danh Sulli, một idol kpop đã tự kết liễu cuộc sống của mình. Với những người chưa biết Sulli là ai, mình xin mạn phép nói vài lời về Sulli như thế này: Sulli là cô gái xinh đẹp, và là một người hứng chịu nhiều chỉ trích nhất nhì Hàn Quốc. Cuộc đời của cô gái này, đã có thể kể ra cả trang giấy, thậm chí cả quyển sách, thế nhưng đáng tiếc là bây giờ nó chỉ còn vẻn vẹn hai dòng trên thôi.  Có điều dường như mọi người quên mất vế sau rồi thì phải.
“tâm thần, nổi loạn”, đó là điều người ta sẽ nói về Sulli nếu cô ấy còn sống. Mình không phải fan của Sulli nên không biết cô ấy tài năng thế nào, tính tình ra sao, chỉ biết rằng Sulli từng bị rất chỉ trích rất nhiều. Nếu là một idol bình thường, có lẽ họ đã bị đuổi khỏi công ty và rời showbiz rồi. Nhưng Sulli là một trường hợp ngoại lệ. Đám đông không có tí uy quyền nào lên cô gái này cả. Sau bao lần chỉ trích, thì cô ấy vẫn trơ trơ ra, vẫn xinh đẹp, vẫn rạng rỡ như thường. 
Thấy vậy, người chỉ trích vẫn cứ chỉ trích, Sulli mạnh mẽ, cứng đầu vẫn đối đầu với nó, cho đến khi cô ấy thua cuộc. 
“Xinh đẹp, bạc mệnh” đó là điều người ta nói về Sulli khi cô ấy không còn nữa. Vào tuần đó, đã có rất nhiều bài báo nói về Sulli. Họ đổ lỗi cho bệnh tình của Sulli, rằng cô có bất ổn tâm lý, hay công ty quản lý thiếu quan tâm đến sức khoẻ nhân viên. Họ tiếc cho cô ấy, tội nghiệp cho Sulli, không ngờ rằng chuyện lại tệ đến mức này.
Dường như, họ không hiểu rằng vấn đề không phải nằm ở cô ấy hay công ty quản lý, vấn đề nằm ở chỗ cách ta đang đối xử với cô ấy. Khi đọc những bài viết người ta dành cho Sulli sau này, phản ứng đầu tiên của mình, lạ thay, là bất ngờ: Tại sao chúng ta có thể giả tạo như thế? Vài tháng trước, ta vẫn còn vô tư chỉ trích Sulli thì nay lại bố thí sự tiếc thương như những người cao cả. Mình tự hỏi những người từng chỉ trích cô liệu họ có thấy tội lỗi khi nghe tin? Càng nghĩ, thật ra chẳng có ai sẽ chịu trách nhiệm cho cái chết của Sulli cả. Một dòng chữ nhỏ vu vơ làm sao có thể giết cô ấy được. Điều buồn nhất là dù có quay ngược thời gian lại, chúng ta cũng sẽ chẳng làm gì để thay đổi kết cục của cô gái ấy.
Nhưng đã đến lúc rồi, để nhận ra, có lẽ chính chúng ta, dư luận đã đẩy cô ấy vào kết cục đó.
Đây không phải là câu chuyện về một nữ thần tượng Kpop, đây là câu chuyện về cách chúng ta đang phán xét người khác.

Tất nhiên, bạn có thể chẳng quan tâm Sulli là ai, làm gì, nhưng kết cục của Sulli chính là hậu quả của cách chúng ta phán xét người khác.
Ai cũng hăm hở để phán xét cả, như mình đang viết bài này, hay như bạn soạn một comment đăng facebook. Chẳng phải phần lớn bình luận mà ta từng đăng đều mang tính chất ‘nói cho sướng mồm’ sao? Chưa có thời nào mà có thể dễ dàng bày tỏ quan điểm cá nhân như ngày nay nhờ có mạng xã hội. Để soạn thảo một dòng status hay một comment rồi đăng lên chỉ tốn vài giây. Ông bà ngày xưa từng khuyên: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.” nay tiện lợi đến mức chưa kịp suy xét thì tay đã nhanh hơn não mà đăng lên mất rồi.
 Khi đăng chủ yếu là để thoả mãn cái nhu cầu được lắng nghe, được giãi bày của bản thân chứ ít khi ta nghĩ đến cảm nhận của người nhận. Nhưng sau cái chết vì tự tử của hàng loạt idol và nghệ sĩ, đã đến lúc, ta phải thay đổi, phải nghĩ xa hơn về sức nặng của ý kiến cá nhân. 
Những bình luận chỉ trích Sulli, ai dám nói là họ sai. Nhưng đúng là chưa đủ. Từ giờ, khi đã biết một lời nói của ta cũng là vũ khí chết người, thì ta phải thận trọng hơn nữa. Đến lúc chúng ta phải chịu trách nhiệm về lời ăn tiếng nói của mình, dù là trên mạng hay ngoài đời; dù là dành cho những người của công chúng hay một kẻ lạ mặt nào đó trên mạng xã hội. Nếu muốn phán xét, hãy viết một cách mang tính xây dựng, góp ý. Còn nếu chỉ muốn thoả mãn cái nhu cầu chỉ trích một người, thì bạn có thể viết ra note, rồi tự xoá đi.

Cuộc đời có một nghịch lý là, mặc dù chẳng ai có nghĩa vụ phải giúp đỡ, khuyên nhủ bạn cả, thế nhưng người ta vẫn thích nói ra nói vào chuyện của người khác. Chuyện của Sulli là chuyện về một con người bị miệng lưỡi người đời thao túng. Người ta càng chỉ trích, càng mắng chửi, cô ấy càng nổi loạn. Tất nhiên, phản hồi của xã hội vẫn có giá trị nhất định của nó. Nếu bỏ ngoài tai những lời ấy, thành công thì gọi là bản lĩnh, thất bại thì trở thành kẻ vô cùng mê muội, ngông cuồng. Thế nên lời đàm tiếu của thiên hạ ta vẫn phải nghe chứ. Chỉ là, qua chuyện của Sulli, nếu có rút ra được ý nghĩa gì thì mình nghĩ: trên đời, người thật sự quan tâm, để ý đến bạn để dành lời khuyên chân thành thì ít, còn những kẻ lắm lời, ba hoa thì nhiều, vì vậy đừng vì những bình luận đó thao túng, tổn thương bạn.
Nếu có thể quay lại thời gian, à mà cũng chẳng làm được nên mình chả nói làm gì. Nhưng ngay tại hiện tại này, điều ta có thể làm, đó là cẩn thận một chút, tử tế một chút với bình luận của ta về người khác. Để bảo vệ người khác ta phải có trách nhiệm với lời nói của mình, còn để bảo vệ bản thân, ta đừng nên quá xem trọng lời nặng nhẹ của của người khác.
Ở Spiderum, một nền tảng phát triển về mặt tranh luận, bày tỏ quan điểm, mình thấy điều này càng nên cần được ý thức. Ai đã từng dợm tay lên bàn phím định phản biện một ai đó đều biết rằng tỏ ra cà khịa, thách thức thì dễ còn viết sao cho mang tính xây dựng, góp ý, tranh luận lành mạnh thì khó. Vạn sự khởi đầu nan, chúng ta đừng để cái chết của Sulli trở nên vô nghĩa.

blog của mình :)